CÁCH MẠNG 1989 (Kỳ 43)

Victor Sebestyen

Dịch giả:  Phan Trinh

CHƯƠNG 41

BA LAN: GIỚI PHẢN KHÁNG NẮM

CHÍNH PHỦ

BA ỨNG VIÊN THỦ TƯỚNG - ĐƯỢC KÍNH TRỌNG, CÓ QUAN HỆ, ĐƯỢC TỰ QUYẾT - JARUZELSKI ÁI NGẠI, GORBACHEV: “PHẢI LÀM” - CỘNG SẢN Ở TRONG AN TÂM HƠN ĐỨNG NGOÀI - XE ĐÓN ĐI ĐÂU?

***

Warsaw. Thứ năm, ngày 24 tháng 8, năm 1989

BA ỨNG VIÊN THỦ TƯỚNG

1.

TRONG VAI TRÒ “NGƯỜI LẬP VUA”, Walesa có ba ứng viên cho chức Thủ tướng. Cả ba đã từng ở tù với thời hạn khác nhau vì bị chính quyền cộng sản kết tội phá hoại.

Bất cứ ai trong ba vào vai Thủ tướng chính phủ của một nước Khối Warsaw đều chắc chắn sẽ làm Chủ tịch Rumani Ceausescu và Chủ tịch Đông Đức Honecker kinh hoàng. Lúc này hai ông cũng không còn hy vọng Liên Xô sẽ can thiệp để giúp chủ nghĩa xã hội không sụp đổ ở Ba Lan.

Bốn năm trước, viễn cảnh phải làm việc với bất cứ ai trong ba người cũng đều là một cú sốc nặng với gần như tất cả mọi quan chức cộng sản tại Moscow. Còn bây giờ, chỉ ít lâu sau 1 giờ 8 phút ngày 24/8/1989, là lúc Tadeusz Mazowiecki chính thức được bầu làm Thủ tướng Ba Lan, điện văn chúc mừng đầu tiên ông nhận được lại là của Thủ tướng Liên Xô, gửi đi từ Điện Kremlin.

2.

Mazowiecki dường như là một chọn lựa quá an toàn cho vai trò lịch sử này. Nhưng chính sự thâm trầm, khiêm tốn và bản lĩnh vững chắc của mình - khác hẳn tính cách của Lech Walesa - đã giúp ông thăng tiến.

Hai ứng viên kia có thể là hai chọn lựa táo bạo hơn, nhất là triết gia Jacek Kuron, 55 tuổi, một trong những người sáng lập phe đối lập Ba Lan và là nhà bất đồng hoạt động tích cực từ những năm 1960. Kuron có khả năng phân tích cực kỳ sắc bén và nhân cách chính trực, nhưng Walesa cho rằng ông quá cấp tiến.

Nhân vật thứ ba, Bronislaw Geremek, 57 tuổi, là người đủ ôn hòa và là một cố vấn có ảnh hưởng lớn đối với Công đoàn Đoàn kết từ ngày thành lập. Ông là nhà nghiên cứu nhưng khi còn trẻ có thời gian ngắn theo nghiệp ngoại giao, và được cử đi làm việc trong Tòa Đại sứ Ba Lan ở Paris. Rồi ông dần thất vọng với Đảng và quay lại với những bản cổ văn thế kỷ 14 mà ông đam mê nghiên cứu. Ông là một chiến thuật gia chính trị khôn ngoan và một nhà thương thuyết cứng cáp, nhưng Walesa cho rằng ông ưa tranh cãi và quá dễ cảm thấy bị xúc phạm.

*

ĐƯỢC KÍNH TRỌNG, CÓ QUAN HỆ, ĐƯỢC TỰ QUYẾT

3.

So với hai ứng viên kia, Mazowiecki là giải pháp an toàn. Ông được kính trọng rộng rãi ở cả Ba Lan lẫn nước ngoài. Sau khi ra tù năm 1984, ông được phép xuất cảnh và trở thành người cổ vũ mạnh mẽ cho lý tưởng của Công đoàn Đoàn kết ở phương Tây.

Yếu tố then chốt khiến ông được chọn, và hai vị kia không có, nằm ở chỗ ông là một người Công giáo thuần thành có quan hệ tuyệt vời với Tòa thánh Vatican và với hàng giáo phẩm Công giáo Ba Lan.

Tuy nhiên, vẫn có một vấn đề. Đó là Mazowiecki công khai chống đối việc Công đoàn Đoàn kết thành lập chính phủ. Nhìn chung, ông giữ được quan hệ tốt với Walesa, kể cả khi hai người bất đồng. Thỉnh thoảng, ông cho rằng anh bạn thợ điện kia vung tay quá trán và có tính độc tài, nhưng ông luôn tin cậy các quyết định của Walesa về nhân sự và chiến lược hành động. Walesa thì tin rằng ông có thể dùng sức hút cá nhân để thuyết phục Mazowiecki rằng một chính phủ Công đoàn Đoàn kết hiện giờ là giải pháp duy nhất hợp tình hợp lý có thể có, và Mazowiecki chính là người tốt nhất có thể có để đứng đầu chính phủ.

4.

Cuộc “dụ dỗ” như Mazowiecli có lần mô tả, không hoàn toàn là nói đùa, diễn ra đêm 18/8/1989, trong bữa ăn tại một nhà hàng buồn tẻ thuộc Khách sạn Europekski một thời hào nhoáng nay xuống cấp, nằm ở vòng ngoài Phố cổ Warsaw. Ban đầu, Mazowiecki ngần ngại từ chối, không muốn nhận chức vụ này, và đề nghị Walesa ra làm Thủ tướng.

Nhưng rồi ông nói sẽ nhận nhiệm vụ với điều kiện Walesa phải cho ông rộng tay hành động, và Walesa sẽ “không tìm cách điều khiển từ sau hậu trường”. Ông cũng không muốn bị người của Walesa tạo áp lực, ông muốn được là mình, làm theo ý mình. Ông yêu cầu được đích thân chọn người vào các chức bộ trưởng trong chính phủ do mình cầm đầu, và không bị ai dòm ngó từ bên ngoài. Walesa đồng ý lui về phía sau, nhưng nói sẽ luôn sẵn sàng có mặt để hợp tác.[1]

*

JARUZELSKI ÁI NGẠI, GORBACHEV: “PHẢI LÀM”

5.

Về phần Jaruzelski, ông vẫn còn ái ngại khi thấy mình chính là người cộng sản Ba Lan làm cho Đảng mất quyền lực tối cao. Ông là một tín đồ cộng sản đúng nghĩa, mặc dù toàn bộ cấu trúc quyền lực của Liên Xô mà ông quá ngưỡng mộ đang sụp đổ quanh ông.

Trong vai trò Tổng thống Ba Lan, Jaruzelski chấp nhận bổ nhiệm Mazowiecki làm Thủ tướng, vì ông cũng kính trọng Mazowiecki. Ông yêu cầu Mazowiecki để cho hai người bạn thân và đồng nghiệp của ông là Tướng Kiszczak và Tướng Siwicki được tiếp tục giữ chức Bộ trưởng Nội vụ và Bộ trưởng Quốc phòng.

Hồng y Glemp mạnh mẽ ủng hộ và Đức Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II cũng vui mừng với việc chọn Mazowiecki làm Thủ tướng. Đức Giáo hoàng còn đích thân mời tân Thủ tướng Ba Lan đến hội kiến tại Vatican và nhận phúc lành Tòa thánh.

6.

Rakowski, lãnh tụ cuối cùng của Đảng Cộng sản Ba Lan, có một cuộc điện đàm dài 35 phút với Gorbachev vào sáng ngày 22/8/1989.

Cũng nên nhắc lại là trong thời kỳ thiết quân luật 1982, Rakowski có lần nói với Jaruzelski rằng Đảng Cộng sản không thể nắm quyền lực vĩnh viễn và “không sớm thì muộn, chúng ta cũng phải đối diện với thực tế này, tôi nghĩ vậy”. Lúc đó, đa số người cộng sản hẳn cho rằng Rakowski chỉ nói điều nhảm nhí. Nhưng bây giờ, chính Gorbachev lại nói với Rakowski: “Anh phải học cách sống với thực tế đó. Không có cách nào khác ngoài việc chấp nhận chính phủ mới. Có thể ta không vui lắm về điều này, nhưng đó là việc phải làm. Chúng tôi sẽ ủng hộ những thỏa thuận Jaruzelski đang theo đuổi”. Chính sách chỉ thay đổi nếu Công đoàn Đoàn kết – mà trong cuộc điện đàm, Gorbachev luôn gọi là “phe đối lập” – dám chống lại Liên Xô, nhưng ông không nghĩ điều đó sẽ xảy ra. Gorbachev cũng mạnh miệng nói với Rakowski rằng ông “kinh ngạc” với Đảng Cộng sản Ba Lan, vì Đảng “đã cho thấy Đảng rất vớ vẩn. Anh phải xây dựng lại toàn bộ từ dưới lên. Anh không thể đạt được điều gì với những con người anh đang có”.

Nhân cuộc điện đàm, Rakowski xin qua Moscow để trực tiếp gặp Gorbachev. Đây là yêu cầu thông thường của tân lãnh tụ Đảng trong một nước vệ tinh Liên Xô, và yêu cầu thường được chấp thuận như việc đương nhiên. Nhưng tình hình lâu nay đã khác, nên Gorbachev nói: “Tôi không nghĩ đó là một ý hay trong lúc này. Nó sẽ làm người ta nghĩ chúng tôi đang tìm cách can thiệp vào nội bộ Ba Lan”.[2]

*

CỘNG SẢN Ở TRONG AN TÂM HƠN ĐỨNG NGOÀI

7.

Về phần mình, Mazowiecki cũng thay đổi quan điểm về việc có người của Đảng nắm quân đội và công an trong tân chính phủ. Ông nói: “Có một ông tướng cộng sản ở trong nhà và có một ông tướng cộng sản không được vào nhà, cái nào nguy hiểm hơn? Với tôi thì rõ ràng là nếu Đảng không có đại diện cách này hay cách khác trong chính phủ … thì cải cách sẽ không thể nào diễn ra một cách ôn hòa”.

Ngoài hai vị trí đó của Đảng, đội ngũ bộ trưởng chính phủ còn lại hầu hết là do các nhà bất đồng chính kiến một thời nắm giữ, chẳng hạn như nhà kinh tế Balcerowicz, nay trở thành Bộ trưởng Tài chính, người chủ trương thi hành “liệu pháp sốc”.

Giây phút Mazowiecki trở thành Thủ tướng hậu cộng sản đầu tiên trong các nước khối Xô-viết là giây phút khiến ông hầu như không kiềm được cảm xúc. Ông đã khóc khi bắt tay một cách trân trọng từng thành viên chính phủ cũ, gồm các quan chức của Đảng Cộng sản. Hầu hết những người này đều lặng đi. Rồi ông hôn lên hai má của Geremek, người mới được chọn làm đại diện nhóm các nghị sĩ thuộc Công đoàn Đoàn kết.

Trong khi đó, tại nhà mình ở Gdansk, máy quay phim ghi hình Walesa xem truyền hình trực tiếp buổi chuyển giao quyền lực. Phải mất gần 10 năm, nhưng hôm nay quyền lực đã được giành lại, từ tay những người cộng sản Ba Lan và từ những ông chủ Xô-viết. Nụ cười của Walesa rất tươi dưới bộ ria rậm và ông đưa cao hai tay ngón tay tạo hình chữ V, tượng trưng cho chiến thắng.

*

XE ĐÓN ĐI ĐÂU?

8.

Trong một bước đi khôn ngoan của tân Thủ tướng, triết gia Jacek Kuron, nhân vật luôn đứng sau và truyền cảm hứng cho Ủy ban Bảo vệ Công nhân KOR và Công đoàn Đoàn kết, đã được bổ nhiệm vào vị trí tương xứng là Bộ trưởng Lao động.

Sáng sớm hôm sau ngày được bổ nhiệm, khi đang cạo râu, Kuron nhận được cú điện thoại khẩn của người hàng xóm, báo cho ông biết có một chiếc xe được nhìn thấy vừa đậu trước chung cư ông ở trên Đường Mickiewicz - một khu khá sang trọng của Warsaw.

Điều này vẫn thường xuyên xảy ra trong 20 năm qua, tính từ năm 1969 là năm đầu tiên Kuron bị chế độ bỏ tù vì viết các bài văn chui chỉ trích chế độ. Lúc nào cũng vậy, sẽ có một chiếc xe hơi của mật vụ đậu trước nhà, rồi có một cú điện thoại gọi tới để Kuron có ít thời gian khăn gói vài thứ trước khi bị bắt đưa vào tù.

Kuron ngạc nhiên. Ông mới chỉ có chân trong chính phủ được vài tiếng đồng hồ. Chắc chắn họ phải theo dõi ông lâu hơn thế, trước khi muốn nhốt ông lần nữa chứ.

Lần này, hóa ra, ngoài kia là chiếc xe dành riêng cho tân Bộ trưởng và tài xế của Bộ trưởng đến đón ông đi làm.[3]

-----------

Dịch theo bản gốc tiếng Anh cuốn Revolution 1989 - The Fall of the Soviet Empire (Cách mạng 1989 - Đế quốc Xô-viết sụp đổ) của Victor Sebestyen, Pantheon Books, New York, 2009. Bản tiếng Việt này không phục vụ mục đích thương mại.

PT


[1] Tác giả nói chuyện với Mazowiecko, Warsaw, tháng 10/1995; Bronislaw Geremek, Rok 1989 – opowiada, Jacek Zakowski pyta (The Year 1989 – Bronislaw Geremek Advocates, Jack Zakowski Asks, bản dịch tiếng Pháp có tên La Rupture (Seuil, Paris, 1991)), tr. 116-8; Robert Boyes, The Naked President (Secker and Warburg, London, 1994), tr. 191-200

[2] Tác giả nói chuyện với Rakowski, Warsaw, tháng 10/1995; Gale Stokes, The Walls Came Tumbling Down (Oxford University Press USA, 1993), tr. 227

[3] Tác giả nói chuyện với Mazowiecki; Robert Boyes, The Naked President (Secker and Warburg, London, 1994), tr. 196

Dịch giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn