Giá lúc này có được tầm nhìn và bản lĩnh Sáu Dân (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi, số 23)

Tương Lai

Thưa các bạn,

Buổi tưởng niệm nhân ngày sinh thứ 95 ông Sáu Dân diễn ra trong thế nước chông chênh khiến cho cái điệp khúc trên càng trở nên giục giã. Trĩu nặng nỗi lo đất nước trước nanh vuốt của kẻ thù gặm nuốt ngoài Biển Đông, gây sức ép toàn diện trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, ngoại giao, quốc phòng, trong khi trên danh nghĩa thì ta có hàng chục “đối tác chiến lược” nhưng thế nước chưa bao giờ lâm vào tình thế ngặt nghèo như hiện nay. Có lẽ chỉ có ông Trọng là hớn hở và cười tươi với ông Tập và nịnh khéo “Trà Việt Nam không ngon bằng trà Trung Quốc”! Chắc Tập hài lòng và trong bụng nghĩ rằng, so với Lê Chiêu Thống thời Càn Long thì chú này xem ra được hơn đấy!

Quả là chúng ta đang cười ra nước mắt.

Đến hẹn, lại có dịp ngồi lại với nhau thân tình ôn chuyện cũ. Ôn cố nhi tri tân, từ chuyện cũ mà nghĩ suy về chuyện mới. Chuyện mới ấy thì hôm kia Hạ Đình Nguyên gọi điện thoại cho tôi mà rằng “thế sự thăng trầm” anh ơi. Hiểu ý bạn tại sao lúc này lại nhắc đến Cao Bá Quát, tôi nối lời “quân mạc vấn”. Rồi tiện thể mượn tiếp câu thơ của “Thánh Quát” mà cây bút họ Hạ vừa dẫn để nói lên nỗi niềm tâm sự đang rối bời vì thế nước:

…Vắt tay nằm nghĩ chuyện đâu đâu,

Ðem mộng sự đọ với chân thân thì cũng hệt…

Kho trời chung, mà vô tận của mình riêng.

Cuộc vuông tròn phó mặc khuôn thiêng,

…Quân bất kiến:

Hoàng Hà chi thuỷ thiên thượng lai,

Bôn lưu đáo hải bất phục hồi.

Làm chi cho mệt một đời.

(“Ta chắng thấy: Hoàng Hà là nước xuống từ trời, Bôn ba đến biển há lại hồi. Lo chi mệt cả một đời!” – Mộng Lang Thị)

Nhưng không “mệt” sao được. Mệt một đời rồi vẫn phải lo. Tôi còn nhớ như như in nỗi lo của ông Sáu Dân về thế nước chông chênh trước nanh vuốt của kẻ thù mà những người được ông phó thác thì xem ra quá lúng túng khiến ông thất vọng.

Hôm ấy, quãng sau 11g sáng ngày 19.5 2008, theo truyền đạt qua điện thoại của Trịnh, từ sân bay Nội Bài tôi về thẳng nhà số 6 Hồ Tây. Ông Sáu vừa từ lăng Bác và đài Liệt sĩ Bắc Sơn về. Ông ngồi ngả lưng trên ghế sôpha, chân duỗi dài ghé trên mép bàn nước: “Thông cảm nhé, tôi mệt quá, ngồi xuống đây ta bàn chuyện”, ông nói. Tôi trình bày vắn tắt công việc ông giao khi phải bay về lại Sài Gòn hôm 16.5 và trở lại đây. Nghe xong, ông nói: “Cứ thế mà tiến hành thôi, anh nói với các anh chuẩn bị làm việc với anh Lê Xuân Khoa, tôi chỉ tiếp các anh ấy độ 30 phút thôi”. Trong câu chuyện tiếp, ông nói có vẻ bực: “Chiều tối qua tôi vừa có buổi trò chuyện với Út Anh, tôi yêu cầu phải nhanh chóng thả hai nhà báo của Tuổi Trẻ và Thanh Niên ra, còn giữ cậu Hải và cậu Chiến trong tù thì Trung Quốc họ càng thích”. Tôi hỏi: “Anh ấy trả lời sao ạ?”. “Cậu ấy nói là cậu ấy không làm được, vì các anh ở Bộ Chính trị đã cho ý kiến rồi”, ông mệt mỏi trả lời, giọng rất buồn.

Tôi hiểu nỗi buồn ấy của ông. Những gì ông vừa trao đổi trong những buổi làm việc với chúng tôi Việt Phương, Đào Xuân Sâm, Trần Đức Nguyên, Nguyễn Trung… những ngày vừa qua, giúp tôi hiểu nỗi lo canh cánh trong ông với những gì mà ông nói còn nước, còn tát, dứt khoát không thể bó tay nhìn sự quy thuận trước áp lực ngày càng nặng nề của Bắc Kinh mà ông từng phải chống chọi, nhất là khi những trụ cột trong cuộc chèo chống con thuyền đất nước trước bão táp phong ba lại đã lần lượt ra đi. Nội dung trao đổi tiếp theo tôi không tiện nói ra đây.

Tôi hiểu vì sao ông Sáu mệt. Và đến tận hôm nay tôi vẫn ân hận về một câu nói của tôi khiến cho ông mệt thêm. Ông trầm ngâm ngả người trên ghế, nhắm mắt lại. Tôi cũng ngồi yên, đắm mình trong những suy tư, dằn vặt nhưng không dám nói thêm gì. Thấy ông mệt, tôi xin phép về, ông khoác tay ngồi dậy: “Nếu không có gì gấp thì ở lại đây ăn cơm và tiếp tục trao đổi thêm”. Tôi nghĩ vào lúc này nên để ông yên thì hơn nên tạ sự, nói phải về gặp các anh Hoàng Tụy, Quang A và chị Chi Lan để chuẩn bị cho buổi họp của IDS với ông Lê Xuân Khoa. Sáng mai tôi sẽ đến sớm. Miễn cưỡng, ông đồng ý với vẻ không vui. Tôi đâu biết rằng đây là buổi nói chuyện giữa ông Sáu với tôi. Ngày 21 ông bay về lại thành phố, để rồi sau đó 20 ngày Trịnh bảo tôi ngồi với ông trong căn phòng lạnh lẽo chuẩn bị nhập quan và đưa lên Hội trường Dinh Thống Nhất.

Sao cuộc đời này lại nghiệt ngã đến thế! Nói như Cao Bá Quát liệu có được không:

Của trời chung mà vô tận cho riêng mình.

Sự hư thành để mặc tay linh

Chưa biết câu trả trả lời sẽ thế nào, nhưng có lẽ trước ta cả trăm năm, bạn thơ của Cao Bá Quát là Nguyễn Văn Siêu, “Văn như Siêu Quát vô tiền Hán”, thì đã khóc bạn như sau:

Điên đảo non sông nhòa lối cũ,

Âm thầm đất nước ngấm bi thương.

Tôi muốn mượn hai câu này để biểu đạt hiện tình đất nước ta.

Và rồi, hôm nay, tưởng niệm nhân ngày sinh lần thứ 95 Võ Văn Kiệt, cũng như những lần trước, những người yêu mến và thương nhớ ông lại nhắc đến cái điệp khúc “Giá như lúc này có ông Sáu Dân”, một điệp khúc như cứa vào gan ruột chúng ta khi cùng ngồi lại tưởng nhớ đến một người thuộc về loại người xưa nay hiếm. Hiếm không phải vì đã vượt quá cái tuổi “cổ lai hi”, mà hiếm về tầm vóc tư duy và bản lĩnh hành động từ lúc dấn thân vì nghĩa lớn cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay đã vượt hẳn lên những người cùng thời.

Chỉ xin nhắc đến một ý tưởng Võ Văn Kiệt về hòa giải và hòa hợp dân tộc để thấy được tầm vóc tư duy mà tôi vừa nói ở trên. Không dễ gì nói được cái câu “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh, khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn” nếu chữ Dân không thường trực trong trái tim và khối óc của con người đã dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người, thống nhất đất nước, non sông quy về một mối.

Ý tưởng nảy sinh trong đầu nhưng rồi phải vượt qua tầng tầng lớp lớp những rào cản khủng khiếp để đi vào cuộc sống. Hãy thử nêu một giả thiết: nếu sau ngày 30.4.1975 mà ý tưởng trên được biến thành đường lối chính trị dẫn dắt sự nghiệp hàn gắn vết thương chiến tranh, khai thác mọi nguồn lực đang có để phát triển kinh tế trên cái nền đã có sẵn, trước hết là ở Miền Nam, tận dụng và phát huy tối đa chất xám trong những trí thức, doanh nhân, những nhà kỹ trị có kinh nghiệm vào công cuộc xây dựng, phục hồi kinh tế thay vì tống họ vào tù, đẩy họ ra nước ngoài… thì Việt Nam hôm nay sẽ thế nào?

Ông Sáu Dân đâu chỉ đưa ra ý tưởng. Ông thiết thực bắt tay vào những việc cụ thể với những giải pháp không câu nệ, cho dù đôi lúc khá mạo hiểm. Trong phòng này có anh Huỳnh Kim Báu, nguyên Tổng Thư ký Hội Trí thức Yêu nước Sài Gòn, người được ông Sáu giao nhiệm vụ phát hiện và tìm mọi cách bảo lĩnh những trí thức, những doanh nhân, những kỹ sư tên tuổi vượt biên không thoát đang bị bắt giam, chắc sẽ có nhiều câu chuyện sống động kể cho chúng ta để chúng ta hiểu thêm về người mà chúng ta yêu mến. Anh Phan Chánh Dưỡng, anh Huỳnh Bửu Sơn đây cũng là những nhân chứng sống chắc sẽ nói về ông Sáu Dân trân trọng những tài năng sẵn có của Sài Gòn như thế nào để mời vào “nhóm Thứ Sáu”, giúp ông tháo gỡ nhiều bế tắc về tài chính, kinh tế và nhiều hoạt động khác của thành phố mà ông đang đứng mũi chịu sào.

Huỳnh Sơn Phước cũng là nhà báo thấm thía về những chỉ dẫn của Võ Văn Kiệt về phát huy sức mạnh của báo chí khi nói lên tâm trạng thật, suy nghĩ thật của người dân thành phố, đặc biệt là giới trẻ năng động và giàu hoài bão. Theo tôi hiểu, chính Sáu Dân là người tháo gỡ những dây trói vô hình nhưng nghiệt ngã một cách phi lý để báo Tuổi Trẻ có thể tự chủ và tự trưởng thành đúng với tư cách một tờ báo năng động và sáng tạo của buổi ấy và không hiểu đến hôm nay thì “di sản tư tưởng của Võ Văn Kiệt” còn được bao nhiêu với tờ báo từng đi đầu trong đổi mới.

Từ những câu chuyện cụ thể ấy, tôi muốn nhắc lại một nhận định của anh Cao Huy Thuần: “Tại sao ông Sáu Dân để lại nhiều tình cảm đặc biệt nơi người trí thức? Chỉ đứng trên lĩnh vực trí thức mà thôi, câu trả lời là: Tại vì, ở cương vị quyền hành, ông đã biết nhìn và nhận người trí thức như vậy. Và tại vì, ở cuối đời, khi chỉ còn cây bút và hai bàn tay không, ông đã làm nhiệm vụ của một người trí thức-một người trí thức như thế”. Với vị giáo sư đang giảng dạy tại Đại học Paris ấy, thì “một người trí thức như thế” là người “không đánh mất khả năng tự phê phán, để biết tự mình khai phóng, tự mình đổi mới, tự mình phát triển, tự mình mở cửa cho tiến bộ – để trật tự và ổn định không đồng nghĩa với bất biến, ù lì”. Và điều này nhắc nhở chúng ta, những người đang ngồi đây hôm nay tìm thấy ở ông Sáu Dân những gợi ý để tự suy ngẫm.

Và hôm nay đây, điều nóng bỏng nhất trong suy ngẫm về thời cuộc từng là trăn trở lớn nhất trong khối óc và trái tim Võ Văn Kiệt là gì? Phải chăng là về thế nước chông chênh giữa những biến động dữ dội của thế giới. Trong cơn ba đào của lịch sử mà ông cha ta từng phải đối phó thì gay gắt nhất, hiểm nghèo nhất vẫn là thế lực bành trướng của phương Bắc. Trong 23 cuộc chiến tranh chống xâm lược mà các thế hệ Việt Nam suốt hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước thì 21 cuộc là đến từ phương bắc. Kể từ Tùy, Đường, Hán, Tống, Nguyên, Minh, Thanh cho đến Đặng, Hồ, Giang, Tập thì vó ngựa được thay bằng chiến xa, cung nỏ được thay bằng AK và các loại vũ khí hiện đại nhất. Song thứ vũ khí hiểm ác, có tính năng sát thương ghê gớm nhất, để lại chấn thương sâu nhất, khó chữa nhất, mà các thế lực thiên triều bành trướng thế kỷ XX và XXI sử dụng là chất độc “ý thức hệ” tẩm vào phương châm 16 chữ và 4 nguyên tắc. Chất độc này trước hết được tiêm vào đầu óc lú lẫn của một bộ phận lãnh đạo chóp bu, do sự thiển cận đã đặt ý thức hệ xã hội chủ nghĩa lên trên Tổ quốc, đặt lợi ích của Đảng lên trên ý chí và khát vọng của Nhân dân, trước sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa đã hốt hoảng và dại dột bấu víu vào Đảng Cộng sản Trung quốc mong cứu vãn lâu đài xây trên cát đã sụp đổ tan tành trước sự phán xét nghiêm khắc của lịch sử.

Võ Văn Kiệt là một trong những người lãnh đạo sớm nhận ra được sự thật nghiệt ngã này và quyết liệt góp phần ngăn chặn cái nguy cơ đang được từng bước trở thành hiện thực đau đớn trên đất nước ta. Cũng vì vậy, Võ Văn Kiệt trở thành mũi nhọn công kích trực tiếp và thường xuyên từ việc lớn, rất lớn đến việc nhỏ, rất nhỏ của những thế lực quỳ gối trước Bắc Kinh. Ai trong chúng ta ngồi đây, ít nhiều đều có thể biết được điều đó. Đương nhiên đâu chỉ là thế lực quỳ gối trước Bắc Kinh, mà chính kẻ thù luôn chĩa mũi nhọn vào ông. Cũng chính vì thế mà một người hiểu rõ cảnh giác là một đòi hỏi thường trực như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng lưu ý với Võ Văn Kiệt điều tối hệ trọng này. Người viết bài này chỉ biết một mẩu rất nhỏ trong câu chuyện rất lớn này và đã gợi lên trong “Một lời nhắn gửi” của Võ Nguyên Giáp dặn Võ Văn Kiệt đang nằm bệnh viện: “Anh vào nói với Sáu Dân về nhà mà nằm” trong “Mênh mông thế sự” số 47 ngày 4.10.2016, chắc một vài anh chị ngồi đây đã xem qua.

Hãy chỉ nói đến một chuyện Võ Văn Kiệt thời làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn đã quyết liệt cưỡng lệnh của người lãnh đạo cao nhất, dứt khoát không cho tàu Trung Quốc cập cảng Sài Gòn trong vụ “nạn kiều” những năm cuối 70. Ông nói thẳng băng: “Tôi đã cho rải mìn dày đặc dưới sông Sài Gòn rồi, ngay cả cập bến Cần Giờ cũng không được huống hồ cảng Sài Gòn”! Lập luận của ông rất đơn giản: “Nếu cho nó vào đây rồi nó cứ neo đậu lại, ì ra không chịu đi thì các anh làm cách nào? Bắt nó, nổ súng đánh nó à, nó lại không lu loa lên và tạo cớ để tiến công xâm lược ta sao?”.

Nếu không thường trực một tinh thần cảnh giác cao trước mọi mưu ma chước quỷ của kẻ thù thì không thể có sự quyết liệt ấy. Mà cảnh giác cao độ vì Võ Văn Kiệt không một chút mơ hồ về kẻ thù. Bằng sự trải nghiệm của một người vào sinh ra tử trong suốt cuộc đời chiến đấu giaỉ phóng dân tộc, giành độc lập cho đất nước, đem lại tự do cho nhân dân mới tạo được sự cảnh giác, không một chút mơ hồ đó. Vì vậy mà hôm nay chúng ta lại xốn xang nhắc lại điệp khúc “Giá lúc này có ông Sáu Dân”! Lúc này là lúc mà thế nước “điên đảo”, dân tình “bi thương”.

Khi mà người ta đang dấn thêm một bước trắng trợn “cùng chung vận mạng” với kẻ thù mà trong “Mênh mông thế sự số 22” người viết đã đưa ra cảnh báo: trong 15 văn kiện được ký kết trong dịp Tập đến Hà Nội nhân APEC thì văn kiện số 1 là “đào tạo cán bộ cao cấp ngạch đảng giữa hai bên. Chính cái này sẽ quyết định “tuyên bố tầm nhìn chung hợp tác quốc phòng song phương” cho đến các lĩnh vực khác như hợp tác quốc phòng, kinh tế, viện trợ, nhân đạo, v.v.

Vậy là từ nay, những cán bộ cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam dưới triều đại Nguyễn Phú Trọng sẽ do Tàu đào tạo, huấn luyện. Không chỉ thế, vì “cùng chung vận mạng” nên mới có “thỏa thuận về hợp tác đào tạo cán bộ giữa tỉnh ủy Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang Đảng Cộng sản Việt Nam và Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây Đảng Cộng sản Trung Quốc”. Từng bước, từng bước cái thòng lọng Tập đưa ra đã được tròng vào cổ dân ta. Từ bốn tỉnh này tạo tình thế để đến một lúc nào đó, sáp nhập vào với khu tự trị Choang của Quảng Tây biến thành đất Tàu sao? Đâu còn là “âm thầm” nữa, mà “bi thương” đang dồn dập phủ tràn trên cuộc sống lam lũ bần hàn của đại đa số dân ta, đè nặng trên non sông đất nước ta.

Chính vì vậy, lúc này đây chúng ta cần biết bao một tầm vóc tư duy và bản lĩnh hành động như Võ Văn Kiệt để chặn đứng nguy cơ thế nước chông chênh trước những biến động khó lường của khu vực và thế giới. Một tầm vóc tư duy nhìn ra được thời cơ trong thách đố nghiệt ngã từng đặt ra cho dân tộc ta, một dân tộc chưa bao giờ chịu quỳ gối, biết cách tìm thấy những giải pháp độc đáo cho những vấn đề gặp phải như đã từng trải nghiệm trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Một bản lĩnh biến nguy thành an thấy được sự vận động, cùng tắc biến, biến tắc thông, đưa đất nước đi tới.

Thì đây, những bài học về chuyện chớp lấy thời cơ để hội nhập với ASEAN, bài học thất bại về tranh thủ ký kết BTA - Hiệp định thương mại song phương Việt Mỹ, một biểu trưng sống động cho bước tiến bình thường hoá quan hệ kinh tế giữa hai nước, sau khi bình thường hoá quan hệ ngoại giao sau ngày 4/2/1994 Tổng thống Bill Clinton tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận đối với Việt Nam, một ngày đầu tháng 9/1999, BTA đã được dự tính sẽ ký trong khuôn khổ hội nghị APEC, bởi cả Thủ tướng Phan Văn Khải và Tổng thống Bill Clinton đều có mặt cũng tại New Zealand với hình dung về một lễ ký kết sẽ diễn ra long trọng dưới sự chứng kiến của bạn bè thế giới. Nhưng đến phút cuối, quyết tâm này bị dập tắt khiến ông Sáu Dân thấm thía phải biết cách vượt qua những lực cản như thế nào.

Không phải ngẫu nhiên mà một số nhà ngoại giao Việt Nam đề nghị coi năm 1995 là Năm Võ Văn Kiệt”, năm ấy, Việt Nam gia nhập ASEAN và bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Theo ông Nguyễn Mạnh Cầm: “Đó là một mốc cực kỳ quan trọng, Việt Nam lần đầu tiên có quan hệ với tất cả các nước đang chi phối thế giới này”. Điều này tất nhiên làm cho Bắc Kinh lo ngại và tìm mọi cách cản trở. Món võ Tàu sở trường của họ là “nội công ngoại kích”, dùng thế lực nằm ngay trong bộ máy lãnh đạo của Việt Nam mà họ đã thu phục được để cản trở từ bên trong đồng thời phối hợp với sự ngăn chặn từ bên ngoài. Điều này càng cho thấy những đầu óc thiển cận chịu ảnh hưởng nặng nề của Bắc Kinh là lực cản đáng sợ nhất đối với sự phát triển đất nước. Mà đáng sợ vì luôn có sự đồng lõa của thế lực bên trong gắn với mưu toan thâm độc ở bên ngoài. Đây là nỗi ưu tư lớn nhất của Võ Văn Kiệt trong những ngày cuối cùng trước khi ông ra đi!

Hôm nay đây chúng ta tưởng niệm Võ Văn Kiệt để tìm đến nguồn động lực của “Con người mà thời gian sẽ chỉ soi sáng thêm lên, vừa ngày càng rõ ràng, rỡ ràng, vừa như mãi còn bí ẩn” mà nhà văn Nguyên Ngọc đã viết vào dịp tưởng niệm lần thứ nhất ngày ông ra đi. Chúng ta tìm đến sức mạnh của một con người “tự làm ra mình trong cuộc sống” như nhà thơ Việt Phương từng nói. Ông Sáu Dân không chỉ “tự làm ra mình trong cuộc sống”, những tư tưởng lớn của ông đã để lại dấu ấn rõ nét trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước qua từng thời kỳ cam go, gian khổ nhất cũng như trên những chặng đường mới đưa đất nước hội nhập với thế giới.

Mà cũng chính vì thế, “Giá lúc này có ông Sáu Dân” để có thể biết cách nhìn ra những khả năng mới cần khai thác và đẩy tới, trong tình thế của những biến động đầy bất ngờ biết chớp lấy những nhân tố mới nảy sinh để biến nguy thành an, biến thách thức thành thuận lợi đang như cơn nắng hạn cần một trận mưa rào.

Hãy chỉ gợi ra một diễn biến mới nảy sinh là việc lôi kéo Ấn Độ tham gia chặt chẽ hơn với các đối tác chiến lược chính tại Asia-Pacific (như Mỹ, Nhật, Úc) dựa trên các giá trị dân chủ, là thiết yếu để đối phó với tham vọng bành trướng của Trung Quốc, cũng như nhiều nhân vật trong Quốc hội Mỹ chỉ trích Trump là “hổ giấy” với xu hướng chung muốn chống lại chứ không chấp nhận Trung Quốc bành trướng. Chính ở đây cần đến một bản lĩnh chọn lựa đồng minh, tăng cường nội lực để có thể sống hữu nghị một cách đàng hoàng với Trung Quốc chứ không tiếp tục lùi bước một cách bị động và hèn nhát. Dân tộc ta đang cần một bản lĩnh Võ Văn Kiệt để quyết vứt bỏ đường lối đu dây hiện nay khiến cho sớm muộn cũng là mồi ngon trước mắt cho con mãnh thú Trung Quốc. Phải biết và dám mở đường như Võ Văn Kiệt để đưa đất nước vượt qua hiểm nguy, dấn bước đi tới như nhân dân ta đã từng làm như vậy.

Thưa các bạn,

Tôi đã quá dài lời rồi. Mà nói về ông Sáu Dân, người chúng ta yêu kính, thì nói sao cho đủ những ý tưởng mang tính đột phá có sức gợi mở lớn trên những vấn đề có ý nghĩa chiến lược liên quan đến vận mệnh của dân tộc, đến thế nước an nguy mà chúng ta đang cùng nhau suy tính. Thời gian đang là ân huệ trong sự nghiệt ngã. Nhưng thời gian đang ủng hộ những ai dám dấn thân vì nghĩa lớn.

Ngày 23.11.2017

clip_image002clip_image004clip_image006

clip_image008clip_image010clip_image012

T. L.

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn