Asean trong cơn sóng gió

clip_image001

Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) vừa có bài nhìn vào vai trò của Thủ tướng Hun Sen để xem xét ảnh hưởng của lãnh đạo Campuchia tới đường hướng tương lai của khối.

Tháng 11 tới đây, Campuchia với tư cách đương kim Chủ tịch Asean sẽ chủ trì Hội nghị thượng đỉnh Đông Á với sự tham gia của cả Chủ tịch Trung Quốc lẫn Tổng thống Hoa Kỳ.

Tờ báo có uy tín đặt tại Hong Kong nhận xét: "Sau thất bại lịch sử hồi tuần trước... giới ngoại giao khu vực đang đặt câu hỏi liệu Hun Sen có gây thêm bất đồng nữa hay không".

Tuần trước, Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong, nhân vật kỳ cựu trong nội các của ông Hun Sen, bị một số nước trong khu vực cáo buộc là 'theo đuôi Trung Quốc' và phá hỏng cơ hội đưa ra được lập trường chung của Asean về Biển Đông.

Điều này cũng dẫn tới quan ngại rằng quá trình đàm phán giữa Trung Quốc và Asean về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông có thể sẽ gặp trục trặc.

Các nước Asean tuy vậy cũng đưa ra được một bản nguyên tắc gồm sáu điểm về Biển Đông, sau nhiều nỗ lực của Ngoại trưởng Marty Natalegawa của Indonesia, nhưng không ngăn được ông Hor Namhong tiếp tục chỉ trích "hai nước Asean" mà ông không nói tên nhưng ai cũng biết là Việt Nam và Asean Philippines.

Chia rẽ trong nội bộ của khối lúc này càng tỏ ra sâu sắc.

SCMP cho rằng ủng hộ của ông Hun Sen là tối cần thiết để giảm bớt căng thẳng nội bộ Asean.

'Bàn tay sắt cuối cùng ở Á châu'

Thủ tướng Hun Sen được một số người tặng cho danh hiệu 'Bàn tay sắt cuối cùng ở Á châu' do đã duy trì được quyền lực trong một thời gian dài. Có lúc hung hăng, nhiều khi mâu thuẫn và khó dự đoán, ông Hun Sen không phải một chính khách kinh điển nhưng cũng không ai có thể xem thường sự khôn khéo của ông.

Là một tay cờ vua lão luyện, ông Hun Sen còn được xem như người biết chơi các nước cờ độc giữa các nước lớn hơn, luôn giữ các láng giềng của mình trạng thái hơi mất cân bằng.

"Tôi ghét nhất và cũng chán nghe nhất là luận điệu rằng Campuchia ngả theo Trung Quốc và bị ảnh hưởng bằng cách nào đó. Thật là sai lầm".

Thủ tướng Campuchia Hun Sen

SCMP nhận xét rằng trong những năm gần đây, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại - viện trợ và quân sự lớn nhất của Campuchia, nhưng Hun Sen cũng thành công trong cải thiện quan hệ với Washington, với kết quả là Ngoại trưởng Hillary Clinton vừa hứa sẽ tăng viện trợ cam kết cho Phnom Penh.

"Tuy nhiên, quan hệ giữa Hun Sen với nhà bảo trợ cũ là Việt Nam thì u ám hơn nhiều."

Từng là chỉ huy quân đội của Khmer Đỏ, lên đến chức Phó trung đoàn trưởng, và bị mất một mắt trong trận đánh chiếm Phnom Penh tháng 4/1975, ông Hun Sen đã rời bỏ hàng ngũ Khmer Đỏ sang Việt Nam. Hà Nội đã huấn luyện và đặt ông vào chính quyền mà Việt Nam tham gia lập nên ở Campuchia.

Năm 27 tuổi, Hun Sen trở thành Bộ trưởng Ngoại giao trẻ nhất trên thế giới. Nay ông là Thủ tướng giữ chức lâu năm nhất ở Đông Nam Á.

Tháng Tư vừa qua, Hun Sen bác bỏ cáo buộc rằng ông theo Trung Quốc.

Ông nói: "Tôi ghét nhất và cũng chán nghe nhất là luận điệu rằng Campuchia ngả theo Trung Quốc và bị ảnh hưởng bằng cách nào đó. Thật là sai lầm".

Thế nhưng tuyên bố đó cũng không thể xóa tan nhận định của giới quan sát và nghiên cứu, rằng Trung Quốc đang tìm cách vận động Campuchia để phá khối đoàn kết Asean.

Các phát biểu và hành động của Campuchia và Trung Quốc chỉ làm nhận định đó sâu thêm.

Trung Quốc đã lên tiếng ca ngợi thành công của hội nghị Phnom Penh, nói rằng Bắc Kinh được sự ủng hộ của nhiều nước tham gia.

Hoàn cầu Thời báo thì mỉa mai Manila và Hà Nội đã 'bẽ mặt' khi không thành công trong nỗ lực đánh động dư luận về các hành động khẳng định chủ quyền của Trung Quốc và gọi hai nước này là "gây sự".

SCMP cho hay đã có nỗ lực trong các ngoại trưởng Asean nhằm đạt được thông điệp mạnh mẽ hơn về Biển Đông, trong khi Campuchia mà đại diện là Ngoại trưởng Hor Namhong kiên quyết bảo vệ quan điểm không cho vào thông cáo chung các chi tiết nói về tranh chấp vì "thiếu đồng thuận sẽ ảnh hưởng thông cáo chung".

clip_image002

Trung Quốc đã nỗ lực vận động Campuchia ủng hộ lập trường của mình

Theo báo Hong Kong, trước các cảnh báo của ông Hor Namhong, không khí trong phòng họp "trở nên đầy xúc cảm". Một nguồn tin cho hay Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario thậm chí còn dẫn lời mục sư Đức Martin Niemoller nói về sự nguy hiểm của việc không có hành động gì cả.

Khi nói về quá trình mà phát xít Đức (Nazi) thoạt tiên truy sát phe cộng sản mà không bị ngăn, sau chuyển sang nhắm vào giới hoạt động công đoàn và rồi đến người Do Thái, ông Niemoller bình luận: "Rồi chúng sẽ tìm đến tôi, và chẳng còn ai để mà can gián cho tôi nữa".

Quan hệ nhạy cảm

Ông Hor Namhong kiên định thái độ của ông tới nỗi sau 18 lần sửa chữa văn bản và cho dù cả Việt Nam và Philippines đều đã có nhượng bộ, ông vẫn không đồng ý mà cầm giấy tờ đi ra khỏi phòng.

SCMP đặt ra câu hỏi về quan hệ giữa Campuchia và Việt Nam với nhận định rằng mối quan hệ này, đặc biệt giữa hai quân đội, vẫn rất sâu sắc và bền chặt ngay cả khi Hun Sen tăng cường giao hảo với Trung Quốc.

Thất bại về bản thông cáo chung vừa rồi ở Phnom Penh có phải là chỉ dấu cho sự sụp đổ trong quan hệ Hà Nội - Phnom Penh hay không? Vì Thủ tướng Hun Sen chắc chắn phải biết rằng tranh chấp Biển Đông là một trong các chủ đề nóng nhất của ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ngoài ra, cho dù đôi khi có căng thẳng với người Khmer sở tại, cả triệu người Việt vẫn đang sinh sống hay làm ăn tại Campuchia.

Ông Ian Storey, một nhà nghiên cứu chiến lược Á châu tại Singapore, được dẫn lời bình luận rằng Việt Nam chắc chắn đang 'hộc máu' vì giận Hun Sen, rằng ông Thủ tướng đang đặt quan hệ với Trung Quốc lên trên quan hệ với Việt Nam một cách rõ rệt như vậy.

Vì dù gì thì gì, quan hệ Campuchia-Việt Nam vẫn là một trong số ít quan hệ nhạy cảm và mang tính chiến lược hàng đầu khu vực.

Nguồn: bbc.co.uk

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn