Ô nhiễm môi trường và sự minh bạch của nhà nước

Kính Hòa, phóng viên RFA

Từ vụ ô nhiễm môi trường do nhà máy Vedan gây ra tại vùng ngoại ô Sài Gòn vào năm 2008 đến đại họa Formosa năm 2016, ý thức của dân chúng Việt Nam về môi trường đã cao hơn rất nhiều. Nhưng cách thức giải quyết các vụ khủng hoảng môi trường của cơ quan chức năng vẫn dường như không có gì thay đổi.

clip_image002

Nhân viên vệ sinh môi trường làm sạch con kênh Tô Lịch ở Hà Nội. Ảnh minh họa. AFP photo

Ngày 17/2 một vệt nước màu đỏ xuất hiện tại vùng biển Hà Tĩnh. Hầu như cùng lúc, trên các trang mạng xã hội xuất hiện bức ảnh một ống xả thải ra biển một dòng nước đỏ ngầu. Lời chú thích cạnh bức ảnh cho biết đó là một ống xả của nhà máy luyện thép Formosa ở Hà Tĩnh.

Ngày 19/2 báo chí Việt Nam cho biết cơ quan chức năng Hà Tĩnh đã lấy mẩu nước màu đỏ để thử nghiệm. Ngày 20 tháng 2 báo mạng Hà Tĩnh nói rằng bức ảnh chiếc cống xả thải không phải là ở Formosa Hà Tĩnh.

Nhiễu loạn xung quanh chiếc cống xả thải

Một nhà hoạt động môi trường trẻ tuổi là dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn, hiện sống ở Hà Nội, nói rằng khi mới thấy bức ảnh anh cũng cho rằng đó là cống xả thải của Formosa, nhưng sau đó thì ngờ vực vì thấy có nhiều điều không hợp lý, nhưng cho đến thời điểm trả lời phỏng vấn của chúng tôi, anh Tuấn nói rằng cơ quan chức năng Việt Nam vẫn chưa cho biết cái cống xả nằm ở đâu:

“Tôi cho rằng việc định ra cổng xả đó nằm ở đâu trên lãnh thổ Việt Nam là việc mà cơ quan chức năng Việt Nam phải xác định. Và phải xác định luôn cổng xả đó nó xả như thế, vậy thì việc xả đó có thường xuyên hay không, chất thải đó có nguy hại hay không?”

Anh Nguyễn Anh Tuấn là một trong những người soạn thảo các trang tài liệu tố cáo việc gây ô nhiễm của công ty Formosa trong thảm họa Vũng Áng, tháng tư năm 2016, gửi đến Quốc hội Việt Nam.

Cho đến ngày 20 tháng hai thì chưa có cơ quan chức năng nào của Việt Nam trả lời bức ảnh về cống xả thải có phải là ở Việt Nam hay không.

Nhà báo tự do Trương Duy Nhất ở Đà Nẵng nói rằng khi ông thấy bức ảnh cùng với những thông tin xung quanh nó, ông cảm thấy một sự nhiễu loạn lớn, không biết tin vào đâu. Và nguyên nhân của sự nhiễu loạn đó là do bởi truyền thống tự kiểm duyệt của báo chí Việt Nam:

“Cái nhiễu đấy là đáng lo, vì lâu nay có vấn đề gì nhạy cảm thì truyền thông coi như im lặng hết, họ lấy băng keo bịt miệng hết. Chỉ may ra có các nhà báo độc lập có đi điều tra thôi chứ báo chí chính thống thì không có. Vụ này tôi thấy chả có gì cả, đáng lý các nhà báo phải đi điều tra, phải lên tiếng ngay, chứ đâu có gì. Báo chí về vụ này hầu như im lặng, và đặc biệt đụng đến vấn đề Formosa nữa. Cũng như cái vụ biểu tình (chống) Formosa thì báo có bao giờ nêu lên đâu”.

Ô nhiễm và bất ổn xã hội

Cuộc biểu tình chống Formosa mà ông Trương Duy Nhất nêu lên xảy ra vào ngày 14 tháng hai năm nay, khi có hàng ngàn người dân Nghệ An đi bộ vào Hà Tĩnh để đưa đơn kiện công ty này gây thiệt hại đời sống của họ. Cuộc biểu tình đã bị đàn áp. Trên mạng xã hội người ta thấy hàng trăm bức ảnh người dân bị đánh đổ máu.

Vài ngày sau báo chí chính thống Việt Nam đưa ra hình ảnh một chiếc xe của cảnh sát bị bể kính, cùng những lời tố cáo các vị lãnh đạo tôn giáo ở Nghệ An sách động chống chính quyền.

VIETNAM-TAIWAN-ENVIRONMENT-POLLUTION-PROTEST

Người dân biểu tình chống tập đoàn Formosa gây ô nhiễm môi trường biển. Ảnh chụp tại Hà Nội ngày 01 tháng 5 năm 2016. AFP photo

Cuộc biểu tình ngày 14 tháng 2 năm 2017 không phải là cuộc biểu tình đầu tiên về vấn đề môi trường tại Việt Nam. Sau thảm họa môi trường Formosa bùng nổ vào tháng tư năm 2016, một cuộc biểu tình lớn nổ ra vào ngày 1 tháng 5, sau đó có nhiều cuộc biểu tình khác có khi lên đến 10 ngàn người.

Dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn, người từng tham gia vào cuộc tuần hành bảo vệ cây xanh ở Hà Nội vào năm 2015 nói với chúng tôi:

Có vẻ vấn đề môi trường đang nổi lên thành một vấn đề gây bất ổn xã hội hơn, và tôi cho rằng Đảng Cộng sản cũng như là Nhà nước mà nó đang kiểm soát, phải chú ý hơn đến vấn đề này, đặc biệt là các bên phải tuân thủ tốt hơn các định chế về môi trường của mình”.

Trong một lần trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một chuyên gia kinh tế hiện sống ở Hà Nội dẫn số liệu của Ngân hàng Thế giới cho rằng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam làm tổn hại đến 5,2% tổng sản lượng quốc dân của Việt Nam.

Nhưng con số 5,2% dù lớn vẫn là con số trên giấy tờ. Những tai họa môi trường đã dần dần ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Và họ đã phải lên tiếng, bằng những vụ thưa kiện không thành công, dẫn đến những cuộc biểu tình rất đông người, dẫn tới xung đột với cơ quan chức năng.

Nhà báo Trương Duy Nhất nhận định:

“Sự lên tiếng đó anh không thể bịt được. Môi trường nó ảnh hưởng một diện rộng như thế thì người ta lên tiếng như thế, anh lại không giải quyết, chính quyền lại lấp lửng, chậm trễ trong việc điều tra việc lên tiếng, tạo thành những làn sóng biểu tình, kéo theo nhiều vấn đề về mặt xã hội khác mà chính quyền phải đối chọi”.

Từ vụ ô nhiễm môi trường do nhà máy Vedan gây ra tại vùng ngoại ô Sài Gòn vào năm 2008 đến đại họa Formosa năm 2016, ý thức của dân chúng Việt Nam về môi trường đã cao hơn rất nhiều. Nhưng cách thức giải quyết các vụ khủng hoảng môi trường của cơ quan chức năng vẫn dường như không có gì thay đổi. Trong cuộc khủng hoảng Vũng Áng Formosa, người ta thấy một số quan chức đi tắm biển và ăn cá để chứng minh rằng nước biển đã sạch. Tuy nhiên điều đó vẫn không đánh tan đi sự ngờ vực trong lòng người dân, mà nói như nhà báo Trương Duy Nhất, đó là một sự nhiễu loạn.

Dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn cho rằng nguyên nhân của vấn đề đó nằm ở định chế nhà nước hiện nay của Việt Nam:

Xét cho đến cùng thì nó vẫn là vấn đề của một thể chế đơn nguyên không có tam quyền phân lập. Cho nên không có khả năng kiểm soát, không có khả năng chống tham nhũng. Vấn đề tham nhũng trong môi trường liên quan đến khía cạnh minh bạch. Tức là không có ai giám sát các cơ quan nhà nước. Các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp luôn có xu hướng mua chuộc lẫn nhau. Doanh nghiệp luôn có xu hướng mua chuộc các cơ quan công quyền, kiếm lời từ việc xử lý thải không đạt chuẩn. Đại diện cho người dân là các hội đồng nhân dân các cấp thì chỉ là những diễn viên đang diễn cái vở kịch chính trị thôi. Họ không thực sự đại diện cho người dân. Một lực lượng nữa là xã hội dân sự thì còn tương đối yếu, lại còn bị đàn áp nặng nề. Đây là một thực trạng rất khó khăn”.

Trong một vụ ô nhiễm gần đây xảy ra do một nhà máy dệt tại tỉnh Hải Dương, những người dân mà chúng tôi tiếp xúc cho rằng cơ quan chức năng đã bao che cho việc làm phạm pháp của doanh nghiệp, trong khi các viên chức nhà nước thì lại cho rằng họ đã xử lý việc phạm pháp đó.

Kết thúc buổi nói chuyện với chúng tôi, dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn nói rằng anh chẳng phải là một nhà hoạt động, hay đang hoạt động chính trị gì cả, mà những việc làm của anh là nhằm bảo vệ cuộc sống cho những người dân thường Việt Nam, trong tư cách là một công dân Việt Nam.

K.H.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/environment-transparency-02212017102028.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn