Sông Ba bị nhuộm đỏ vì tuyển quặng

Tấn Lộc

 

Trung bình mỗi ngày nhà máy tuyển quặng sắt Kbang thải ra 120 m3nước thải. Ảnh: TẤN LỘC

 

Chính quyền khẳng định chính việc khai thác, tuyển quặng sắt là thủ phạm. Nước sông Ba ô nhiễm nặng nề là do nhiều nhà máy xả thải chưa qua xử lý xuống sông, trong đó có nhà máy tuyển quặng Kbang.

Từ huyện Kon Chro ngược lên thị xã An Khê, đến xã Đông, huyện Kbang (thị xã An Khê, Gia Lai), sông Ba hầu như không còn sự sống. Cả dòng sông bị nhuộm đỏ, đặc quánh. Đứng trên một ngọn đồi cao nhìn ra xung quanh, hầu hết các dòng suối lớn nhỏ đều bị đổi sang màu đỏ như những dải đất bazan.

Sông suối đều bị đỏ quạch

Ông Đặng Ngọc Lân (ở thôn 10, xã Đông) cho biết: “Tôi sống ở đây từ nhỏ nhưng chưa bao giờ thấy nước sông Ba có màu đỏ đục lạ thế này. Ngày trước, nước ở thượng nguồn này trong và sạch lắm thế nhưng bây giờ không ai dám ra sông giặt giũ hay lấy nước này về dùng, cả trẻ em cũng không dám tắm vì ngứa không chịu nổi. Thậm chí bà con cũng không dám cho trâu bò uống nước sông”. Nhiều người dân ở xã Nghĩa An, huyện Kbang phản ánh gần đây khi bơm nước sông Ba lên tưới, nhiều diện tích lúa, cây trồng bị vàng úa. Khi cho nước ngâm trong ruộng nhiều ngày, lúa có nguy cơ chết úa nên phải xả nước đến khô ruộng.

Tuy nước sông Ba bị ô nhiễm nhưng hiện Nhà máy Nước thị xã An Khê vẫn phải sử dụng nguồn nước này để cấp nước sinh hoạt cho hơn 3.000 hộ dân vì không còn nguồn nước nào khác. Tuy nhà máy nước phải tăng chi phí lên gấp nhiều lần để mua vật tư, hóa chất xử lý nước nhưng theo phản ánh của nhiều người dân thì nhiều lúc nước máy vẫn bị đục, chất lượng nước không đảm bảo. Đại diện nhà máy giải thích: “Trước đây, khi trời mưa nước sông cũng đục nhưng chỉ một ngày sau là trong trở lại. Còn hiện nay, lượng bùn non trong nước quá lớn nên quá trình lọc gặp rất nhiều khó khăn, tốn kém”.

Ông Lê Thanh Tâm, Phó Chủ tịch UBND thị xã An Khê, cho biết: “Chưa bao giờ sông Ba khốn khổ như hiện nay. Phía trên thượng nguồn thủy điện đã tích hết nước, lúc thì khô cạn, lúc thì xả lũ. Các nhánh còn lại chảy ra sông Ba thì nước đỏ ngầu, ô nhiễm nặng nề. Hiện có nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân của hiện tượng này là do nhà máy tuyển quặng sắt xả thải ra sông. Chúng tôi đã yêu cầu Phòng TN&MT huyện phối hợp với các cơ quan chức năng lấy mẫu nước để kiểm nghiệm, sớm đưa ra kết luận chính thức”.

Nước đỏ đục do tuyển quặng sắt

Tại khu khai thác quặng sắt thuộc xã Đông, huyện Kbang, nhiều ngọn đồi đang bị đào bới, khoét sâu. Ở hầu hết các con suối ở khu mỏ sắt thuộc xã Đông mà nhà máy tuyển quặng sắt của Công ty TNHH MTV Khoáng sản Kbang đang khai thác đều bị cô đặc lại bởi bùn đỏ lấp đầy do quá trình khai thác quặng thải ra. Len lỏi giữa khu mỏ này hiện có đến hàng trăm hồ nước cũng bị tù đọng bởi bùn đỏ. Những suối, hồ này đều đổ ra các nhánh sông rồi chảy ra sông Ba.

Ông Bùi Văn Thắng (thôn 10, xã Đông) giải thích: “Do hầu hết các ngọn đồi đều bị xới tung để khai thác quặng nên mỗi khi mưa xuống, bùn đỏ lại đổ xuống các con suối rồi cuốn ra các nhánh sông khiến nước bị đỏ”. Tuy nhiên, ông Phạm Văn Hùng, cán bộ quản lý mỏ thuộc Công ty CP Khoáng sản Gia Lai, nói: “Khu khai thác mỏ này không ảnh hưởng gì đến nước sông Ba, nếu có là của nhà máy tuyển quặng”. Ông Hùng cho biết thêm, Công ty CP Khoáng sản Gia Lai được giao khai thác khu mỏ rộng 36,6 ha. Trung bình mỗi ngày công ty khai thác 360 m3 đất quặng chở sang nhà máy tuyển quặng để tuyển ra 120 tấn quặng tinh.

Dù trời không có mưa nhưng những dòng suối ở xã Đông, huyện Kbang (Gia Lai) trở nên đỏ ngầu, đặc quánh do việc khai thác quặng thải ra. Ảnh: TẤN LỘC

Nhà máy: Chỉ đổ thải xuống ruộng!

Chúng tôi đến nhà máy tuyển quặng sắt của Công ty TNHH MTV Khoáng sản Kbang - nơi có ba dây chuyền tuyển quặng đang hoạt động hết công suất, liên tục thải ra một lượng lớn bùn đỏ. Đứng từ xa, nhìn bằng mắt thường cũng thấy phía trên thượng nguồn nước sông trong xanh, còn phía dưới nhà máy nước đỏ và đặc như bùn.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Anh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khoáng sản Kbang, nói: “Chính quyền họ nói thế chứ chúng tôi không xả thải ra sông Ba. Nước thải của nhà máy tuyển quặng chảy tuần hoàn qua 13 hồ lắng lọc tự nhiên, mỗi hồ rộng 1,5 ha”. Trong khi đó, Sở TN&MT tỉnh Gia Lai khẳng định hệ thống xử lý nước thải của nhà máy này chỉ có bảy hồ lắng lọc thiết kế theo kiểu bậc thang, mỗi hồ chỉ vài trăm mét vuông. Trung bình mỗi ngày ba dây chuyền tuyển quặng của nhà máy cần ít nhất 120 m3 nước và cũng thải ra khối lượng nước tương đương. Trong khi đó, dung tích các hồ không đủ chứa nên chỉ cần vận hành một thời gian ngắn, nước sẽ đầy hồ.

Ông Anh thừa nhận: “Trung bình mỗi ngày nhà máy chở đi đổ hơn 50 xe tải chất thải cặn (tức bùn non - NV) lấy lên từ các hồ lắng. Số thải cặn này đem đổ ở các khe núi, ruộng thấp của người dân hoặc đưa đi hoàn thổ”. Trong khi đó, theo phản ánh của nhiều người dân xã Đông, mỗi khi có mưa lớn, phần lớn khối lượng chất thải cặn này trôi ra sông suối.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND thị xã An Khê, khẳng định: “Qua khảo sát, chúng tôi xác định nguyên nhân nước sông Ba bị đục ngầu, có màu đỏ là do khai thác, tuyển quặng sắt xả thải ra sông”.

Năm 2010, UBND tỉnh Gia Lai đã hai lần ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động nhà máy tuyển quặng sắt do các hồ lắng quá tải, đê bao các hồ bị vỡ làm nước thải chảy thẳng ra sông Ba gây ô nhiễm trầm trọng. Tuy nhiên, cả hai lần nhà máy này đều không chấp hành.

_________________________________________

Nước sông Ba ô nhiễm nặng nề là do nhiều nhà máy xả thải chưa qua xử lý xuống sông, trong đó có nhà máy tuyển quặng Kbang.

Ông HOÀNG VĂN BẨY, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT)

T. L.

Nguồn: Phapluattp.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn