"Dự án bô-xít: Thà không vận hành còn hơn"

Phạm Huyền (thực hiện)

clip_image001

 

Ông Nguyễn Văn Ban, Nguyên Trưởng ban dự án Nhôm, Tổng công ty Khoáng sản (ảnh: Phạm Huyền)

 

(VNR500) - “Nếu bây giờ làm thì sang năm, hồ bùn đỏ cũng không vỡ ngay đâu. Nhưng có thể một ngày nào đó, con cháu chúng ta sẽ lĩnh đủ”, ông Nguyễn Văn Ban, nguyên Trưởng ban dự án Nhôm, Tổng công ty Khoáng sản, bày tỏ về dự án bô-xít Tây Nguyên.

- Thưa ông, trước kiến nghị dừng dự án bô-xít Tây Nguyên của các nhân sĩ, lãnh đạo Tập đoàn Than - Khoáng sản (TKV), Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên môi trường đã khẳng định về tính hiệu quả dự án và độ an toàn của hồ chứa bùn. Ông có suy nghĩ thế nào về các câu trả lời đó?

- Ông Nguyễn Văn Ban: Tôi nghĩ rằng, các nhân sĩ, trí thức có ý kiến nên dừng dự án bô-xít, đó là một điều băn khoăn bức bối trong giới trí thức, khoa học, lo cho vận mệnh đất nước vào thời điểm quan trọng này.

Họ trăn trở những dự án như thế này không biết có mang lại được kinh tế hay không, nếu có là bao nhiêu nhưng mà rủi ro xảy ra thì thiệt hại vô cùng lớn. Băn khoăn ấy là đúng.

Trước sự cố vỡ hồ bùn đỏ ở Hungary, tôi thấy lãnh đạo TKV, Bộ Công Thương lo lắng và rất quan tâm đến.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang nói hay Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Phạm Khôi Nguyên nói, hay bất cứ ai ở TKV phát biểu, thì người dân sẽ đều ghi nhận các cam kết ấy.

Nhưng khi các ông là nhà quản lý, dù người dân có nghe thì họ cũng vẫn cứ băn khoăn, không biết ông nói thế thì cơ sở nào để hiểu, để tin?

Trong khi, lũ miền Trung vừa xảy ra, có ai lường trước rằng miền Trung sẽ bị như vậy, cuốn cả nhà máy thủy điện, cả đập? Không ai dám chắc được, địa điểm xây dựng các hồ bùn đỏ, trong tương lai không xảy ra một trận bão lũ như ở miền Trung! Mà nếu bão lũ xảy ra, các hồ bùn đỏ này không vỡ thì cũng bị tràn. Trên thế giới cũng đã xảy ra điều ấy như Canada, Ukraina.

Thực sự mà nói, theo tôi, để yên lòng dư luận xã hội, không gì bằng việc có một hội đồng khoa học thẩm định bao gồm các chuyên gia đầu ngành đánh giá. Kết luận của hội đồng sẽ trả lời được tất cả. Như vậy, TKV được lợi, Chính phủ được lợi và dư luận yên tâm.

Còn giờ, cho dù vị lãnh đạo TKV hay quan chức nào hứa, khẳng định thì dư luận vẫn cứ nghi ngờ.

- Thưa ông, xin ông nói rõ quan điểm của ông về việc nên tiếp tục hay dừng các dự án bô-xít Tây Nguyên?

Theo tôi, Chính phủ nên thành lập một Hội đồng khoa học độc lập.

Với dự án Tân Rai, nếu kết quả thẩm tra của Hội đồng này cho thấy an toàn thì cho nhà máy Tân Rai họat động, nếu không an toàn thì bắt phải làm sao cho an toàn.

Tuy nhiên, xem xét kỹ lưỡng thì tôi thấy dự án sẽ rơi vào tình trạng: để tăng độ an toàn thì sẽ phải đầu tư rất nhiều tiền, tổng mức đầu tư dự án tăng lên và như vậy, hiệu quả kinh tế tụt xuống và có khi, không có hiệu quả.

Mà trong trường hợp ấy, vận hành nhà máy là “dở”, vì càng vận hành sẽ càng lỗ. Thà không vận hành còn hơn!

Đối với dự án Nhân Cơ, chính TKV đã cho biết rằng, rủi ro kinh tế là lớn. Chính Trưởng ban Dự án nhôm hiện nay khi trình Chủ tịch HĐQT TKV, bấy giờ là ông Đoàn Văn Kiển, đã nêu rằng, chỉ cần một vài chi phí thay đổi, thì dự án này đã không có hiệu quả.

Thế mà so với Tân Rai, dự án Nhân Cơ này có nhiều vấn đề hơn  như đường sá xa xôi, nằm ở Tây Nguyên, rồi môi trường…  Dự án  tính đến nay gần như chưa bắt đầu, mới chỉ san gạt mặt bằng thôi. Nếu thế, nên dừng dự án này.

Dừng dự án Nhân Cơ ở thời điểm này thì sẽ cứu vãn được nhiều về mặt kinh tế, còn để thi công rồi mà lại dừng thì thiệt hại rất lớn.

Bô-xít của mình, có nhiều ưu điểm nhất định, nhưng đồng thời cũng có những nhược điểm nhất định. Có lẽ, những người làm dự án chỉ biết đánh giá về những cái “ưu” mà về nhược điểm, chưa chú ý và đánh giá hết.

clip_image002

Dự án bô xít Tân Rai bị chậm tiến độ (ảnh minh họa: vustar)

- Trước đây, tính hiệu quả kinh tế của dự án bô-xít đã gây tranh cãi nhiều như đặc điểm mỏ có khai trường lớn, chất lượng quặng, phương án vận chuyển phức tạp… Đến nay, những yếu tố nào cho thấy nhìn rõ rủi ro về mặt kinh tế ở dự án, thưa ông?

Nói tới dự án Tân Rai, ban đầu, chỉ số hiệu quả kinh tế IRR là tương đối tốt. Tuy nhiên, mức đầu tư hiện tăng lên rất nhiều.

Lúc đầu, TKV tính chỉ khoảng trên 600 triệu USD rồi sau đó, chính ông Đoàn Văn Kiển Chủ tịch TKV tại cuộc họp ở Văn phòng Trung ương Đảng có báo cáo, là tổng mức đầu tư đã tăng lên 714 triệu USD.

Nhưng khi thông báo cho đoàn chuyên gia của Liên hiệp Hội khoa học kỹ thuật rằng, ban dự án của TKV đã cho biết, con số này đã lên tới khoảng 800 triệu USD.

Qua theo dõi, tôi được biết rất nhiều chi phí ở dự án này đã đều tăng lên, ví dự như chi phí đền bù trước đây là 300 triệu đồng/ha, nay, chính TKV đã thông báo đã lên 1,2 tỷ đồng/ha. Mỏ có khai trường lớn nên phạm vị ảnh hưởng lớn, diện tích đền bù nhiều.

Khâu vận tải tính bằng ôtô, dự án tính giá 1.300 đồng/tấn/km mà thực tế hiện nay cước vận tải đó đã tăng gấp đôi và sẽ càng ngày càng tăng theo giá xăng dầu.

Rõ ràng khi tổng mức đầu tư tăng lên thì hiệu quả kinh tế sẽ giảm đi và rủi ro là rất lớn.

Bên cạnh đó, dự án chậm tiến độ.

Theo hợp đồng EPC với Trung Quốc, nhà máy alumin Tân Rai giờ đã phải hoàn thành. Và đáng lẽ, khâu mỏ tuyển ít nhất cũng phải hoàn thành trước 5-6 tháng để tuyển ra tinh quặng và dùng tinh quặng ấy chạy thử nhà máy alumin.

Rất tiếc rằng, đến nay, nhà máy alumin vẫn chưa xong, dự kiến phải 1-2 tháng nữa mới xong. Nhưng đặc biệt, khâu đáng lẽ phải xong sớm là mỏ tuyển cũng chưa xong và có khả năng còn chậm hơn cả nhà máy alumin.

Và như vậy, nhà máy alumina xong trước, sẽ phải nằm chờ và cứ mỗi một tháng chờ, với tổng số tiền đầu tư lớn, phải trả lãi, mất ít nhất 6-7 triệu USD/tháng.

Tất cả những việc ấy làm cho dự án mất tính khả thi. Tất nhiên là, đến thời điểm này, không ai cho biết rõ chính xác con số là bao nhiêu. Có lẽ, phải chờ đến một ngày, người ta thẩm định, kiểm toán dự án, mới có thể biết chắc chắn tổng mức đầu tư và hiệu quả là ra sao. Nhưng khả năng rủi ro là rất lớn.

- Lợi nhuận là yếu tố hàng đầu đối với một doanh nghiệp. Như ông nói, chính TKV đã cho hay dự án Nhân Cơ có rủi ro về kinh tế, thế mà TKV vẫn quyết tâm làm. Ông có đánh giá thế nào về sự mâu thuẫn khó hiểu này?

Đó là một câu hỏi phức tạp hiện nay. Nó cũng giống như Vinashin tại sao lại đổ vỡ, lại chìm như hiện nay? Bài toán kinh tế là quan trọng nhất của một tập đoàn nhưng tập đoàn ấy có coi như vậy không?

Theo tôi, cái “quy tắc” trên thì chỉ đúng với Tập đoàn kinh tế tư nhân, tiền vốn do họ bỏ ra thì họ lo đồng tiền ấy sử dụng sao cho hiệu quả. Đồng tiền đi liền với khúc ruột, khi tiền vốn không phải của anh thì sẽ khác.

Với doanh nghiệp nhà nước thì rất phức tạp. Báo chí hay gọi là lợi ích nhóm.

Không chỉ nước mình, kể cả Anh, Mỹ hay các nước tư bản phát triển, nếu là một tập đoàn Nhà nước sau một thời gian vận hành không tốt thì cuối cùng họ đành phải bán đi, tư nhân hóa đi.

Nguồn: Vnr500

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn