Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: Hết "con" rồi đến "cháu" "què cụt"

Vy Vy

Sáng 19-7-2017, khi dẫn đầu Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tới làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: "Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặt trọn niềm tin vào Tập đoàn Dầu khí Việt Nam", ấy vậy mà có 7 ngày sau, một tờ báo "lề phải" đã cho đăng bài này.

Lo cho Đảng, Nhà nước quá, Đảng, Nhà nước ơi!

Bauxite Việt Nam

Hàng loạt công ty con thua lỗ khiến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phải "treo" hơn 4.000 tỉ đồng. Nhưng đó chưa phải "bi kịch" tài chính duy nhất của PVN. PVN rơi vào tình cảnh hết "con" rồi đến "cháu" què quặt.

PVN rót lượng vốn khổng lồ vào hệ thống công ty con. Tuy nhiên, nhiều công ty con sau một khoảng thời gian hoạt động đã trở nên "què quặt" khiến PVN hao tốn hàng ngàn tỉ đồng. Không chỉ có vậy, PVN phải chứng kiến "đàn cháu" bi đát không kém "đàn con". Trong đó, Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), công ty do PVN nắm hơn 54% vốn có danh sách các công ty con thua lỗ dài dằng dặc.

Công ty cổ phần Xây dựng công nghiệp và dân dụng dầu khí (PXI) có vốn điều lệ 300 tỉ đồng. PVC là cổ đông lớn nhất khi nắm giữ 51% vốn PXI. Tuy nhiên, hiện tại, vốn hóa thị trường của PXI giảm 72%, xuống chỉ còn 84 tỉ đồng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc nguồn vốn đầu tư của PVC rót vào PXI đã "bốc hơi" ít nhất 84%. PXI giao dịch ở mức giá thấp hơn mệnh giá rất nhiều. Nguyên nhân là do trong nhiều quý gần đây, công ty kinh doanh rất bết bát. Năm 2016, PXI thua lỗ 14,5 tỉ đồng. Sang năm 2017, tình hình tại PXI không được cải thiện, quý 1 và quý 2, PXI lần lượt thua lỗ 11 tỉ đồng và 7,3 tỉ đồng. Tính tới ngày 30-6-2017, lỗ lũy kế của công ty là 18,3 tỉ đồng. Mới đây, Chi cục thuế TP Vũng Tàu đã có quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp phong tỏa tài khoản tiền gửi đối với PXI. Theo Chi cục thuế TP Vũng Tàu, nguyên nhân khiến PXI bị cưỡng chế do nợ tiền sử dụng đất, tiền chậm nộp quá hạn 90 ngày. Tổng số tiền bị cưỡng chế là hơn 51,5 tỉ đồng.

Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí miền Trung (PXM) thậm chí còn bi đát hơn. Hồi đầu năm nay, PXM đã gửi báo cáo tiến trình giải thể/ phá sản của doanh nghiệp tới Thanh tra Ủy ban chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Sau chuỗi ngày dài lao đao, tới năm 2015, tổng lỗ lũy kế của PXM lên đến 385 tỉ đồng. Riêng 9 tháng đầu năm 2016, PXM đã báo lỗ trên 24 tỉ đồng. Vốn chủ sở hữu của công ty cũng bắt đầu ghi âm từ năm 2013 và đến cuối năm 2015, vốn chủ sở hữu đã âm 232 tỉ đồng.

Công ty cổ phần Xây lắp đường ống bể chứa dầu khí (PXT) cũng là một trong những đứa con "què cụt" của PVC. PVC nắm giữ tới 51% vốn tại PXT. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24-7, PXT giảm 150 đồng/CP, xuống 3.860 đồng/CP. Vốn hóa thị trường PXT giảm từ 200 tỉ đồng xuống chỉ còn 77,2 tỉ đồng. Sau nhiều kì thua lỗ, tới cuối quý 2-2017, khoản lỗ lũy kế của PXT đạt tới 135 tỉ đồng, gần "ăn mòn" hết vốn góp chủ sở hữu.

Nhiều công ty con của PVC bê bết góp phần khiến PVC thua lỗ nặng. PVC khiến PVN khốn khổ trong nhiều năm trở lại đây. Kết quả là PVN phải dành 546 tỉ đồng dự phòng vào PVC. Khoản đầu tư hợp lí tại PVC được đánh giá chỉ còn là 523 tỉ đồng.

Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) nhận nguồn vốn rất lớn từ PVN. Hiện tại, PVN đã rót 10.884 tỉ đồng vào PV Oil, thế nhưng giá trị hợp lí của khoản đầu tư này chỉ còn là 10.411 tỉ đồng. Vì vậy, PVN phải chi 473 tỉ đồng cho dự phòng.

Cũng như PVC, PV Oil góp phần giúp danh sách "đàn cháu què cụt" của PVN trở nên dài hơn. Công ty cổ phần Xăng dầu dầu khí Kiên Giang (PV Oil Kiên Giang) liên tục thua lỗ trong 2 năm gần đây. Cụ thể, doanh thu năm 2015 đạt 621 tỉ đồng, giảm 39% và lỗ ròng gần 18 tỉ đồng. Trước đó, năm 2014, công ty đã phải chịu lỗ 15 tỉ đồng. Dù vậy, PV Oil Kiên Giang vẫn "có giá" hơn PXM hay PXT. Cuối tháng 3-2017, PV Oil Kiên Giang đã đấu giá thành công cổ phiếu với mức giá bình quân đạt 122.001 đồng/CP. Tuy nhiên, số lượng nhà đầu tư quan tâm tới công ty rất ít. Chỉ 4 nhà đầu tư tham gia đấu giá và chỉ 4 nhà đầu tư trúng thầu.

Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BRS) là một trong những con cưng của PVN. PVN đã rót 29.315 tỉ đồng để nắm giữ 100% vốn BRS. BRS không quá bết bát như PVC hay PVtex nên PVN không phải trích lập dự phòng cho khoản đầu tư này. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư của BRS không phải không có vấn đề khi tạo ra một "đứa cháu què cụt" cho PVN. Đó là Công ty cổ phần Nhiên liệu sinh học dầu khí miền Trung. Tỉ lệ cam kết góp vốn là 61% vốn điều lệ tại công ty này. Sản xuất thua lỗ, sản phẩm tiêu thụ chậm, công ty có tổng vốn 1.900 tỉ đồng buộc phải đóng cửa, dừng hoạt động nhà máy Bio Ethanol Dung Quất (Quảng Ngãi) hồi năm 2016.

Nguồn: http://www.tamnhin.net.vn/tap-doan-dau-khi-viet-nam-het-con-roi-den-chau-que-cut-d3389.html#.WXcIx3wS4jE.facebook

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn