Những công trình, dự án gây tranh cãi

Đào Văn Tùng

Chính phủ hiện đang hoạch định những công trình, dự án xây dựng phát triển đất nước gây tốn kém lớn, nhưng không mang lại hiệu quả về kinh tế, làm phương hại đến môi trường và an ninh quốc phòng, không dựa vào điều kiện, khả năng thực tế của mình, nặng về tiếng, nhẹ về miếng. Xin được điểm qua một số:

– Đường Hồ Chí Minh:

Cũng như nước Chi Lê ở Nam Mỹ, nước Việt Nam nằm dọc theo ven biển, có chiều dài nhưng hẹp chiều ngang, có lợi thế giao thông đường bộ, đường thủy và đường không. Về đường bộ chỉ cần mở rộng, gia cố những đường đã có, phát triển thêm đường thủy và đường không nội địa là đủ. Nhà nước lại hoạch định, đã và đang xây dựng đường Hồ Chí Minh xuyên quốc gia, phục vụ dân sinh thì ít, phá của, phá rừng thì nhiều.

Đoạn đã xây dọc triền núi đông Trường Sơn, xe lưu thông thì ít, mùa mưa ứ nước đất chuồi lấp đường thì nhiều. Hàng năm xử lý đất chuồi để khai thông lộ tổn phí đáng kể.

Theo bản vẽ, con đường này cách biên giới Việt Nam – Campuchia trung bình khoảng 20 km, uốn éo xuyên qua Nam Bộ đến mũi Cà Mau. Nói xuyên qua Nam Bộ đến mũi Cà Mau nghe thì dễ, nhưng không dễ chút nào, bởi vì nó phải vượt qua thung lũng Đồng Tháp Mười, vượt sông Tiền, sông Hậu, vượt cánh đồng trũng tứ giác Long Xuyên đến Rạch Giá, rồi phải cắt rừng ngập nước U Minh mới đến được mũi Cà Mau.

Chỉ nói sơ đoạn thung lũng Đồng Tháp Mười, đoạn nầy có chiều dài khoảng 120 km, đất bồi sình lầy, phải đào sâu ít nhất cũng 3 m, độn nền mới may ra không lún. Con đường chắn ngang vùng lũ rộng lớn, triều cường mạnh, đỉnh điểm cao lũ từ 3 đến 4 thước vào mùa mưa theo định kỳ hàng năm. Trung bình khoảng 45 km về hạ lưu của nó là quốc lộ 1 A, địa phận tỉnh Tiền Giang (chưa tính cầu Mỹ Thuận) có tới 17 cây cầu cấp nước trong mùa nắng và thoát lũ trong mùa mưa cho cả vùng Đồng Tháp Mười. Vậy là, đường Hồ Chí Minh đoạn qua đồng Tháp Mười cũng phải có ít nhất số cầu tương ứng như ở Quốc lộ 1A mới đảm bảo cấp và thoát nước. Nếu không có lượng cầu tương ứng như vậy, phía bắc lộ Hồ Chí Minh sẽ không có nước mùa nắng và mùa mưa nước lũ tràn về mực nước cao từ 3 đến 4 thước, lộ trở thành cái đê, nếu không bị vỡ cũng bị tràn ngập, tránh sao khỏi hư hại nặng, phải tu sửa định kỳ hàng năm biết bao hao tốn?! Đó là chưa nói Campuchia sẽ kiện vì ta làm lộ chặn lũ ứ nước gây ngập ở xứ họ.

Thử hỏi, cớ sao không mở rộng, gia cố cầu và đường trên quốc lộ 1A để đỡ hao tốn tiền của, công sức mà lại mở thêm đường Hồ Chí Minh quá nhiều trở ngại, đầy hao tốn?

– Cho dân Trung Quốc thuê dài hạn đất rừng đầu nguồn, đất rừng ven biển:

Mật độ dân cư VN hiện cao hơn mật độ dân cư TQ, dân VN đang ở chen chúc, thất nghiệp lan tràn, sao nhà nước không tổ chức cho dân mình đến những nơi đó định cư khai thác mà lại đem cho người ta mướn?

Họ nói thuê đất trồng rừng chớ kỳ thực họ trồng cây chuyên dùng... Trước khi trồng họ phải phá rừng và trước khi giao trả đất họ sẽ đốn sạch cây họ trồng. Hậu quả, họ chỉ giao lại cho ta đất trống đồi trọc như bãi tha ma, đất cằn cỗi, ảnh hưởng môi sinh và an ninh quốc phòng. Đó là chưa nói, khi mắc gốc mắc rể, hết hạn mà họ không chịu đi, nếu ta dùng biện pháp cứng thì tránh sao khỏi mích lòng anh cả đỏ to xác xấu bụng?

Rừng phòng hộ ven biển là để chắn gió, ngăn sóng. Ta cho họ thuê làm những điểm du lịch sinh thái, nuôi trồng thủy sản…, họ tùy tiện băm vằm thì những rừng ấy liệu nó còn làm được chức năng ngăn sóng, chống gió nữa hay không?! Rừng ven biển là nơi bên ngoài dễ xâm nhập vào nội địa nhất. Đường Hồ Chí Minh trên biển trong chiến tranh đã nói lên điều đó.

– Làm nhà máy lọc dầu Dung Quốc:

Tính toán và quản lý thế nào mà sản phẩm làm ra giá cao hơn giá nhập từ ngoài, buộc phải nâng giá xăng dầu nhập từ bên ngoài ngang giá dầu Dung Quốc để cứu nó, bắt dân è lưng chịu, ngành quản lý xăng dầu lời nứt trứng. Thế mà có cứu Dung Quốc được đâu, nó vẫn luôn bị thua lỗ, nhà nước lấy ngân sách (cũng từ tiền thuế của nhân dân) bù vào mà nó cứ giãy đành đạch đòi tự vận!

– Cho Trung Quốc khai thác bauxite Tây Nguyên:

Vì sao, do đâu mà lãnh đạo bất chấp can gián của dân, liều mạng cho Trung Quốc đưa người, đưa kỹ thuật lên vùng cao nguyên khai thác bauxite? Về quân sự, chẳng lẽ lãnh đạo không nhớ và không biết đó là lưng dựa phòng thủ và tấn công, một vị trí có tầm chiến lược về an ninh và quốc phòng? Nếu có chiến tranh xảy ra, ai chiếm được Tây Nguyên là người đó giành được thế thượng phong. Về môi sinh, đó là thảm họa. Ngoài san ủi moi móc giết chết mầm xanh biến rừng thành những vùng hoang mạc, hồ chứa bùn đỏ sẽ khác nào một quả bom nổ chậm treo lơ lửng trên đỉnh cao, chưa nói cố ý, chỉ bất cẩn hay do sai thông số kỹ thuật, vỡ hồ thì cả vùng Nam Trung bộ, Đông Nam bộ đổ dài đến tận sông Vàm Cỏ Đông thuộc tỉnh Long An tránh sao khỏi bị bùn đỏ quét? Cư dân trong vùng rộng lớn nầy phải di dời đi đâu và sống làm sao? Về kinh tế, khai thác khoáng sản là moi tài nguyên đi bán mà đang lạy trời đừng lỗ là phúc đức ông bà! Đúng là làm kinh thế chớ không phải kinh tế.

– Dự án Đường sắt cao tốc:

Dù Quốc hội đã bác, nhưng lãnh đạo vẫn còn nuôi ý định mua kỹ thuật và thuê Trung Quốc làm đường sắt cao tốc xuyên Việt. Nếu Quốc hội vẫn không thông qua thì người ta sẽ lách, sẽ làm theo kiểu đường Hồ Chí Minh, chia ra từng đoạn, từng gói kinh phí nhỏ dưới mức qui định phải thông qua Quốc hội.

Trung Quốc đã nhận thầu nhiều thứ làm không ra hồn, giờ đây lãnh làm đường sắt cao tốc kỹ thuật cao thì làm sao tin được?! Họ làm cho xứ họ chạy còn lật ngữa lật nghiêng, ế ẩm, lỗ lã. Vì lợi, họ định “gắp lửa bỏ tay người”, thế sao lãnh đạo VN lại ngữa tay nhận lấy mà không sợ phỏng?

Như mọi người đều biết, nước VN có chiều dài nhưng hẹp chiều ngang, nếu làm đường sắt cao tốc xuyên Việt thì đất nước bị chia thành 2 mảnh Đông và Tây bởi con đường. Bên ngoài đường phải làm hàng rào, nếu đường có chiều dài như dự định 1600 km thì ít nhất cũng phải làm 1600 cây cầu vượt hoặc chui (1 km 1 cây cầu) để qua lại giữa 2 phía Đông Tây, ngoài việc gây trở ngại việc qua lại giữa 2 phía, kinh phí hoàn chỉnh con đường không thể nhỏ, từ đó giá cước phải cao, bị ế ẩm, lỗ lã như bên TQ là cầm chắc. Sao không trên cơ sở cũ, nới rộng đường ray, thay đổi khổ xe, và căn cứ nhu cầu, phát triển đường không, đường biển nội địa chắc chắn tiện lợi và đỡ hao tốn hơn?

– Dự án nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận:

Trong khi Nhật, Nga và khắp cùng thế giới đang sắp xếp để giã từ điện hạt nhân thì lãnh đạo VN nhất quyết phải làm điện hạt nhân! Cũng như bauxite, bất chấp can ngăn, những vị lãnh đạo tối cao của VN sang Nhật, Nga, Trung Quốc vay mượn tiền và ký kết làm điện hạt nhân. Những nước đó, vì muốn bán vớt vát kỹ thuật lỗi thời, họ gật ngay. Chẳng hiểu vì sao lãnh đạo VN không nhận ra điều đó mà ký kết không hề run tay?!

Ngoài ác tâm, lãnh đạo Trung Quốc có tính thù ngầm, thù dai và đang có hiềm khích với VN. Nếu VN xây nhà máy điện hạt nhân khác nào chuốc họa vào thân: Do luật pháp quôc tế ràng buộc, họ không dám công khai đánh phá nhà máy điện hạt nhân, nhưng họ bí mật lén phá thì làm sao? Chỉ còn ôm nhau mà khóc.

Không xây nhà máy điện hạt nhân là thức thời. Trong bối cảnh hiện nay, VN càng không nên xây nó.

– Mở rộng Thủ đô: Trong khi kinh tế phát triển chưa ổn định, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, sao khỏi ngỡ ngàng khi Trung ương xuất ra số tiền quá lớn để mở rộng xây dựng mới Thủ đô. Đáng nói, kế hoạch thì lớn, quyết tâm thì cao, nhưng làm kết quả thì thấp, càng xây dựng Thủ đô càng nhếch nhác, càng lộn xộn, làm trước hư sau…

Có lẽ thấy chướng mắt, nên người dân đã ngứa miệng nói về chuyện nhỏ - to. Xin chép lại ở đây:

Việt Nam có những xếp hạng rất to, dầu nó chỉ là nước nhỏ

Trong đất nước rất nhỏ, có Thủ đô rất to

Trong cái Thủ đô rất to, có những con đường rất nhỏ

Bên những con đường rất nhỏ, có những ngôi biệt thự rất to

Trong những ngôi biệt thự rất to, có những cô vợ nho nhỏ

Những cô vợ nho nhỏ, thường dành cho những ông quan to

Có những ông quan to, thích xách cặp rất nhỏ

Trong những cái cặp rất nhỏ, thường có những dự án rất to

Những dự án rất to, nhưng hiệu quả lại rất nhỏ

Hiệu quả rất nhỏ, nhưng thất thoát lại rất to

Dầu thất thoát rất to, nhưng lỗi được coi là nhỏ

Nếu thanh tra cố làm rõ thì ông nhỏ đỡ cho ông to

Rồi ông to sẽ dùng quyền lực gỡ tội cho ông nhỏ

Những chuyện vừa kể tưởng như rất nhỏ nhưng trở thành ung nhọt quá to

Ung nhọt quá to lại diễn ra trên đất nước VN quá nhỏ”.

Chủ trương đúng hay phản biện đúng đối với những công trình, dự án nêu trên thuộc về công luận. Người viết chỉ nêu quan điểm của riêng mình.

14/8/2012

Mỹ Tho, Tiền Giang

Đ.V.T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn