Quan hệ Việt-Mỹ, Việt-Trung dưới mắt một chuyên gia về Đông Nam Á

Hoài Hương - VOA

Cuối năm là thời điểm để nhắc lại những biến cố quan trọng đã xảy ra trong thời gian qua và hướng nhìn tới phía trước. Theo thông lệ đó, chuyên mục Câu chuyện Việt Nam tuần này và tuần lễ kế tiếp xin được dành để mời quý vị nghe một chuyên gia quốc tế điểm lại tình hình Việt Nam.

clip_image001

Ông Ernest Bower và các trẻ em Việt Nam

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Ban Việt ngữ Đài VOA, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở thủ đô Washington, kiêm Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Thủ tướng Việt Nam về cạnh tranh, ông Ernest Bower phân tích các quan hệ giữa Việt Nam với Hoa Kỳ và với Trung Quốc, trong bối cảnh các diễn biến quan trọng đã xảy ra trong năm qua. Mời quý vị theo dõi phần 1 trong câu chuyện giữa chuyên gia Ernest Bower và phóng viên Hoài Hương.

VOA: Thưa ông, năm 2012 sắp đến, nhìn lại quãng thời gian 12 tháng qua, xin ông điểm lại những diễn biến ông cho là quan trọng đối với Việt Nam, sẽ ảnh hưởng lâu dài tới tương lai Việt Nam và khu vực?

Ông Bower: “Tôi cho rằng điều đã trở nên rõ rệt hơn trong năm qua là mối quan hệ giữa Việt Nam với Hoa Kỳ và với Trung Quốc, xoay quanh vấn đề Biển Đông... Tôi tin rằng theo một cách nào đó, Việt Nam đã giúp tạo ra khởi điểm cho một cấu trúc an ninh mới trong khu vực Châu Á -Thái Bình Dương. Đó là điều rất quan trọng. Rồi thì Việt Nam bầu lại lãnh đạo, ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại được bầu. Một điều quan trọng khác là các nỗ lực cải cách kinh tế, đã bắt đầu nhưng cần tập trung hơn và phải hoàn tất.Về mặt quan hệ với Hoa Kỳ, mối quan hệ Mỹ-Việt đã có khởi đầu tốt đẹp, nhưng hãy còn rộng chỗ để mối quan hệ ấy phát triển và lớn mạnh. Năm ngoái đã có một số tiến bộ trong các lĩnh vực an ninh, tình báo và thương mại, nhưng chúng ta vẫn còn một số vấn đề về nhân quyền, về tự do tôn giáo. Tuy nhiên hai nước đang thảo luận với nhau về các vấn đề đó, và cả hai bên phải làm việc để cải thiện các lĩnh vực ấy”.

VOA: Thưa ông, trong một phúc trình, ông có nói rằng cùng với Indonesia, Việt Nam là một trong các quốc gia chủ yếu mà chính phủ Tổng thống Obama muốn tăng cường quan hệ, trong chính sách của chính phủ Mỹ tập trung vào khu vực Đông Nam Á, xin ông đánh giá đáp ứng của Việt Nam trước thái độ mời gọi đó từ Washington?

Ông Bower: “Tôi tin rằng Việt Nam là một đối tác rất tốt của Hoa Kỳ, nước này đã tỏ thái độ nghiêm túc, và sẵn sàng tham gia. Hai nước đã trao đổi các cuộc thăm viếng cấp cao, kể cả cấp Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Y tế, Bộ trưởng Thương mại... Điều rõ ràng là Việt Nam tỏ ra cởi mở và thẳng thắn về các quyền lợi của họ. Nói chung, Việt Nam là một đối tác có tiềm năng phát triển quan hệ lâu dài với Hoa Kỳ”.

VOA: Thưa ông, trong năm qua cuộc tranh chấp trong biển Nam Trung Hoa, biển Đông của người Việt Nam, đã trở thành một điểm nóng trên thế giới. Xin ông nhận định về những hệ quả của các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải đó đối với Việt Nam và khu vực, ông có đề nghị nào khả dĩ có thể giải quyết cuộc tranh chấp đó một cách hòa bình?

Ông Bower: “Rất khó giải quyết một cách hòa bình các cuộc tranh chấp như thế này, nhưng tôi nghĩ rằng điều đã trở nên rõ rệt trong năm nay là, Trung Quốc đứng trước 3 vấn đề, 3 thách thức chủ yếu mà chúng ta cần chia sẻ, bởi vì nếu Trung Quốc không giải quyết được các vấn đề đó thì tôi tin rằng sự ổn định và hòa bình trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sẽ bị thách thức. Ba vấn đề đó là: an ninh lương thực, năng lượng và nguồn nước. Trung Quốc cần bảo đảm nguồn cung cấp lâu dài cho các tài nguyên đó. Tôi nghĩ chính vấn đề đó đã làm tăng nỗi lo âu của Bắc Kinh về vấn đề biển Nam Trung hoa. Tôi nghĩ Việt Nam đã cư xử đúng đắn khi bảo đảm các nước khác nhận thức rõ vấn đề, và đã tìm cách để thu hút sự chú ý của các nước khác đến các vấn đề đó. Mục đích là làm thế nào để Trung Quốc không tìm cách sử dụng thế lực kinh tế mới thủ đắc, để buộc các quốc gia nhỏ hơn phải thương thuyết với họ một cách không cân xứng”. 

VOA: Ông khuyên Việt Nam nên làm gì trong thời gian tới để giải quyết vấn đề một cách ổn thỏa và có lợi nhất cho Việt Nam?

Ông Bower: “Tôi nghĩ Việt Nam nên tiếp tục tập trung vào vấn đề. Tôi tin rằng ASEAN rõ ràng đã chú ý tới cuộc tranh chấp, và Hoa Kỳ, dù không trực tiếp liên quan trong vụ này, cũng tuyên bố rằng giải quyết tranh chấp là điều vô cùng quan trọng đối với an ninh của Hoa Kỳ. Tôi nghĩ Việt Nam nên tiếp tục làm việc và tìm cách giải quyết các vấn đề, không những với Trung Quốc mà còn với các nước ASEAN khác. Có thế thì mới củng cố được hơn nữa nền tảng để mà thương lượng với Trung Quốc trong một cuộc thương thuyết chung cuộc”.

VOA: Thưa ông, đảm bảo các nhu cầu lương thực, năng lượng, nguồn nước của Trung Quốc là trách nhiệm của nước này, hay như ông có ý nói là Hoa Kỳ, ASEAN, và cả Việt Nam nên tiếp tay với Trung Quốc, vì hòa bình và sự ổn định của khu vực?

Ông Bower: “Chắc chắn đó là trách nhiệm của Trung Quốc, nhưng chúng ta đều chia sẻ một phần trách nhiệm để giúp giải quyết các vấn đề này, cho Trung Quốc và cho đất nước chúng ta. Điểm mà tôi muốn nhấn mạnh là khi nào mà Trung Quốc, tự trong thâm tâm, không cảm thấy an ninh trong các vấn đề đó, thì phần còn lại của Châu Á và Thái Bình Dương sẽ không được an ninh. Điều đó có nghĩa là chúng ta đều có quyền lợi trong việc giúp Trung Quốc cảm thấy tự tin hơn - ở một chừng mực nào đó, trong việc xử lý các vấn đề đó. Đứng từ quan điểm đó thì vâng, tôi cho đó là trách nhiệm chung”.

VOA: Nói tới Trung Quốc và vấn đề an ninh, xin ông cho biết ý kiến về sự hiện diện của các tàu hải quân vũ trang Trung Quốc tuần tiễu trên sông Mekong, trong khi mới đây Trung Quốc cũng tỏ ý muốn sử dụng quần đảo Seychelles trong Ấn độ dương, ông nhận định như thế nào về sự hiện diện của Trung Quốc tại nhiều khu vực trên thế giới như thế?

Ông Bower: “Thành thực mà nói, tôi cho rằng đây là một hành động đánh cuộc có nhiều rủi ro khi mà Trung Quốc điều động các lực lượng tuần tra của họ trên sông Mekong. Dòng sông này là đường huyết mạch của Đông Nam Á. Kiểm soát dòng sông cực kỳ quan trọng đối với các nước Mekong, tôi rất kinh ngạc về việc Trung Quốc triển khai lực lượng quân sự tới sông Mekong, dù là để tham gia các cuộc tuần tiễu hỗn hợp, bởi vì có nguy cơ rất cao xảy ra hiểu lầm, dẫn tới người bị thương hay bị giết. Có nguy cơ nhân dân và chính quyền các nước liên hệ không mấy hài lòng về chuyện cảnh sát Trung Quốc tuần tra kiểm soát người dân nước họ, ngay bên trong ranh giới lãnh thổ của họ. Tôi hiểu Trung Quốc muốn cảm thấy an ninh khi đi lại trên sông Mekong, nhưng theo tôi, chính sách an toàn hơn là hậu thuẫn và tăng sức mạnh cho các lực lượng cảnh sát địa phương và để lực lượng quân đội bản xứ xử lý vấn đề”.

VOA: Hà Nội và các nước ở hạ nguồn sông Mekong khác có phản ứng gì trước sự hiện diện của lực lượng vũ trang Trung Quốc trên sông Mekong?

Ông Bower: “Tôi chưa thấy nước nào phản ứng tiêu cực về sự hiện diện của Trung Quốc. Một số nước đã chấp thuận cho Trung Quốc có mặt trên sông Mekong, có đúng không nào?”.

VOA: Vâng, ít ra có Lào và Thái Lan.

Ông Bower: “Nhưng dù được sự đồng ý của một số nước hạ nguồn đi nữa, nếu là người Trung Quốc, tôi sẽ hết sức thận trọng trước khi quyết định nên tiến xa tới đâu. Giải pháp tốt nhất vẫn là xây dựng và hỗ trợ các lực lượng cảnh sát địa phương, cũng như các lực lượng quân đội và cảnh sát quốc gia để họ thi hành phận sự”.

VOA: Thưa ông, xin ông đánh giá phản ứng của Việt Nam nói chung, trước thách thức do Trung Quốc đặt ra liên quan tới cuộc tranh chấp biển đảo trong biển Đông? Đôi khi phản ứng đó không mấy nhất quán... Thủ tướng tuyên bố thế này, Tổng Bí thư Đảng tuyên bố thế khác?

Ông Bower: “Tôi tin rằng về phương diện ngoại giao, Việt Nam đã hành động hiệu quả, và nêu lên vấn đề để thu hút sự chú ý của các nước khác, những quốc gia không có liên hệ trực tiếp trong cuộc tranh chấp. Tôi tin rằng Việt Nam đã rất khôn khéo và lôi kéo được sự chú ý của ASEAN tới vấn đề. Tôi cũng tin rằng Việt Nam đã thận trọng trong việc cân bằng các nỗ lực của mình và cùng lúc duy trì quan hệ tốt với Trung Quốc, trong khi vẫn đẩy mạnh các nỗ lực của mình, và cùng lúc đào sâu quan hệ với Hoa Kỳ. Không phải nước nào cũng có thể đạt được thành tích ngoại giao đó một cách hiệu quả như vậy”.

H.H.

Nguồn: voanews.com

Lãnh đạo Việt Nam và những thách thức trước mắt - Phỏng vấn một chuyên gia về Đông Nam Á (P.2)

Hoài Hương - VOA

Câu chuyện Việt Nam tuần này xin được dành để mời quý vị theo dõi phần 2 của cuộc phỏng vấn riêng với chuyên gia quốc tế về các vấn đề Đông Nam Á Ernest Bower. Ông cũng là Giám đốc Chương trình Đông Nam Á thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở thủ đô Washington, kiêm Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cho Thủ tướng Việt Nam. Tuần này, ông Bower nhận định về các nhà lãnh đạo hàng đầu Việt Nam, kể cả Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Và nêu bật một số thách thức mà Việt Nam phải đối mặt trong thời gian tới. Mời quý vị theo dõi phần 2 trong câu chuyện giữa ông Ernest Bower và Hoài Hương sau đây.

clip_image002

"Thủ tướng Dũng là một nhà cải cách về phương diện kinh tế, ông đã cố gắng giúp Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh". Hình: Kham

VOA: Thưa ông, có người cho rằng trong cuộc tranh chấp biển đảo với Trung Quốc, phản ứng của Việt Nam không nhất quán, lúc thì Việt Nam tuyên bố nhất quyết bảo vệ chủ quyền dựa trên luật quốc tế, rằng Việt Nam mưu tìm một giải pháp đa phương, thế rồi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Trung Quốc ký thỏa thuận với Bắc Kinh về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển, được họ diễn giải rằng Hà nội đã thỏa thuận giải quyết vấn đề song phương. Thưa, ông có nghĩ là trong nội bộ giới lãnh đạo Việt Nam, có một sự giằng co nào đó giữa các nhân vật bảo thủ và cấp tiến, khi nói tới các quan hệ với Trung Quốc?

Ông Bower: “Tôi nghĩ rằng Việt Nam có một sự hiểu biết sâu sắc và nhạy bén về quan hệ giữa họ với Trung Quốc. Vì thế mà có lối tiếp cận kiểu “2 hướng”, hay “hai chức năng song song”. Lối tiếp cận đó là có lẽ chiến lược cần thiết để có thể duy trì hướng đi của Việt Nam. Tôi cũng tin rằng Đảng Cộng sản Việt Nam có quan hệ rất mật thiết và trực tiếp với Đảng Cộng sản Trung Quốc dựa trên ý thức hệ cộng sản – ở mức độ nào đó. Có lẽ đó là liên kết gắn bó nhất với Trung Quốc, tuy nhiên không một ai ở Việt Nam quên lịch sử lâu dài với nước láng giềng phía Bắc, và dân chúng sẽ không hài lòng với một đảng hay một tập đoàn lãnh đạo được coi là tìm cách xoa dịu hay tuân phục Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng Việt Nam ở trong vị thế rất khó xử khi nói tới Trung Quốc, và có lẽ tình huống này có thể giải thích phần nào những thông điệp không nhất quán, đến từ các bộ phận khác nhau trong chính phủ”.

VOA: Thưa, ông nhận định như thế nào về Thủ tướng Việt Nam? Ông Nguyễn Tấn Dũng có phải là một nhà cải cách hay một nhân vật bảo thủ xã hội, hay một nhà cải cách bị buộc phải làm việc trong các giới hạn đặt ra bởi thành phần cực kỳ bảo thủ trong Đảng Cộng sản Việt Nam?

Ông Bower: “Tôi tin rằng câu trả lời cho câu hỏi của cô là “Đúng” và “Đúng”. Ông Dũng là một nhà cải cách về phương diện kinh tế, ông đã cố gắng giúp Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh. Tôi biết điều đó qua kinh nghiệm làm việc trực tiếp với ông trong nhiều năm qua. Việt Nam đã đạt những bước tiến vĩ đại trong nỗ lực nâng cao tính cạnh tranh. Nhưng mặt khác, tôi nghĩ rằng Đảng Cộng sản Việt Nam và cấu trúc đảng vẫn nắm chặt quyền kiểm soát xã hội, nên không dễ để ông Thủ tướng tiến tới cải cách chính trị và xã hội như đã làm trong lĩnh vực kinh tế, vốn được coi là một vấn đề thực tiễn, và có lẽ như bước đầu có thể dẫn tới cải cách chính trị và xã hội trong tương lai. Về cá nhân ông Nguyễn Tấn Dũng, giờ ông đã được chọn để giữ chức Thủ tướng thêm một nhiệm kỳ nữa, chúng ta sẽ thấy rõ hơn trong thời gian tới dựa trên các kết quả đạt được. Ông đã được ủy quyền, hãy chờ xem ông sử dụng quyền lực ấy như thế nào”.

VOA: Thưa, có tin đồn... hay đúng hơn, có người hy vọng rằng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có thể trở thành một Gorbachev của Việt Nam, ông có nghe về tin đồn ấy không, và liệu trong hàng ngũ lãnh đạo chóp bu ở Việt Nam, có nhà dân chủ nào đang ẩn mình chờ thời không?

Ông Bower: “Lẽ dĩ nhiên tôi cũng đã nghe tin đồn này. Tôi nghĩ về cơ bản, giới lãnh đạo Việt Nam đã chứng tỏ, bằng hành động của họ trong thập niên qua, rằng họ rất là thực tiễn, và không còn tranh luận về sự kiện Việt Nam đã có những bước tiến lớn về mặt phát triển kinh tế, về ngoại giao, về chính sách đối ngoại, và ngay cả một số cởi mở chính trị, nhiều người không nhận ra điều đó, nhưng Đảng Cộng sản đã nhượng một số quyền hạn lại cho Quốc hội. Họ đã đổi cách bầu chọn lãnh đạo trong Ban Chấp hành Trung ương, chẳng hạn. Theo tôi, chúng ta có thể lập luận rằng trên thực tế Đảng Cộng sản Việt Nam trong thập niên qua đã trở nên “dân chủ hơn” về cách chọn lãnh đạo, tôi tin rằng xu hướng đó có thể tiếp tục trong thời gian tới. Nhìn quanh vùng Đông Nam Á, tôi tin rằng những xã hội nơi kinh tế phát triển đưa đến sự hình thành một giai cấp trung lưu, thì thành phần này sẽ đòi hỏi nhiều hơn nơi nhà nước, họ muốn có tiếng nói lớn hơn. Điều đó cũng đúng đối với Việt Nam. Chúng ta đã thấy nhiều trường hợp, một số người đã phản ứng mạnh với chính quyền, nhà nước đã nhượng bộ đôi chút và cho phép họ bày tỏ ý kiến ở một chừng mực nào đó, tôi tin rằng đây là một xu hướng có thể tiếp tục trong thập niên tới. Biết đâu, đây có thể là một sự tiến hóa độc đáo của Việt Nam”.

VOA: Thưa bất chấp xu hướng cởi mở hơn như ông vừa nói, ngay trong lúc chúng ta đang nói chuyện với nhau đây, hàng chục nhà hoạt động, nhà báo, blogger, những người tranh đấu bênh vực nhân quyền, các luật sư tiếng tăm, tín đồ Công giáo, Phật giáo v.v. đang bị giam cầm, hoặc bị sách nhiễu... Xin ông cho ý kiến về tình hình nhân quyền tại Việt Nam?

Ông Bower: “Cô rất có lý khi đặt ra vấn đề, tôi nghĩ về mặt này, còn rất nhiều điều cần phải làm và Việt Nam chắc chắn chưa tiến tới chỗ mà người dân mong muốn khi nói tới nhân quyền và tự do tôn giáo. Nhưng phải nói rằng so với cách đây 10 năm, tôi thấy có một số tiến bộ về mặt này. Tôi tin và tôi hy vọng rằng Việt Nam sẽ tiếp tục đạt tiến bộ trong lĩnh vực này. Đây có lẽ là yếu tố gây nhiều khó khăn nhất trong quan hệ Mỹ-Việt bởi vì rõ ràng là có những vấn đề, và chúng cần được giải quyết”.

VOA: Thưa ông, vấn đề nhân quyền tác động tới mức độ nào tới các quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác chủ yếu như Hoa Kỳ, Liên hiệp Châu Âu?

Ông Bower: “Như cô biết, nhiều tù nhân chính trị còn bị giam cầm, những người tranh đấu để được tự do thờ phượng và hành đạo cũng bị cầm giữ. Đứng từ quan điểm chính sách Hoa Kỳ, mục tiêu là nhấn mạnh lập trường của Washington đối với vấn đề nhân quyền, tiếp tục thảo luận với các đối tác Việt Nam và thuyết phục họ rằng cải cách trong lĩnh vực này là điều tốt cho Việt Nam và cho nhân dân Việt Nam, và cũng tốt cho quan hệ Việt-Mỹ. Tôi tin rằng một quan hệ sâu rộng, trưởng thành giữa Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ không đầy đủ nếu không có cuộc thảo luận nghiêm túc về các vấn đề đó. Đây cũng là một vấn đề khó giải quyết, bởi vì các nước khác nhau, các xã hội khác nhau đôi khi có định nghĩa khác biệt về thế nào là tự do, tuy vậy có một số giá trị phổ quát mà Hoa Kỳ sẽ không ngừng cổ vũ và hối thúc, bởi vì chúng ta mong muốn mọi người đều được tự do và đối xử công bằng, được tham gia các sinh hoạt xã hội, bởi vậy mà chúng ta vẫn tìm cách thuyết phục những người bạn của chúng ta ở Việt Nam, trong tinh thần tương kính, kêu gọi họ nên cứu xét phương cách để cho phép những người bất đồng chính kiến hay theo một tôn giáo khác, có một chỗ đứng trong xã hội. Vâng, hãy còn nhiều quan tâm sâu sắc về vấn đề nhân quyền và Việt Nam, nhưng đã có một vài tiến bộ, vì Việt Nam bây giờ sẵn sàng thảo luận vấn đề này, trước đây thì không tài nào có một cuộc thảo luận như thế, giờ thì hai bên đã mở thảo luận...”.

VOA: Vâng, hai bên đã mở đối thoại nhưng trong cuộc đối thoại nhân quyền mới nhất, Việt Nam đã phái một nhân vật ít ai biết đến, Vụ trưởng Hoàng Chí Trung, tới Washington để thảo luận với Phó Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Michael Posner. Quyết định đó nói lên điều gì về lập trýờng của Hà Nội về vấn đề nhân quyền?

Ông Bower: “Trong 25 năm làm việc tại Đông Nam Á, tôi học được một điều, đó là không nên cho rằng một nhân vật nào đó là không quan trọng, đôi khi chính những người đó lại là nhân vật quan trọng nhất đấy! Tôi nghĩ rằng chúng ta chớ nên kết luận quá vội, mà hãy tập trung làm sao để Việt Nam nhận định khách quan hơn về thành tích nhân quyền của mình, và nếu chúng ta thấy Việt Nam có những bước thụt lùi trong lĩnh vực này, hoặc không có thái độ nghiêm túc, thì họ phải biết rằng vấn đề này sau rốt sẽ phương hại tới quan hệ song phương”.

VOA: Xin cáo lỗi về sự thiếu hiểu biết của tôi. Thưa ông, ngoài vấn đề nhân quyền, Việt Nam còn phải đối mặt với những thách thức nào khác trong năm tới?

Ông Bower: “Tôi nghĩ Việt Nam sẽ phải đương đầu với thách thức lớn liên quan tới vấn đề quản trị kinh tế vĩ mô. Mức lạm phát trong thời gian qua cực kỳ cao, gây sức ép đối với tiền đồng. Việt Nam phải thực hiện những cải cách và phát triển kinh tế theo đà nhanh tối đa mới có thể bắt kịp và cạnh tranh với các nước láng giềng.

VOA: Thưa ông, Việt Nam có lẽ là quốc gia kém phát triển nhất tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái bình dương (TPP). Theo ông, động lực nào khiến Việt Nam quyết định tham gia TPP, và liệu đây là một cơ hội hay là một thách thức đối với Việt Nam?

Ông Bower: “Tôi nghĩ rằng quyết định gia nhập TPP chứng minh 2 điều, thứ nhất là quyết tâm của Việt Nam sẽ cải cách kinh tế và cam kết của Việt Nam muốn tham gia các hiệp định thương mại khu vực, đó là điều khôn ngoan, để buộc guồng máy hành chánh và tư pháp phải thay đổi và thích nghi với tình hình để có thể tăng tính cạnh tranh của Việt Nam. Thứ nhì, Việt Nam xét họ phải nắm lấy cơ hội này vì những lý do địa-chiến lược liên quan tới Trung Quốc. Việt Nam lo lắng về nỗ lực do Trung Quốc dẫn đầu nhằm hội nhập các nền kinh tế Á Châu trong khuôn khổ tổ chức ASEAN + 3, tức là ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản và Nam Triều Tiên. Từ quan điểm của Hà nội, nếu Trung Quốc lãnh đạo nỗ lực hội nhập các nền kinh tế Á Châu thì Trung Quốc có thể ra những quy định để phát triển kinh tế, dần dà dẫn tới tình trạng Bắc Kinh sử dụng lợi thế này làm đòn bẫy để đẩy mạnh nghị trình chính trị và chủ quyền của họ, kể cả trong biển Nam Trung Hoa”.

VOA: Thưa ông, một thách thức lớn khác là nạn tham nhũng. Việt Nam bị liệt vào hạng các nước tham nhũng tràn lan, liệu có cách nào để đối phó và kiềm chế phần nào tệ nạn đó không?

Ông Bower: “Tham nhũng là một vấn đề thực thụ. Tham nhũng xảy ra ở mọi xã hội, nhưng nạn tham nhũng ở Việt Nam và tình trạng thiếu minh bạch đã bị Tổ chức Minh bạch Quốc tế đánh giá thấp, so với các quốc gia khác. Cách duy nhất để giải quyết vấn nạn này là thảo luận về vấn đề và tìm cách cải cách. Việt Nam phải cho phép truyền thông và những người chứng kiến hành động tham nhũng xảy ra nói lên những gì trông thấy. Tham nhũng là một vấn đề rất lớn đối với Việt Nam và giới đầu tư muốn làm ăn tại Việt Nam”.

VOA: Câu hỏi cuối, thưa ông, trong tư cách Chủ tịch Hội đồng Tư vấn của Thủ tướng Việt Nam, ông có lời khuyên nào cho Việt Nam tại thời điểm này?

Ông Bower: “Lời khuyên của tôi rất đơn giản: xin quý vị giải quyết nạn tham nhũng, và hãy minh bạch hóa tiến trình làm quy định, hãy tạo điều kiện để giới đầu tư tới bàn luận với quý vị về những quy định đang được đề nghị, hãy cho phép họ đóng góp ý kiến. Rõ rệt Việt Nam sẽ phục vụ các lợi ích của Việt Nam, nhưng hãy cho phép giới đầu tư có tiếng nói trong tiến trình làm quyết định. Nếu các công ty được phép hoạt động có lời trên thị trường Việt Nam, nếu một số nhà đầu tư thành công tại đây thì nhiều nhà đầu tư khác sẽ theo chân họ sang Việt Nam làm ăn. Thứ ba, chúng tôi muốn khuyến khích Việt Nam tập trung thực hiện hai mục tiêu trong nội bộ, đó là tiếp tục đầu tư vào giáo dục và xây dựng cấu trúc hạ tầng. Cấu trúc hạ tầng của Việt Nam không đủ tiêu chuẩn, nước này không thể cạnh tranh với các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, phải giải quyết tệ nạn tham nhũng và minh bạch hóa các quy định”.

H.H.

Nguồn: voanews.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn