Có một buổi sáng như thế

Hạ Đình Nguyên

Ở Sài Gòn, thành phố lớn nhất nước với hơn 10 triệu dân, ngày 17/2, có một cây nhang và một bó hoa nhỏ được đặt tại Tượng đài Trần Hưng Đạo.

Một thiếu nữ, mặc chiếc áo khoác, thong thả và lặng lẽ bước đến tượng đài.

Không quan tâm đến một số nhân dạng đứng quanh quẩn, cô cởi áo khoác ngoài, lấy ra một bó hoa nhỏ giấu bên trong, rồi trân trọng đặt bó hoa lên nền chân tượng, trước chiếc lư hương đồng, quỳ xuống, và mặc niệm. Sau mấy phút, cô đứng lên, khoác lại áo và lặng lẽ đi.

Trong chiếc lư đồng có duy nhất một cây nhang đang tỏa ra một làn khói mong manh.

Một lúc sau, có một người phụ nữ tuổi trung niên, không mang theo một vật gì, bước vào tượng đài, đứng mặc niệm mấy phút rồi quay đi.

Cây nhang duy nhất đã cháy gần tàn.

Đó là quang cảnh đơn sơ và có biểu trưng như bức tranh thủy mạc ở chân Tượng đài Trần Hưng Đạo sáng hôm ấy.

Và cây nhang kia? Đó là cây duy nhất của một người cựu tù Côn Đảo năm xưa. Anh đã từng là người lính chiến đấu chống ngoại xâm, những tưởng hôm nay – ngày kỷ niệm mở đầu trận chiến oanh liệt mà trên 20 ngàn quân dân Việt Nam ngã xuống bởi bọn xâm lược Bắc Kinh – anh có thể bình yên đến Tượng đài tham dự Lễ tưởng niệm mà Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng kêu gọi. Thế rồi, anh thấy lố nhố những người an ninh, mặc sắc phục và không sắc phục, đang bủa vây một nhóm người đang đến Tượng đài, và họ bị bắt lên xe đưa đi. Anh đảo một vòng xe, rồi chờ đợi, rồi quanh lại Tượng đài quan sát.

Trên đường đi, anh xin một cây nhang từ một xe tạp hóa nào đó của người dân, anh đốt và cắm lên chiếc lư hương đồng hoành tráng. Đấy là cây nhang duy nhất sáng hôm ấy, để kỷ niệm một sự kiện lớn đã đi vào Lịch sử của dân tộc.

Ở đây không phải là một nghĩa trang hoang lạnh đâu đó trong non ngàn phía Bắc, mà là ở một thành phố nhộn nhịp hào hoa với dòng xe cộ ngồn ngộn qua lại không ngừng.

Lúc đó, tôi ngồi nhà tiếp chuyện hai anh an ninh, và phía trước nhà có một nhóm người canh giữ từ mờ sáng. Trong khi trò chuyện, có mấy lần điện thoại reo, tôi nghe máy. Tôi tường thuật nội dung mà tôi vừa nghe cho hai anh, về thông tin đã kể trên.

Một cuộc đối thoại ngọt ngào, tuy có chút cay đắng.

Tôi hỏi: Cái gì làm các anh bức xúc để phải ngăn chận và phá tan cuộc tưởng niệm? Việc tưởng niệm có gì sai? Sự tàn phá tài sản và 20.000 nhân mạng quân dân Việt Nam không đáng giá gì hay sao? Câu hỏi lớn của người dân với các anh là: Tại sao? Tại sao? Và tại sao?

Các anh có nhiệm vụ “bảo vệ chế độ” thì phải thay mặt chế độ mà trả lời!

Lẽ nào, cái hình ảnh một cây nhang của một cựu chiến binh sống sót phải chạy lòng vòng và đúng lúc mới thắp lên được đúng chỗ, và một bó hoa nhỏ phải giấu bên trong chiếc áo khoác của người thiếu nữ? Hình ảnh ấy là tâm thức của dân tộc, không đẹp không quý hay sao? Nó có gì để phải đáng thù hận, đáng ghét bỏ? Tại sao lại hiểu nó là bạo động, là phá hoại, là lật đổ, là thù địch?

Có chăng, cái ấy chỉ dành riêng cho Đặng Tiểu Bình, Tập Cận Bình, chứ sao lại là các anh, và cấp trên các anh? Lẽ nào các anh chỉ là một bộ máy an ninh chuyên về hoang tưởng?

Các anh cho rằng, hành động trên chỉ là ngăn chận những người quá khích, những kẻ xấu trà trộn vào để gây mất an ninh, thì xin hỏi, đến chuột mà ông Tổng Bí thư các anh còn chủ trương “đánh chuột không để vỡ bình” (vì chuột ở trong bình và bình che chở chuột?!), thì ở đây các anh lại nhẫn tâm, nhân danh trừ cái xấu lại đi hủy diệt cái quý nhất ở người dân? Cả hai đều nằm trong sự hủy hoại. Hủy hoại cả thể xác lẫn tinh thần! Không có tinh thần ấy nơi người dân, thì làm sao có cái gọi là tinh thần dân tộc, bao gồm ý chí và tình cảm? Làm sao có được những “thắng lợi vẻ vang” đã qua mà hôm nay các anh đang vin nó mà nhân danh các thứ?

Cách hành xử này có tác động không hề nhỏ, nó tích lũy cái nhìn ngày càng không hay của xã hội đối với nhà cầm quyền, cho dù về mặt khách quan, nó có làm hài lòng bọn Tập Cận Bình và Đặng Tiểu Bình (dù tên này đã chết).

Tôi không nghĩ, không tin và không diễn dịch rằng lãnh đạo Việt Nam là nghe lời lãnh đạo Tàu, mà cố nghĩ rằng, chẳng qua là một toan tính nào đó về chiến lược chiến thuật, để có lợi cho đất nước, trong tình thế khó khăn này bởi áp lực của các nước lớn. Nhưng vì sao không có một cách hành xử khác, phù hợp hơn, chính đáng hơn cách hành xử này? Tôi biết có cơ quan Tuyên huấn, Tuyên giáo các thứ đầy rẫy, họ làm gì hằng ngày mà không nêu lên lý lẽ để thuyết phục người dân? Họ chỉ hưởng lương và ăn lộc, và nói vẩn vơ thôi sao? Họ tránh đi đâu, để đẩy các anh an ninh ra đây thay thế? Có thể người dân đang nghĩ các ông đang sa lầy vào một thể chế gọi là “công an trị” chăng? Sao không có một ông “hội đồng nhân dân” nào đó, hoặc trong Ủy ban Nhân dân, hãy cứ một mình – không cần rình rang kèn trống – ra đây mà thắp một cây nhang tượng trưng, một nhánh hoa nho nhỏ, cũng làm cho dân chúng hài lòng về sự đồng cảm. Như một lần hiếm hoi ông cựu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã làm. Một hành vi nhỏ có thể chuyển hóa rộng lớn ở công chúng. Chuyện thì nhỏ miễn là có lòng thành, thậm chí diễn kịch một chút cũng không sao! Nhưng ngược lại, tất cả đều ẩn mình! Họ sợ ai? Chẳng lẽ ra đường sợ nhân dân! Họ sợ bóng ma nào núp trong lùm đường lối chính sách cán bộ của guồng máy? Chứ lẽ nào không thấy cái lẽ phải này sao?! Đừng để mang tiếng là phản bội những người đã hy sinh vì đất nước, vì dân tộc, mà trong đó có họ. Và chính họ là người được hưởng lộc đầu tiên và nhiều nhất nhờ sự hy sinh này.

Tôi cũng tán thành rằng trong nhân dân, cũng có thành phần bất hảo, ăn trộm, ăn cướp, giết người đoạt của, quá khích, manh động…, làm mất trật tự xã hội hoặc “lợi dụng” sự kiện này để chống chế độ. Nhưng liệu các anh có suy nghĩ quá đà hay không? Tôi thì rất tin khả năng bảo vệ trật tự xã hội của các anh là rất lớn, với đội ngũ rất hùng hậu và trang bị tân tiến. Tôi tự hỏi, người dân có đủ thông minh ở mức hiểu được những lời “giáo dục” của những nhà tuyên huấn, hay là không thể hiểu nổi? Lẽ nào người dân chỉ xứng đáng được đối xử bằng bạo lực bởi công cụ bạo lực? Hình như tính cách “con người’ của cả hai bên đã bị biến mất, vì có sự phủ định lẫn nhau. Tôi nghĩ cách hành xử đúng nhất, dứt khoát không phải là cách mà các anh đang làm, sai hơn nữa, là cách các anh đang nghĩ!

Tượng đài Trần Hưng Đạo được xây dựng lên, đứng uy nghi ở quảng trường, có ý nghĩa gì, nói lên điều gì? Có phải là biểu trưng và mãi mãi nhắc nhở lòng yêu nước chống ngoại xâm của người dân với các thế hệ, và không quên công ơn tiền nhân, những người đã hy sinh vì Tổ Quốc?

Vì sao bó hoa cô gái phải giấu trong người, nén nhang mà anh cựu chiến binh phải thắp lén? Tuy thế, giá trị nó rất cao đối với người dân, là một điều gì đó lớn lao đang âm ỉ cháy trong lòng dân. Nó cũng làm cho hành động các anh trở thành đối nghịch với một ý nghĩa rất nặng nề!

Sâu xa hơn, cái gì đã biến những lễ hội trang nghiêm của truyền thống dân tộc trở thành những lễ hội cướp giật diễn ra ngày càng nhiều trên khắp đất nước?

Nhân dân là nhân dân, mãi mãi là nguyên liệu tốt, không thể so sánh hay biện luận gì với bất cứ một thứ “lý luận” nào. Những ai là kẻ làm nên chiếc bánh khê, bánh khét, dở đường dở bột này, để có một đất nước suy đồi hôm nay? Một thành phố hơn 10 triệu nhân dân, chỉ có một cây nhang và một bó hoa nhỏ, cho hơn 20.000 quân dân nước Việt đã ngã xuống, không phải là một đất nước suy đồi sao, và chỉ là cái nhục riêng của nhân dân sao!!!

Lãnh đạo thành phố có trách nhiệm trả lời với nhân dân, bằng một thứ văn hóa đối thoại của mình, thay vì chỉ biết có bạo lực.

Nhân dân thành phố này có đáng được đối xử như thế không?

Ông Thủ tướng Phúc đã nêu lên khẩu hiệu xây dựng một “Nhà Nước Kiến Tạo”, tất nhiên không phải là cái tổ của và do lũ kiến làm nên, mà là một ý tưởng/chủ trương có thiện chí, nếu nó không phải bắt đầu từ việc xây dựng tinh thần đối thoại và tôn trọng lịch sử cùng với người dân, như sự kiện ngày hôm nay hay sao?

Tôi cũng cảm ơn hai anh an ninh đã lắng nghe tôi nói, vào buổi sáng trọng đại này của 38 năm trước, với một cuộc phản công tự vệ oanh liệt, tuyệt vời mà quá đau thương của quân dân nước Việt.

Và hai anh đã có phản biện chừng mực, và vẫn kín đáo giữ vững lập trường “bảo vệ chế độ” của mình, dù trong tôi không có ý tưởng “lật đổ” cái gì cả.

Hai anh đã bắt tay từ biệt, cũng trong sự “lịch sự chừng mực”.

Đã có một buổi sáng như thế!

(Ghi lại ngày 21/2/ 2017)

H. Đ. N.

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn