Gorbachev và cuộc đấu tranh vì dân chủ

Jeffrey Sachs (The Huffington Post, 26/12/2011)

Phạm Nguyên Trường dịch

image Tuần trước thế giới đã khóc than và vinh danh Vaclav Havel, con người mà triết lí sống trong sự thật đã mang lại tự do cho nhân dân nước ông và hi vọng cho người dân ở tất cả những nơi khác. Tuần nay chúng ta phải vinh danh một nhà cách mạng và một nhà dân chủ vĩ đại nữa, một nhà hoạt động nhà nước có thể là vĩ đại nhất thế giới nhưng lại ít được ca ngợi nhất. Trong mấy ngày gần đây, Mikhail Gorbachev, cựu tổng thống Liên Xô, hiện đã 80 tuổi, đã dũng cảm kêu gọi chính phủ Nga từ chức vì đã để xảy ra những vụ gian lận trong cuộc bầu cử quốc hội vừa qua. Bằng cách làm như thế, Gorbachev tiếp tục chiến dịch nổi bật và có tính lịch sử nhằm ủng hộ nền dân chủ ở Nga và trên toàn thế giới của ông.

Sau khi chế độ cộng sản sụp đổ vào năm 1989, chế độ dân chủ đã được củng cố ở các nước Trung và Đông Âu hậu cộng sản, nhưng ở Nga cũng như ở nhiều nước thuộc thành phần Liên Xô cũ điều đó đã không xảy ra. Gorbachev kiên trì lên án việc nước Nga quay trở lại với chế độ độc đảng, thậm chí là quay trở lại với sự cai trị của một con người, khi nhà độc tài Vladimir Putin càng ngày càng kiểm soát chặt chẽ hơn các định chế vừa mới hình thành ở Nga trong lĩnh vực chính trị, truyền thông, khoa học và các địa phương trong nước.

Mặc dù Gorbachev là một nhà dân chủ hàng đầu ở Nga, nhưng ở Nga ông lại bị nhiều người chửi rủa, còn ở Mĩ thì ông bị lờ đi, giới trẻ khắp thế giới hầu như không biết đến ông. Nhưng sự kiện, tuy không được tuyên bố ồn ào, là sự tận tụy của Gorbachev đối với nền dân chủ đã mang lại kết quả có thể cảm nhận được trên tất cả các khu vực trên hành tinh của chúng ta. Ông không chỉ có những đóng góp mang tính quyết định đối với tiến trình dân chủ hóa sau năm 1989 ở Trung và Đông Âu của Havel mà còn đối với tiến trình truyền bá dân chủ ở châu Phi và châu Á trong suốt hai thập niên qua. Trong tháng này Gorbachev lại tham gia cùng với đồng bào của ông trong cuộc chiến đầu vì nền dân chủ ở Nga.

Số phận của Gorbachev là trở thành lãnh tụ của phong trào dân chủ trong Đảng Cộng sản Liên Xô – một tổ chức phi dân chủ nhất thế giới. Ông đã được ban lãnh đạo Đảng đưa lên cầm quyền vào năm 1985 nhằm đưa động lực mới vào nền kinh tế đang sụp đổ một cách nhanh chóng. Nhưng sự cứng nhắc và dối trá của hệ thống kinh tế và chính trị của Liên Xô làm cho nó không thể thay đổi được, kết quả là sự sụp đổ hoàn toàn của nhà nước Liên Xô và nền kinh tế của nó vào năm 1991.

Trong sáu năm cầm quyền, Gorbachev đã cố gắng đổi mới chủ nghĩa xã hội kiểu Xô Viết bằng những biện pháp hòa bình và dân chủ. Nhưng dĩ nhiên vấn đề là nền kinh tế Liên Xô là hệ thống bất bình thường, đây là hệ thống dùng mệnh lệnh của nhà nước, dùng đe dọa và lực lượng của Gulag để quản lí người dân và những nguồn lực khác. Nhưng Gorbachev vẫn không ngừng tìm cách cải tạo hệ thống, không phải bằng mệnh lệnh mà bằng cách thuyết phục và kêu gọi mọi người hướng đến sự thật và hợp tác.

Không còn khủng bố và đe dọa, hệ thống kế hoạch hóa tập trung của Liên Xô đã sụp đổ, còn trong nền kinh tế thì xuất hiện những thiếu hụt rất lớn, sản xuất suy sụp và đến năm 1991 thì xảy ra khủng hoảng tài chính nghiêm trọng. Hậu quả thảm khốc đã chứng minh câu nói nổi tiếng của De Tocqueville: “Thời khắc nguy hiểm nhất đối với một chính phủ tồi là khi nó bắt đầu tự cải tổ”. Ở Nga càng ngày người ta càng chán ghét Gorbachev vì nền kinh tế ngày càng tồi tệ thêm, mặc dù ông đã cất được cái ách áp chế chính trị đã đè nặng trên vai đồng bào của mình trong suốt một thời gian dài. Cuối cùng, ông đã rút khỏi quyền lực vào tháng 12 năm 1991, đấy là khi Liên Xô giải thể và dọn đường cho sự xuất hiện của 15 nước kế vị Liên Xô.

Tôi đã theo dõi kĩ hành động của Gorbachev trong suốt giai đoạn lịch sử này. Trong những năm 1989-1991 tôi là cố vấn kinh tế cao cấp cho chính phủ mấy nước hậu cộng sản ở Trung và Đông Âu. Chính Gorbachev đã nói với những người đồng nhiệm của mình trong những nước đó rằng thời kì độc quyền chính trị của họ đã chấm dứt, và đây là lúc họ phải nhường chỗ cho các lực lượng dân chủ của châu Âu. Thí dụ như ở Ba Lan, mùa hè năm 1989 ông đã nhân danh phong trào Đoàn kết đối lập và nói với nhà lãnh đạo cộng sản lúc đó là Wojciech Jaruzelski rằng đây là lúc mà chế độ cộng sản phải chia sẻ quyền lực với phong trào Đoàn kết. Một tháng sau, vị thủ tướng Ba Lan hậu cộng sản đầu tiên – kể từ sau Thế chiến II – giành được quyền lực.

Những sự kiện tương tự đã diễn ra trên khắp đế chế Xô Viết cũng như ở bên ngoài biên giới nước này. Gorbachev đã nhiều lần thuyết phục người ta tiến hành thay đổi theo hướng dân chủ trong những nước do Liên Xô kiểm soát ở Trung và Đông Âu, cũng như trong những khu vực chịu ảnh hưởng của Liên Xô ở châu Phi và châu Á. Sự cởi mở và những cuộc cải cách của Gorbachev còn làm suy yếu những chế độ cực hữu trên toàn thế giới, đấy là những chế độ mà lí do tồn tại của chúng là chống lại chủ nghĩa cộng sản Xô Viết. Những cuộc cải cách dân chủ của Gorbachev đã làm suy yếu chế độ phân biệt chủng tộc, chống cộng ở Nam Phi và góp phần thúc đẩy cuộc cách mạng dân chủ của Nelson Mandela ở nước này.

Ở Mĩ, Ronald Reagan được coi là người đã giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh lạnh. Còn Gorbachev, nếu được nói tới thì cũng chỉ vì ông đã đầu hàng vì không chịu được áp lực của cuộc chạy đua vũ trang mà Reagan kích động mà thôi. Nhưng then chốt cho việc kết thúc một cách hòa bình cuộc chiến tranh lạnh không phải là cuộc chạy đua vũ trang trong những năm 1980 và cũng không phải là sự vượt trội của Mĩ về mặt cộng nghệ. Trong những điều kiện “bình thường”, sự suy sụp của Liên Xô có thể làm gia tăng bạo lực và dẫn đến những cuộc phiêu lưu quân sự. Liên Xô đã tự nguyện giải thể, mặc dù họ vẫn nắm trong tay hàng chục ngàn đầu đạn hạt nhân. Trong khi không biết bao nhiêu người anh hùng đã hi sinh cuộc sống của mình cho kết quả như thế thì sự cam kết của cá nhân Gorbachev đối với hòa bình và dân chủ đã có vai trò quyết định. Lãnh đạo đức hạnh đã là nguyên nhân của sự cáo chung của hệ thống vô đạo.

Phương Tây đã có thể làm được nhiều hơn trong việc giúp đỡ những cuộc cải cách dân chủ của Gorbachev. Trong những năm 1990-1991, Gorbachev đã theo dõi sát sao những cuộc cải cách kinh tế ở Ba Lan và đã thúc giục phương Tây ủng hộ những biện pháp tương tự ở Liên Xô. Nhưng khi Gorbachev kêu gọi phương Tây giúp đỡ như đã từng giúp đỡ Ba Lan thì Tổng thống Bush-cha và Bộ trưởng Quốc phòng Richard Cheney đã cự tuyệt. Một năm sau, Bill Clinton cũng quay lưng lại với Boris Yeltsin, ông này lúc đó là Tổng thống của nước Nga độc lập. Không có sự giúp đỡ về mặt tài chính của phương Tây và với sự chia rẽ sâu sắc về chính trị, với tình hình kinh tế tai hại như thế, những cuộc cải cách dân chủ vừa hình thành ở Nga đã rơi vào hỗn loạn và tham nhũng.

Nước Nga đã chịu đựng chế độ độc tài suốt hàng trăm năm qua, cho nên quá trình chuyển tiếp sang nền dân chủ sẽ gặp phải những thách thức to lớn. Thực tế đã diễn ra đúng như thế. Hôm nay, những người trẻ tuổi đầy dũng khí biểu tình trên đường phố Moskva và những thành phố khác ở Nga đang đưa ra đòi hỏi mạnh mẽ nhất về chế độ dân chủ. Chế độ hiện nay đang tìm cách cố thủ, nhưng sức mạnh của tuổi trẻ, được đồng loạt thể hiện trong những cuộc biểu tình phản đối, cuối cùng nhất định sẽ chiến thắng. Dù những người phản đối có công nhận hay không, nhưng Mikhail Gorbachev, một chính khách vĩ đại nhất hiện còn sống của nước Nga đã có những đóng góp quyết định cho những thành tựu trong tương lai của họ.

J. S.

Jeffrey Sachs là giám đốc Viện trái đất (Earth Institute) ở Columbia University; tác giả cuốn Giá của nền văn minh (The Price of Civilization).

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn