Thuế quan toàn cầu: Trump có làm tái hiện thảm họa kinh tế tương tự năm 1930?

Minh Anh

Ngày 02/04/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo áp hàng loạt mức thuế cao nhắm vào hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ. Giới chuyên gia lo lắng biện pháp bảo hộ mậu dịch này của ông Trump có nguy cơ dẫn đến suy thoái kinh tế, giá cả tăng vọt, cũng như leo thang trả đũa lẫn nhau. Trong viễn cảnh này, liệu tổng thống Trump có đang lặp lại sai lầm của năm 1930: Kinh tế Mỹ và thế giới suy sụp do đạo luật Smoot - Hawley gây ra?

Donald Trump ngày 15/10/2024 phát biểu: «Đối với tôi, từ ngữ hay nhất trong từ điển là thuế hải quan. Đó là những từ ngữ tôi thích nhất. Thuế hải quan càng cao, chúng ta càng có nhiều cơ may các doanh nghiệp đến lập cơ sở tại Mỹ để không phải bị trả thuế hải quan. Còn có một lý thuyết khác cho rằng thuế hải quan càng cao, càng khủng khiếp, càng tệ chừng nào, các doanh nghiệp càng đến lập cơ sở nhanh chừng ấy. Khi tôi thông báo mức thuế hải quan là 10%, chỉ có 10% thôi, con số này chiếm đến nhiều trăm triệu đô la. Tất cả những điều này là nhằm giảm mức thâm hụt cán cân thương mại của Mỹ !»

McKinley: Thần tượng của Donald Trump!

Tổng thống Trump luôn tin rằng áp thuế hải quan có thể làm cho «Nước Mỹ giàu có» trở lại. Niềm tin này được thể hiện rõ qua việc ông hay viện dẫn William McKinley như một điển hình. Năm 1890, khi vẫn còn là dân biểu Hạ Viện, William McKinley (trở thành tổng thống năm 1897) đã cho thông qua đạo luật «McKinley Tariff Act» khắc nghiệt, áp thuế đến 50% giá trị hàng hóa nhập khẩu.

Jean-Baptiste Velut, giáo sư trường đại học Sorbonne Nouvelle, chuyên gia về lịch sử kinh tế - chính trị Mỹ, trên đài phát thanh France Culture (28/01/2025), đưa ra hai luận điểm giải thích vì sao tổng thống Trump xem McKinley như một «thần tượng».

«Thứ nhất, điều thú vị ở đây là xem cách thức chính quyền Trump, kể cả bản thân ông Trump cũng như cựu cố vấn thương mại Robert Lighthizer lấy cảm hứng và sử dụng lịch sử bảo hộ mậu dịch Mỹ như thế nào để chứng tỏ rằng cuối cùng những điều cấm kỵ về chủ nghĩa bảo hộ trong nhiều năm trước đã làm cho người ta không biết đến toàn bộ truyền thống bảo hộ của Mỹ đã tạo nên sức mạnh kinh tế của Mỹ.

Điểm thứ hai, đó là khía cạnh hoài niệm của Donald Trump, vốn thích so sánh mình với nhiều tổng thống khác. Tôi tin rằng việc chọn tổng thống McKinley không phải là vô tình. Không những đây là một vị tổng thống theo chủ nghĩa bảo hộ mà còn là một người có tham vọng đế quốc. Và do vậy, điều đó giúp Donald Trump, ở một hình thức nào đó, biện minh cho những tham vọng bành trướng lãnh thổ của mình, đối với kênh đào Panama, hay quần đảo Groenland ngày nay».

Smoot - Hawley Act và cuộc Đại Khủng hoảng

Nhưng có lẽ ông Trump cũng quên rằng, thuế hải quan đã từng nhấn chìm nước Mỹ vào một trong những thảm họa kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử đất nước: Khủng hoảng kinh tế 1930 do «Smoot-Hawley Tariff Act» gây ra, đưa nước Mỹ vào thời kỳ Đại Suy Thoái.

Ngược dòng thời gian, Hoa Kỳ trong những năm 1920 có nền kinh tế khá thịnh vượng. Đó là «những năm 20 sôi động», tỷ lệ thất nghiệp thấp, tăng trưởng cao và ngành công nghiệp phát triển mạnh. Duy chỉ có một lĩnh vực có nhiều dấu hiệu suy yếu: Nông nghiệp.

Theo giải thích của ông Sebastien Jean, giáo sư kinh tế tại CNAM, cộng tác viên cho Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS), với trang HuffingtonPost, «Ngành nông nghiệp Mỹ trong suốt những năm 1920 cho thấy có dấu hiệu trì trệ do giá cả sụt giảm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ cấu ngành bởi sự biến động của những năm tháng chiến tranh. Trước đó là quãng thời gian mà ngành nông nghiệp Mỹ phát triển đáng kể, chủ yếu là vì phải nuôi sống châu Âu, đang trong cảnh chiến tranh (Đệ nhất thế chiến). Nhưng khi chiến tranh kết thúc, châu Âu đã lấy lại sản xuất và ngành nông nghiệp của họ rơi vào tình trạng dư thừa sản xuất kéo dài

Giới nông gia Mỹ rơi vào khủng hoảng kinh tế. Để ứng phó, Quốc hội Mỹ năm 1922 thông qua luật Fordney - McCumber, lần đầu tiên tăng thuế hải quan, nhưng chỉ giới hạn ở hàng công nghiệp. Ông Herbert Hoover, thuộc Đảng Cộng hòa, khi vận động tranh cử đã dùng lại ý tưởng được hậu thuẫn bởi những người vận động hành lang cho các nhà sản xuất nông nghiệp, cho rằng nông dân đang chịu thiệt thòi do cạnh tranh quốc tế. Ông đề nghị áp thuế hải quan đối với nông sản nhập khẩu ngay khi đắc cử năm 1929.

Dưới sự thôi thúc từ hai nghị sĩ Đảng Cộng hòa là Willis Hawley và Reed Smoot, Quốc hội Lưỡng Viện đã đồng thuận về mức thuế trung bình là 40% nhắm vào khoảng 20 nghìn loại hàng hóa nhập khẩu, nhưng không chỉ đối với nông sản mà mở rộng sang cả sản phẩm công nghiệp. Quyết định này của chính quyền Hoover đã bị chỉ trích mạnh mẽ trong và ngoài nước.

Bất chấp thư ngỏ tập thể của hơn 1.000 kinh tế gia, cảnh báo rằng «việc thông qua các biện pháp bảo hộ này sẽ là một sai lầm», có thể dẫn đến tình trạng giá cả tăng cao cho người tiêu thụ, và mức sống của người dân bị sụt giảm, cũng như là sự phản đối từ khoảng 20 chính phủ các nước, dự luật Smoot - Hawley vẫn được thông qua vào đầu năm 1930.

Đại chiến thương mại thế giới và làn sóng bảo hộ mậu dịch

Đáng chú ý là văn bản luật này ra đời vào một thời điểm khá nhạy cảm: Vụ sụp đổ thị trường chứng khoán Mỹ, «ngày thứ Năm đen tối» 24/10/1929, đã bắt đầu cho thấy có những tác động đầu tiên đối với nền kinh tế Mỹ: Nhà xưởng lần lượt đóng cửa khiến hàng triệu người dân Mỹ rơi vào cảnh thất nghiệp.

Không những ngành nông nghiệp Mỹ chẳng hưởng được lợi gì từ thuế hải quan, mà chính sách bảo hộ của Mỹ đã châm ngòi cho cơn sốt bảo hộ mậu dịch. Các đối tác thương mại của Washington tăng cường trả đũa với nhiều chiến lược khác nhau, từ tăng thuế hải quan, tẩy chay, hay áp đặt hạn ngạch (quota) nhập khẩu hàng Mỹ.

Cuộc chiến thương mại này đã làm chao đảo nền kinh tế thế giới, các hoạt động trao đổi thương mại sụt giảm đến hơn 40%. Tuy nhiên, ông Eric Monnet, kinh tế gia, giáo sư sử học tại EHESS, và trường Kinh tế Paris, trên trang Economie Alternative, trích dẫn một nghiên cứu xa xưa do BarryEichengreen và Douglas A. Irwin thực hiện, nêu lên một chi tiết thú vị là cuộc chiến bảo hộ này không chỉ đáp trả Mỹ mà còn thúc đẩy các nước đi theo con đường bảo hộ giống như Mỹ.

Chỉ có điều, như ghi nhận từ Bertrand Blancheton, chuyên gia về lịch sử kinh tế thế giới, đại học Bordeaux, khi trả lời kênh truyền hình France 24, trong cuộc đọ sức này, và với việc bùng phát cơn sốt bảo hộ, tất cả các bên đều bị thiệt do tăng trưởng thế giới bị chững lại: «Chính quyền Hoover nghĩ rằng các nước khác sẽ không phản ứng, nhưng họ đã có những hành động trả đũa thương mại. Cuộc chiến thương mại thực sự này đã dẫn đến tình trạng gần như tự cung tự cấp cho đến khi Đệ Nhị Thế Chiến nổ ra

Đạo luật Smoot-Hawley, một «đạo luật kinh tế ngu xuẩn», theo như chỉ trích từ Henry Ford, nhà sáng lập thương hiệu ô tô nổi tiếng tại Mỹ, đã làm cho cuộc khủng hoảng kinh tế Mỹ 1929 thêm trầm trọng. Chính sách bảo hộ này của Mỹ được cho là một trong những tác nhân chính gây ra cuộc Đại Suy Thoái, góp phần thúc đẩy một cuộc suy thoái mới le lói xuất hiện thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu, kéo dài hàng thập kỷ.

Trump Act và sự tương đồng với các chính sách cuối thế kỷ XIX

Theo giải thích của nhà sử học Jean-Baptiste Velut, trường đại học Sorbonne Nouvelle, với trang HuffingtonPost: «đạo luật này đã có những tác động tàn phá. Bởi vì, thông qua các tác động gián tiếp, nhiều cường quốc khác, đến phiên họ, đã khép cửa thị trường của mình. Và dần dần từng chút một, kinh tế và thương mại thế giới đã bị mất đến 2/3 giá trị của mình».

Một số sử gia thậm chí còn tin rằng, «Smoot - Hawley Tariff Act» đã góp sức cho sự trỗi dậy của chủ nghĩa Đức Quốc xã, dẫn đến Đệ Nhị Thế Chiến. Tuy nhiên, nhà sử học Jean-Baptiste Velut, trên đài France Culture, cho rằng đây vẫn còn là điều gây nhiều tranh cãi:

«Một số nghiên cứu cho thấy rằng về cơ bản, khủng hoảng tài chính là gốc rễ của cuộc khủng hoảng kinh tế Mỹ và thế giới. Nhiều nghiên cứu khác quả thực chỉ ra rằng thuế quan rất cao đã làm trầm trọng thêm các vấn đề về khủng hoảng. Điều thú vị là đạo luật Smoot - Hawley đã trở thành một dạng tội đồ trong lịch sử kinh tế nước Mỹ và dưới góc độ biểu tượng, đạo luật này đã ám ảnh các cuộc tranh luận về tự do mậu dịch và nền ngoại giao Mỹ

Dù vậy, sử gia về kinh tế Mỹ, Bertrand Blancheton, trả lời France 24, cũng tỏ ra cẩn trọng khi so sánh những gì diễn ra năm 1930 với tình hình hiện nay.

«Tốt hơn là nên so sánh những gì chúng ta đang trải qua hiện nay với cuối thế kỷ XIX, từ năm 1880 đến năm 1914. Vào thời kỳ đó, Mỹ có những chính sách thương mại rất tinh vi và phân biệt đối xử. Ý tưởng là nhắm vào một quốc gia, sản phẩm cụ thể và đàm phán. Trong lịch sử kinh tế đương đại, kể từ cuộc cách mạng công nghiệp, có những thời điểm mà người ta tự do hóa và lúc khác họ siết chặt chính sách thương mại bằng cách tái lập thuế hải quan. Nhìn chung, đó là những kỳ kéo dài trong khoảng từ 30 đến 40 năm mỗi lần như thế

Trump có sẽ cùng cảnh ngộ như Hoover?

Các mức thuế quan mới mà Donald Trump đưa ra, được cho là sẽ mở ra một «thời kỳ hoàng kim» cho nước Mỹ, nhưng lại có nguy cơ khiến các hộ gia đình Mỹ sẽ phải trả giá đắt. Một thăm dò do hãng tin Anh Reuters/Ipsos thực hiện cho thấy, 70% số người Mỹ được hỏi nghĩ rằng tăng thuế hải quan sẽ dẫn đến tăng giá thực phẩm và hàng hóa tiêu dùng hiện nay.

Trong những năm 1930, tổng thống Hoover đã phải trả giá cho chính sách thuế quan. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1932, vì không thể hóa giải được những tác động của cuộc khủng hoảng, Tổng thống Cộng hòa đã bị ứng viên Dân chủ Franklin D. Roosevelt đánh bại nặng nề.

Chỉ còn 18 tháng nữa là đến kỳ bầu cử giữa kỳ, Đảng Cộng hòa cũng phần nào lo lắng vì đảng này chiếm đa số sít sao ở Thượng viện và Hạ viện. Vào lúc thị trường chứng khoán Mỹ và thế giới hoảng loạn, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn kiên định lập trường, không thay đổi chính sách thuế quan nặng nề.

Thứ Tư 02/04, khi thông báo áp mức thuế mới chống lại nhiều nước, Donald Trump đã tuyên bố rằng Đại Khủng Hoảng những năm 1930 có lẽ sẽ không xảy ra nếu như việc áp thuế quan vẫn được tiếp tục. «Vào năm 1929, mọi việc đã kết thúc đột ngột cùng với cuộc Đại suy Thoái, và điều đó có lẽ sẽ không bao giờ diễn ra nếu như họ vẫn trung thành với chính sách thuế quan, lịch sử đã có thể rất khác!»

Hơn 90 năm sau ngày ban hành luật Smoot - Hawley, liệu rằng lịch sử có sẽ tái diễn?

M.A.

Nguồn: RFI Tiếng Việt

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn