Ai đánh mất lòng tin

Nguyễn Quang A

image Lòng tin của người dân vào chính phủ là một nhân tố hết sức quan trọng trong phát triển đất nước. Người dân là người đánh giá và đưa ra phán xét về chất lượng của mối quan hệ gữa họ và chính phủ. Họ đánh giá chủ yếu trên cơ sở: công việc thực của chính phủ liên quan đến họ (thí dụ, lạm phát đụng trực tiếp đến mọi người); và thông tin về những công việc khác của chính phủ (như thông tin về Vinashin hay bauxite, chẳng hạn).

Ngày xưa người ta thường dùng báo chí do chính phủ kiểm soát để đưa thông tin (thường là ca ngợi) về công việc của chính phủ và thông tin đôi khi không trung thực. Nhưng người dân khó kiểm chứng, nên có khi lòng tin của họ là mù quáng.

Nay có nhiều kênh thông tin hơn, thông tin có thể truyền đi một cách rộng rãi và dễ dàng hơn, người dân dễ kiểm chứng hơn. Thông tin tô hồng hay không chính xác có thể hủy hoại lòng tin của người dân vào chính phủ, có thể làm chính phủ mất uy tín trầm trọng. Chính vì thế cách tốt nhất để giữ lòng tin, giữ tín nhiệm là cung cấp thông tin trung thực, chính xác và kịp thời.

Hãy ngẫm về thông tin mà những người có trọng trách đưa ra về Vinashin và về khai thác bauxite mấy ngày qua.

Có đại biểu quốc hội hỏi, Vinashin thực nợ bao nhiêu? 120.000 hay 130.000 tỷ đồng? (so với báo cáo trước 86.000 tỷ đồng thì tăng khoảng 1,5 lần). Ít nhất đã có 2 ông Bộ trưởng “tâm tư” về cái khó của Bộ mình liên quan đến Vinashin và lỗi được đổ cho bên dưới hoặc đẩy lên cho chính phủ.

Nhưng chính phủ là ai? Theo luật, chính phủ gồm: Thủ tướng Chính phủ; các Phó Thủ tướng; các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Không có cái chính phủ chung chung. Vài ba ông trong số đó phải chịu trách nhiệm, và việc biện bạch, “né tránh” trách nhiệm chỉ làm mất uy tín của chính phủ, làm xói mòn lòng tin của người dân vào chính phủ mà thôi. Nếu Quốc hội cũng hành xử theo kiểu “dĩ hòa vi quý”, nêu trách nhiệm chung chung, thì cũng sẽ góp phần làm mất lòng tin và uy tín đó.

Dư luận hết sức quan tâm đến vấn đề xử lý bùn đỏ ở Tây Nguyên sau sự cố vỡ đập hồ bùn đỏ ở Hungary.

Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường trấn an “chúng tôi bảo đảm hồ bùn đỏ ở Tây Nguyên an toàn”, chúng tôi làm khác Hungary, hồ chứa bùn đỏ gồm các lô rất nhỏ chỉ 5ha, vân vân.

Rồi người dân có thể kiểm chứng được ngay: mỗi lô có diện tích 14-16ha chứ không phải 5ha; công nghệ xử lý bùn đỏ giống như của Hungary; công suất của riêng nhà máy Tân Rai lớn gấp 2,6 lần của nhà máy gặp nạn của Hungary (và lượng bùn đỏ thải ra mỗi năm sẽ gấp 1,2 x 2,6 =3,12 lần mức của nhà máy ở Hungary).

Hành động và phát ngôn như vậy của các thành viên chính phủ chỉ làm chính phủ mất uy tín, làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào nhà nước và rất tai hại cho sự phát triển của đất nước.

N. Q. A.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Bài đã đăng trên Beenet nhưng bị cắt mất nhiều ý quan trọng. Đây là bản gốc.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn