An ninh Biển Đông và giải pháp thực tế

Leszek Buszynski

image

 

ề cập về các thách thức an ninh đối với khu vực Biển Đông và giải pháp thực tế cho tranh chấp tại khu vực này, giáo sư Leszek Buszynski, Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế, Trường đại học quốc tế Nhật Bản, cập nhật bài tham luận tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông tại Hà Nội tháng 11/2009 và đăng tại tạp chí “Nam Today” (Ấn Độ) như sau.

Vùng Biển Đông, trong đó có quần đảo Spratly, Việt Nam gọi là Trường Sa, Trung Quốc gọi là Nam Sa, quần đảo Paracel, tiếng Việt Nam gọi là Hoàng Sa, tiếng Trung Quốc gọi là Tây Sa và Macclesfield Bank được biết với tên gọi quần đảo Trung Sa. Thống kê chính xác số lượng các đảo ở khu vực này rất khó vì khó xác định giữa các đảo, đảo san hô vòng và đá ngầm, trong đó nhiều đảo chỉ được nhìn thấy khi thuỷ triều xuống thấp. Có số liệu thống kê cho rằng tổng số đảo là 190, trong khi có thống kê lên tới 400 đảo đá, đá ngầm và đảo, thậm chí trong thống kê khác lên tới 650.

Số đảo có người ở dao động từ khoảng 48 đến 50 đảo. Lý do chiếm giữ các đảo này có nhiều ý nghĩa bởi một số đảo có thể đồn trú lâu dài, song ở một số đảo san hô chỉ có thể đồn trú trong những thời gian nhất định trong năm; một số khác có thể có bằng chứng về sự có mặt của con người và cho đến nay vẫn được gọi là “có người ở”. Hiện tại, Việt Nam sở hữu 27 đảo và đảo san hô; Philíppin có mặt trên 8 đảo ở phần phía Đông; Trung Quốc chiếm 9 đảo, mặc dù có những thông báo con số này chỉ là 7; Malaixia chiếm 3 đảo và có mặt trên 2 đảo khác; Đài Loan chiếm 1 đảo. Cả Việt Nam và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền hầu như đối với toàn bộ khu vực quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, nghĩa là vùng yêu cầu chủ quyền của hai nước này chồng lấn lên các vùng yêu cầu chủ quyền của các nước Philíppin, Malaixia và Brunây. Đến lượt mình, ba nước này cũng lại có các khu vực nhận chủ quyền tiếp giáp lãnh thổ của họ chồng lấn nhau. Philíppin tuyên bố chủ quyền đối với nhóm đảo Kalayaan, là 1 đô thị hạng 5 ở tỉnh Palawan chồng lấn với vùng Malaixia cũng tuyên bố chủ quyền kéo dài từ 2 bang Sarawak/Sabah; Brunây tuyên bố chủ quyền kéo dài từ lãnh thổ nước này chồng lấn với các vùng mà cả Malaixia và Philíppin cũng đều nhận chủ quyền.

Việt Nam và Trung Quốc yêu cầu chủ quyền dựa trên cơ sở mối liên hệ lịch sử hoặc với lý do là nước đầu tiên phát hiện. Việt Nam đưa ra lý lẽ rằng họ có mối liên hệ lịch sử với các quần đảo họ tuyên bố chủ quyền từ thời nhà Nguyễn (thế kỷ 16-19). Việt Nam cũng đưa ra lý lẽ về chủ quyền với tư cách là chính quyền thừa kế chế độ thực dân Pháp vốn đã tuyên bố chủ quyền đối với Trường Sa hồi năm 1933.

Trung Quốc nhận chủ quyền với lý lẽ họ là nước đầu tiên phát hiện ra các quần đảo trên và đã giận dữ phản đối khi Hội nghị San Francisco tháng 9/1951 gạt bỏ quyền sở hữu của Nhật Bản đối với Trường Sa, song lại từ chối trao cho Trung Quốc.

Philíppin nhận chủ quyền đối với một khu vực liền kề Palawan trên cơ sở Tomas Cloma là người đầu tiên phát hiện ra vùng được gọi là vùng đất Nullius này. Yêu cầu của Philíppin được Tuyên bố Carloss Garcia tháng 2/1957 ủng hộ và được đưa vào trong tuyên bố của Tổng thống Ferdinand Marcos tháng 7/1971.

Malaixia yêu cầu chủ quyền đối với các vùng đã nêu dựa trên căn cứ vào thềm lục địa và đã công bố bản đồ khu vực này năm 1979. Malaixia và Philíppin đã chiếm một số đảo ở các vùng hai nước tuyên bố chủ quyền, động thái này gây phản ứng từ các nước láng giềng. Việc Tomas Cloma đòi chủ quyền đảo Kalayaan cho Philíppin năm 1956 đã khiến Chính quyền Nam Việt Nam đưa quân ra chiếm giữ một số đảo ở khu vực này. Đài Loan phản ứng tuyên bố của Tomas Cloma và cho quân chiếm lại Itu Aba hay Đảo Thái Bình mặc dù trước đó họ đã rút khỏi đảo này năm 1950.

Sau khi thống nhất năm 1975, Việt Nam bắt đầu chiếm giữ một số đảo ở Trường Sa và điều này đã làm tăng sự thù địch của Trung Quốc. Philíppin cũng chiếm giữ các đảo trong vùng biển họ khẳng định có chủ quyền bắt đầu từ tháng 3/1978 và Malaixia tuyên bố chủ quyền đối với vùng nước này nhận là của họ sau đó một năm.

Trung Quốc đã sử dụng hải quân đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa từ Chính quyền miền Nam Việt Nam năm 1974 , song lực lượng hải quân xa bờ của họ khi đó còn yếu nên không thể tiến xa hơn xuống phía Nam, hơn nữa sự có mặt của hải quân Mỹ tại Philíppin và sau đó hải quân Liên Xô đóng ở cảng Cam Ranh có vai trò như lực lượng răn đe đối với Trung Quốc. Chỉ tới khi nhà lãnh đạo Liên Xô Gorbachev bắt đầu cải thiện quan hệ với Bắc Kinh, thì Trung Quốc mới vững tâm hành động chống Việt Nam và chiếm một số đảo tại Trường Sa. Tháng 3/1988, hải quân Trung Quốc xung đột với hải quân Việt Nam tại khu vực gần đá ngầm Fiery Cross Reef, bãi Chữ thập. 3 tàu của Việt Nam bị bắn chìm cùng với 72 lính thuỷ. Khi đó, Trung Quốc chiếm 7 đảo, sau đó chiếm thêm 2 đảo nữa.

UNCLOS-YẾU TỐ QUAN TRỌNG DẪN TỚI TRANH CHẤP TẠI BIỂN ĐÔNG

Một yếu tố quan trọng dẫn tới sự tranh giành Trường Sa là do luật biển; việc thương lượng về văn kiện pháp lý này được bắt đầu từ năm 1973 và kết quả là sự ra đời của Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển – III (UNCLOS-III) tháng 12/1983. UNCLOS III cho phép các nước ven biển có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) kéo dài 200 hải lý (320 Km) tính từ đường cơ sở hoặc còn gọi là vùng thềm lục địa và quy định việc sở hữu các đảo có thể kéo dài thêm EEZ và thềm lục địa. Theo UNCLOS –III, mối liên hệ về lịch sử hay việc đầu tiên phát hiện ra không có nhiều sức nặng pháp lý nên yêu cầu chủ quyền của Việt Nam và Trung Quốc ở khu vực vượt quá ngoài EEZ của hai nước này ít sức thuyết phục. Điều đó đã kích thích hai nước này chiếm đóng các đảo để mở rộng EEZ và thềm lục địa. Các nước có yêu cầu chủ quyền khác như Malaixia và Philíppin cũng tiến hành các biện pháp phòng ngừa để bảo đảm các đảo ở khu vực họ yêu cầu chủ quyền không bị nước khác chiếm đóng, đồng thời thực hiện các động thái thể hiện việc “chiếm giữ tích cực”. Thực tế là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “chiếm giữ tích cực” các đảo hơn là mối liên hệ lịch sử hay quyền đầu tiên phát hiện ra. Điều này đã được thể hiện trong việc phân xử chủ quyền đối với đảo Palma hồi tháng 4/1928. Gần đây hơn, Tòa án công lý quốc tế năm 2002 đã ủng hộ chủ quyền của Malaixia đối với các đảo Pulau Light và Pulau Sipadan tranh chấp với Inđônêxia cũng với lý do tương tự. Tòa án đã xem xét các chứng cứ về “các hoạt động chứng tỏ quyền quản lý thực sự và liên tục đối với các đảo này v.v... cũng như chứng tỏ ý muốn hành động với tư cách có chủ quyền”. Tòa đã phát hiện ra rằng Malaixia đã có các hoạt động thường xuyên do nhà nước bảo trợ “thể hiện ý định thực hiện chức năng nhà nước” đối với các đảo này và điều đó đã không bị phía Inđônêxia phản đối.

Trở ngại chính khác đối với các nước có yêu cầu chủ quyền là UNCLOS-III phân biệt rõ ràng các đảo với các đảo đá hay đảo san hô, theo đó không thể dựa vào để kéo dài vùng EEZ hoặc thềm lục địa. Điều 121 (3) về đảo đá hay đảo san hô viết “các đảo đá hay đảo san hô không có các điều kiện duy trì sinh hoạt cho con người hoặc phát triển kinh tế cho họ sẽ không có khu vực đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa”. Rất nhiều các đảo “có người chiếm giữ” ở Biển Đông bị xếp vào diện này. Tuy nhiên, các nước đã hành động trước để ngăn chặn những nước khác chiếm các đảo loại này trong các khu vực họ nhận chủ quyền mà vẫn chưa có vị thế hợp pháp rõ ràng vốn đã bị ngừng sau đó một thời gian. Khi đó, họ có thể tăng cường các diễn giải về khả năng phát triển kinh tế để ủng hộ cho yêu cầu chủ quyền của mình. Nếu vùng nước xung quanh các bãi đá ngầm và đảo san hô được sử dụng thường xuyên cho các mục đích du lịch và đánh cá, nếu hoạt động bơi lặn giữa các vòng đảo san hô được tiến hành trên cơ sở có tổ chức, thì điều đó sẽ có thể đáp ứng những đòi hỏi xác nhận chủ quyền. Trong trường hợp đảo Ligital/Sipadan nêu ở trên, Tòa án quốc tế nêu ra tầm quan trọng của việc thu lượm trứng rùa khi ủng hộ yêu cầu chủ quyền của Malaixia về “chiếm giữ có hiệu quả” và các luận cứ tương tự có thể được sử dụng trong tương lai để ủng hộ những yêu cầu về khả năng phát triển kinh tế.

KHẢ NĂNG XUNG ĐỘT TIỀM TÀNG Ở KHU VỰC

Việc tranh chấp các đảo, sự cứng rắn trong các yêu cầu chủ quyền trái ngược nhau và việc không có bất kỳ tiến triển nào hướng tới một giải pháp cho thấy xung đột luôn có khả năng xảy ra. Cho đến nay, Trung Quốc là bên yêu cầu chủ quyền duy nhất đã sử dụng vũ lực, điều đó phản ảnh vị thế là bên đến sau cùng của họ. Trong khi các nước có yêu cầu chủ quyền khác đã chiếm giữ các đảo trong các vùng họ nhận chủ quyền, Trung Quốc bị loại khỏi việc xác nhận chủ quyền theo cách tương tự do hải quân của họ thiếu năng lực và sự có mặt của hải quân các siêu cường. Vì là bên đến sau cùng nên Trung Quốc có động cơ sử dụng vũ lực để đòi chủ quyền đối với khu vực này và để can dự vào các cuộc thương lượng tương lai liên quan đến Biển Đông. Trong các năm 1974 và 1988, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực chống Việt Nam, nước có yêu cầu chủ quyền chiếm số lượng đảo lớn nhất ở khu vực Trường Sa; điều đó báo động các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế và làm tăng sự nghi ngờ về động cơ lâu dài của Bắc Kinh. Tháng 5/1992, Bắc Kinh tuyên bố đàm phán với công ty Crestone của Mỹ về thăm dò dầu mỏ làm tăng thêm nỗi lo ngại. Tuy vậy, Trung Quốc cùng với ASEAN đã ký một tuyên bố về Biển Đông năm 1992. Trong tuyên bố này, Trung Quốc và ASEAN cam kết giải quyết vấn đề chủ quyền ở Biển Đông “bằng các biện pháp hoà bình, không sử dụng vũ lực”. Nhưng sau đó, Trung Quốc đã vi phạm cam kết này và chiếm đảo Vành khăn (Mischief Reef) nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philíppin. Sau đó, Trung Quốc xây dựng trên đảo này rồi mở rộng và củng cố công trình xây dựng trong năm 1999, để dành cho “các mục đích đánh cá”.

Rất nhiều cụm từ được sử dụng để đặt cho động thái của Trung Quốc, trong đó có “sáp nhập từ từ”, “sự xâm lấn lặng lẽ”, thể hiện nỗ lực giảm thiểu khả năng xảy ra xung đột trực tiếp. Philíppin bị tấn công bởi là nước trong ASEAN ít có khả năng nhất trong việc tuần tra khu vực EEZ và đòi hỏi chủ quyền của nước này. Tuy nhiên, sự mạo hiểm đối với Trung Quốc tăng lên khi Philíppin thương lượng với Hải quân Mỹ về Hiệp định Lực lượng Thăm viếng (VFA) năm 1998, và văn kiện này đã được Thượng viện Philíppin phê chuẩn năm 1999. Mỹ có lợi ích trong việc giành được quyền thăm Philíppin cho hải quân nước này vì điều đó tạo điều kiện cho họ phản ứng nhanh chóng hơn nhiều trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng nữa ở Đài Loan. Vì vấn đề Đài Loan, Hải quân Mỹ bắt đầu can dự sâu ở Biển Đông. Tình hình bế tắc càng thể hiện rõ khi các tuyên bố nhận chủ quyền trái ngược nhau không được giải quyết. Tháng 11/2002, ASEAN và Trung Quốc đã ký “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), được nội bộ khối ASEAN đánh giá là một diễn biến tích cực, và là dấu hiệu cho thấy ý định của Trung Quốc đã thay đổi theo hướng tích cực hơn. Tuy nhiên, DOC chỉ là một phương cách giữ nguyên trạng và có lợi cho Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh lo ngại Mỹ can thiệp. DOC là động thái phòng thủ của Trung Quốc hơn là tín hiệu về ý muốn của Bắc Kinh muốn giải quyết vấn đề, do vậy văn kiện này cũng thể hiện dấu hiệu về khả năng bế tắc sẽ kéo dài.

Tình trạng bế tắc có thể kéo dài một thời gian trong nền chính trị thế giới mà không bùng nổ xung đột trong bối cảnh không có nhu cầu thúc ép phải giải quyết. Nếu như các hoạt động làm ăn có thể được tiến hành bất chấp các yêu cầu chủ quyền xung đột nhau thì tình thế nguyên trạng có thể chấp nhận được đối với tất cả các bên như một giải pháp thay thế cho xung đột. Tuy nhiên, sự nguyên trạng ở Biển Đông là không chắc chắn bởi lượng dự trữ dầu mỏ và khí đốt khổng lồ ở đây đòi hỏi phải có giải pháp cho các tuyên bố chủ quyền trái ngược nhau trước khi việc khai thác ở quy mô lớn được bắt đầu. Nhu cầu năng lượng toàn cầu sẽ tăng mạnh trong tương lai vì Trung Quốc và Ấn Độ, và các nước sản xuất khác tìm kiếm các nguồn năng lượng để bảo đảm sự phát triển các nền kinh tế của họ. Nhu cầu năng lượng của Trung Quốc tăng rất nhanh chóng và nhập khẩu sẽ chiếm tới 50% toàn bộ mức tiêu thụ năng lượng của nước này trong năm 2010. Trung Quốc đã cố gắng đa dạng hoá các nguồn cung năng lượng để giảm bớt nguy cơ nguồn cung bị ngưng trệ bằng cách tìm kiếm các hợp đồng dài hạn với Venêxuêla, Nigiêria, Xuđăng và dường như họ đang quan tâm nhiều hơn tới các nguồn tài nguyên ở Biển Đông. Trung Quốc ước tính trữ lượng dầu mỏ ở Biển Đông đã kích động Bộ Năng lượng Mỹ phản ứng với tuyên bố rằng “ít có bằng chứng ngoài tuyên bố của Trung Quốc ủng hộ ý kiến cho rằng khu vực này có trữ lượng dầu đáng kể”. Khí đốt tự nhiên có thể quan trọng hơn dầu mỏ ở Biển Đông vì báo cáo Điều tra địa chất của Mỹ cho rằng “60-70% dự trữ hyđrôcácbon ở khu vực này là khí đốt”. Đánh giá của Trung Quốc về dự trữ dầu khí ở đây cũng cao hơn đáng kể so với các nước khác. Tháng 4/2006, công ty Mỹ Husky Energy tiến hành thăm dò cùng với Tập đoàn quốc gia khai thác dầu mỏ ngoài khơi Trung Quốc (CNOOC) tuyên bố nguồn dự trữ khí đốt được khẳng định ở khu vực gần Trường Sa lên tới gần 4-6 nghìn tỷ foot khối ( 113, 2-169,8 tỷ m³).

Nhu cầu năng lượng thúc đẩy các nỗ lực khai thác tiềm năng năng lượng của Biển Đông trên thực tế có thể kích hoạt xung đột. Năm 1992, khi Trung Quốc mời Crestone thăm dò dầu khí ở khu vực này đã gây ra sự phản đối từ phía Việt Nam . Căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc về hoạt động của Crestone kéo dài suốt những năm 1990. Việt Nam là một nước sản xuất dầu mỏ quan trọng ở khu vực, khai thác khoảng 350.000 thùng dầu/ngày trong năm 2007. Liên doanh dầu khí Việt-Xô được thành lập từ năm 1981 và hoạt động tới ngày nay khai thác 3 giếng dầu ở Biển Đông gồm mỏ Bạch Hổ, bắt đầu khai thác năm 1986, Thanh Long và Đại Hùng. Sản lượng khai thác tại mỏ Bạch Hổ, mỏ dầu chính của Việt Nam ở ngoài khơi đang giảm khiến Việt Nam phải tìm kiếm các mỏ khác thay thế. Việt Nam cũng đang khai thác ở các mỏ khác như Sư tử Đen, Sư tử Vàng và Sư tử Trắng. Do Việt Nam

ra sức khai thác các mỏ mới nên có khả năng xảy ra xung đột mới với Trung Quốc. Tháng 10/2004, một mỏ dầu mới được phát hiện ở ngoài khơi khu vực miền Bắc Việt Nam, phía Tây đảo Hải Nam với sự tham gia của các công ty như Petro Vietnam, Petronas Carigali (Malaixia), Petroleum (Xinhgapo) và Technology Inc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phản đối. Malaixia và Brunây cũng đã tranh chấp việc phát triển một mỏ khí đốt ở khu vực hai nước cùng tuyên bố chủ quyền. Cùng các lô ở khu vực này được dành cho các công ty khác nhau, Malaixia dành quyền thăm dò cho công ty Murphy Oil trong khi Brunây dành quyền tương tự cho công ty Roal Dutch Shell (Hà Lan) và Total (Pháp). Việc tranh chấp đã ngăn cản các công ty tiếp tục các hoạt động của họ cho tới tận tháng 3/2009, khi hai nước thoả thuận giải quyết tranh chấp để cho phép các công ty tiếp tục hoạt động thăm dò. Mãi tới gần đây, tháng 3/2009, Quốc hội Philíppin mới thông qua Luật về đường cơ sở nhằm xác định đường cơ sở của đất nước quần đảo này. Theo Luật này, bãi đá ngầm Kalayaan và Scarborough (đảo Hoàng Nham) không nằm trong chủ quyền lãnh hải của Philíppin, song lại đặt các thực thể này trong một dạng gọi là “chế độ các đảo dưới sự quản lý của Cộng hoà Philíppin”. Tất nhiên Trung Quốc phản đối, và Đại sứ quán nước này tại Philíppin tuyên bố động thái đó là bất hợp pháp. Cần thiết phải có giải pháp cho những yêu cầu chủ quyền trái ngược nhau nhằm tránh mọi bất trắc để tập trung các nỗ lực vào khai thác các nguồn năng lượng ở khu vực này.

CÁC NỖ LỰC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP

Trung Quốc bác bỏ các đề xuất về tiến hành các cuộc đàm phán đa phương và khăng khăng đòi tiến hành đàm phán trên cơ sở song phương. Năm 1992, Tổng thống Philíppin Fidel Ramos đề nghị tíến hành một hội nghị quốc tế về Trường Sa dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc, đề nghị được xem là một biện pháp lôgích. Đề nghị này tiếp đó được Raul Manglapus, Bộ trưởng Ngoại giao Philíppin nhắc lại tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN tháng 7/1992. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhanh chóng lên tiếng phản đối và đề nghị này không được nêu lại một lần nào nữa từ đó đến nay. Tháng 3/1994, ông Ramos cũng kêu gọi phi quân sự hoá quần đảo Trường Sa và ngừng tất cả các hoạt động gây bất ổn định ở khu vực này. Ý định của ông Ramos là kích hoạt việc khởi động các cuộc đàm phán về vấn đề có thể đưa các bên ngồi lại với nhau để thảo luận những vấn đề chính ở giai đoạn sau đó. Trong mọi trường hợp, phi quân sự hoá khó có thể khởi động được vì nó sẽ tạo lợi thế cho Trung Quốc, bên đòi chủ quyền mạnh mẽ, song có số đảo chiếm giữ tương đối ít.

Nguyên nhân chính cho việc thành lập Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) năm 1993 là do nhu cầu phải can dự với Trung Quốc về một loạt các vấn đề, trong đó có Biển Đông. Philíppin phát hiện ra rằng sau khi Trung Quốc chiếm đảo Vành Khăn thì vấn đề này không thể được nêu lên tại ARF bởi các quan chức cấp cao phản đối không đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự. Cả ASEAN lẫn ARF đều không có khả năng giải quyết vấn đề này khiến người ta phải đặt câu hỏi về vai trò và mục tiêu của các tổ chức này. ASEAN không thống nhất về vấn đề này do Malaixia ủng hộ Trung Quốc về đàm phán song phương. Việc Thủ tướng Malaixia Mahathir về hùa với Trung Quốc trong vấn đề này phản ánh việc ông nhằm tới một chính sách đối ngoại rộng hơn và sự bất đồng của ông với Mỹ. Một cách từ từ, quan điểm thúc đẩy các cuộc đối thoại đa phương về vấn đề này đã được đưa ra. Nếu các bên yêu cầu chủ quyền đồng ý về các vấn đề song phương, điều đó có thể giảm bớt tranh chấp xuống mức có thể quản lý được và để lại phần khó khăn hơn đòi hỏi phải có các cuộc đàm phán đa phương ở giai đoạn muộn hơn. Ý tưởng này có thể hấp dẫn, do các vùng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc và Việt Nam chồng lấn với các vùng yêu cầu chủ quyền của đại đa số các nước khác. Trung Quốc ít nhất đã chấp nhận DOC hồi năm 2002, một động thái mà các nước ASEAN cho là còn sớm để coi đó là bằng chứng về việc Bắc Kinh chấp nhận đàm phán đa phương và hy vọng vào tương lai. Tuy vậy, DOC đáp ứng yêu cầu của Bắc Kinh trong việc ngăn chặn các nước ASEAN lôi kéo Mỹ can dự chặt chẽ hơn vào tranh chấp hoặc các hoạt động chống lại lợi ích của Trung Quốc. Thoả thuận này có tính chất chuẩn bị cho Bộ quy tắc ứng xử (COC) thực sự cần phải được đàm phán sau này, nhưng đã không có các động thái tiếp theo và tiến trình bị đình trệ.

Giải pháp hợp pháp cho sự tranh chấp ở Biển Đông đòi hỏi phải chấp nhận các nguyên tắc của UNCLOS nhằm hoà giải các tuyên bố chủ quyền trái ngược nhau. Một trong những điều không thể lường trước của cuộc tranh chấp là việc Trung Quốc không xác định rõ yêu cầu chủ quyền của họ, nước này đã công bố các bản đồ về vùng tuyên bố chủ quyền bao gồm 80 % diện tích Biển Đông, song điều này là mập mờ và không có giá trị pháp lý. Trong mọi trường hợp, theo các điều từ 74 đến 83 của UNCLOS-III, trong trường hợp có sự chồng lấn các khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, việc phân định ranh giới sẽ có hiệu lực theo hiệp định dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế hoặc Tòa án tư pháp quốc tế nhằm “đạt được một giải pháp hợp tình hợp lý”. Cả hai điều khoản đều nêu rõ rằng trong trường hợp không đạt được thoả thuận nào trong “giai đoạn hợp lý”, thì các bên sẽ dựa vào trình tự giải quyết tranh chấp trong phần XV của UNCLOS. Phần này có viết “các bên có trách nhiệm giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình” (điều 279). Việc dùng tới trung gian có thẩm quyền là tự nguyện và UNCLOS-III nêu rõ: “các nước được tự do lựa chọn” một trong các biện pháp để giải quyết tranh chấp. UNCLOS-III không được sử dụng trong tình huống khi các bên yêu cầu chủ quyền không có ý định nhờ cậy tới trung gian bắt buộc.

Sử dụng đề xuất của Trung Quốc về cùng phát triển, coi đó là cơ sở cho việc giải quyết các tranh chấp chủ quyền là một cách thúc đẩy giải pháp hợp pháp. Ý tưởng này được Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng đưa ra lần đầu tiên tại Xinhgapo ngày 13/8/1990, khi ông kêu gọi các nước yêu cầu chủ quyền gạt vấn đề chủ quyền sang một bên để tạo điều kiện thực hiện tiến trình cùng khai thác. Đề xuất này được nhắc lại khi Bộ trưởng Quốc phòng Malaixia khi đó, ông Najib Tun Nazak thăm Trung Quốc tháng 6/1992 và khi ông Lý Bằng thăm Hà Nội sau đó vào tháng 12/1992. Ngoại trưởng Trung Quốc Tiền Kỳ Tham phát biểu nói tại Hội nghị ngoại trưởng ASEAN tháng 7/1992 rằng khi các điều kiện chín muồi có thể bắt đầu các cuộc thương lượng về Biển Đông, và về nguyên tắc, Trung Quốc muốn gác lại tuyên bố chủ quyền của nước này. Ý tưởng về cùng phát triển thường được phía Trung Quốc nêu ra trong những trường hợp khác, song không được làm cho rõ thêm. Việc khích lệ ý tưởng cùng phát triển được nêu trong một đề xuất giải quyết bằng pháp lý đối với các yêu cầu chủ quyền trái ngược nhau có thể thúc đẩy Trung Quốc làm sáng tỏ lập trường của họ. Điều đó có thể mở đường cho việc giải quyết vấn đề đáp ứng lợi ích của họ. Ít nhất đã có 4 cơ hội cùng phát triển có thể được tạo ra ở Biển Đông. Cơ hội thứ nhất là hiệp định Nhật Bản-Hàn Quốc tháng 1/1974 về cùng phát triển khu vực chồng lấn ở vùng eo biển Tsushima . Trung Quốc đã phản đối hiệp định này khiến việc thực hiện trở nên khó khăn. Trường hợp thứ hai là hiệp định Malaixia-Thái Lan tháng 2/1979 về đường lãnh hải giữa hai nước, trong đó có việc thành lập một cơ quan phát triển chung để quản lý một khu vực hai nước cùng nhận có chủ quyền. Trường hợp thứ ba là Hiệp ước khoảng trống Timo ký giữa Ôxtrâylia và Inđônêxia tháng 12/1989. Hiệp ước này quy định thành lập một khu vực cùng phát triển ở vùng biển chồng lấn. Sau khi Timo Leste giành độc lập từ Inđônêxia, các cuộc thương lượng về một hiệp ước mới với Ôxtrâylia đã dẫn tới sự ra đời của Hiệp ước biển Timo hồi tháng 5/2002. Trường hợp cuối cùng là hiệp định Malaixia-ViệtNam về phát triển một khu vực thềm lục địa hai nước cùng tuyên bố chủ quyền, ký tháng 6/1992.

Tuy nhiên, còn tồn tại nhiều khó khăn trong việc áp dụng nguyên tắc trên vào việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Các ví dụ trên là những trường hợp đạt được hiệp định song phương, nhưng việc chuyển ý tưởng này vào trường hợp đa phương phức tạp là đầy khó khăn. Hai bên yêu cầu chủ quyền chấp nhận một công thức chia thu nhập từ khu vực cùng phát triển là việc có thể, song việc đạt được thoả thuận sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều nếu có các bên khác can dự, như trường hợp Biển Đông, nơi có 7 bên liên quan tranh chấp. Điều đó gây khó khăn hơn cho các bên yêu cầu chủ quyền trong việc chia sẻ nguồn tài nguyên mà họ coi là sở hữu hợp pháp của mình với các bên khác. Cả Việt Nam và Malaixia đều không hào hứng với ý tưởng này, vốn được coi là có lợi cho Trung Quốc hơn cả. Các nhà chỉ trích coi đề xuất của Trung Quốc giống như một cách dùng đòn bẩy đẩy nước này vào khu vực gây thiệt hại cho các nước ASEAN có yêu cầu chủ quyền. Có một cách đáp ứng nỗi lo ngại chung là đưa ra đề xuất phát triển chung kèm theo công nhận chủ quyền. Nỗ lực này được thể hiện trong đề xuất của ông Ali Alatas năm 1994. Đề xuất này cho phép mỗi nước nhận chủ quyền đối với Khu vực đặc quyền kinh tế có chiều dài 320 Km tính từ đường cơ sở, đường lãnh hải của các khu vực này cắt nhau tạo ra khu vực giao nhau bên trong sẽ là đối tượng phát triển chung và thu nhập từ khu vực này sẽ được chia theo công thức thoả thuận. Đề xuất này được Đại sứ Hasjim Djalal nêu ra khi ông thăm ASEAN trong thời gian tháng 5 và 6/1994, nhưng không đạt được nhiều kết quả. Khó khăn chủ yếu đối với đề xuất này là nó bị Việt Nam và Trung Quốc phản đối vì nó giảm chiều rộng vùng đặc quyền kinh tế của hai nước này xuống 320 Km như UNCLOS-III quy định. Đặc biệt, Trung Quốc sẽ bị tước mất đòi hỏi chủ quyền đối với toàn bộ khu vực này mà không được đền bù nhiều. Hơn nữa, đề xuất này không xác định cách giải quyết các khu vực chồng lấn chủ quyền của các nước ASEAN như thế nào. Trong mọi trường hợp, một khi các nước ven biển tuyên bố sở hữu các nguồn tài nguyên trong khu vực đặc quyền kinh tế của họ sẽ còn rất ít để chia sẻ với các nước khác bởi các nguồn năng lượng lớn không được tìm thấy ở đây. Đó là những lý do giải thích tại sao đề xuất này ít tiến triển.

Cách tiếp cận luật pháp-chính trị là ý tưởng về một chế độ biển có thể sẽ chi phối khu vực Biển Đông. Cho đến nay, đề xuất đặc biệt về việc thành lập Cơ quan phát triển các nguồn năng lượng tại khu vực Trường Sa (SRDA) có thể huy động các nguồn tài chính của các nước có yêu cầu chủ quyền đối với khu vực này vào một quỹ chung và có thể thúc đẩy các nỗ lực chung để phát triển khai thác các nguồn tài nguyên của khu vực. Một chế độ biển dựa trên sự hiểu biết các nhu cầu chung là động cơ để giải quyết tranh chấp về đường lãnh hải giữa các nước yêu cầu chủ quyền. Điều 123 trong UNCLOS-III nêu rõ rằng các nước “tiếp giáp với biển kín hoặc bán kín phải hợp tác với nhau trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định của Công ước này”. Điều khoản này bổ sung thêm rằng họ cần phải hành động như vậy “trực tiếp hoặc thông qua một tổ chức khu vực thích hợp”. Mark Valenccia đã đi tiên phong trong việc thúc đẩy quan điểm này lập luận rằng hợp tác biển ở khu vực có thể tiến triển từ chính sách tham vấn sang chính sách hài hoà, hợp tác và điều chỉnh chính sách quốc gia. Trong khi điều 123 quy định về vấn đề hợp tác, thì điều 56 dành cho các nước ven biển các quyền đối với nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong đó có ít lý do để hợp tác với các bên khác trong việc xây dựng quy chế biển. Không nghi ngờ gì rằng một quy chế biển thích hợp đối với Biển Đông sẽ là điều đáng ao ước, song nó đòi hỏi phải có các cuộc đàm phán đa phương giữa các nước yêu cầu chủ quyền, điều mà Trung Quốc vẫn luôn phản đối. Việc xây dựng quy chế biển đòi hỏi phải có các quyết định chính trị, vấn đề các nước yêu cầu chủ quyền ở khu vực chưa sẵn sàng thực hiện.

VAI TRÒ CỦA HỘI THẢO TRONG VIỆC THÁO GỠ BẾ TẮC

Hội thảo đề cập đến vấn đề giải quyết tranh chấp thường được coi là giải quyết các vấn đề tác động lẫn nhau, có thể được sử dụng khi các biện pháp ngoại giao chính thức lâm vào thế bế tắc và khi các bên tìm kiếm lối thoát khỏi tình huống đó. Hội thảo có thể được sử dụng như các biện pháp thúc đẩy các đề xuất giải quyết tranh chấp và phép thử không chính thức bởi khả năng không vướng phải các trở ngại liên quan tiến trình ngoại giao chính thức. Người đầu tiên đưa ra quan điểm này là ông John Burton, người thành lập Trung tâm phân tích xung đột thuộc Đại học Luân Đôn năm 1966, sau này chuyển tới Đại học Kent tại Canterbury. Quan điểm này cũng được Herbert Kelman thuộc Trường đại học Harvard và Leonard Doob thuộc Trường đại học Yale đưa ra trong một loạt cuộc hội thảo về xung đột tại Síp, Inđônêxia và Malaixia. Ông Kelman đã tổ chức hàng loạt cuộc hội thảo về xung đột giữa các nước Arập và Ixraen bắt đầu từ năm 1971 và tiếp tục cho tới sau hiệp định Ôxlô năm 1993. Ý tưởng này là đưa những người có liên quan cho tới lãnh đạo các bên xung đột tham dự hội thảo và tạo cho họ cơ hội xác định đường hướng và các biện pháp giải quyết cuộc xung đột. Các kết luận tại các cuộc hội thảo sẽ được chuyển tới các cuộc thương lượng ngoại giao hoặc là bởi những người tham dự hoặc những người tổ chức hội thảo, những người có các kênh thông tin riêng với chính phủ của mỗi bên trong cuộc xung đột. Đại sứ Hasjim Djalal đã áp dụng ý tưởng tiến hành các cuộc tương tự hội thảo về Biển Đông, được Bộ Ngoại giao Inđônêxia bảo trợ và Cơ quan phát triển quốc tế Cađana (CIDA) tài trợ cho tới năm 2001. Các cuộc hội thảo này mang chủ đề: “Quản lý các cuộc xung đột tiềm tàng ở Biển Đông” và được tiến hành hàng năm bắt đầu tại Bali tháng 1/1990. Tham gia hội thảo có các quan chức chính phủ, chuyên gia kỹ thuật về hợp tác phát triển các nguồn tài nguyên biển từ 11 nước, 6 nước ASEAN, Đài Loan, Campuchia, Lào và Việt Nam; Trung Quốc và Đài Loan tham gia trong năm 1991. Sau khi CIDA ngừng tài trợ, các cuộc hội thảo như vậy tiếp tục được tổ chức với nguồn tài chính cung cấp từ các bên tham gia.

Đã có một số nỗ lực nhằm chuyển các cuộc hội thảo lần thứ hai thành cuộc hội thảo ngoại giao đầu tiên theo cách thích hợp đối với Biển Đông. Bộ trưởng Ngoại giao Inđônêxia Ali Alatas năm 1992 tuyên bố rằng sau 3 hội thảo, Trung Quốc đã đồng ý gác lại tuyên bố chủ quyền của mình và tìm kiếm sự hợp tác cùng có lợi với ASEAN. Ông khẳng định rằng “các điều kiện là có ích cho các nước ASEAN” để xây dựng một số dạng hợp tác nào đó ở khu vực Trường Sa, song ông bị các đại biểu phản đối. Cuộc hội thảo trong năm 1994 có thể được nâng tầm để đưa vào chương trình nghị sự cả “các cuộc thảo luận liên chính phủ chính thức và hợp tác”. Thoạt đầu, ông Ali Alatas hy vọng mời đại sứ các nước tuyên bố chủ quyền tham gia nhằm trực tiếp chuyển hội thảo của các học giả thành hội thảo của các nhà ngoại giao. Khi bị Trung Quốc phản đối, ông Ali Alatas bèn đề xuất cách tiếp cận gián tiếp dựa trên cơ sở giả định chức năng. Nếu các quan chức chính phủ và các cơ quan trực thuộc được mời tham gia các nghiên cứu về các vấn đề chức năng như tình trạng ô nhiễm biển, đa dạng sinh học, an toàn hàng hải v.v… quan hệ hợp tác có thể được tạo dựng và có thể được mở rộng tới các vấn đề lớn hơn về tuyên bố chủ quyền bởi hiệu ứng “nước tràn”. Hàng loạt cuộc hội thảo tiếp tục các nghiên cứu và nhiều ủy ban đã được thành lập cho mục đích đó. Giả định chức năng về hiệu ứng “nước tràn”, tuy nhiên, tỏ ra không thực chất bởi sự hợp tác về các vấn đề chức năng có thể tiếp tục mà không cần tới bất kỳ một sự tác động rõ ràng nào lên ý nguyện của các đoàn đại biểu để thảo luận các vấn đề rộng lớn hơn. Ông Ali Alatas cũng đề xuất mời đại diện từ các nước bên ngoài như Mỹ và Nhật Bản tham gia các cuộc hội thảo này, song bị Trung Quốc phản đối.

Các cuộc hội thảo như trên đạt được mục tiêu gì? Những người ủng hộ cho rằng chúng giúp các đoàn đại biểu biết rõ về nhau và các lập trường của nhau hơn, rằng Trung Quốc đã biết nhiều hơn về lập trường của các nước khác cùng tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Người ta nói rằng Tuyên bố năm 1992 về Biển Đông trước đó đã được thảo luận tại một hội thảo trước khi văn kiện này được ký kết. Tuy vậy, dù đánh giá theo tiêu chuẩn nào thì cuộc hội thảo này cũng đã thất bại khi không đạt được muc tiêu chủ yếu của mình khiến dư luận đặt câu hỏi về hiệu quả của cách tiếp cận này. Chỉ trích chủ yếu nhằm vào cách tiếp cận của các cuộc hội thảo về Biển Đông là các đại biểu tham gia ít có ảnh hưởng tới các chính phủ của họ. Một khi các hội thảo thu hút được các đại diện cấp cao có mối quan hệ chặt chẽ với các nhà lãnh đạo cấp cao nước họ, tham gia như trong hội thảo tại Đại học Harvard về vấn đề Arập-Ixraen, rõ ràng sẽ thu được các kết quả tốt hơn. Chính phủ các nước tuyên bố nhận chủ quyền, đặc biệt là Chính phủ Trung Quốc tỏ ra không quan tâm nhiều tới các cuộc hội thảo và việc thảo luận kéo dài không có kết thúc. Bất luận thế nào thì sự tham gia của các đại diện cấp cao trong hội thảo không nhất thiết dẫn tới kết thúc như các cuộc hội thảo tại Đại học Harvard về cuộc xung đột Arập –Ixraen đã cho thấy. Trong các cuộc hội thảo này, các đại diện cấp cao có thể thể hiện lý trí và sự hiểu biết nhiều hơn vì họ biết họ đang nói trong bối cảnh không chính thức. Ngay sau khi trở lại với cương vị tương ứng trong chính phủ, lập tức họ trở lại với lập trường của mình trước khi thương lượng. Từ hy vọng quá mức ban đầu đặt lên nó, cách tiếp cận của hội thảo không thể tiến triển thật xa một khi chính phủ các nước tuyên bố chủ quyền vẫn lưỡng lự chưa quyết định.

CÁCH TIẾP CẬN GIẢI PHÁP TỔNG THỂ

Không thể dựa vào các cách tiếp cận đã nêu trên để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Trong khi tình trạng pháp lý có thể buộc các nước ASEAN bám giữ đòi hỏi chủ quyền của họ và hy vọng về điều tốt nhất có thể đến, song điều đó ít hứa hẹn về triển vọng giải quyết tình hình. Càng chậm có giải pháp chừng nào thì nguy cơ bùng nổ xung đột và căng thẳng leo thang càng dễ xảy ra chừng ấy vì các nước tuyên bố chủ quyền tìm cách khai thác các nguồn năng lượng ở các khu vực tuyên bố chủ quyền tương ứng của họ. Kết quả trực tiếp từ tình trạng bế tắc hiện nay là việc thăm dò các nguồn năng lượng sẽ bị trì hoãn và việc khai thác thực sự sẽ bị ngăn chặn. Các công ty năng lượng quốc tế cần có môi trường ổn định và không có xung đột để hoạt động và họ sẽ do dự trong việc tham gia các dự án một khi môi trường an ninh không được bảo đảm. Lối thoát khỏi tình trạng này có thể là sử dụng việc hợp tác về năng lượng làm phương tiện để khởi xướng tiến trình cộng tác rộng lớn hơn như một bước tiến đầu tiên tới việc xây dựng quy chế biển. Nếu ASEAN có thể thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực năng lượng ở Biển Đông trên cơ sở thương mại thuần tuý, tổ chức này có thể giúp các bên phối hợp với nhau. Việt Nam , Malaixia và Phipíppin đã mờì các công ty dầu mỏ quốc tế thăm dò, khoan và khai thác ở khu vực này. Sẽ là một bước tiến nếu các công ty dầu mỏ quốc gia của các nước chủ yếu tuyên bố chủ quyền tham gia các hoạt động chung trên cơ sở thương mại và không động chạm tới các tuyên bố chủ quyền. Khi cho các công ty năng lượng Trung Quốc tiếp cận các nguồn năng lượng ở khu vực này trên cơ sở thương mại, điều đó sẽ khiến cho Trung Quốc đặt cược vào sự ổn định ở Biển Đông và có thể tạo ra các cơ hội cho việc thăm dò các nguồn năng lượng tại đây. Nếu các công ty năng lượng Trung Quốc như Tập đoàn xăng dầu quốc gia (NPC), Tập đoàn hoá dầu Trung Quốc (CPC) và Tập đoàn quốc gia thăm dò và khai thác dầu ngoài khơi (CNOOC) tham gia việc thăm dò cùng các công ty Petro Vietnam, Petronas của Malaixia và Tập đoàn dầu mỏ quốc gia Philíppin (PNOC), thì Trung Quốc sẽ có động cơ trong việc tránh để xảy ra tình trạng làm ngưng trệ các hoạt động gây tổn hại tới lợi ích của họ. Không nghi ngờ gì rằng, nhiều khó khăn sẽ nảy sinh trong việc phân chia nguồn năng lượng một khi các hoạt động liên doanh đi vào khai thác bởi các nước tuyên bố chủ quyền sẽ đòi hỏi phần lợi nhuận đặc biệt cho việc công nhận tuyên bố chủ quyền của họ, song đó không phải là điều không thể vượt qua được.

Đã từng có tiền lệ về liên doanh nghiên cứu địa chấn biển (JMSU), một hiệp định ba bên về hợp tác thăm dò chủ yếu ở khu vực Philíppin tuyên bố chủ quyền, được ký năm 2004. Thoạt đầu, PNOC và CNOOC được mời tham gia dự án này, sau đó do có sự phản đối của Việt Nam , Petro Vietnam cũng được mời tham gia vào tháng 3 năm 2005. Hiệp định này bị chỉ trích dữ dội cả từ trong nước cùng như từ bên ngoài Philíppin vì những nguyên nhân khác nhau. Lý do chính khiến hiệp định này bị phản đối là vì nó vi phạm điều 12 (2) trong Hiến pháp Philíppin năm 1987. Điều khoản này quy định rõ các hiệp định hợp tác sản xuất hoặc liên doanh phải dành 60% cổ phần cho công dân Philíppin, và Tổng thống có trách nhiệm thông báo một cách thích hợp cho Quốc hội. JMSU đã được Chính quyền Manila giữ bí mật và các điều kiện trong hiệp định chỉ được công bố sau đó 3 năm. Các nhà chỉ trích trong nước Philíppin lên án Chủ tịch Quốc hội Jose De Venecia thương lượng về hiệp định này để đổi lấy những khoản vay đáng ngờ từ Trung Quốc, hàm ý có dấu hiệu tham nhũng. Các nhà chỉ trích tuyên bố rằng bằng việc cho phép Trung Quốc và Việt Nam hoạt động trong khu vực đặc quyền kinh tế của mình, tuyên bố chủ quyền của Philíppin đối với khu vực này bị yếu đi, và sự đoàn kết của ASEAN trong vấn đề Biển Đông bị phá vỡ. Cũng có những chỉ trích khác rằng Philíppin không được lợi từ hiệp định này khi Trung Quốc và Việt Nam nắm các số liệu địa chấn của khu vực. JSMU đúng là còn khiếm khuyết, nhưng dù sao nó cũng chỉ ra khả năng có thể tiến hành các hoạt động thăm dò trong tương lai, song phải trên cơ sở đa phương hoặc được sự ủng hộ của ASEAN. Một hiệp định về khoan thăm dò liên quan các công ty dầu mỏ quốc gia của các nước tuyên bố chủ quyền sẽ là nỗ lực thực hiện ý tưởng phát triển chung trong ngữ cảnh của một quy chế biển rộng lớn hơn. Nó sẽ buộc phải tránh những trở ngại không lường trước của JMSU do Philíppin bảo trợ và cần phải bao gồm tất cả các khu vực có chồng lấn chủ quyền, và không được đặt ở riêng bất kỳ một khu vực nào. Chắc chắn sẽ có một loạt vấn đề phải giải quyết liên quan đến quyền nắm các dữ liệu địa chấn trong trường hợp khai thác. Theo thông lệ, hệ thống luật pháp của nước tuyên bố chủ quyền sẽ quyết định các quy chế cho dự án thương mại như vậy và việc nhường quyền này cho đơn vị hợp tác sẽ có ý nghĩa như sự vi phạm chủ quyền và sẽ bị chống đối. Nếu dự án kinh doanh được ASEAN khuyến khích và nhận được sự ủng hộ tập thể của khối này, người ta có thể xây dựng được một khung đa phương hiệu quả khả dĩ có thể giải quyết các vấn đề này.

KẾT LUẬN

Đề xuất được nhấn mạnh nói trên trong bài viết này là vừa phải và thực tế trong bối cảnh bế tắc hiện nay tại Biển Đông. Các đề nghị đầy tham vọng ủng hộ việc tìm kiếm những hiệp định sâu rộng về cơ sở pháp lý hoặc chính trị không thể tiến triển trong cuộc tranh chấp này khi các bên khăng khăng giữ tuyên bố chủ quyền của mình. Tình trạng bế tắc có thể thích hợp với những chính phủ quan tâm tới việc thể hiện sự chiếm giữ tích cực các hòn đảo để hỗ trợ cho tuyên bố chủ quyền của họ, song điều đó không cho phép họ thăm dò các nguồn tài nguyên mà không gây ra kích động căng thẳng và xung đột. Động cơ tích cực khuyến khích hợp tác năng lượng biển và tất cả các lợi ích do hợp tác mang lại đòi hỏi phải vượt qua tình trạng bế tắc. Điều đó có nghĩa là xây dựng trên các nỗ lực hiện có nhằm thăm dò các nguồn tài nguyên ở khu vực hiện đang được các nước thực hiện riêng rẽ và trong các khu vực họ tuyên bố chủ quyền. Mở rộng các nỗ lực này trong một khuôn khổ đa phương do ASEAN điều phối là không thể thực hiện được bởi nó đòi hỏi một sự thay đổi lớn trong lập trường của ASEAN đối với vấn đề này. Sự thụ động của ASEAN đối với hàng loạt vấn đề hiện khối này đang phải đương đầu là trở ngại đối với tương lai phát triển của khối, và do vậy ASEAN phải chủ động đưa ra sáng kiến giải quyết vấn đề có tầm quan trọng sống còn đối với tương lai của nó. ASEAN có vị thế đưa ra đề xuất này và bằng cách đó khối này sẽ tăng cường được vai trò của mình ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương./.

L. B.

Nguồn: Seasfoundation

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn