Giới thiệu triển lãm tranh giấy của Trần Trung Tín tại Bảo tàng Mỹ thuật, Hà Nội 18 tháng 10 – 30/10/2013

Sherry Buchanan

Hoàng Hưng dịch

Trần Trung Tín là một “ca” rất đặc biệt của mỹ thuật Việt Nam. Là một diễn viên điện ảnh nhưng mê vẽ hơn làm phim, vì vẽ nói thật được lòng mình (mà lòng anh thì buồn là chính, buồn vì mất mát của người dân trong chiến tranh, buồn vì người vượt biên chết ngoài biển sau chiến tranh, buồn vì mình như “vị thánh lang thang” bên ngoài “nhà thờ” chính thống), còn phim thì phải làm theo “lòng lãnh đạo” (luôn lạc quan cách mạng!). Rồi anh lặng lẽ bỏ “biên chế” đi làm “lơ xe đò” chỉ để được tự do sống và vẽ theo ý mình. Là một người tự mày mò vẽ mà đến cuối đời đã được tôn vinh trên thế giới hơn tất cả các đồng nghiệp “chuyên nghiệp” người Việt. Một nữ hoạ sĩ quê hương Van Gogh đánh giá anh như một Van Gogh đương đại và mở cả một triển lãm tranh bà vẽ về ông. Bảo tàng Anh Quốc (British Museum) giới thiệu tranh Tín và in một vựng tập riêng của hoạ sĩ.*

Có một chuyện ít người biết: Trần Trung Tín là nhân vật chính trong tiểu thuyết Hoang tưởng trắng của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh từ đầu thập kỷ 1970, bản thảo đút ngăn kéo chỉ lưu truyền “bí mật” trong vòng vài người bạn chí cốt (người viết những dòng này cũng có may mắn được chia sẻ), mãi sau “Đổi mới” mới được NXB Đà Nẵng của nhà văn Đà Linh táo bạo cho in với cái tên Miền hoang tưởng, để rồi lập tức bị thu hồi, cũng chỉ vì cái buồn trĩu nặng thân phận con người không thể được chấp nhận trong thể chế “dân chủ gấp vạn lần tư bản” của chúng ta.

Dẫu vậy, tranh Tín cũng dần dần được “làm quen”, và triển lãm Trần Trung Tín tới đây tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khai mạc đúng sinh nhật thứ 80 của ông là một nét văn hoá nên được ghi nhận của ngành văn hoá.

Hoàng Hưng

TRẦN TRUNG TÍN (1933 — 2010) là một diễn viên điện ảnh, nhà thơ và hoạ sĩ. Là người đa tài, ông bắt đầu vẽ tranh ở Hà Nội trong thời chiến tranh Mỹ-Việt, để biểu đạt nỗi đau thương và sự bền bỉ của một dân tộc trong chiến tranh. Hình ảnh những nữ chiến sĩ cầm súng cùng với hoa, những ngôi nhà đổ và những cuộc đời tan nát của Tín được cân bằng bởi những bức tranh dịu dàng mô tả người tình, bà mẹ và kẻ rũ bỏ tín điều. Những phong cảnh đô thị và tranh trừu tượng của ông là “chốn ẩn dật trầm tư trong những khối được vẽ thoải mái có màu sắc ấm áp, một thánh đường thị giác tự tạo trong khi cuộc chiến bên ngoài đang ác liệt.” Ông vẽ màu dầu trên giấy báo và bao tải đựng gạo. Chỉ có các bức tranh trên giấy báo còn lại. Sau này, ở Sài Gòn, ông vẽ tranh màu dầu trên giấy ảnh. Mặc dù – và có lẽ cũng vì – ông chỉ có được những tấm nền tranh khổ nhỏ, sáng tạo tạo hình của ông đầy sức mạnh và sự độc đáo. Ở các giao lộ cảm hứng, chủ nghĩa hiện đại phương Tây, chủ nghĩa xuất biểu [expressionism] và chủ nghĩa tối giản cũng như Đạo giáo và Phật giáo giúp ta nhận biết tác phẩm của ông.

clip_image002

Giai đoạn Hà Nội 1969-1975

Sinh ra ở Chợ Lách trong vùng Châu thổ sông Cửu Long, Tín từng là một chú lính trẻ trong chiến tranh Pháp-Việt (1946-1954). Anh tham gia kháng chiến khi mới 12 tuổi và chiến đấu chống quân Pháp ở mặt trận Cambodia. Khi chiến tranh kết thúc, Tín tập kết ra Hà Nội và được tuyển vào trường Điện ảnh Việt Nam trong khoá đầu tiên. Sau đó, ông làm việc với tư cách diễn viên và nhà biên kịch. Khi bùng nổ cuộc chiến tranh Mỹ-Việt, ông tìm cách biểu đạt nỗi đau thương của chiến tranh nhưng bị hạn chế trong những bộ phim tuyên truyền của dòng chủ lưu đang là thời thượng hồi ấy. Tín tìm thấy trong việc vẽ tranh sự tự do mà mình tìm kiếm. Trong căn phòng dưới tầng hầm của mình ở Hà Nội, ông vẽ trên 1.000 bức màu dầu từ 1969 đến 1975. Bạn ông là Tự Huy nhớ lại: “Chúng tôi thường đi uống bia với nhau và tôi nghe những lời giải thích và bình luận nhiệt thành của một người nghệ sĩ đang sung sướng đến mê mẩn. Tôi hiểu rằng anh đã tìm ra cách vượt lên trên cái thời khủng khiếp mà tất cả chúng tôi đang sống.” Ở Hà Nội thời chiến tranh, các nhu yếu phẩm như gạo, thịt và vải vóc đều được bán theo tem phiếu. Tín đã sử dụng các bao tải đựng gạo khâu với nhau làm bố vẽ. Ông vẽ trên giấy báo và đổi tem phiếu cùng với lương tháng mà nhà nước trả, lấy những tuýp màu dầu dùng dở dang.

Hoạ sĩ Bùi Xuân Phái (1920-1988), giảng viên trường Đại học Mỹ thuật là một người bạn và người sớm ủng hộ Tín. Ông hâm mộ sự độc đáo, sự tự do về hình thức biểu đạt và sự tinh tế về màu sắc do Tín sáng tạo. Chủ nghĩa xuất biểu mạnh mẽ của Tín là cấp tiến so với hội hoạ Việt Nam những năm 1960 và 1970 vốn kết hợp phong cách cổ điển Pháp với chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa Xô viết. Khoả thân và trừu tượng chẳng hạn, bị chính thức cấm.

“Khi tôi vẽ, nỗi buồn của tôi hoàn toàn biến mất. Tôi chỉ cảm thấy vui ghê gớm. Giờ đây cuộc sống đã có ý nghĩa. Tôi cảm thấy mình có thể vẽ ra bất cứ điều gì mình muốn nói với mọi người. Thế là tôi cứ mải miết vẽ, vẽ và vẽ.” Trần Trung Tín

Hết chiến tranh, Tín trở lại quê hương mình ở miền Nam Việt Nam. Ông bỏ lại những tấm tranh màu dầu khổ lớn vẽ trên bao gạo trong căn phòng khoá cửa còn những bức tranh trên giấy báo thì trao cho Từ Huy bạn mình. Các tấm tranh khổ lớn đã không thể nào khôi phục được.

Giai đoạn Sài Gòn 1976-1984

Các tác phẩm ở Sà Gòn của Tín toả ra sự tự tin và độ chín. Sự rạng rỡ của các tác phẩm có từ niềm hạnh phúc cá nhân mới tìm được. Năm 1976, sau nhiều năm cô đơn, ông gặp Trần Thị Huỳnh Nga, một quả phụ trẻ do chiến tranh. Họ cưới nhau vào năm 1977. Nếu như nỗi buồn vẫn có mặt trong các tác phẩm của hoạ sĩ, thì nó xuất phát từ lòng thương cảm những người bất hạnh, những mẹ goá con côi do chiến tranh và những “thuyền nhân” đã liều mạng sống trên biển cả để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Giống như ở Hà Nội, Tín đã vẽ những đề tài mà ông tưởng tượng ra: Vị Thánh lang thang, Ông Vua hiền, Im lặng Con chim chết.

“Tôi sống như kẻ giang hồ. Tôi không có nơi nào để vẽ. Một ngày tôi đợi Nga đi làm về và tôi bỗng bắt đầu vẽ trở lại. Nhà của cô ấy yên bình tuyệt vời. Tôi vẽ trên những tờ giấy ảnh mà cô ấy có trong thời gian cô ấy là một người mê chụp hình. Đứa con trai nhỏ của Nga nhìn tôi vẽ. Tôi vẽ một ông thánh ở bên ngoài một nhà thờ. “Vậy chú là ông thánh ở bên ngoài nhà thờ hả chú?”, Titi hỏi, “Chú là Ông Thánh Lang thang.” Tôi đặt tên bức tranh là Vị Thánh Lang thang.

Giấy vẽ cho phép ông dùng những màu mạnh và rực rỡ. Trong ánh sáng nhiệt đới của miền Nam Việt Nam, những màu sắc phấn màu của Hà Nội biến thành màu đỏ chói lọi của những cái cây đang rộ hoa như lửa cháy, màu lục huỳnh quang của những búp mạ non, màu lam của những đêm đầy sao và màu vàng kim vương giả của nắng.

Triển lãm đầu tiên các tác phẩm Sài Gòn của Tín diễn ra ở Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh vào năm 1989 và triển lãm đầu tiên các tác phẩm Hà Nội diễn ra ở Hà Nội năm 1994. Nhiều triển lãm tiếp theo ở Mỹ, Pháp, Thái Lan, Singapore, Nhật và British Museum, Asia House ở London. Tác phẩm của ông có trong những sưu tập của bảo tàng Singapore và Anh.

S. B.

Nguồn: Bài viết do Ban tổ chức triển lãm cung cấp cho dịch giả.

* Tran Trung Tin: Paintings and Poems from Vietnam (Trần Trung Tín: Tranh và Thơ từ Việt Nam) được xuất bản bởi Asia Ink vào năm 2002 như một vựng tập của cuộc triển lãm tại bảo tàng British Museum.

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn