Tín Dụng Vi Mô và tổ chức dân sự tại Việt Nam: Đài RFA phỏng vấn TS Phùng Liên Đoàn

Tôi gửi bài phỏng vấn này đến các bạn, mong các bạn đưa lên mạng để tìm người bảo trợ cho vài hội dân sự nhỏ đang phát triển trong nước. Họ là những sinh viên, những công dân đang cố gắng giúp xã hội quanh mình được sạch sẽ hơn, yêu thương nhau hơn, an bình hơn, có khái niệm rõ nét hơn về nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí. Mỗi hội cần một, hai người bảo trợ, để họ có cửa sổ nhìn ra bên ngoài, có cách tổ chức, có chương trình bền vững. Hoàn toàn tránh chính trị vì việc này đã có người khác làm. Đó là một chủ trương của tôi trong nhiều năm nay trong việc cố gắng giúp người khác kiếm tìm hạnh phúc – một thứ hạnh phúc không to tát mà vừa tầm tay.

Bạn cần đến hỗ trợ của tôi chỉ cần biên thư cho tôi xin địa chỉ, tôi sẽ đề nghị một hội cho bạn, như Nghị Lực Sống ở Hà Nội là tổ chức giúp người khuyết tật và do người khuyết tật đứng đầu; tổ chức Vần Sen ở Quảng Bình chỉ cần 750 USD để cộng với vốn sẵn có dạy học dạy bơi cho trẻ nghèo xóm làng; Nhóm giáo viên Quảng Trị giúp kèm các học sinh để có thể đến Huế học đại học; tổ chức Drayling ở Daklak muốn giúp làng Drayling có nước sạch sinh sống; tổ chức Happier gồm các sinh viên tới bệnh viện giúp bệnh nhân nghèo... Tôi đã tiếp cận với họ, nhưng có ý kiến là nên có người đứng ra "sponsor" [bảo trợ] mỗi tổ chức, để họ có điểm tựa phát triển lâu dài bền vững.

Rất mong có hồi âm tốt, với ý định hành động sau tìm hiểu.

Phùng Liên Đoàn

dlp.vasfcesr@gmail.com

Ngày 30 tháng 11, 2015, Đài Á Châu Tự Do (Radio Free Asia – RFA) phỏng vấn TS Phùng Liên Đoàn, Chủ tịch Quỹ Khuyến Học Việt Mỹ (Vietnamese American Scholarship Fund – VASF) và Quỹ Khuyến Khích Tự Lập (Fund for the Encouragement of Self-Reliance – FESR) tại Mỹ, và cũng là thành viên Hội đồng Quản Trị Trung Tâm Khuyến Khích Tự Lập (TTKKTL) tại Việt Nam. Bài phỏng vấn này đã phát thanh ngày 3 tháng 12, 2015. Dưới đây là tin chi tiết.

Thanh Trúc, RFA:

Thưa ông, trước hết xin ông cho một cái nhìn tổng quát về sự bắt nhập của Việt Nam đối với phong trào Tín Dụng Vi Mô của ông Mohammad Yunus.

Phùng Liên Đoàn, VASF & FESR:

Sự thực tôi ở nước Mỹ và không có quan hệ gì với Chính phủ Việt Nam cùng là tình hình tổng quát của Việt Nam, thì tôi đâu dám đưa ra một cái nhìn tổng quát về phong trào Tín Dụng Vi Mô của ông Mohammad Yunus tại Việt Nam. Tuy nhiên, cứ xem tin tức thì thấy Việt Nam hội nhập phong trào Tín Dụng Vi Mô rất sớm.

Ông Yunus bằng tuổi tôi, có bằng Tiến sĩ về kinh tế phát triển tại Vanderbilt University bang Tennessee năm 1971. Tôi cũng đã ở và làm việc tại Tennessee hơn 20 năm. Ông Yunus có ý tưởng về Tín Dụng Vi Mô khi dạy học tại Chittagong University gần Dakar sau chiến tranh Bangladesh và nạn đói năm 1974. Sau nhiều thử nghiệm, đến năm 1983 thì ý tưởng Grameen Bank được công nhận (Grameen có nghĩa là làng xã) và ngân hàng nhà nước Bangladesh chính thức cho Grameen vay vốn để thực hiện chiến dịch cho phụ nữ nghèo vay những số vốn rất nhỏ để họ tự bươn chải cho đời sống kinh tế gia đình. Ford Foundation cũng hỗ trợ cho ngân sách và ngân hàng Shorebank tại Chicago giúp việc thành lập cơ sở hạ tầng. Ngày nay Grameen Bank có 2.500 văn phòng, có 22,000 nhân viên, đã giúp cho người nghèo tại 50,000 làng xã, và đã cho người nghèo vay trên 8 tỉ USD. Ông Yunus được giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 2006.

Theo tin tức trên báo chí thì Việt Nam có trên 52 tổ chức Tín Dụng Vi Mô, hầu hết đều có sự quản lý của nhà nước qua các hội như Hội Phụ Nữ, Hội Nông Dân. Lớn nhất là Ngân Hàng Người Nghèo với số vốn to lớn là 5.500 triệu USD và COOP Bank, với số vốn là 677 triệu USD. Hai tổ chức này tuyên bố có tới 7.2 triệu thân chủ là người nghèo. Các tổ chức khác có vốn từ 28 ngàn USD tới 6 triệu USD. Lãi suất cho vay là khoảng 1%/tháng, rất nhân nhượng so với lãi suất trung bình của Grameen là 1.5%-2%/tháng, vì Grameen làm theo khuyến cáo của các nhà kinh tế, cho vay không thế chấp là tốt rồi, còn lãi suất thì phải theo thị trường cạnh tranh thì tổ chức mới bền vững.

Chúng tôi biết rất ít về cách tổ chức và hoạt động của các tổ chức quốc doanh Việt Nam vì họ không minh bạch. Những điều nghe nói lại thì giấy tờ rất rườm rà và nạn cho vay không đúng đối tượng cũng như nạn chây lỳ không phải là nhỏ.

Thanh Trúc:

Xin chia sẻ kiến thức của ông về tổ chức “quốc doanh” Tao Yêu Mày ở miền Bắc và CEP ở miền Nam? Sự thành công của các tổ chức này.

Phùng Liên Đoàn:

Hai tổ chức Tín Dụng Vi Mô đầu tiên tại Việt Nam là CEP và TYM.

CEP là chữ viết tắt của Capital Aid Fund for Employment of the Poor, nghĩa là tiền viện trợ dùng cho người nghèo vay. TP HCM quản lý việc này, với tiền viện trợ của nhiều tổ chức, đặc biệt là ngoại viện của Úc AusAid, World Bank, Asian Development Bank, Ford Foundation, CordAid. Tính đến 2014, CEP có 32 chi nhánh, 492 nhân viên, 72M USD vốn, và đã thực hiện 316,000 lần cho vay. Trung bình tiền cho vay là khoảng 300 USD với lãi suất 1%/tháng.

TYM là tên kỳ lạ theo ngôn ngữ Việt Nam, viết tắt của Tao Yêu Mày, giống như tiếng Trung Quốc. TYM được Hội Phụ Nữ tổ chức tại Hà Nội năm 1992. Nguồn tài trợ là từ Oxfam, CordAid, ACT, CARD, Ford Foundation… Tính đến 2013, TYM đã có tới 91,000 lần cho vay, trung bình vốn vay là 314 USD, với phân lãi 1%/tháng. TYM cũng theo mô hình Grameen đòi hỏi người vay tiền phải trích hàng tuần một số tiền nhỏ như 3000 VND để vào quỹ tiết kiệm.

Một tổ chức Mỹ là KIVA, coi việc Tín Dụng Vi Mô là một hình thức đầu tư, dùng tiền của các mạnh thường quân cho người nghèo vay với lãi suất thị trường cạnh tranh. Grameen khắp thế giới nay cũng làm như vậy, vì thế lãi suất là từ 20% tới 26% mỗi năm, để trả tiền phí tổn cũng như rủi ro bị quỵt nợ. KIVA đã giúp vốn cho hơn 300 tổ chức tín dụng vi mô tại 80 nước, và tại Việt Nam, giúp vốn cho TYM và SEDA tại Hà Nội (SEDA là chữ viết tắt của Center for Small Enterprise Development Assistance). Năm 2011 SEDA có 6800 thân chủ, 98% là phụ nữ. Tuy nhiên, lãi suất rất cao, cỡ 26%/năm, vì thế không thành công. Tôi xem báo thấy có sự chỉ trích KIVA và ngay cả Grameen đã lợi dụng người nghèo và lý thuyết cạnh tranh mà cho vay lãi quá cao, làm cho người nghèo tiến thối lưỡng nan.

Thanh Trúc:

Đến đây mới là ý chính, thưa ông, từ năm 1999 ông đã có tổ chức Khuyến Khích Tự Lập tại Thừa Thiên, Huế. Xin ông nói về sự hình thành, mục đích cũng như những thành quả mà Khuyến Khích Tự Lập đạt được?

Phùng Liên Đoàn:

Riêng gia đình chúng tôi thì từ 50 năm nay đã có ý định giúp người mình bằng cách nào đó. Huống là tôi may mắn được đi du học từ năm 1958, nghĩa là 57 năm trước, khi tôi mới 18 tuổi. Hiểu biết thông thường của học sinh ta hồi đó là chỉ học khoa học để trở nên thông thái, chứ ít có quan niệm học về kinh tế phát triển cho một quốc gia chậm tiến. Vả lại, dưới ảnh hưởng của Tàu là ta có đạo đức Phương Đông, ảnh hưởng của Pháp là ta văn minh hơn “mọi”, việc đi học lấy bằng cấp cao rồi tưởng rằng đỗ được bằng cử nhân tiến sĩ rồi thì ta có thể đội đá vá trời. Tôi cũng thuộc dạng sinh viên đó, và ngày nay rất nhiều sinh viên học sinh [Việt Nam] còn bị tâm trạng nhìn trời từ đáy giếng đó. Dĩ nhiên là học xong rồi thì thấy mình chẳng làm được việc gì đội đá vá trời cả. Nước mình chiến tranh liên miên, nổi tiếng không phải là chế tạo được xe hơi, radio, TV, sản phẩm nông nghiệp ngư nghiệp tốt, mà nổi tiếng vì đánh giặc giỏi, khủng bố giỏi, hi sinh giỏi, ra ngõ gặp anh hùng, thuyền nhân tràn lan khắp nơi và chết như rạ. Năm 1964 tôi có về Việt Nam làm việc tại Trung Tâm Nguyên Tử Đà Lạt, nhưng chiến tranh càng ngày càng dữ dội, và tôi cũng như nhiều người khác phải lo cho thân mình và gia đình mình. Tôi không làm chính trị như vài bạn cùng thời. Tôi không nhập quân ngũ như hầu hết thanh niên hồi đó. Tôi định cư ở Mỹ từ năm 1967 và cuộc đời của tôi từ đó tới nay là tìm cách giúp nạn nhân chiến tranh và người nghèo. Khó lắm, ít lắm, nhưng biết sao khi sức mình tài mình chỉ có hạn. 

Năm 1989 tôi lập Quỹ Khuyến Học Việt Mỹ, không phát học bổng nhưng phát giải thưởng, để khuyến khích học sinh và giáo viên suy nghĩ cách áp dụng cái học từ chương thành những công tác có ích cho đời sống. Năm 1997 tôi lập Quỹ Khuyến Khích Tự Lập, để khuyến khích người Việt Nam từ bỏ tư duy viện trợ mà nước ta từ quan cho tới dân ai ai cũng hy vọng được giúp đỡ từ bên ngoài. Phan Chu Trinh hô hào nâng cao dân trí, chấn dân khí [hưng dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh] từ 100 năm trước, nhưng ta vẫn không hiểu cách làm như nhiều nước khác, mà lại đi sai đường làm dân trí ngày một mê muội, dân khí ngày một què cụt, và dân sinh thì bị ngay cả những nước láng giềng bỏ xa. Ta lặp đi lặp lại “độc lập, tự do, hạnh phúc” cả tỉ tỉ lần, trên mọi giấy tờ, vậy mà sau 70 năm, ta đâu có độc lập, đâu có tự do; còn hạnh phúc thì cứ hỏi 95% người không phải là đại gia hoặc đảng viên thì biết. Người dân ta nghèo lắm, khổ lắm.

Huế là một thành phố có thể nói là nền nếp, văn minh nhất Việt Nam bởi vì suốt triều Nguyễn nhân tài đất nước đều đổ về đó và con cháu họ có gen thông minh, truyền thống hiếu học. Nhưng Huế có lụt hàng năm, cũng chỉ vì hai con sông Tả Trạch và Hữu Trạch quá dốc, đổ nước nguồn về quá nhanh mỗi khi có mưa lũ trên núi. Vậy mà suốt triều Nguyễn và 45 năm sau hòa bình, Chính phủ ta không có cách xây đập, chế ngự nước, làm điện. Năm 1999 Huế có trận lụt thế kỷ. Chúng tôi có bạn bè tại Huế. Chúng tôi đổ tiền dành dụm lâu năm về Huế giúp đồng bào, giúp học sinh. Và đó là gốc rễ của Trung Tâm Khuyến Khích Tự Lập (TTKKTL). Chúng tôi được người địa phương giúp đỡ để họ giúp cho đồng bào của họ. Chính phủ địa phương cho phép dễ dàng, không làm phiền phức giấy tờ. Nhân sĩ địa phương ra tay tự nguyện. Thanh niên thanh nữ với bằng cử nhân thạc sĩ làm việc với lương chỉ đủ ăn.

Chúng tôi dùng mô hình Grameen nhưng biến chế đi, bởi vì người nghèo sướt mồng tơi thì không có sức trả phân lãi 20% và đóng tiết kiệm hàng tuần, hàng tháng. Nhưng chúng tôi tổ chức các người vay tiền sản xuất buôn bán theo tổ giống như Grameen, mỗi tổ khoảng 10 người, biết nhau, hỗ trợ nhau, khuyến khích nhau. Tại mỗi phường mỗi xã, chúng tôi có một cộng tác viên do chính quyền địa phương đề nghị, thường là một viên chức của Ủy Ban Nhân Dân. Chúng tôi lo lắm, bởi vì như vậy là phụ thuộc Đảng rồi, và chúng tôi cắt nghĩa rõ ràng là chúng tôi muốn tự lập, và họ chỉ giúp chúng tôi để biết chúng tôi không làm chính trị, không làm tôn giáo, và thực ra để họ giúp chính người dân dưới quyền cai trị của họ. Họ ở địa vị thấp, gần người dân, cũng nghèo như láng giềng là người dân của phường xã. Vì thế nạn lại quả thì hầu như không có mặc dầu chúng tôi không hoàn toàn chắc chắn, bởi vì số người chúng tôi giúp đỡ trong 15 năm qua đã lên tới 20,000 hộ. Và chúng tôi trực tiếp làm giấy tờ và phát tiền. Mỗi tổ người vay lại có một tổ trưởng, cũng là người vay nhưng có nhiệt huyết và uy tín với những người trong tổ. Cứ đến cuối tháng thì tổ trưởng thu tiền của tổ viên, sau đó đưa cho cộng tác viên, và cộng tác viên đưa lại cho chúng tôi. Việc này nhanh nhẹn, không hành chánh khó khăn, không quan liêu, và chúng tôi chỉ có 14 nhân viên thay vì số người gấp 2, gấp 3 như nhiều tổ chức tín dụng khác. Cho vay 1 triệu VNĐ thì cũng mất nhiều công sức như cho vay 10 triệu VNĐ, vì thế tổ chức sao cho hữu hiệu, nhạy bén là rất quan trọng.

Quan trọng là tổ chức nội bộ và giám sát minh bạch. Nội bộ chúng tôi gồm một Tổng Giám Đốc và ba Giám Đốc: Hành Chánh, Tín Dụng, và Cộng Đồng. Ngoài TGĐ do chúng tôi tuyển lựa, các giám đốc kia và nhân viên do TGĐ toàn quyền chọn lựa. Và nhờ có TGĐ tốt, việc chọn lựa đã rất tốt, với phương pháp thay phiên nhau để mọi người đều quán xuyến mọi công việc, có thể thay cho nhau, nhờ đó cơ quan bền vững khi có một hai người bị rủi ro nào đó. Chúng tôi có nội qui, có các mẫu đơn từ, có các thể thức làm việc, có kiểm toán lẫn nhau, và hết sức minh bạch.

Về tín dụng, chúng tôi có bốn loại: (1) Hỗ trợ sản xuất, cho vay khoảng 200-300 USD, phân lãi khoảng 8% trên tổng thể tiền vay, trả hàng tháng cả vốn lẫn lãi, sau 12 tháng thì hoàn toàn hết nợ, và nếu còn cần thiết, thì cho vay đợt 2, đợt 3; (2) Hỗ trợ kinh doanh, cho vay khoảng 300 -500 USD, phân lãi khoảng 10% trên tổng thể tiền vay, trả hàng tháng cả vốn lẫn lãi, sau 12 tháng thì hết nợ, và nếu còn cần thiết thì cho vay đợt 2, đợt 3; (3) Hỗ trợ thời vụ, cho vay khoảng 250-500 USD vào những dịp cần vốn như một hai tháng trước Tết, phân lãi khoảng 1.5% mỗi tháng, sau ba tháng thì phải trả cả vốn lẫn lãi (nghĩa là vốn cộng 4.5%), không cho vay tiếp cho tới thời vụ sang năm; (4) Hỗ trợ buôn bán đường phố – Chúng tôi trực tiếp đi tìm những người buôn thúng bán mẹt tại góc đường, tại góc chợ, tại hang cùng ngõ hẻm, và hỏi họ có cần giúp vốn cải thiện việc kiếm sống. Nếu họ cần, chúng tôi khuyến khích họ hợp tác với 2 - 3 người khác thành một tổ, và chúng tôi cho vay tiền khoảng 50 -100 USD, phân lãi khoảng 0.5% mỗi tuần, trả hàng tuần cả vốn lẫn lãi, sau ba tháng thì hết nợ (nghĩa là vốn vay cộng 6%). Nếu họ có tín nhiệm, chúng tôi cho vay nhiều hơn (khoảng 100 -200 USD) nhưng phân lãi thấp hơn và thời hạn dài hơn (khoảng 6 tháng, 0.25% mỗi tuần).

Công tác của chúng tôi đã khá thành công. Thành công rõ ràng nhất là sự vui vẻ, rạng rỡ trên khuôn mặt của các phụ nữ, đến vay tiền và đến trả tiền, và khi họ khoe có mua được quần áo, dày dép cho con đi học, hoặc mua xe đạp, TV. Thành công cũng rỡ ràng qua ý kiến của nhân viên chúng tôi, sau một ngày mệt nhọc cưỡi xe gắn máy về các phường, các xã để giúp người dân làm đơn, phát tiền, thâu tiền, và viếng thăm những trường hợp thành công cũng như trường hợp thương tâm. Đối với những trường hợp thương tâm, như nhà có người bệnh, người chết, người bỏ vợ con, chúng tôi tìm cách giúp đỡ, ngay cả việc xóa số tiền còn nợ. Đối với những trường hợp thành công, chúng tôi ghi chép thành “trường hợp điển hình” để làm gương học hỏi. Nhân viên chúng tôi có báo cáo hàng tháng, có chụp hình ghi nhớ. Từ 15 năm qua đã có cả nghìn báo cáo và chục nghìn hình ảnh làm chứng từ cho hoạt động minh bạch của TTKKTL.

Khách hàng của chúng tôi là ai? Là những người trồng rau, trồng hoa, trồng trái cây, trồng tiêu, trồng cao su; là những người nuôi heo, nuôi gà vịt, nuôi cá; là những người làm đồ gỗ, đúc đồng, đúc blo xi măng; là những người buôn bán cơm hến, nước ngọt, bún bò; là những chị em gánh gồng bán hàng rong nơi hang cùng ngõ hẻm. Họ đã thành công như thế nào? Đã có hơn 5.000 hộ không vay của chúng tôi nữa, nhường cho người khác, vì họ thành công đến nỗi “chê” chúng tôi là cho vay quá ít.

Chúng tôi có thất bại không? Có chứ. Thất bại ê chề. Ít nhất có hai cộng đồng quỵt nợ chúng tôi khoảng 200- 300 triệu [VN đồng]. Đó là do lỗi của chúng tôi và lỗi của “trời”. Lỗi của chúng tôi là cho vay nhanh quá, dễ quá, không kiểm chứng và tập huấn người vay cho kỹ càng. Lỗi của trời là làm cho nghề nghiệp của người dân gặp khó khăn, như dịch bệnh heo gà, dịch bệnh tôm cá… Khi một vài người chây lỳ và họ không bị o ép trả nợ, thì những người khác cũng làm theo, khiến chúng tôi bó tay, ngay cả những người đại diện chính quyền cũng chỉ cười trừ. Một thất bại khác chúng tôi cũng đã gặp, là một cộng tác viên, có chân trong UBND xã, đã đem tiền đi đánh bạc thay vì phải nộp lại cho chúng tôi. Ông này thua hết, lại còn bắt chước cha của Thúy Kiều nói rằng con gái sắp học xong đại học, sẽ đi làm trả nợ dần. Dĩ nhiên chúng tôi xin chịu thua, không dám bắt cô gái bất hạnh này làm nô lệ kiểu mới vì lỗi của cha.

Suốt 15 năm làm tín dụng vi mô tại Thừa Thiên Huế, chúng tôi tự hào đã giúp được trên 20,000 hộ tại 40 phường xã, đồng thời giúp 15 thanh niên thanh nữ có lương bổng khiêm nhường và niềm tự hào đã đóng góp cho xã hội. Chính quyền địa phương rất ủng hộ chúng tôi bằng cách giảm thiểu mọi quan liêu hành chánh. Nơi nào làm khó dễ thì chúng tôi bỏ đi làm việc nơi khác. Chúng tôi khuyến cáo nhân viên không bao giờ ăn quà, nhận hàng của người vay tiền mà không trả tiền như khách hàng. Chúng tôi chưa có trường hợp nào có người than phiền là bị tổ trưởng hoặc cộng tác viên vòi vĩnh, mặc dầu đây là vấn đề chúng tôi còn phải tìm hiểu thêm một cách kín đáo. Liên Hiệp Quốc đã trao cho TTKKTL giải thưởng Habitat Innovation năm 2008. Nhiều tổ chức dân sự cũng như chính phủ cũng đã trao giải thưởng cho TTKKTL.

Ngày nay, TTKKTL tại Huế hoàn toàn tự lập, có một số vốn trên 1 triệu USD tức trên 22 tỉ VNĐ, có thể làm việc dài dài nếu lãnh đạo và nhân viên không trở nên biên chế lỗi thời. TTKKTL cho vay với lãi nhẹ, thể thức dễ hiểu và người dân có thể trả dễ dàng. Nhờ số vốn lớn và chúng tôi không đòi hỏi trả gì cho chúng tôi, lãi nhẹ này cũng đủ để trả tiền lương khiêm nhường cho nhân viên, trả chi phí thuê văn phòng, chi phí mua máy móc mới, chi phí điện nước, xăng nhớt, và tiền thù lao đôi chút cho các tổ trưởng và các cộng tác viên. Vậy mà chúng tôi còn thừa ra đôi chút để mỗi năm phát khoảng 160 học bổng cho con em của những người vay tiền.  Dĩ nhiên, chúng tôi biết rằng tiền mình bỏ ra thì không khi nào trở lại, vì tiền càng ngày càng mất giá, ngay cả USD cũng thế huống chi là VNĐ. Tuy nhiên, tiền đó đã và còn tạo hạnh phúc cho chúng tôi, cho nhân viên TTKKTL, và nhất là cho các mảnh đời sinh ra đã nghèo mà không phải lỗi tại họ.

Thanh Trúc:

Những sự giúp đỡ của ông cho các hội nhỏ ở 3 miền đất nước như thế nào, có gặp trở ngại gì không?

Phùng Liên Đoàn:

Và TTKKTL còn làm nhiều hơn là cho vay tiền nhẹ lãi không thế chấp.

Chúng tôi có một bộ phận gọi là Phát Triển Cộng Đồng. Chỉ 2 người thôi, và luân phiên nhau. Các nhân viên này giúp tìm ngân sách để xây trường học – họ đã giúp xây bốn trường mẫu giáo. Họ cũng tìm ngân sách để xây WC tại trường học và chợ. Hơn 10 trường học đã có nhà WC vệ sinh hơn. Chợ An Cựu đã có WC sạch đóng góp cho vệ sinh cộng đồng, nhất là vệ sinh thực phẩm. Hiện TTKKTL đang thực hiện vệ sinh tương tự tại chợ Đông Ba là chợ lớn nhất tại Huế. TTKKTL cũng đã tìm ngân sách tặng áo ấm cho trẻ em. Hơn 8.000 áo ấm đã giúp trẻ em trong những năm qua. Họ đã tìm ngân sách phát giải thưởng cho nhiều học sinh hiếu học – hơn 2.000 học bổng/giải thưởng như vậy đã được thực hiện. Và mới đây TTKKTL đã có chương trình dạy bơi cho 1.000 trẻ em mỗi năm cho 10 năm liền – 3 năm đã được thực hiện khá thành công tại thành phố Huế và vùng phụ cận, với sự cộng tác 50-50 của chính quyền tỉnh thành. Việc này đang giúp giảm thiểu nạn chết đuối trong những trận lụt hàng năm tại Thừa Thiên Huế.

Ngoài việc yểm trợ hết lòng cho TTKKTL tại Thừa Thiên Huế, Quỹ Khuyến Học của chúng tôi, có tên Mỹ là VASF (Vietnamese American Scholarship Fund), và Quỹ Khuyến Khích Tự Lập, có tên Mỹ là FESR (Fund for the Encouragement of Self-Reliance), còn tiếp tay với các hội từ thiện người Việt tại nước ngoài cũng như trong nước chung tay với nhau giúp người Việt kém may mắn hơn. Chúng tôi tiếp tay với hơn 30 tổ chức tại Mỹ giúp người Việt tại Mỹ cũng như tại Việt Nam và khắp nơi trên thế giới trong các hoạt động chống nạn buôn người; giúp người tị nạn sáp nhập vào luồng chính tại các nước bao dung; đem chuyên viên và kỹ thuật về Việt Nam giúp mổ tim, mổ mắt, mổ chân tay khuyết tật; giúp trẻ em sơ sinh ít bị chết khi vừa mới lọt lòng; giúp các bác sĩ y sĩ địa phương có thêm dụng cụ và kiến thức. Nhiều tổ chức cũng làm tín dụng vi mô, tuy nhỏ hơn chúng tôi, nhưng cũng có hiệu quả tại các vùng sâu, vùng xa.

Trong 4 năm qua, ở tuổi trên 70, chúng tôi cảm thấy mình không đủ sức làm những việc mình muốn, vì thế chúng tôi nghĩ ra cách thách đố các tổ chức khác cộng hưởng với chúng tôi nếu chúng tôi đóng góp vào công tác của họ giúp người Việt Nam. Trước hết, tôi quyết chí gom góp tất cả tài sản của mình để làm việc này, cắt nghĩa cho con cháu biết là chúng đã may mắn được ăn học và làm việc tại một xứ sở an bình, cho nên chúng không cần tới vài trăm ngàn USD của tôi sau khi tôi chết. Tôi cũng mong có nhiều bạn cùng tuổi làm việc này, giống như truyền thống tốt của người Mỹ là đem tài sản làm việc giúp ích.

Mỗi năm, vào khoảng tháng 8, chúng tôi loan báo với các hội bạn là chúng tôi sẽ đóng góp từ 1,000 USD tới 10,000 USD cho các hoạt động từ thiện của họ, nếu họ đồng ý tìm thêm ngân sách để làm “nhiều hơn” năm ngoái. “Nhiều hơn” có nghĩa là ngân sách cao hơn ít nhất gấp hai số tiền chúng tôi đóng góp, hoặc số giờ thiện nguyện có thể quy ra là gấp đôi hoặc nhiều hơn số tiền chúng tôi đóng góp. Thật là kỳ diệu. Có hơn 50 hội đã hưởng ứng. Ngoài nước thì có các hội tên tuổi như Project Vietnam Foundation, Social Assistance Program-VN, Good Samaritan Medical and Dental. Give it Back to Kids, VNHelp, Pacific Links, Viet Dreams, Viet Hope, Sunflower, Compassion Flower, AVNES (Pháp), Lao Động Việt (Úc và Pháp). Trong nước thì có nhiều tổ chức dân sự từ Sài Gòn, Huế, Hà Nội, Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Buôn Mê Thuột, Daklak.

Và mô hình Khuyến Khích Tự Lập đang được nhiều tổ chức làm theo. Các tổ chức trong nước đều là do người dân tự nguyện. Chúng tôi khuyến khích họ tự tổ chức, tuân thủ Hiến pháp và luật pháp nhưng không khúm núm trước cường hào ác bá; và chúng tôi cũng không đòi hỏi họ làm gì ngoài ý muốn tự do, độc lập và tự lập của họ. Theo tôi, đó mới thật sự là một tổ chức tự phát dân sự, do người dân làm ra để hợp quần người dân từ gốc rễ chứ không phải từ đảng phái bên trên, bên dưới, bên trong hay bên ngoài.

Thanh Trúc:

Thưa ông Đoàn Liên Phùng, Tín Dụng Vị Mô, theo ông, đóng góp cho sự phát triển nông thôn như thế nào; đóng góp cho kinh tế một nước nghèo hay đang mở mang như thế nào?

Phùng Liên Đoàn:

Còn việc phát triển nông thôn và đóng góp cho kinh tế một nước nghèo như Việt Nam thế nào thì là một vấn đề quá lớn đối với khả năng cũng như hiểu biết của tôi. Chỉ biết rằng hình như có một cái gì rất sai lầm tại Việt Nam và do người Việt Nam. Tại sao chỉ 50 năm trước ta không thua gì Thái Lan, Mã Lai, Hàn Quốc… mà nay ta thua xa họ tới 30 năm, 50 năm, ngay cả 100 năm? Tại sao người Việt Nam ta “ra ngõ gặp anh hùng” mà nay đi khắp nơi tha phương cầu thực, bị làm nô lệ cho tư bản đen cũng như tư bản đỏ? Tại sao người Tàu, người Hàn, người Nhật tới nước ta không phải là làm công mà là làm chủ người dân Việt Nam? Tại sao nạn cướp bóc, bạo hành xảy ra tràn lan, xã hội hầu như rừng rú mạnh ai nấy sống? Tại sao người Việt nổi tiếng khắp nơi trên thế giới là ăn cắp nơi siêu thị, buôn thuốc phiện cần sa, buôn người và làm nghề đĩ điếm? Người Việt yêu nước yêu đồng bào chỉ có nước ngồi khóc.

Tôi cũng vậy, đã khóc nhiều lần. Nhưng tôi nghĩ ta phải chăm chú vào hai chữ cuối cùng của khẩu hiệu “Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc”.  Suốt 400-500 năm qua, Việt Nam có khi nào là thanh bình, hạnh phúc? Khác với láng giềng Thái Lan, ta phơi xương đổ máu như chưa từng khi nào và nơi nào, nhưng nay ta có độc lập thực sự không, ví dụ về chính trị và kinh tế? Ta hát hàng ngày thúc giục “đứng đều lên gông xích ta đập tan” nhưng sau bao bãi biển nương dâu người dân Việt Nam thực sự có tự do, có nhân quyền không? Và hạnh phúc thì thật là mù mờ. Hạnh phúc đối với mỗi người một khác, nhưng đứng về phương diện an dân tế thế thì hạnh phúc cũng dễ cắt nghĩa thôi. Đó là khi người người có được nhu cầu tối thiểu về thực phẩm, sức khỏe, công ăn việc làm, an ninh cá nhân, cộng đồng hài hòa, môi trường sạch sẽ, và cơ chế công bình, dân chủ. Thế giới ngày nay có xu hướng đòi hỏi mọi hoạt động của chính phủ và người dân trả lời câu hỏi: “có làm người dân hạnh phúc không?” Đối với chính phủ, làm chính sách từ trên xuống cho 93 triệu người thì phải luôn luôn trả lời câu hỏi: “chính sách này có làm cho phần lớn 90 triệu người không phải là đại gia hoặc đảng viên được hạnh phúc không; có cách nào hay hơn không?”. Đối với mỗi người, thì luôn luôn phải hỏi: “ta làm sao cho ta được hạnh phúc mà không làm người khác thiếu hạnh phúc?” Theo tôi, phát triển tư duy hạnh phúc và mưu cầu hạnh phúc từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên là công tác “trăm năm trồng người” mà ai cũng biết là ta phải làm và không thể trông chờ người khác làm thay ta. Liên Hiệp Quốc và nhiều nước trên thế giới đang cổ vũ con đường sáng sủa này. Ta nên noi gương và làm ngay bây giờ.

Tôi khuyến khích các hội làm việc với tôi cố gắng gây hạnh phúc cho mình và cho người. Nên thực tế từ việc nhỏ nhất, nói ít làm nhiều, không chờ sung rụng, không chờ viện trợ, không ngưỡng mộ những bằng cấp cao siêu. Đó là nâng cao dân trí, chấn dân khí vậy.

TS Phùng Liên Đoàn gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn