Cá nhiễm độc làm đình trệ một ngành sản xuất ở địa phương và tạo thách thức đối với nhà nước

Richard C. Paddock The New York Times ngày 8/6/2016

Trần Hạnh dịch

“Sự bất lực cộng với thái độ ủng hộ của chính quyền từ trước tới giờ đối với nhà máy thép của Đài Loan, đang là tiêu điểm của sự việc, đã thổi bùng ngọn lửa nghi vấn khắp nơi về nạn tham nhũng, bao che và ảnh hưởng ngầm của thế lực nước ngoài bất chấp cái giá đối với đời sống của người dân Việt - một hỗn hợp đủ mạnh để thách thức tính chính đáng của chế độ Đảng trị”.

clip_image002

Cá chết trên một bãi biển ở tỉnh Quảng Bình, miền Trung Việt Nam. Có nghi vấn do ô nhiễm từ một nhà máy thép gần đó gây ra hiện tượng chết hàng loạt, và các cuộc biểu tình trên khắp cả nước đang là một bài toán cho Chính phủ. Ảnh của Agence France-Presse — Getty Images

Nhân Trạch, Việt Nam - Kể từ khi thảm họa cá chết hàng loạt phủ bóng dọc 120 dặm bờ biển miền Trung Việt Nam, người dân cho rằng đã có tới hàng trăm người bị ốm vì ăn cá nhiễm độc. Ngay tại làng chài Nhân Trạch này, cá mực, là nguồn kinh tế chính của làng, đã gần như biến mất. Và một lệnh cấm đánh bắt cá của chính quyền đã khiến hàng trăm bộ lưới nằm chỏng chơ vô dụng, cùng với hàng chục con thuyền đánh cá bất động dọc bãi biển.

“Chúng tôi rất phẫn nộ”, bà Phạm Thị Phi, 65 tuổi, chủ một con thuyền đánh cá ở Nhân Trạch cùng với chồng và ba người con trai đã trưởng thành nói. “Nếu chúng tôi biết kẻ nào đã bỏ độc xuống biển, chúng tôi muốn giết chết chúng. Chúng tôi cần một câu trả lời thực sự của chính quyền xem biển có sạch và cá ăn có an toàn không”.

Dường như nguyên nhân trực tiếp có thể thấy được là chất thải độc hại từ một nhà máy thép gần đó, nhưng cơn phẫn nộ về sự việc này đã bùng nổ thành một chủ đề nóng trên toàn quốc, tạo thành thách thức lớn nhất với chính quyền chuyên chế kể từ sau các cơn bạo động với tinh thần bài Hoa vào năm 2014. Những người biểu tình để yêu cầu chính quyền phải hành động đã tuần hành ở các thành phố lớn và các khu vực ven biển trong suốt sáu tuần qua, khiến một vấn đề về môi trường ở tầm mức địa phương trở thành một bài kiểm tra về tính trách nhiệm và minh bạch của chính quyền.

Nhưng đã hai tháng trôi qua kể từ khi những con cá bắt đầu bị dạt lên bãi biển ở khu vực này, chính quyền vẫn chưa công bố nguyên nhân của thảm họa hay định danh được độc tố đã giết chết các sinh vật biển và làm cư dân ven biển nhiễm độc.

Sự bất lực cộng với thái độ ủng hộ của chính quyền từ trước tới giờ đối với nhà máy thép của Đài Loan, đang là tiêu điểm của sự việc, đã thổi bùng ngọn lửa nghi vấn khắp nơi về nạn tham nhũng, bao che và ảnh hưởng ngầm của thế lực nước ngoài bất chấp cái giá đối với đời sống của người dân Việt - một hỗn hợp đủ mạnh để thách thức tính chính đáng của chế độ Đảng trị.

clip_image004

Ông Hồ Hữu Sìa, 67 tuổi, người thu mua và phơi khô cá ở làng Nhân Trạch, cùng với vợ Nguyễn Thị Tâm. Con gái ông đã bị ốm sau khi ăn cá, và cuộc sống của gia đình đang gặp trở ngại vì tàu thuyền địa phương không được đi đánh cá. Ảnh của Richard C. Paddock/The New York Times

“Đơn giản là, ở Việt Nam, mạng sống con người không quan trọng bằng sinh mệnh chính trị của chính quyền và các cơ quan chính quyền”, Nguyễn Thị Bích Nga, một nhà hoạt động ở Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu. “Với lập luận đó, ta có thể giải thích tất cả mọi điều bất thường ở đất nước này”.

Chính quyền chưa nói gì mấy về hiện tượng sinh vật biển bị chết hàng loạt, đồng thời xuống tay trấn áp các cuộc biểu tình đang diễn ra hàng tuần vào các ngày Chủ nhật kể từ ngày mồng 1 tháng 5, có hàng ngàn người ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và năm thành phố khác đã xuống đường. Hơn 500 người đã bị bắt, và những người tham gia biểu tình đã bị công an đánh đập.

“Phản ứng của chính quyền thể hiện sự thiếu năng lực”, Carlyle Thayer, một chuyên gia phân tích về Việt Nam của Học viện Quốc phòng Australia nói. Ông cho rằng nạn cá chết hàng loạt là vấn đề môi trường nghiêm trọng nhất đối với chính quyền Việt Nam trong mấy năm gần đây và gây ảnh hưởng rất nhiều đến uy tín của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, người mới nhậm chức vào tháng 4 năm nay đứng đầu.

Tháng trước, văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền kêu gọi Chính phủ Việt Nam tránh sử dụng vũ lực quá mức cần thiết, nêu đích danh tình trạng “gia tăng cấp độ bạo lực” nhằm vào những người biểu tình.

Nhưng các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn.

Ngày Chủ nhật hơn 1000 người tập trung ở một huyện ven biển tỉnh Nghệ An, ở phía Bắc của nhà máy thép, để biểu tình. Nhiều người mặc áo phông có hình xương cá. Nhiều người mang biểu ngữ có dòng chữ, “Cá cần nước sạch, dân cần minh bạch”.

“Dường như chính quyền cố bao che cho thủ phạm”, Đức cha Anthony Nam, một Linh mục Công giáo và một người lãnh đạo biểu tình ở Nghệ An, cho biết qua điện thoại. “Chúng tôi sẽ biểu tình cho tới khi nào chính quyền công bố nguyên nhân thảm họa”.

Ở Nhân Trạch, cách nhà máy thép khoảng 40 dặm về phía Nam, các con cá chết và đang ngắc ngoải bắt đầu xuất hiện từ đầu tháng 4, bị sóng đánh dạt vào bờ biển. Lúc đầu, mọi người coi như của trời cho và rất nhiều người ăn và bán những con cá này. Nhưng rồi cá vẫn tiếp tục dạt vào, hàng tấn cá, ngày này qua ngày khác trong hơn một tháng, những người dân ở đây nói.

“Một số con cá đã chết, số khác đang ngắc ngoải”, ông Hồ Hữu Sìa, 67 tuổi, người làm nghề thu gom và phơi khô cá, nói. “Chúng tôi ăn những con cá vẫn còn sống. Ăn như thế suốt hai tuần”.

Con gái ông Sìa, chị Hồ Thị Đào, 32 tuổi, nói chị bị ốm, với các triệu chứng nôn, đi ngoài, nhức đầu, chóng mặt. Chị phải đến trạm xá địa phương để truyền dịch. Chị nói ở đó chị gặp những người khác cũng có hiện tượng ngộ độc.

“Tôi ăn cá và bị ngộ độc”, chị nói. “Nhiều người cũng bị giống tôi”.

Mãi lâu sau chính quyền mới tuyên bố sinh thái biển dọc bốn tỉnh bờ biển đã bị nhiễm độc. Chính quyền cảnh báo người dân không được ăn cá và ra lệnh ngừng đánh bắt cá.

Để bù lại, chính quyền phân phát các bao gạo và cho ngư dân 50.000 đồng, tương đương hơn 2 Đô la.

“Chúng tôi giờ chỉ biết nhìn ra biển mà trào nước mắt”, bà Phi, người cả đời sống bằng nghề đánh cá ở làng Nhân Trạch, nói. “Chúng tôi biết làm gì với 50.000 đồng?”.

Những cư dân địa phương và nhà báo nhanh chóng xác định thủ phạm là nhà máy Thép Formosa Hà Tĩnh, mới hoạt động từ tháng 12.

Theo tin trên báo chí, hiện tượng cá chết xảy ra sau khi nhà máy xả các hóa chất tẩy rửa không rõ tên qua hệ thống ống thải. Một người đại diện của nhà máy dường như đã khẳng định điều đang nghi vấn khi ông ta phát biểu vào tháng 4 rằng việc nước thải của nhà máy gây tổn hại đến sinh vật biển không có gì đáng ngạc nhiên cả.

“Phải chọn giữa đánh bắt tôm cá hay xây dựng nhà máy thép hiện đại”, ông ta nói với phóng viên. “Ngay cả có là Thủ tướng cũng không thể chọn cả hai”.

clip_image006

Hàng dãy lưới bắt mực trên bờ biển Nhân Trạch trong tháng 5. Khi biển gần như hết sạch mực, những ngư cụ này trở nên vô dụng. Ảnh của: Richard C. Paddock/The New York Times

Những lời nói của ông này gây ra một làn sóng chỉ trích trên mạng xã hội và tạo ra một thẻ lưu hashtag được lan truyền rộng ‪#‎tôi chọn cá, rồi trở thành biểu ngữ trong những cuộc biểu tình.

Sau đó công ty này tuyên bố rằng đã đáp ứng mọi tiêu chuẩn về môi trường của Việt Nam và người phát ngôn nọ đã bị đuổi việc.

Quan chức của công ty từ chối bình luận thêm.

Chính quyền Việt Nam cũng kín tiếng không kém.

Thoạt đầu, chính quyền gợi ý rằng nguyên nhân có thể là một đợt tảo độc nở rộ. Vào giữa tháng 5, Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, nói với các kênh báo chí Việt Nam rằng bộ này đã “có căn cứ khoa học thuyết phục” để giải thích nguyên nhân cá chết, nhưng không công bố đó là gì.

Tuần trước, Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nói rằng các cơ quan chức năng đã xác định được nguyên nhân nhưng cũng cho biết rằng quan chức Chính phủ không được phát biểu công khai vì vụ việc đang trong quá trình điều tra.

“Công tác xác định nguyên nhân cá chết cũng liên quan đến việc xác định thủ phạm”, ông ta nói với các phóng viên. “Công việc này đòi hỏi không chỉ riêng chứng cứ khoa học mà còn cả chứng cứ đầy đủ về hành vi vi phạm pháp luật, nhất là pháp luật môi trường”.

Tình trạng thiếu thông tin chỉ đổ thêm dầu vào cơn phẫn nộ của người biểu tình.

Người dân địa phương nói chính quyền đã thu thập mẫu nước ngay sau khi sự việc xảy ra, và các chuyên gia nước ngoài nói kết quả phân tích có thể thu được chỉ sau vài ngày.

Nguyễn Hoàng Ánh, một giảng viên đại học ở Hà Nội nói rằng chính quyền cần ngay lập tức công bố tên độc tố, nhất là cho các nạn nhân bị ngộ độc và các bác sĩ điều trị cho họ.

“Thật là không công bằng”, bà Hoàng Ánh nói. “Vô đạo đức. Như thế là tội ác”. Bà cho rằng việc bao che có nguy cơ biến thảm họa cá chết thành một thứ Chernobyl của Việt Nam, ý nói tới thảm họa hạt nhân năm 1986 đã góp phần làm sụp đổ Liên Xô.

Các nhà phân tích cho rằng đó chính là điều chính quyền sợ nhất, và đó cũng là nguyên nhân khiến chính quyền ra tay rất nhanh và đôi lúc tàn độc để trấn áp các cuộc biểu tình trước khi được châm ngòi thành một cuộc nổi dậy của dân chúng.

Những người phản biện lại nói rằng chính quyền có một động cơ khác cho nỗ lực bưng bít vụ việc này.

Chính quyền từng ủng hộ nhà máy thép, dành cho công ty này một thỏa thuận ưu đãi, trong đó có ưu đãi về thuế và giá đất, để xây dựng nhà máy ven biển.

Công ty này, là một nhánh của Tập đoàn Nhựa Formosa, đã trả 4,3 triệu đô la tiền thuê 8.150 mẫu đất mặt biển với thời hạn 70 năm, theo số liệu trên báo chí Việt Nam. Tức là giá thuê tương đương với 530 đô la một mẫu.

Để giải tỏa mặt bằng xây dựng, chính quyền đã di chuyển chín cụm dân cư với hơn 14.000 người. Vào năm 2012, ông Nguyễn Tấn Dũng, khi đó là Thủ tướng đương nhiệm, đã tới dự lễ động thổ dự án, bao gồm một cảng biển và một nhà máy thép.

“Một số nhân vật quan trọng trong Chính phủ đã móc ngoặc và tham nhũng để đặt nhà máy ở đó, nên Chính phủ cũng có phần trách nhiệm trong vụ việc này”, ông Huỳnh Ngọc Chênh, cựu biên tập viên báo Thanh Niên và là một blogger nổi tiếng, trả lời trong một cuộc phỏng vấn qua mạng. “Nên việc bắt lỗi Formosa hay chịu trách nhiệm đều không dễ dàng. Vì thế họ không nói điều gì và cứ đàn áp biểu tình”.

Hai năm trước, khi còn đang trong quá trình xây dựng, nhà máy này đã là một mục tiêu hàng đầu trong đợt bạo động khi Trung Quốc đặt một dàn khoan dầu ngoài khơi biển Đông (nguyên văn: Biển Nam Trung Hoa). Hơn 200 nhà máy có chủ là người Trung Quốc và một số nước khác bị đập phá và đốt trên khắp cả nước.

Nhưng cơn bạo động nặng nề nhất là ở Formosa, với hơn bốn người chết. Trụ sở công ty đặt ở Đài Loan, nhưng hàng ngàn lao động nhập cư đến từ đại lục Trung Quốc để xây nhà máy. Những người biểu tình chặn xe buýt, lôi các hành khách Trung Quốc xuống và đánh đập.

Chính quyền lần này đã thận trọng hơn để các cuộc biểu tình không vuột khỏi tầm tay. Nhưng dù cho có thể khống chế được các cuộc biểu tình thì thiệt hại kinh tế vẫn không ngừng gia tăng.

Một buổi sáng gần đây, hàng chục người buôn cá tụ tập ở một quán nước bên kia bãi biển. Vài người chơi cờ, vài người khác đánh bài. Chẳng có việc gì làm ngoài giết thời gian, một người nói.

Ở một góc, Phan Đình Sơn, 49 tuổi, ngồi ở một bàn trong cửa hàng lộ thiên vắng khách của mình. Anh thường bán được hàng trăm cây đá mỗi ngày. Giờ chỉ bán được chừng 20, anh nói. Một doanh nghiệp khác buôn bán ngao sò ốc đã phải dừng hoạt động vì không ai muốn ăn hải sản ở vùng này.

“Chợ cá giờ trống không chẳng có ai”, anh nói. “Tôi mong Đảng và Chính phủ có giải pháp đưa ra câu trả lời rõ ràng để chúng tôi có thể hoạt động kinh doanh”.

R.C

__________

* Nguyên bản trên The New York Times: http://www.nytimes.com/2016/06/09/world/asia/vietnam-fish-kill.html?smid=fb-share&_r=0

* Nguồn bản dịch: https://www.facebook.com/nguyet.cam.12/posts/1092657150771420

https://www.facebook.com/caulacbonhabaotudo/posts/1096827070391034

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn