Bộ Giáo dục cần nghĩ cho chín trước khi nói…

Thái Hạo

Nguyễn Hằng

 Theo ý kiến của riêng tôi thì buổi 1 là chính khoá, còn buổi 2 thì học sinh sẽ được học thể dục, thể thao, bơi lội, đạo đức, ứng xử, đọc sách, làm việc nhóm, hội họa, nấu ăn, đàn, hát, múa, an toàn giao thông (có thể thu 1 ít phí nếu chưa có lương từ chính phủ. Các trường có thể mở rộng từ từ các hoạt động dựa trên nền tảng cơ sở vật chất hiện có). Và các lớp học này là trên tinh thần tự nguyện. Ai có điều kiện chăm sóc, dạy con thì chỉ cần học 1 buổi. Còn ai bận đi làm thì có thể gửi 2 buổi vì đó là môi trường lành mạnh và tốt hơn cho con.

Trên báo Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng khẳng định: “Đặc biệt đối với buổi 2 phải trên tinh thần tự nguyện của học sinh và phụ huynh; còn buổi một thì thực hiện các giờ chính khóa". https://thanhnien.vn/day-hoc-2-buoi-ngay-tren-tinh-than...

Tôi rất lấy làm lạ về quan điểm này của Bộ.

Thứ nhất, mục tiêu của chương trình giáo dục hiện hành, như chính Bộ GD-ĐT đã ban hành, là để học sinh “phát triển phẩm chất và năng lực”, và “phát triển toàn diện”. Vậy, Bộ phải đánh giá xem, việc học 1 buổi có đảm bảo được mục tiêu ấy không; nếu phải học 2 buổi mới “giải quyết được vấn đề” thì tại sao lại tổ chức học buổi hai “trên tinh thần tự nguyện”?

Khi mục tiêu giáo dục do chính Bộ đề ra mà chưa/ không đạt được, thì trách nhiệm của Bộ là phải tìm mọi cách để hoàn thành. Còn nói như Thứ trưởng thì hóa ra, mục tiêu chỉ là đặt ra cho có lệ sao?

2.

Thứ hai, khi Bộ nói rằng buổi 2 là trên tinh thần tự nguyện còn “buổi một thì thực hiện các giờ chính khóa", vậy bản chất của buổi 2 là gì? Là học thêm chăng? Rất không ổn.

Một khi phải tổ chức học 2 buổi/ngày thì mục tiêu giáo dục (phát triển phẩm chất, năng lực và giáo dục toàn diện) mới đạt được, thì buổi 2 cũng như buổi 1 đều phải được hiểu và thực hiện là chính khóa như nhau. Không thể hạ thấp hay coi buổi 2 chỉ là một nội dung phụ. Phải hiểu rằng, buổi 1 là lý thuyết, buổi 2 là thực hành/ buổi 1 là “học chữ”, buổi 2 là rèn luyện/ buổi 1 là kiến thức, buổi 2 là hoạt động, ... Tóm lại, 2 buổi này là 2 phương diện của cùng một chương trình giáo dục, chứ không phải là chính và phụ.

Vì hiểu như vậy sẽ rất...nguy hiểm. Cả nền giáo dục sẽ tiếp tục rối rắm và lúng túng trong việc xử lý buổi 2, đồng thời các vấn đề tiêu cực sẽ phát sinh, có khi còn trầm trọng hơn là nạn dạy thêm như đã và đang diễn ra.

3.

Quan điểm của tôi là, Bộ GD-ĐT cần có đánh giá về việc thực hiện chương trình giáo dục trong hiện tại, xem đã đạt mục tiêu giáo dục hay chưa. Nếu chưa, và sau khi nghiên cứu, tham khảo các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, thấy họ tổ chức 2 buổi/ngày thì mới đảm bảo được mục tiêu “phát triển toàn diện” cho học sinh, thì cần áp dụng.

Và, dứt khoát không được coi buổi 2 là “phụ”, là “thêm”. Phải có “phân công nhiệm vụ" giữa 2 buổi một cách khoa học, và không được biến buổi 2 thành một buổi tiếp tục nhồi nhét lý thuyết hoặc luyện thi, hoặc dạy thêm trá hình.

Buổi 2, nếu tổ chức, phải là miễn phí và hướng hẳn vào thực hành, vào các hoạt động thể thao, nghệ thuật, đọc sách, thuyết trình, làm việc nhóm... Tóm lại, để phụ huynh không còn phải chở con đến nhà thầy dạy nhạc, dạy đàn, dạy bơi nữa.

Chưa đủ điều kiện thì không áp dụng, chứ không thể nói là “trên tinh thần tự nguyện" được. Làm gì có một chương trình giáo dục mà khi triển khai, bản thân nó chưa đạt được mục tiêu do chính nó đề ra, mà bây giờ lại nói “ai muốn đạt được mục tiêu do tôi đề ra thì tự nguyện học thêm buổi nữa nhé!”.

Tóm lại, nếu việc học 2 buổi/ngày là điều kiện để đạt được mục tiêu giáo dục, thì Bộ Giáo dục và nhà nước nói chung phải đầu tư để làm tròn trách nhiệm của mình. Nói “tự nguyện” là thoái thác và không có trách nhiệm.

Như tôi tính toán, để tổ chức học 2 buổi/ngày như các nước tiên tiến, thì giáo dục Việt Nam phải đầu tư gấp 3 (tệ thì cũng phải gấp đôi) hiện trạng bây giờ. Tức là, ít nhất phải xây thêm chừng ấy trường lớp, phải tuyển thêm chừng ấy giáo viên. Bên cạnh đó, trong mỗi trường học phải có đầy đủ nhà chức năng, phòng thí nghiệm, sân chơi, bãi tập, nhà ăn, nơi nghỉ trưa...

Để đi đến hình mẫu như các nước đang làm, thì không thể chỉ dừng ở việc hô khẩu hiệu. Cần rất nhiều tiền và phải được vận hành bởi một bộ máy hiện đại, thông minh, trách nhiệm.

T.H.

Có thể là hình ảnh về văn bản cho biết 'TM Báo Thanh Niên https://thanhnien.vn Dạy học 2 buổi/ngày 'trên tinh thần tự nguyện' 2 ngày trước "Phải đảm bảo phù hợp với tâm lý lứa tuổi của học sinh. Đặc biệt đối với buổi 2 phải trên tinh thần tự nguyện của học sinh và phụ huynh; còn...'

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn