Tham nhũng: lỗi con người hay lỗi cơ chế?

Nguyễn Duy Vinh (Douala, Châu Phi)

Mỗi lần nói đến hai chữ tham nhũng là tôi lại nhớ đến lời tuyên bố “bất hủ” của ông cựu chủ tịch nhà nước VN Nguyễn Minh Triết (NMT) nói trước 800 đại biểu Việt kiều họp tại Hà Nội năm 2010:

“…Chúng ta từ một nước trong chiến tranh, chưa có những cái kinh nghiệm trong quản lý, và ở nước người ta đó thì muốn tiêu cực, muốn tham nhũng cũng khó, vì hệ thống luật pháp nó chặt chẽ. Còn ở Việt Nam của mình, thì có khi không muốn tham cũng động lòng tham, cái người thủ quỹ cứ giữ tiền khư khư, ở quỹ lúc nào cũng có số dư, cho nên lúc bí quá thì em mượn một chút, mượn không thấy ai đòi hết, thì em mượn thêm. Chứ không phải người Việt Nam tham nhũng nhứt thế giới, không phải vậy! Cho nên tui đề nghị quí vị ở nước ngoài khi nghe những thông tin này, rồi nhìn về Việt Nam cũng đừng có hốt hoảng, cứ nghĩ rằng trong nước mình tiêu cực quá... Mấy hồi sao mấy ổng oánh giặc sao giỏi thế ? Mà bây giờ ổng tiêu cực thế... Đây là quy luật muôn đời. Con người ta, trong mỗi người, ai cũng có hỉ, nộ, ái, ố hết chơn. Chúng ta là con một nhà, là con Lạc, cháu Hồng, cùng một bọc trứng sinh ra, trên thế giới này ít nơi nào có cái đó lắm..." (Hết trích).

Lần đó [1] tôi rất ngạc nhiên vì không ngờ một vị chủ tịch nước mà lại có thể có một lời phát biểu có tính cách đùa cợt như vậy về một vấn nạn lớn của đất nước dẫu biết rằng ông cựu chủ tịch nước này quê trong Nam và người Nam thì luôn có cách ăn nói rất bộc trực. Gần đây tôi thấy có một vụ án tham nhũng lớn ở Việt Nam mà cách lấy tiền có vẻ khá giống như lời tuyên bố của ông NMT. Đó là vụ một thiếu nữ nhân viên tín dụng ngân hàng Vietibank, cô Huỳnh Thị Huyền Như, trong lúc “bí quá đã thò tay vô mượn”, và mượn làm nhiều lần một số tiền rất lớn. Số tiền cô gái mặt hiền như “ma sơ” này “mượn” lên tới 4.000 tỉ đồng VN (khoảng 200 triệu đô la Mỹ). Một số tiền vô cùng lớn gây sốc trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại cũng như cộng đồng mạng trong nước. Tuy nhiên gần đây ông NMT đã có vẻ “tỉnh ngộ” hơn và câu tuyên bố mới đây nhất của ngài cựu chủ tịch nước nghe có phần đúng đắn hơn [2], về cái nhìn mới của ông về vấn nạn tham nhũng ở Việt Nam:

“Ngày xưa tham nhũng chưa nhiều như bây giờ và nó có mức độ. Nhưng bây giờ tham nhũng tràn lan” – nguyên chủ tịch nước nói. “Giấu ai chứ không giấu dân được đâu. Nhìn vào cuộc sống của vợ anh, của con anh người ta biết hết. Không cải tiến tiền lương, lên diễn đàn từ ông lớn dến ông nhỏ đều bảo không đủ sống, nhưng vợ con thì đề huề, người ta nhìn vô không phục. Theo tình hình này, ở Bắc Phi, Trung Đông, lãnh đạo các nước tham nhũng, lòng dân không yên thì người ta nổi lên. Tương tự kịch bản thì Việt Nam nếu không quyết liệt chống tham nhũng thì cũng khó tránh khỏi, tôi nói với anh Nguyễn Phú Trọng và anh Tư Sang là các ông đừng chủ quan. Cần phải trị được bài tham nhũng này để lấy lại niềm tin trong nhân dân”…

Và tham nhũng tiếp tục tràn lan trong nước. Những số tiền dính vào các vụ đại án tham nhũng hiện nay trong nước là những con số khổng lồ. Từ vụ án ông Dương Chí Dũng với những số tiền dính líu lên tới nhiều triệu đô la Mỹ cho đến vụ án bầu Kiên (còn trong vòng điều tra) mà việc thất thoát chắc chắn sẽ không nhỏ. Các vụ án gần đây cho thấy những gì đã xảy ra trong quá khứ hình như đang được diễn lại như một cuốn phim. Những bài bản của cuốn phim tham nhũng này xác định những mẫu số chung mà tôi đã giải trình trong bài tôi viết vào năm 2012 [1], nay xem lại vẫn còn thấy hiện đại. Tôi chép lại dưới đây một đoạn của phần kết luận bài viết này:

…“Một mẫu số chung thứ nhất là phần lớn những người nắm giữ những chức năng quan trọng này phải là những đảng viên của Đảng Cộng Sản VN có tuổi đảng cao hoặc có công trạng và thành tích cách mạng. Khi lên nắm giữ những chức này, họ lại được cho phép nắm giữ quyền quản lý những số tiền (quỹ chi tiêu) rất lớn. Mẫu số chung thứ hai là những người tham nhũng này thường cùng nằm chung chỗ và họp thành nhóm, nghĩa là có một sự thông đồng từ trên xuống dưới trong cùng một tổ chức hay cùng một tập đoàn. Tức là ít khi họ dám lạm quyền một mình mà ngược lại họ thường hùa với nhau thành một nhóm để cùng chia chác vơ vét. Mẫu số chung thứ ba là phần lớn những vụ tham nhũng thường là những vụ cướp đất đai để chia chác và thường xảy ra ở nhiều vùng địa phương trong đó các quan chức địa phương huyện và xã của các Ủy Ban Nhân Dân nắm quyền sinh sát trong tay. Mẫu số chung thứ tư là luật pháp VN không được chặt chẽ, thống nhất và nghiêm minh. Thời gian phạt tù quá nhẹ và thay đổi tùy vùng xử án. Mẫu số chung thứ năm là có vẻ (tôi không dám quả quyết) các quan chức VN coi Trời bằng vung. Hầu hết ai có quyền chức và nắm giữ những số tiền chi tiêu lớn đều có máu tham. Thành ra vì lá nhiều và không xịt thuốc sâu, sâu cứ bò ra khắp nơi trên cây và thi nhau tha hồ ăn lá và mạnh ai nấy ăn, một tình trạng tham nhũng trầm trọng đang lan rộng trong các ngành khắp nơi trong nước”…

Trong bài viết năm 2012 tôi có đặt hai câu hỏi về nguồn gốc của tham nhũng, và biện pháp chống tham nhũng, và có hẹn sẽ bàn thêm về hai đề tài này. Hôm nay nhân dịp đầu năm con Ngựa tôi lại xin bàn thêm đôi chút về hai câu hỏi này.

Nguồn gốc tham nhũng, theo tôi, rất phức tạp. Câu nói ở VN chúng ta thường nghe thấy là: lỗi con người hay lỗi cơ chế? Tôi thì luôn nghĩ là lỗi cả hai và tôi lại thêm vào là có cả xã hội dự phần nữa. Con người không hoàn toàn (nhân vô thập toàn) mà cơ chế thì luôn lỏng lẻo tạo ra những hoàn cảnh thuận lợi cho cái ác phát sinh. Riêng tính thiện và ác thì đã được bàn đến cả hơn ngàn năm nay. Ông triết gia Tàu Tuân Tử bảo “nhân chi sơ tính bổn ác”, ông Mạnh Tử thì cả quyết là không, “nhân chi sơ tính bổn thiện”. Theo Duy Thức Học của đạo Phật và dựa trên những bước tiến của tâm lý học cận đại thì con người sinh ra đã có đủ những điều kiện tâm thần thiện và ác và tùy vào xã hội nơi con người sinh trưởng và lớn lên, con người có thể trở thành hiền lành và tử tế hay hung dữ và bất lương. Đã có rất nhiều luận án nghiên cứu về tâm lý học giải thích sự liên quan giữa những hình ảnh đầy bạo lực trên tivi Mỹ và tính hung bạo của trẻ con Mỹ ngày nay, nhất là những đứa bé cả ngày ngồi chầu trước tivi. Trẻ con Mỹ, theo thống kê gần đây, mất rất nhiều thì giờ xem tivi. Các nhà tâm lý học và các nhân viên lo về xã hội tin chắc chắn rằng những phim và chương trình có nhiều hình ảnh bạo lực trên tivi có ảnh hưởng trực tiếp đến tính tình và sức khỏe của các em sau này. Những đứa bé có bố mẹ biết chăm sóc và biết lo cho chúng nó từ lúc sơ sinh thường thì đa số trở thành những công dân tốt và thành công trong xã hội.

Xã hội như thế có ảnh hưởng đến cách sống và nhân cách con người. Nói một cách tổng quát thì tâm thức chúng ta luôn bị đời sống gia đình, bè bạn và xã hội khống chế. Trẻ con nào may mắn được đẻ ra và lớn lên trong một xã hội hiền hòa, trong đó quyền sống và quyền mưu cầu hạnh phúc của người dân được bảo đảm và trong đó những quyền tự do căn bản được xã hội và một nhà nước pháp quyền bảo vệ thì những trẻ con đó có nhiều cơ hội sống hạnh phúc và trở thành những người tốt hơn là những đứa bé sinh ra trong những xã hội đảo điên và đạo đức suy đồi.

Sự liên quan giữa con người và hoàn cảnh xung quanh là chiếc dây liên kết hun đúc làm nên cá tính, nhân cách và văn hóa của con người. Ở đây tôi tạm ghi lại câu chuyện ông Mạnh Tử là nếu bà mẹ ông Mạnh Tử không tỉnh thức sớm biết dời nhà đi chỗ khác tốt lành hơn để con mình được tránh xa những cám dỗ xấu xa lúc đó thì ông đã không trở thành ông Mạnh Tử, một nhà triết gia nổi tiếng của Tàu sau này.Trên thực tế ngày nay, sự cám dỗ làm hư trẻ con đầy dẫy, nhất là với những phương tiện truyền thông và việc sử dụng Internet hiện tại. Làm bố mẹ ngày nay chắc chắn có nhiều thách thức hơn xưa rất nhiều. Gia đình phải là cái phao đầu tiên. Sự hiện diện và sự dạy dỗ thường xuyên của người bố người mẹ trong gia đình rất cần thiết. Hạnh phúc của cha mẹ là một món quà rất lớn tặng cho đứa con. Thêm vào đó phải có một nền giáo dục tốt và những thầy cô dạy bảo tận tâm. Chính những nhà giáo cũng phải có một số lương tối thiểu để có thể để hết tâm trí vào việc dạy dỗ học sinh (thay vì còn phải lo đi kiếm tiền thêm ngoài giờ dạy). Nhà nước phải tích cực lo việc an sinh cho người dân được chu toàn, để người dân không còn phải lâm vào cảnh “đói ăn vụng, túng làm liều”.

Về cơ chế thì pháp quyền phải được thực thi công bằng và minh bạch. Phải làm mọi cách để tiêu diệt cái văn hóa “chạy chức chạy quyền và chạy tội” trong xã hội VN ngày nay. Và một việc mà nhà nước phải làm để cải thiện cách cai trị hiện nay là tha bổng ngay tất cả những người đang bị giam cầm vì bất đồng chính kiến. Sự có mặt của việc bất đồng chính kiến rất quan trọng và rất cần thiết trong một xã hội văn minh trong đó tiếng nói người dân được tôn trọng và bảo đảm. Theo các tin trên mạng, việc tôn trọng nhân quyền trong nước hiện nay không được nhà nước VN áp dụng đúng đắn. Vẫn còn rất nhiều cảnh công an lộng quyền bắt nạt hoặc đánh đập dân, thêm vào nhiều cái “văn hóa đàn áp mới” gần đây như dùng mắm tôm, dùng cưa đá hay giật băng rôn là những việc làm coi thường dân không thể chấp nhận được ở thế kỷ 21. Mọi việc làm trong định hướng chủ nghĩa xã hội nếu chỉ chú trọng vào ổn định kinh tế không thôi sẽ không đủ và chắc chắn sẽ đưa đến thất bại. Người dân (tự do), gia đình (êm ấm), và xã hội (an lành) là những yếu tố quan trọng bảo đảm sự thi công sức lao động của con người. Sức lao động cao thì kinh tế tự nhiên sẽ phát triển.

Phải cho báo chí được tự do và độc lập hoàn toàn [3]. Báo chí tự do là một công cụ chống bất công chống tham nhũng rất hiệu lực.

Và cuối cùng, nhà nước phải tạo điều kiện cho những tôn giáo lớn như Phật giáo và Thiên Chúa giáo được phát triển tự do. Tôn giáo rất cần cho đời sống tâm linh của con người. Nó là cái phao lớn giúp con người vươn lên trên mọi khổ đau. Nó là cách sống dựa trên lòng yêu thương và sự đùm bọc giữa người và người. Nó là nền tảng đạo đức của dân tộc Việt Nam từ bao nhiêu ngàn năm, từ bao nhiêu thế hệ cha ông. Nhà nước không thể vì tư duy ông Mác ông Lê mà quên đi những tuệ giác đã gắn liền với sự sống còn của dân tộc Việt Nam oai hùng qua bao cơn thử thách. Phải cho vào chương trình giáo dục VN những tinh hoa về tư duy của đạo Phật và đạo Chúa. Phải chỉ cho các em thấy có nhiều cách sống đạo đức khác rất cao cả chứ không phải chỉ có một tư duy độc nhất của chủ nghĩa Mác Lê.

Làm được những điều trên, nhà cầm quyền không cần phải tốn tiền mua thuốc trừ sâu. Sâu không còn chỗ nương náu sẽ tự chết dần chết mòn. Cây lá sẽ đâm chồi nẩy lộc. Tương lai Việt Nam sẽ hùng mạnh và tươi sáng hơn.

-------------

[1] http://boxitvn.blogspot.ca/2012/01/au-nam-rong-tan-man-ve-hai-chu-tham.html

[2] http://motthegioi.vn/tieu-diem/nguyen-chu-tich-nuoc-nguyen-minh-triet-tham-nhung-dang-de-doa-che-do-39532.html

[3] http://boxitvn.blogspot.ca/2012/02/ba-nguyen-nhan-khien-cho-viet-nam-khong.html

N.D.V.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn