Văn hoá “tượng đài”

Tô Văn Trường

Văn hóa "Tượng đài" mới du nhập vào Việt Nam từ thời Pháp. Các cụ mình ngày xưa thường xây đền, miếu để thờ những người có công với làng, với nước. Đây là văn hóa cổ truyền gắn liền với với tín ngưỡng của tổ tiên và tôn giáo (Thánh giáo, rất phổ biến ở ta) có từ nghìn đời.

Hồ Chí Minh là nhà yêu nước vĩ đại, là một người nhiệt thành theo chủ nghĩa dân tộc đã góp phần quan trọng giành độc lập cho đất nước từ tay người Pháp. Cụ là một người giản dị, khiêm nhường, cái giản dị khiêm nhường của một người thấm nhuần sâu sắc văn hóa và đạo lý Đông Tây. Bởi thế, dân chúng Việt Nam kính trọng Cụ và đương nhiên cũng muốn có những bức tượng Cụ để chiêm ngưỡng và tôn vinh. Tuy nhiên, việc dựng tượng Cụ Hồ cũng có nhiều điều phải bàn. Không biết Bộ Chính trị và Ban bí thư chỉ đạo thế nào nhưng xem ra việc dựng tượng Cụ Hồ đang bị lạm dụng vào những mục đích khác nhau.

Và ở thế giới bên kia Cụ Hồ có vui không khi biết con cháu cứ đua nhau lập dự án dựng tượng mình trong khi đất nước sau 40 năm thống nhất còn đang lặn ngụp trong vùng nước “kém phát triển” trong khi hàng triệu người dân còn kiếm ăn từng bữa? Phải chăng tượng đài trong lòng dân là bền vững nhất!

Quan niệm về làm tượng đài

Có nhiều ý kiến khác nhau về quan niệm làm tượng đài. Nguyễn Trãi từng viết :”Hiếu đại chóng tiêu vong”. Bertolt Brecht là nhà thơ, nhà soạn kịch, đạo diễn sân khấu nổi tiếng người Đức (1898-1956) có nguyện vọng khi ông mất chỉ cần chôn ở bên trên có tảng đá xù xì đề rõ tên họ ngày sinh và mất là đủ vì ông cho rằng cuộc đời mỗi người không ai là nhẵn nhụi chỉ xù xì ít hay nhiều mà thôi.

Tượng đài là một nhu cầu về văn hóa của nhiều nước trên thế giới. Việt Nam ta có truyền thống làm tượng để thờ (tượng Phật, tượng Thánh) chứ mục đích chính không phải là tượng nghệ thuật. Điều đó gắn liền với văn hóa tôn thờ, và sùng bái cá nhân. Tôn thờ, tôn giáo thì không có gì xấu, nhưng sùng bái cá nhân là điều đã bị thế giới phê phán, vì nó để lại những hệ lụy không hay cho sự phát triển xã hội. Vì vậy khi làm tượng đài cũng nên lưu ý đến điều này.

Nếu tượng đài là nhu cầu về văn hóa thì nên làm theo hướng “xã hội hóa”, phù hợp với hoàn cảnh kinh tế xã hội và sự tham gia tự nguyện của dân về đóng góp kinh phí cũng như tham gia vào thiết kế mỹ thuật. Nó tương tự như việc xây dựng chùa chiền, cơ sở văn hóa địa phương. Việc này một mặt tạo điều kiện cho người dân tham gia tỏ lòng thành, mặt khác tạo điều kiện thể hiện đúng theo nguyện vọng của văn hóa địa phương.

Ở nhiều nước, việc xây dựng tượng đài vĩ nhân cũng rất đơn giản, chỉ đặt ở nơi thật cần thiết nhưng người dân vẫn luôn ghi nhớ. Gần đây nhất là ông Lý Quang Diệu - cha già lập quốc Singapore thịnh vượng hàng đầu thế giới, toàn bộ những công trình hạ tầng, những thành tựu kinh tế và sự phồn thịnh rực rỡ ngày nay của đất nước Singapore chính là tượng đài rực rỡ nhất của ông Lý Quang Diệu.

Ở nước ta, ngay tại Hà Nội trước Cách mạng Tháng tám có rất nhiều tượng đài do Pháp xây dựng (như tượng đài Tượng thần Tự do trên nóc Tháp rùa, sau chuyển xuống vườn hoa bên bờ hồ Hoàn Kiếm) đã bị phá bỏ. Nhiều tượng đài do chính quyền Sài Gòn xây dựng ở miền Nam, sau năm 1975 cũng bị số phận tương tự
như vậy. Trên thế giới đầy rẫy những ví dụ tượng đài bị phá bỏ do diễn biến của thời cuộc, vì phụ thuộc vào ý nghĩa chính trị một thời.

Việc xây tượng đài cho Hồ Chủ tịch là việc cần làm nhưng chỉ nên nên lựa chọn một vài địa điểm thật hợp lý, như Làng Sen, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là đủ rồi,
như thế vừa đỡ tốn kém trong hoàn cảnh kinh tế xã hội của quốc gia còn nghèo nàn lại phù hợp với ý nguyện của Cụ Hồ cả về tư tưởng lẫn đạo đức, như Di chúc Cụ để lại, mà những người có trách nhiệm lại không làm theo đấy là điều thật đáng trách. Hồ Chí Minh là vĩ nhân, lúc sinh thời Cụ không bao giờ muốn mình trở thành hư danh.

Sự kiện xây tượng đài Bác Hồ ở Sơn La gây nên “cơn bão” trong công luận cả báo chính thống và mạng xã hội là điều hiển nhiên. Thủ tướng Chính phủ đã vào cuộc yêu cầu UBND tỉnh Sơn La báo cáo việc đầu tư đề án này, làm rõ những nội dung báo chí phản ánh và gửi Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15-8.

Bài học rút ra ở đây là gì?

Dư luận chung cho rằng việc tôn thờ Bác thì ít, nhưng lợi dụng thì nhiều, vì vậy  ta phải "định hướng lại" nhận thức xã hội bằng dư luận trên cơ sở văn hóa truyền thống đích thực của dân tộc trước hết là thay đổi nhận thức của những người đề xuất đua nhau xây tượng đài. Đất nước đang gặp nhiều khó khăn, nợ công, nợ xấu đại vấn đề, trong khi còn đầy rẫy những trường học, bệnh xá, cơ sở hạ tầng phục vụ thiết thực cho dân sinh xếp hàng chờ vốn, nhiều hộ dân còn chạy vạy bữa đói, bữa no. Chất lượng cuộc sống và hệ thống an sinh xã hội cho người dân vào loại thấp nhất thế giới.

Tượng đài Bác Hồ ở Sơn La chỉ là giọt nước tràn ly (kể cả những dự án “trên mây” khác như Bảo tàng Lịch sử Quốc gia 11.277 tỷ đồng) , vì nhìn lại nhiều công trình đầu tư trên cả nước thuộc lĩnh vực giao thông, xây dựng rất hoành tráng chưa khánh thành hoặc mới đưa vào vận hành đã hư hỏng phải sửa chữa, trong lúc ngân sách quốc gia bội chi hơn 100 ngàn tỷ (4,5 tỷ USD). Công sở hoành tráng mọc lên như nấm trong khi cả nước đang lo “kéo cày trả nợ” thậm chí đi vay để trả nợ!

Lãnh đạo tỉnh Sơn La đã họp báo giải trình Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc gồm các hạng mục tượng đài Bác Hồ; trung tâm hành chính tỉnh; bảo tàng; kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư;… nhưng tài liệu công bố không thể hiện việc xây dựng trung tâm hành chính tỉnh?

Nhà báo Kim Dung/ Kỳ Duyên bình luận “Phải nói rằng, trong lúc kinh tế- nợ công và bội chi (lạm phát)- đều quá mức so với thời điểm năm trước, thiên tai, lũ lụt khiến dân các tỉnh khốn đốn, mà đưa ra đề xuất một Dự án 1400 tỷ đồng quả là có gì đó không đạo lý. Mình tin, cụ Hồ không bao giờ mong muốn  con cháu phải khổ sở vì mình. Tố Hữu có câu thơ chí lý: Mong manh áo vải hồn muôn trượng/ Hơn tượng đồng phơi những lối mòn. Nhưng bây giờ, thời của Dự án, các tỉnh quên… sạch rồi “.

Các Văn bản đáng suy ngẫm

Tỉnh Sơn La dựa vào văn bản số 8462-CV/VPTW ngày 15/8/2014 chỉ đạo của Ban bí thư đồng ý về chủ trương xây tượng đài Bác Hồ ở Sơn La.

Một vị trưởng thượng nguyên bộ trưởng, ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng nói thẳng với người viết bài này nguyên văn như sau: ” Lâu nay đã thành nếp, cứ chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban bí thư là "bất khả xâm phạm". Các vị ấy cũng là "người" cả, chứ có phải "thánh" đâu! Nếu có ai thống kê những sai lầm của Bộ Chính trị - Ban bí thư từ trước tới nay thì không biết phải bao nhiêu trang giấy khổ A4 đấy  nhỉ? Họ thường nói "lấy dân làm gốc", sao không hỏi dân? Và nếu hỏi dân Sơn La và yêu cầu họ "góp tiền để xây nên" thì mới  đúng chứ!”.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban bí thư, Chính phủ đã có công văn số 2124/TTg ngày 30/10/2014 (do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký) xét đề nghị của các Bộ Văn hóa thể thao & Du lịch, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài chính đồng ý bổ sung tượng đài Bác Hồ ở Sơn La với quy mô nhóm A2. Ông Vương Duy Biên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao & Du Lịch cũng đã nói rõ Văn bản làm thủ tục trình Thủ tướng bổ sung quy hoạch không phải là đồng ý với dự án và con số 1400 tỷ đồng. Đề án do tỉnh Sơn La xây dựng và quyết định còn Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch chỉ tham gia về mẫu tượng. Ông Biên cho biết theo quy hoạch, tượng Bác Hồ ở Sơn La thuộc nhóm A2, tương tự các tượng đã làm ở một số địa phương và kinh phí làm tượng chỉ khoảng trên dưới 100 tỉ đồng.

Ngày 6/8/2015, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 6176/VPCP-KTN do Phó  chủ nhiệm Văn phòng Nguyễn Văn Tùng ký, thông báo ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc xây dựng Tượng đài “Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc” tại thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.

Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo, UBND tỉnh Sơn La chỉ được tiến hành khởi công xây dựng Tượng đài “Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc” khi bảo đảm các điều kiện cần thiết theo quy định, trong đó có việc phải báo cáo Ban Bí thư phê duyệt mẫu tượng đài và xác định rõ nguồn vốn.

Tìm hiểu rõ hơn thì ngay từ năm 2012 theo công văn số 5546/VPCP ngày 26/7/2012 do Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Hữu Vũ ký gửi Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La nêu rõ ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân : ”Bộ Văn hóa thể thao & Du lịch chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La báo cáo Bộ Chính trị -Ban bí thư xin ý kiến về việc xây dựng tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc ở tỉnh Sơn La, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung vào quy hoạch tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh.”

Một tỉnh nghèo như Sơn La chuyên đi xin trung ương hỗ trợ từ nhiều năm nay thực chất cũng là tiền thuế của dân. Cả nước có khoảng 62 huyện nghèo (theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP), trong đó Sơn La có tới 5 huyện là Sốp Cộp, Phù Yên, Bắc Yên, Mường La và Quỳnh Nhai. Các vị quan chức muốn có Dự án, xin đừng khéo đổ đó là nguyện vọng và tình cảm của nhân dân.

Thay cho lời kết

Đất nước muốn phát triển cần những cái đầu kỹ trị chứ không phải là đất nước của chỉ thị, sắc lệnh. Người dân không thể tưởng tượng nổi còn tới 58 đề xuất xây dựng tượng đài Bác Hồ? Cả nước đã có 101 tượng đài Hồ Chủ Tịch trong khuôn viên, trụ sở cơ quan và 31 tượng đài ở trung tâm hành chính, chính trị. Việc quy định xây dựng các hạng mục công trình công cộng thuộc thẩm quyền của tỉnh dù là bất kỳ nguồn nào cũng là mồ hôi công sức của dân cần phải tính toán kỹ lưỡng, phù hợp với hoàn cảnh kinh tế xã hội của tỉnh.

Sau những lãng phí vô cùng tận của bảo tàng Hà Nội, của những văn miếu Vĩnh Phú… thì việc lợi dụng lòng tôn kính Cụ Hồ để vẽ ra những công trình “văn hóa” này khác đang là điều “phản văn hóa” đến mức độ nhức nhối. Chưa nói đến việc các bức tượng Cụ Hồ cứ na ná giống nhau, thiếu sáng tạo nên ít gây ấn tượng về góc độ thẩm mỹ. Phải chăng tượng đài trong lòng dân là bền vững nhất!

TV.T.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn