Thư giãn Chủ nhật - Cây Bần

Thiện Tùng

Câu chuyện ngụ ngôn này có một cái kết hình như... bất nhẫn. Nhưng nó lại là hiện hữu của thời buổi hôm nay. Tác giả không thể nói ngược điều đương diễn ra trong thực tế.

Bauxite Việt Nam

Tin áp thấp nhiệt đới gần bờ, ông Nam cùng Hải con trai ông, ngưng câu mực, xếp gọn dụng cụ, nhanh chóng cho ghe vào đất liền.

Thuận gió, buồm căng, một giờ sau ghe ghim mũi vào Khém Thuyền, nơi trú bão lý tưởng cho ghe tàu đánh cá trong vùng.

Sau khi đậu neo kỹ càng, ông Nam giao Hải giữ ghe và phơi số mực vừa câu được, còn ông đùm một số mực tươi cuốc bộ sang Vàm Rỗng thăm ông Phan mới cùng con hồi hương lập nghhiệp.

Mải miết lần theo lối mòn, ông Nam khựng người nhìn bãi đất trống hàng chục mẫu (ha) vừa mới khai hoang. Những cây tạp, đa số là bần, bị cưa sát gốc ngã dọc ngang, không còn nhận ra đâu là lối đi. Ngôi nhà lợp tôn (tole) sừng sững, kiêu hãnh trước cảnh tiêu điều của khu đất vừa mới khai hoang. Vào cận nhà mà đôi mắt ông Nam cứ phải dẫn dắt đôi chân vượt chướng ngại.

Đứng trong nhà, che tay nhìn ra, ông Phan bật thốt to:

- Ôi trời ! Chú Tư Nam... Vô, xách gì đó, đưa tôi cầm cho.

- Dân câu mực, chỉ có mực. Anh định làm gì mà phá liệt địa hết vậy ? – ông đáp và hỏi.

- Thằng kỹ sư Kha, con trai tôi đó đà. Nó bỏ ra hàng trăm triệu làm búa xua chưa đâu vào đâu: nó thuê hàng chục người đang đào ao nuôi tôm cận mé rạch đó.

Ông Phan gọi vợ Kha pha trà và làm nhanh ít mực tươi của ông Nam đem đến, xào củ hành cho hai ông lai rai.

Anh em lâu gặp, một buổi chuyện trò chưa thỏa, ông Phan rủ, ông Nam nhận lời ở qua đêm... Tối hôm ấy, đám thanh niên nhậu say mèm, ngã ra ngủ như chết. Thằng Kha vốn mạnh rượu mà vẫn như gà bị cựa, đến ngồi cạnh hai ông già, giọng lè nhè chủ yếu nói với ông Nam:

- Cháu xin thưa với chú Tư, kế hoạch làm ăn của cháu còn dài dài: Trước mắt cháu thuê người phụ đào ao, đào mương lên bờ, lên liếp, dưới nuôi tôm cá, trên trồng mía. Về lâu dài, cháu sẽ sát phạt đám bần ven bãi ghim Đước. Bần là nghèo, là thứ không chơi được, phải tẩy chúng đi, để chiếm đất chớ chẳng ích lợi gì! Nếu xếp hạng trong các loại củi, nó cũng hạng bét, nấu khói như un, còn Đước hả, hết sẩy, như những vệ sĩ ngăn sóng gió, lớn lên đốt lấy than còn phải nói...

Kha độc diễn, hai ông già ngồi uống trà, lặng thinh. Mất hứng nó kiếu đi ngủ.

Thấy ông Nam đăm chiêu, ông Phan hỏi :

- Chú nghĩ gì trông có vẻ buồn?

- Về thằng Kha mạt sát cây bần.

- Nó nói thế sai ở chỗ nào?

- Chẳng lẽ anh mà đi hỏi tôi chuyện ấy?

- Cái chú này, chưa rõ thì hỏi chớ ở đó mà anh hay em!

Ông Nam đặt vấn đề rồi lý giải :

- Bần chiếm đất của người hay người chiếm đất của bần? Bần là loại cây lập địa đấy. Người thọ ơn bần chớ bần không thọ ơn người. Chẳng ai trồng và vun bón gì cho bần cả. Bần xuất thân từ những manh nha, chịu gió đẩy, sóng đưa đến bãi biển, triền sông, đến những nơi sình lầy nước đọng. Cây bần luôn lấn biển, lấn sông, từ leo heo một vài cây nhỏ ngoi lên giữa chơi vơi trời nước, nó vừa sanh con đẻ cháu, vừa đương cự với sóng to gió lớn. Với bộ rễ chằng chịt, nó giữ mỗi ngày một ít đất tạo nên cồn. Ai còn lạ gì: Cồn Rừng, Cồn Lợi, Cồn Chim, Cồn Tra, Cồn Mít (Bần Mít),v.v. ở cuối Cù Lao Minh này chẳng phải thế sao? Đó là chưa nói, bần còn đứng mũi chịu sào cản ngăn sóng gió, thò rễ ra giữ đất lấn biển, gắn kết những cồn riêng lẻ ấy thành vùng đất rộng lớn, bao gồm dưới chân ta và trước mắt ta. Tại sao chúng ta cố tình không chịu thấy?... Công bằng mà nói: Cây bần là “người sáng lập”, là “thổ dân” các cồn và bãi bồi. Các loại cây khác và con người đến ngụ ở những phần đất ấy chỉ là những “cư dân” – người đến sau. “Cư dân” mà mạt sát, nhục mạ “thổ dân” là chẳng biết điều, không phải đạo, ỷ mạnh hiếp yếu, “ăn trái không nhớ kẻ trồng cây”. Càng nghĩ càng thương cho số phận cây bần: không bao giờ nó được sống trên những mảnh đất thuộc do chính nó tạo ra, mà chỉ tạm thời được sống ở ven biển, triền sông khi con người còn cho phép.

Xem mòi ông Phan còn muốn nghe, ông Nam pha trò cho vui, chống mệt mỏi:

- Bần là loại cây có dũng khí đấy: có lẽ vì quá ức với con người, khi ra ven biển, xuống triền sông, chúng xúm nhau vạch “cặc” chổng lên (xin lỗi, cho đến nay vẫn chưa có từ thanh tao nào thay cho từ “cặc bần” – Tác giả). Để trừng phạt sự hỗn xược ấy, người ta truy theo cắt những “cặc bần” ấy về: nhỏ thì làm đế cầu lông, làm nút chai rượu, chai nước mắm..., lớn làm nút bình thủy để giữ hương vị, hơi ấm cho con người, – thường gọi là nút cặc bần. Hiện nay nhiều chợ nông thôn còn bày bán loại nút ấy.

Nghe qua, ông Phan cười xòa, gật gật đầu nói:

- Thâm, vui, thú vị. Còn chuyện gì vui và lý thú nữa không ?

Vỗ vai ông Phan, ông Nam nói giọng trầm buồn:

- Bần là nghèo, nghèo khổ ít khi vui lắm. Chuyện vui về cây bần thì hết, chuyện buồn về nó không thiếu gì! Đã khuya rồi, tôi dẫn cho anh nghe một chuyện nữa rồi ta đi ngủ: “Đất nước ta nằm ven biển, nhiều sông rạch, đặc biệt là chín nhánh Cửu Long tuôn phù sa ra biển, là nơi cây bần lưu ngụ nhiều và cũng là nơi nó bị bức tử nhiều. Đêm đêm. từng đàn đom đóm bay về tụ hội trên những cây bần. Hiện tượng đó, có người cho rằng: đấy là những oan hồn bao đời của những cây bần bị bức tử về thăm con cháu. Một ngư dân, đêm đậu ghe dưới gốc cây bần, nhìn mây trời phản chiếu xuống nước như những dãy núi, nhìn đom đóm đậu trên những cây bần như những ngọn đèn hoa. Tức cảnh, ông làm bài Vịnh về cây bần:

Dưới sơn thủy ngàn năm ly biệt,

Trên nửa lừng chong ngọn đèn hoa,

Sang chi đó canh tuần nghiêm nhặt?

Rạng ngày ra mình một xơ rơ! ”.

Ông Phan gật đầu khen thâm thúy rồi nhìn ông Nam đặt vấn đề:

- Theo ý chú, vì cái công “lập địa” của cây bần, ta nên để nó tại vị mãi chớ gì? Nếu vậy, thì lấy chỗ đâu trồng những cây hữu ích hơn cho người?

Ông Nam phân trần:

- Ý tôi không phải thế! Tôi đâu phản đối việc loại bỏ cây bần khi cần thiết, tôi chỉ buồn khi nghe bất cứ ai nhục mạ nó. Đó là tình cảm hoàn toàn riêng tư của tôi đối với cây bần.

T.T.

Bài đã đăng ở Diễn đàn. Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn