Nghịch lý Quan hệ Việt-Mỹ: Di sản Chiến tranh hay Hậu Lịch sử

Nguyễn Quang Dy

“Chúng ta phải tìm cách làm thay đổi các định kiến, làm cho những gì quen thuộc trở thành xa lạ… làm cho giới trẻ lạc hướng và giúp họ tìm cách định hướng lại mình…” (Drew Gilpin Faust, Chủ tịch Harvard, Diễn văn Khai giảng năm 2009).

Khi Drew Gilpin Faust lên thay Larry Summers làm chủ tịch Harvard (năm 2007) vì phát ngôn của ông ấy bị coi là xúc phạm phụ nữ, nhiều người cho rằng sự thay đổi đó là vì lý do chính trị. Nhưng khi đọc bài diễn văn của bà Faust (năm 2009) tôi rất ấn tượng bởi kiến giải của bà ấy, phản ánh sự thay đổi mạnh trong tư duy giáo dục Mỹ. 

Nay đọc xong bài diễn văn mới của Drew Gilpin Faust (Hệ quả: Chiến tranh, Ký ức và Lịch sử, Saigon, 23/3/2017), tôi cảm thấy băn khoăn, không phải vì Stephen Bannon là sản phẩm của trường Kinh doanh Harvard. Lẽ ra tôi phải cảm thấy phấn khởi vì bà Faust là chủ tịch Harvard đầu tiên đến thăm Việt Nam nơi có trường Đại học Fulbright (FUV) cũng như FETP. Tuy đã có ba Tổng thống Mỹ đến thăm Việt Nam từ sau chiến tranh (Bill Clinton năm 2000, George Bush năm 2006, Barrack Obama tháng 5/2016), nhưng chưa có chủ tịch Harvard nào đến đây, tuy giáo dục là chìa khóa cho tương lai quan hệ Việt-Mỹ. 

Năm ngoái, khi tổng thống Obama đến thăm Việt Nam và chính thức khai trương trường Đại học Fulbright, có Ngoại trưởng John Kerry tháp tùng, mà không có chủ tịch Harvard, tuy FUV cũng như FETP là dự án được đồng bảo trợ và quản trị bởi trường JFK của Harvard hơn hai chục năm qua. Dù sao thì muộn còn hơn không! Tuy bài diễn văn của chủ tịch Harvard đề cập đến mối liên quan giữa Việt Nam và Mỹ (vì di sản chiến tranh), chuyến thăm Việt Nam của bà là một phần của chuyến thăm khu vực, bao gồm tham dự sự kiện gây quỹ Harvard tại Singapore trước đó và chương trình thăm Hong Kong sau đó.   

Câu chuyện hợp tác đào tạo Việt-Mỹ bắt đầu cách đây gần ba thập kỷ khi Tom Vallely sáng lập Vietnam Program (tại Harvard, 1989) và lập ra trường FETP (tại Saigon, 1994) như một chương trình hợp tác giữa trường JFK của Harvard và trường Đại học Kinh tế Saigon. Nay, trường Đại học Fulbright Vietnam (FUV) sắp trở thành “trường Đại học tư thục phi lợi nhuận đầu tiên của Việt Nam” dựa trên các nguyên tắc “chịu trách nhiệm giải trình, dựa trên năng lực, minh bạch, tự quản, tôn trọng lẫn nhau và cởi mở về nghiên cứu”, được tài trợ bởi quỹ ủy thác “Trust for University Innovation Vietnam” (tại Massachusetts).

Nếu giáo dục thực sự là chìa khóa cho tương lai, thì FETP chính là tiền đề cho ý tưởng lập ra trường Đại học Fulbright Vietnam, với sự ủng hộ cao của ngoại trưởng John Kerry và tổng thống Barrack Obama. Tuy nhiên, những người ủng hộ FETP (và FUV) hiểu rõ khó khăn thế nào để duy trì hoạt động của dự án FETP trước những ý định muốn loại bỏ nó (vì lo ngại “âm mưu diễn biến hòa bình”). Trong khi Vietnam Program và FETP cuối cùng đạt được mục tiêu, thì VEF không thành công (phải chuyển quỹ cho FUV). Mục tiêu của VEF là bảo trợ cho một trung tâm khoa học hàng đầu tại Việt Nam (chứ không chỉ cấp học bổng). Dù sao, ngày càng nhiều sinh viên Việt Nam sang Mỹ du học. Nhưng tại sao nhiều người sau đó không muốn quay về Việt Nam, dẫn đến chảy máu chất xám ngày một nhiều?    

Chỉ từ tháng 7 đến tháng 11/2015, số sinh viên Việt Nam tại Mỹ đã tăng lên 18,9%, chỉ sau India (20,7%) và China (19,4%), làm tổng số sinh viên Việt Nam tại Mỹ tăng lên 28.883 người (năm 2016). Việt Nam đứng thứ 6 trong số các nước có sinh viên đông nhất tại Mỹ, và Mỹ đã vượt qua Australia (có 28.524 sinh viên Việt). Tuy sinh viên Việt đã có tại 50 bang của Mỹ, nhưng 10 bang có số sinh viên Việt đông nhất là California, Texas, Washington, Massachusetts, New York, Pennsylvania, Florida, Virginia, Illinois and Georgia. Số sinh viên Việt tại 10 bang này là 20.797, chiếm 72% tổng số sinh viên Việt tại Mỹ. 

Là một nhà sử học, bà chủ tịch Harvard đã dành nhiều thời gian nói về Nội chiến Mỹ trong mối liên quan đến Việt Nam và những bài học lịch sử. Bà đã đúng khi đề cập đến Việt Nam như “Một đất nước, chứ không phải một cuộc chiến ” với “tất cả sự phức hợp, vẻ đẹp, lịch sử, sống động và đầy triển vọng”, trong khi thừa nhận Việt Nam đã ấn định thảm kịch của thời đại đó, khi 3 triệu tấn bom đạn và 11 triệu thùng chất độc diệt cỏ đã được ném xuống đó, nơi 58.220 lính Mỹ, và 3 triệu người Việt, cả quân sự và dân sự, đã chết.  

Đến tận bây giờ, bóng ma Việt Nam vẫn còn sống, đang ám ảnh cả người Mỹ và người Việt. Hơn bốn thập kỷ sau cuộc chiến tranh, di sản Việt Nam vẫn hủy hoại sự nghiệp chính trị của những người như Bob Kerrey (là chủ tịch FUV), và làm cho hòa giải giữa người Việt với nhau còn khó hơn nhiều so với giữa Việt Nam và Mỹ. Bà chủ tịch Harvard nói lịch sử “giúp chúng ta đối mặt với những bóng ma và quỷ sứ mà thảm kịch của quá khứ đã để lại di sản cho chúng ta đến tận bây giờ. Nó soi sáng sự mù quáng và tàn bạo đã tạo ra chiến tranh, và giúp chúng ta nỗ lực vì hòa bình”.  Trong cùng bài diễn văn đó, bà Faust nhận xét, “Cuối cùng, chúng ta quay lại với từ “Veritas” – là cam kết của Harvard sẽ sử dụng tri thức và nghiên cứu để nhìn thấu những ảo tưởng, sự lừa dối, định kiến, và lòng vị kỷ. Sự thật sẽ đến cùng với những khám khá khoa học không bị trói buộc bởi ý thức hệ và chính trị…

Tôi tin sẽ có ý nghĩa hơn nếu bà chủ tịch Harvard dành nhiều thời gian hơn để nói về tương lai quan hệ giữa hai nước, nay đang đứng trước những thách thức không phải chỉ từ di sản của chiến tranh trong quá khứ (mà người ta đã quen) mà còn từ nghịch lý của “hậu Lịch sử” và Trumpism (mà nhiều người còn bị bất ngờ). Không ai biết rõ điều gì đang diễn ra trong Nhà Trắng lúc này, và những hệ quả không lường trước. 

Tuy hai quốc gia cựu thù đã bình thường hóa quan hệ từ năm 1995, nhưng họ mới hoàn tất  quá trình đó năm ngoái khi tổng thống Obama bỏ cấm vận vũ khí và chính thức khai trương Đại học Fulbright. Đó là động tác tượng trưng ủng hộ Việt Nam đang bị đè bởi cái bóng đen hiếu chiến của con rồng Trung Quốc, đang quyết thống trị Biển Đông. Nay không ai biết rõ làm thế nào để ngăn cản Trung Quốc biến vùng biển này thành cái ao của họ, trước định hướng chính sách khó lường của chính quyền Trump về Trung quốc và Đông Á.

Lịch sử đang lặp lại và thế giới “hậu Lịch sử” đang đổ vỡ, làm xổng những bóng ma của quá khứ từ các hầm mộ. Trong khi quan hệ chính trị giữa hai chính phủ có thể biến động khó lường, quan hệ văn hóa giáo dục giữa hai quốc gia thường bền vững sống lâu hơn các chính phủ đang cầm quyền, vượt qua ý thức hệ và trò chơi chính trị. Nhưng quy luật “hệ quả không định trước” sẽ phát huy tác dụng chỉ khi nào hai cựu thù của cuộc chiến sai lầm biết cách biến gánh nặng quá khứ thành lợi thế tương lai, cho một thế giới tốt đẹp hơn.

28/3/2017

N.Q.D.

Nguồn: http://viet-studies.net/kinhte/NQuangDy_DGFaust.htm

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn