Một nước Trung Quốc không bị kiềm chế

Shen Dingli/Khaleej Times

Ngọc Thu dịch

Trung Quốc mở rộng tham gia [các hoạt động] quốc tế thì tốt hơn. Tuy nhiên, tham gia như thế là con dao hai lưỡi, Trung Quốc ngày càng để lộ ra tình trạng bất ổn trong khu vực, như sự hỗn loạn hiện xảy ra ở Libya.

Đầu tư và người lao động Trung Quốc đang gặp rủi ro ở đó (Lybia) và đòi hỏi phải hành động nhanh chóng. Nỗ lực của Bắc Kinh trong việc bảo vệ quyền lợi đầu tư vật chất của mình, lên tiếng khẳng định nguyên tắc cố hữu không can thiệp, cũng như hỗ trợ và dàn xếp về nghị quyết áp đặt lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, mà thực ra là can thiệp vào Libya, để lộ những tính toán phức tạp chưa từng có của Trung Quốc về lợi ích cũng như chính sách ngoại giao thực dụng của Trung Quốc.

 

Trái với ý kiến ​​cho rằng Bắc Kinh ngày càng trở nên quyết đoán hơn, Trung Quốc đối mặt với nhiều thử thách hơn, cả về cơ cấu lẫn ngẫu nhiên, gây áp lực lên Trung Quốc để trả lời một cách công khai. Trong khi chính sách đối ngoại của Trung Quốc hiện được sử dụng để thực hiện [các hành động] công khai hơn, một số phản ứng của Trung Quốc được những người khác xem như là tự đề cao hoặc đi quá xa. Áp lực bên ngoài, đặc biệt là từ Mỹ, có thể buộc Trung Quốc phản ứng quá nhanh, quá mạnh mẽ, đối với các tình thế khó xử về an ninh đặc thù, đặc biệt là ở chính sân sau của Trung Quốc.

Quan hệ đối ngoại của Trung Quốc ở Đông Á đã trải qua tình trạng rối loạn trong năm qua. Chẳng hạn như với Nhật Bản, hồi tháng 9 năm ngoái Bắc Kinh yêu cầu Tokyo ngay lập tức thả một thuyền trưởng tàu đánh cá Trung Quốc, va chạm với tàu của chính phủ Nhật Bản gần đảo Điếu Ngư/ Senkaku. Từ lâu, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền lãnh thổ, nhưng cách tiếp cận nhanh, nghiêm khắc, kết hợp với việc tạm thời ngưng xuất khẩu đất hiếm, có thể công khai gia tăng căng thẳng ngoại giao với Nhật Bản nói chung.

Các thử thách nghiêm trọng nhất mà Trung Quốc phải đối mặt đến từ bán đảo Triều Tiên. Thay vì trở lại bàn đàm phán sáu bên, Bắc Hàn đã tiến hành một loạt hành động gây tranh cãi trong năm 2010. Mặc dù Trung Quốc không chắc chắn về vai trò của Bình Nhưỡng trong việc đánh chìm tàu Cheonan, một tàu hải quân của Nam Hàn, việc Bắc Hàn nã pháo vào Yeonpyeong hồi tháng 11, giết chết thường dân, là không thể bàn cãi. Sau làn sóng pháo kích đầu tiên, Trung Quốc đã im lặng, không giúp đỡ ngăn chặn Bắc Hàn đe dọa một làn sóng thứ hai. Trung Quốc không chỉ trích Nam Hàn trong việc bắn pháo tập trận quá gần Bắc Hàn, cũng không lên án Bắc Hàn vì đã pháo kích Yeonpyeong và vi phạm luật pháp quốc tế. Trung Quốc đã không quan tâm trong việc giải quyết vấn đề này, nhưng sau đó gây trở ngại cho tuyên bố lên án của Hội đồng Bảo an LHQ.

Hoa kỳ đang ngày càng thách thức môi trường an ninh của Trung Quốc, thể hiện sự quan tâm mới trong khu vực châu Á, lợi dụng tình trạng căng thẳng trong khu vực để hỗ trợ các đồng minh Nam Hàn và Nhật Bản. Washington cũng đã củng cố mối quan hệ với các nước ASEAN, thúc giục bao vây chống Trung Quốc.

Tháng 7 năm 2010, Ngoại trưởng Mỹ, Hillary Clinton công khai thách thức lập trường của Trung Quốc ở Biển Đông, khẳng định lợi ích của Mỹ và kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ, tại Hội nghị cấp Bộ trưởng, Diễn đàn khu vực ASEAN ở Hà Nội.

Ngoài ra, Trung Quốc còn gia tăng tranh chấp với Hoa Kỳ liên quan đến vấn đề tự do hàng hải bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc. Hai nước vẫn chưa giải quyết các bất đồng về diễn giải các quyền liên quan theo Công ước LHQ về Luật Biển. Có lý để suy ngẫm về lý do tại sao những thách thức này xảy ra, Trung Quốc có thể đã góp phần vào những thách thức này như thế nào, và làm thế nào để ngăn ngừa những thách thức đó trong tương lai. Sự trỗi dậy của Trung Quốc thực chất là nguồn lực gia tăng sự tự tin, nhưng gia tăng quá nhanh và quá tự tin có thể gây ra căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước khác. Ví dụ như, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc trong thập niên vừa qua cao hơn 10 lần so với Hoa Kỳ. Nếu duy trì tỷ lệ tăng trưởng nhanh này, Trung Quốc có thể qua mặt Mỹ về tổng sản lượng trong một thập kỷ.

Tương tự như vậy, ngân sách quốc phòng chính thức của Trung Quốc trong năm 2010 là 78 tỉ đô la, cao hơn Nhật Bản 50% và nhiều hơn Ấn Độ 150%. Ngân sách chính thức năm 2011 là 91,5 tỉ có thể nhiều hơn tổng chi tiêu của Nhật Bản và Ấn Độ [công lại]. Ngay cả khi Trung Quốc có những ý định tốt nhất và minh bạch nhất, phản ứng của các nước láng giềng có thể dự đoán được. Một số nước láng giềng của Trung Quốc e ngại sức mạnh gia tăng nhanh chóng của Bắc Kinh và phản ứng bằng cách ngăn trở trong khi kêu gọi đối thoại.

Bắc Kinh và Washington có thể có xung đột không cần thiết về "lợi ích cốt lõi của Trung Quốc" liên quan đến Biển Đông. Lợi ích quốc gia cốt lõi như thế thì quan trọng nhất về bản chất và do đó thường được xác định một cách hạn hẹp về phạm vi - vùng đất chủ quyền của Trung Quốc, vùng trời và vùng biển trong vòng 12 hải lý tính từ đường cơ sở. Điều này cần được tuyên bố rõ để tránh xung đột không cần thiết và giúp Trung Quốc trong việc bảo đảm môi trường an ninh chính đáng của mình. Môi trường an ninh phức tạp của Trung Quốc có thể mở rộng do tăng trưởng quá nhanh từ ba yếu tố: áp lực bên ngoài, sự gia tăng nhanh và cách thể hiện riêng của Trung Quốc. Áp lực an ninh của Hoa Kỳ lên Trung Quốc vẫn liên tục, nhưng việc Bắc Kinh giải quyết áp lực đó giải thích cho việc gia tăng sự phức tạp trong môi trường an ninh của mình. Mối nghi ngại và không tin tưởng lẫn nhau giữa Trung Quốc và các nước khác, đặc biệt là Mỹ, vào thời điểm Trung Quốc đang trỗi dậy, càng gia tăng sự ngăn trở lẫn nhau. 

Bắc Kinh đang có ảnh hưởng trong nhiều vấn đề quốc tế, góp phần đáng kể trong việc giảm căng thẳng trong khu vực và các mối quan tâm trên toàn cầu. Điều đó có nghĩa là, Bắc Kinh cũng phải hiểu những hậu quả không mong muốn về các hành động của chính mình trong việc định hình môi trường an ninh. Xử lý tinh tế và các phản ứng cụ thể hơn, có thể làm cho một số vấn đề an ninh khó xử dễ dàng hơn, giúp vượt qua cơn sóng gió.

Chính Trung Quốc có thể có lập trường tốt hơn để giảm bớt những thách thức này. Thật vậy, đối phó với các tranh chấp hàng hải chủ yếu bằng luật pháp quốc tế, ổn định bán đảo Triều Tiên thông qua chủ động đối trọng và làm việc với Hoa Kỳ để giảm bớt các mối lo ngại chính đáng lẫn nhau là biện pháp giải quyết những vấn đề tồi tệ gần đây nhất.

Shen Dingli là Giáo sư và Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Hoa Kỳ và Chủ nhiệm Viện Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Phục Đán ở Thượng Hải, Trung Quốc

© 2011 Yale Center for the Study of Globalisation

N.T.

Dịch từ: khaleejtimes.com

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn