Tìm về tổ ấm… Việt Nam?

Nguyễn Khoa Thái Anh

Tung cánh chim tìm về tổ ấm

Nơi sống bao ngày giờ đằm thắm

Nhớ phút chia ly, ngại ngùng bước chân đi

Luyến tiếc bao nhiêu ngày xanh

Tha thiết mong tìm về bạn cũ

Nhưng cánh chim mịt mùng bạt gió

Vắng tiếng chim xanh ngày vui hót tung mây

Mờ khuất xa xôi nghìn phương

Trên đường tha hương, vui gió sương

Riêng lòng ta mang mối nhớ thương

Âm thầm thương tiếc cho ngày về

Tìm lại đường tơ nay đã dứt

Nghe tiếng chim chiều về gọi gió

Như tiếng tơ lòng người bạc phước

Nhắp chén men say còn vương bóng quê hương

Dừng bước tha hương lòng đau.

Trông bốn phương mờ hàng lệ thắm

Mơ đến em một ngày đầm ấm

Nhớ phút chia phôi cùng ai dứt đau thương

Tìm đến em nay còn đâu

Phong trần tha hương bao nhớ thương

Tim buồn ta mơ đôi bóng uyên

Lưng trời âu yếm bay tìm đàn

Lòng nguyện giờ đây quên quên hết

Ta sống không một lời trìu mến

Như bóng con đò chiều lạc bến

Lờ lững trôi qua cùng ngày tháng phôi pha

Duyên kiếp sau ta chờ nhau.

Hoàng Giác (1947)

 

Tìm về tổ ấm?

"Anh biết gì không, anh Thái Anh?" không đợi tôi trả lời, Giang nói tiếp: "Mỗi khi thấy anh về quê hương, em lại nhớ đến bài Ngày về". Đang ngồi ăn trong quán ăn May cổ ở Hà Nội với hai vợ chồng Sơn bỗng dưng nghe hỏi như thế, tôi hát luôn:

"Ngày trở về anh bước lê trên quãng đường đê đến bên lũy tre

Nắng vàng hoe, vườn rau trước hè cười đón người về...

Mẹ lần mò ra trước ao, nắm áo người xưa tưởng trong giấc mơ,

Tiếc rằng ta tôi mắt đã lòa vì quá đợi chờ.

Có phải bài của Phạm Duy không?

clip_image002

Trong quán May, Hà Nội

"Không, không, không phải bài đấy… Bài của ai nhỉ?". Rồi Giang trổ giọng ngân nga hát: "Tung cánh chim tìm về tổ ấm…"

"Ô bài Ngày về của Hoàng Giác", tôi buột miệng. "Em hay nhỉ?" rồi buông một cái nhìn vừa ngạc nhiên, vừa thán phục về phía người em gái Hà Nội. Ngạc nhiên vì suy nghĩ thấm đẫm tình quê hương của em, thán phục vì một người trẻ tuổi, ngoài 20, lại biết đến những bản nhạc vàng, nhạc tiền chiến như thế.

"Hai em có biết, ngày trước, Nha Chiến tranh Tâm lý của Việt Nam Cộng hòa – miền Nam – dùng bài này đề chiêu hồi những người theo Việt Cộng không? Họ cứ cho bài hát này trỗi lên mỗi khi bắt đầu chương trình phát thanh Chiêu hồi trên radio. (Sau đó, được biết nhạc sĩ Hoàng Giác sau khi đi chiến khu về, không sáng tác nhạc nữa.)

"Thế à?", Sơn hỏi.

"Thì bọn em cũng muốn chiêu hồi anh về thăm quê hương thôi!". Chúng tôi cười to vì ý nghĩ đó.

Cũng khoảng hai mùa Đông trước đây, chính Trần Hoàng Sơn (họa sĩ, dạy ở Đại học Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội) và Lương Thị Minh Giang (lúc đấy hai người còn là người yêu – họ vừa lấy nhau năm nay) đã đưa tôi đến uống chè ở phố Ngô Tất Tố, nghe những bản nhạc vàng của Phạm Duy.

clip_image004

Trái sang phải: Họa sĩ Trần Hoàng Sơn, Lương Thị Minh Giang, tác giả.

"Anh ở Mỹ, chắc cũng buồn nhỉ?", Sơn hỏi, vì Sơn cũng đã qua Mỹ và sang Bắc Cali du hí với tôi một tuần.

"Ở đâu quen đó, em ạ. Anh thích những nơi yên tĩnh. Vì ngay cả Hà Nội, đã có nhiều phát triển quá thái, ồ ạt quá! Lâu lâu nhớ nhà, nhớ con anh lại về thăm quê hương!". Nói rồi tôi chột dạ, chợt nghĩ đến Bảo Ngọc, đứa con gái 8 tuổi của tôi đang ở Hà Nội với mẹ nó, có lẽ Bảo Ngọc là một động cơ để mỗi năm tôi tìm về Hà Nội thăm con. Tự dưng, tôi chợt hỏi lòng, không có con ở Hà Nội, liệu tôi có về thăm quê hương không?

"Lần sau anh về, bọn em sẽ đưa anh đi thăm nhiều chùa chiền vùng quê miền Bắc nhé! Rất nhẹ nhàng và hoang vu, không xô bồ." Câu nói của Sơn cắt dòng tư tưởng, kéo tôi về thực tại.

"Anh Thái Anh ơi, em hỏi thật anh nhé, anh có thích về Việt Nam sống không?", Giang lại hỏi tiếp.

"Thích thì cũng thích đấy, nhưng không hiểu mình nếu ở lâu có chịu nỗi chuyện ồn ào, náo nhiệt của cuộc sống, xe cộ tắc nghẽn, khói bụi mù mịt không, nhưng về đây gặp những người chân tình như hai vợ chồng em là anh thấy vui rồi."

Đây cũng là một đề tài mà tôi đã viết cách đây hai năm: "Về Việt Nam sống?" nhưng cứ y như rằng mỗi lần về nước tôi lại gặp thêm một số Việt kiều – hơn 90 phần trăm là nam giới – sống và làm việc ở đây, và bằng cách này hay cách khác, nếu họ không thuyết phục mình về Việt Nam sống thì chính kinh nghiệm bản thân họ cũng chứng minh rằng chuyện sống ở nước nhà rất khả thi. Mỗi người mỗi cách. Thú thực nhiều lúc chính tôi cũng nghĩ đến chuyện về Việt Nam làm việc.

clip_image006

Tìm về tổ ấm?

Nghỉ hưu ở Việt Nam?

Một hôm vào tháng Giêng 2011, trên một diễn đàn internet của cựu sinh viên Berkeley, một số bạn bè vào tuổi 50 hăng say bàn bạc chuyện về hưu ở Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Bali, hoặc ngay cả Mexico - sát dưới biên giới Mỹ - sống. Chúng tôi bàn tính, so sánh, phân tích chuyện lợi hại. Có người đề nghị chọn Pattaya, Chiang Mai, làm điểm hẹn. Tôi phản đối bảo sao ta lại về làm giàu cho Thái Lan (đó là chưa kể đến chuyện hải tặc ngày xưa) và đề nghị họ về Việt Nam sống.

Tôi hỏi sao không chọn khu Phú Mỹ Hưng. Vì tình cờ đang thăm viếng gia đình hai vợ chồng Việt kiều bạn hiện sống trong một villa ở đây với ba đứa con trẻ, chồng hiện làm việc cho một công ty tài chính Mỹ, người vợ ở nhà trông con, lo cho hai đứa lớn đi học cùng với sự trợ tá của hai người giúp việc, một cuộc sống rất thoải mái. Câu chuyện lại lây lan sang hệ thống y tế và phí tổn cao của nó, nhiều người cho là Thái Lan và Singapore thích hợp nhất trong khâu này, dịch vụ y tế tân tiến và cách chẩn bệnh hơn hẳn Việt Nam. Khó lòng phản kháng vì cách đây 6 năm khi mẹ tôi (lúc đó 81, 82 tuổi, còn đi đứng được) định về Việt Nam sống nốt quãng đời của mình thì chính vấn đề y tế và lời bàn ra tán vô đã làm chùn chân bà, và bà hiện sống trong một viện dưỡng lão ở Garden Grove, quận Cam, Nam California.

clip_image008

Cao ốc Phú Mỹ Hưng

Hôm ấy, tôi không góp ý về y tế nữa, nhưng trong lòng không khỏi hoang mang, biết rằng người lớn tuổi khi cuộc sống có ý nghĩa, tinh thần vui tươi, phấn chấn thì thân thể cũng khoẻ mạnh theo. Nếu mẹ tôi đã có cơ hội sống với bạn bè văn nghệ xưa cũ của bà ở Hà Nội thì tình trạng của bà có phải ngồi xe lăn mỗi ngày lặng lờ ra vào giữa căn phòng và khu sinh hoạt chung, phải nói tiếng Anh với trợ lý, một ngôn ngữ mà bà không chuộng bằng tiếng Việt? Đành rằng khâu y tế ở đây làm tôi an tâm hơn, nhưng vẫn buồn tình vì trong các người con, tôi là người có thể về sống gần mẹ nhất, nhưng đã không dám bước một bước dài để làm điều đó. Âu đó cũng là một nỗi khắc khoải dai dẳng trong tâm tư.

Trong khu Phú Mỹ Hưng có một bệnh viện Pháp-Việt FV (French-Vietnamese hospital) cũng cố nâng cao đến tiêu chuẩn quốc tế, nhưng thật sự nói chung thì chuyện y tế và môi sinh ở Việt Nam vẫn còn kém. Chuyện bất công xã hội và chính trị chưa bàn tới, chúng ta phải nhìn nhận rằng phần lớn những Việt kiều đầu óc thông thoáng, tích cực với đất nước, còn nghĩ đến chuyện về Việt Nam, vẫn chuộng một cuộc sống trong lành, thoải mái, dễ chịu, họ có thể để ngoài tai chuyện thế sự Việt Nam để sống một cuộc sống như người du khách ngoại quốc và tình cờ (accidental tourists). Do đó, không kể một số nhỏ sống hòa đồng với dân tình địa phương, phần lớn cuộc sống của Việt kiều cách biệt với người dân, không khác những thành phần giàu có của chế độ. Có khác chăng thì vốn liếng tài chánh của hai bên.

clip_image010

Thương xá Crescent Mall Phú Mỹ Hưng

Những người giàu có hoặc có tài xế riêng, hoặc đi taxi, ở xa lánh những nơi ồn ào khói bụi. Ở Sài Gòn họ cư ngụ những vùng ven đô như: Phú Mỹ Hưng, Thảo Điền, Bình Thạnh, Vinpearl, ở Hà Nội thì Ciputra (Nam đô thị Thăng Long), Mỹ Đình… hoặc may mắn hơn, tìm được những ốc đảo yên tĩnh ngay trong lòng thành phố xá như Nguyễn Du, Huyền Trân Công chúa, quận 1 Sài Gòn, hay Phan Đình Phùng, Điện Biên Phủ, Trần Phú ở Hà Nội.

"Ở Mỹ làm gì mà có được những giờ phút như thế này!", nhạc sĩ Huỳnh Thái Bình, đức lang quân của ca sĩ Nhật Hạ nói. Tôi đưa mắt nhìn theo hướng nhìn của anh: những làn xe cộ chạy trên đường Nguyễn Huệ trước mặt cao ốc SunWah cũng thưa thớt vào ngày cuối tuần. Sáu giờ rưỡi chiều, chúng tôi khoảng mươi người đang quây quần ngoài trời ở café vỉa hè, tán gẫu. Không khí mát mẻ. Sàigòn vừa qua một cơn mưa rào, trời không nóng không lạnh. Phần lớn các bạn bè của hai vợ chồng Thái Bình-Nhật Hạ là những người trong nước, những thương gia làm nên ăn ra, một số nhỏ là Việt kiều hồi cư, trở về sống trong nước. Như những người thành công trên thương trường, anh Bình có một số vốn khá rủng rỉnh sau khi bán công ty của mình, cùng Nhật Hạ về tậu một căn hộ trong khu Phú Mỹ. Họ sống nhàn hạ, lập ra một hội gọi là CLC (Chơi Là Chính) thường tụ tập bạn bè ăn uống và hát hỏng. Được khích lệ của chồng, Nhật Hạ cũng thỉnh thoảng đi hát ở các phòng trà trong vùng. Họ thụ hưởng một cuộc sống lý tưởng, lâu lâu lại quay về Mỹ (thành phố Fountain Valley ở Nam Cali) thay đổi không khí.

Những người khác, hoặc không lì lợm, hoặc ít phương tiện hơn, không ở lâu được thì chọn du lịch những nơi thắng cảnh như Phú Quốc, Lục tỉnh (miền Tây), Đà Lạt, Nha Trang, Mũi Né, Qui Nhơn, Mỹ Khê, Hội An, Đà Nẵng, Lăng Cô, Quảng Bình, Cát Bà, Hạ Long, Sapa, v.v. Họ ở khách sạn có máy điều hòa không khí, chọn dùng những phương tiện an sinh thích hợp, tân tiến, vệ sinh và tiện nghi.

Đối với nhiều người khi có phương tiện, sinh sống ở đâu cũng là một chọn lựa có ý thức. Không nói đến sự gắn bó với quê hương vì một lý do thầm kín, thiêng liêng nào đó, không kể những người sanh đẻ tại Việt Nam không có nhu cầu hay điều kiện xuất ngoại, Việt kiều hồi hương đều có lý do – hoặc xa rời một quá khứ, hoặc mưu cầu một lợi lộc, hạnh phúc nào đó, chờ thời sống qua ngày. Nhưng ít ai lại từ bỏ chốn cũ, chọn một nơi mới nếu không có nhiều ưu điểm hay lợi thế khác hơn những gì ở địa phương hiện thời của mình. Người thích về sống ở Việt Nam viện dẫn những lý do riêng của họ, người không thích Việt Nam (ngoài lý do chính trị), sẽ không thiếu lý cớ để chống lại chuyện về Việt Nam. Tựu trung cũng tùy thuộc vào quan điểm và tình huống của mỗi cá nhân.

Thiên đàng hay Địa ngục?

Một hôm còn ở Hà Nội, trên một diễn đàn hải ngoại, nhân đọc e-mail của một Việt kiều quen vừa đi công tác xã hội ở Việt Nam mới về lại Mỹ, tôi chợt giật mình:

"Đặt chân xuống phi trường San Francisco trong cơn sốt, HT đã "quì hôn đất thân yêu" và tận tình hít thở không khí trong lành, vệ sinh, an bình của một xứ tự do thật sự.

Chỉ cách nửa vòng trái đất, nhưng HT vừa được bình an trở về lại Thiên Đường từ bên kia Địa Ngục, và đã không ngần ngại cất cao lời hát "Tôi là ai mà yêu quá đời này...".

Không hiểu khái niệm Địa ngục của người bạn này như thế nào, nhưng tôi biết rằng khi ở Việt Nam, ngoại trừ những lúc lặn lội vào những khu ổ chuột, những nơi bùn lầy nước đọng, nhà quê thôn dã, bạn tôi đã ở khách sạn 3 sao, có máy điều hoà đi công tác bằng xe hơi, có tài xế lái. Đây là cách cường điệu của một người muốn phát biểu cảm nghĩ của mình về lãnh đạo CS và một đất nước bất công, chông chênh bên bờ vực thẳm… Tuy nhiên có cần thiết phải biểu dương lập trường không?

Dĩ nhiên ai cũng có quyền nói lên cảm nghĩ của mình, nhưng mà sự chân thành và trung thực trong lời nói và bày tỏ thiết nghĩ dễ nghe hơn. Do đó, tôi đã viết lên những dòng phản hồi sau đây:

Chắc chắn rằng khái niệm về địa ngục của tôi không cụ thể hay rõ rệt bằng kinh nghiệm của những người trong nước – nhất là những người dân miền Bắc – đã sống qua một chế độ mà bạn tôi gọi là địa ngục này – lâu và dai dẳng hơn dân miền Nam mình nhiều – và cho đến ngày nay nhiều người (cả hai miền) vẫn còn chịu khổ ải ấy, có lẽ theo lời Nguyễn Thái Học, tôi vẫn “chưa thành nhân” vì vẫn chưa thực sự nếm mùi địa ngục ngoại trừ khi còn tấm bé hay chơi trò Thiên đàng Địa ngục hai bên:

Thiên đàng địa ngục hai bên,

Ai khôn thì dại, ai dại thì khôn.

Đêm nằm nhớ Chúa nhớ cha,

Đọc kinh cầu nguyện kẻo xa linh hồn.

Linh hồn phải giữ linh hồn,

Đến khi gần chết được lên thiên đàng!

Do vậy, thiển nghĩ tôi xin chọn chủ trương không xiển dương hay thậm xưng nếu mình vẫn tiếp tục về nước làm những công tác xã hội.

Vì tại đây, ở cái nôi văn hóa của đất nước, tôi vẫn đi tìm những tấm gương sáng quí hiếm, và từ nhiều năm nay tôi được hân hạnh được quen biết với một số người như thế. Có những người bản thân và gia đình đã hứng chịu trăm ngàn khổ đau ập xuống đời họ vì những chuyện làm dũng cảm của mình, nhưng họ vẫn bình tĩnh tiếp tục kiên trường với những việc làm tử tế, đức độ của mình.

Tôi được cơ may chia sẻ với những người như vậy, cụ thể nhất là những ngày qua đã thấm thía được nghe những lời kể chuyện và bày tỏ chân tình của những bậc đàn anh khả kính. Cũng như hôm qua kinh nghiệm đi xe ôm đã phản ảnh đúng như lời đạo diễn Trần Văn Thủy khi ông phát biểu tại Centre Pompidou ở Pháp (1989) khi được khen là một trí thức dũng cảm hiếm có của Việt Nam: "Ông quá khen, đất nước tôi có rất nhiều người giỏi hơn tôi, dũng cảm hơn tôi, nhưng họ không phải là những trí thức thích “biểu diễn lập trường” (lời của nhà văn Nguyễn Mộng Giác trong Nếu đi hết biển) trên báo chí truyền hình, hay những phương tiện truyền thông đại chúng. Họ là những người bình dân tràn đầy vỉa hè thành phố, quán xá, những người lao động, nhà quê. Họ là những người dám nói lên những điều mình nghĩ mà không có diễn đàn…".

Hôm đó vào giờ tan sở, lưu thông đang ở cao điểm, tôi đi một chiếc xe ôm từ Văn Miếu về đến gần cuối đường Hoàng Hoa Thám ở khu chợ Bưởi. Khi đi qua quảng trường Ba Đình, một người đàn ông tròn trịa bất thình lình bước ra trước mũi xe của ông lái xe ôm, suýt nữa bị tông, hắn tươi cười giả lả, một tay xoè ra dơ lên chận xe, một tay phe phất cái cát/card đeo ở ngực. Ông xe ôm phải thắng gắt rồi lạng sang một bên:

"Đ.M. cái thằng Hàn Quốc này, mày tưởng mày ngon à?"

"Sao anh biết nó là Hàn Quốc?"

"Ai con lạ cái đ. gì mấy thằng đại gia làm áp-phe với nhà nước, anh không thấy nó chìa khoe cái thẻ công vụ à?" Rồi như được cơn, anh tuôn trào: "Cả một lũ nô lệ bán nước, làm ăn bất chính cướp của công làm của tư, bán cho ngoại bang… toàn một lũ cướp ngày, cướp cạn,… đất đai ở quê tôi bị trưng thu hết…". Rồi ông kể lể tràng giang đại hải, từ chỗ ấy cho đến gần điểm đến, chửi luôn cả Công an, cảnh sát giao thông khi tôi thấy anh chạy qua ngã tư đèn đỏ: "Anh không sợ Công an à?”. “Sợ cái đ. gì, chúng nó chỉ giỏi bắt nạt, làm tiền người nghèo, đố mà dám bắt những chiếc ôtô xịn, chẳng may vớ phải quan to, mất chức như chơi… chạy xe lâu ngày mình cũng biết lúc nào vượt được lúc nào không chứ!".

Ông xe ôm quê ở Gia Lâm, là một bộ đội đã từng đi lao động ở Nga, tham dự chiến trường Campuchia, không biết ông có biết mình là Việt Kiều không nhưng ông đã trút bầu tâm sự, kể khổ và chửi rủa nhà nước thậm tệ làm bọn vong nô cho ngoại bang... không biết cuộc đời ông đã nếm hết chín từng địa ngục chưa, nhưng chắc rằng như chúng ta – tuy không nói ra – ông là một trong những người mong mỏi một ngày mai tươi sáng trên quê hương.

Cho nên nếu tôi chưa sống ở địa ngục một ngày nào, hoặc giả chưa bao giờ dám lăn lộn trong hỏa ngục máu lửa giống như Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, blogger Điếu Cày và nhiều người khác – như thể như bài hát: “The Impossible Dream” trong vở kịch La Mancha, tôi chưa dám sẵn sàng dấn thân vào địa ngục cho mục tiêu thiên đàng cao cả "to be willing to march into hell for a heavenly cause" của mình thì tôi không bao giờ dám gọi Việt Nam là một địa ngục cả.

"Này đừng để chuyện mất mát đồ đạc mà nghĩ xấu về quê hương nhé!", lời nói của Đại tá Yên Ba trong Quân đội Nhân dân, hay hai câu thơ "quê hương là chùm khế ngọt" và "uống nước dừa hay nước mắt quê hương" là những câu chợt trở về trong tâm thức. Những chuyện ngang trái, bất công vẫn còn nhiều, nhưng tôi vẫn tỉnh táo, biết rằng thế gian này không chỉ có nhị nguyên, chia cách rạch ròi giữa trắng và đen. Hoa Kỳ vẫn còn chưa được như thế huống hồ là Việt Nam. Tôi chỉ biết rằng có một khoảng cách rất xa giữa cầm quyền và người dân, nếu đồng hóa, cho nhà nước cầm quyền là Việt Nam thì không còn chuyện gì để bàn nữa. Cho nên câu hỏi của tôi vẫn mãi là: "Vì ai gây dựng cho nên nỗi này!"

Thuở trời đất nổi cơn gió bụi

Khách “nhớ nhà” nhiều nỗi truân chuyên

Xanh kia thăm thẳm tầng trên

Vì ai gây dựng cho nên nỗi này!

N. K. T. A.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn