Cơ chế thủy - lâm và cảnh quan Đà Lạt

Đoàn Nam Sinh

Chẳng ai hiểu được vì sao mà từ chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa mãi đến ngày nay vẫn cứ duy trì một cái sai lầm chết người như vầy. Điều này chắc chắn có nhiều đấng bậc hiểu còn rõ hơn, nhưng vì sao chưa nói thì không biết.

Số là thảm thực vật rừng có chức năng như một miếng bọt biển, vừa thu hút nước mưa, vừa cho nước thấm dần xuống gương nước ngầm qua hệ thống gốc rễ. Nhờ đó rừng cản lũ, giữ lớp đất mặt màu mỡ, chống gió bão, khô hạn.

Rừng giữ nước và nước nuôi rừng, nên chính quyền thực dân và cả chế độ Sài Gòn cũ đã gắn kết nhiệm vụ quản lý tài nguyên rừng và nguồn nước – nước ngầm theo công thức Nha Thủy Lâm, Ty Thủy Lâm,…

Còn bộ máy chính phủ, chính quyền nhân dân thì chỉ thấy rừng, tài nguyên gỗ rừng, đất rừng,… Hệ thống Lâm nghiệp tuy có nhiệm vụ giữ rừng đầu nguồn nhưng hết sức hời hợt từ trên xuống dưới. Cho người ta mướn cả các vùng rừng xung yếu mà hỏi lại chẳng ai hay. Nhiệm vụ liên đới rừng với nước không còn thấy ai lo cho trọn vẹn vòng quay của nước. Mãi đến gần đây mới có Luật Bảo vệ Nguồn nước nhưng rất kém hiệu lực.

Hệ quả là gì? Là từ các thành phố lớn cho đến các thị tứ bé đều hút nước ngầm lên xài, trong lúc nguồn nước bổ cấp xuống nước ngầm là thảm rừng đã căn bản phá sạch, lớp thì lấy lâm sản, khoáng sản, lớp thì khai thác thủy điện, lớp trồng cao su,…

Biển dâng, nước ngầm suy kiệt, các gương nước ngầm nhiễm mặn kéo theo hàng loạt khu dân cư thiếu nước sạch và sụt lún mới là nguy cơ tiềm tàng mà sự hồi phục là vô vọng.
Thiên tai sẽ ngày càng dồn dập với cường độ ngày càng lớn hơn, do những phản ứng dây chuyền vừa tiếp nối vừa phân nhánh phức tạp đã được khởi động bởi nhân tai. Hệ thống thủy điện cạn khô, nhiệt điện thiếu nhiên liệu và Việt Nam phải nhập khẩu hầu hết các nguồn năng lượng sẽ là chuyện trước mắt.

Còn chuyện dự tính dự báo cho các công trình thì rất buồn. Các số liệu khí tượng thủy văn do Pháp để lại tròm trèm 40 năm, của cả nước thống nhất chỉ 35 năm nữa vị chi khoảng 75 năm. Lấy đâu ra số trung bình 100 năm? Lại thấy mưa lũ ngày càng tăng về tần suất và cường độ nên lắm vị có trách nhiệm dám ngụy biện là “lũ lịch sử 500 năm”, chắc số liệu khí tượng do các vua nhà Lê thu thập?!

Nói như vậy để thấy rằng còn nhiều con số cần thiết cho bài tính về chất lượng công trình, khả năng đáp ứng các điều kiện bất thuận là rất mù mờ.

Ai có thể ngờ rằng vài cái doanh nghiệp nhỏ, năng lực mọi mặt đều non yếu vẫn được cấp phép đầu tư thủy điện. Con số hàng trăm thủy điện kiểu đó với những túi nước treo trên đầu cư dân miền dưới là có thật. Chỉ vài năm nữa thôi, sự thể tanh bành ra thì “Phó Thủ tướng tuổi trẻ tài cao” sẽ nói gì ?!

Tôi đã từng qua lại cầu sông Bung để thấy tình trạng phá rừng lấy gỗ nhộn nhịp với hàng hàng bè gỗ xuôi nguồn từ thời bao cấp mãi tới nay vẫn chưa dừng. Năm ngoái nghe lũ cát, lũ gỗ về ngập sông Vu Gia mà muốn ứa nước mắt. Thú thật, lúc đó tôi có nói với các thân hữu, có vị hiện là Hội đồng Quản trị A Vương, là lấy nước đâu vào lòng hồ vài năm tới đây mấy cha. Vậy mà có thật, chết không chứ?

Còn trình độ hay trí tuệ Việt Nam thì xin các bác ngó qua cái hồ Xuân Hương của Đà Lạt giùm một chút. Đà Lạt cũng thế, là một thí dụ về chia tách Thủy Lâm. Ngày xưa, sau cơn lũ lớn phá vỡ đập đất ngăn suối Đạ Lạch thành Hồ lớn của Đà Lạt, trôi cả thủy điện cuối sân bay Cam ly bây giờ – ngày ấy còn là nông trại của O’Neil – thì Kỹ sư trẻ Trần Đăng Khoa mới học ở Tây về đã thiết kế và chỉ huy thi công bờ đập mới, gọi là cầu ông Đạo. Con đập kiêm dụng này quyết định thắng cảnh hồ Xuân Hương, TP Đà Lạt.

clip_image002

Cầu ông Đạo.

Nguyên cái bờ đập này gồm cả hệ thống xả, có cả xả cát dưới đáy – được xây dựng theo nguyên lý bình tự động rửa ống nghiệm, nghĩa là nước ngập tới mức cần xả thì nó tự động xả, không tốn một công lao động nào, không một tí năng lượng nào. Thú vị là lũ về lớn tới đâu, ngay như lũ lụt năm Thìn 1952 cũng không hề suy suyển. Hết lũ thì vẫn giữ một mực nước như cũ.

Ông Trần Đăng Khoa đã chỉ đạo thi công tài tình các đường ống bên trong lòng đập, với công năng chịu tải cho xe cộ qua lại mấy chục năm mà không phải gia cố gì ngoài việc sửa sang phần tràn sau này.

Chẳng biết ông thầy dùi Sở Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn tham mưu làm sao mà Tỉnh nghe. Trước Tết năm ngoái, tỉnh Lâm Đồng và thành phố Đà Lạt chủ trương xả nước xây kè quanh hồ, nạo vét hồ và quan trọng nhất là làm cầu mới, phá bỏ cầu cũ.
Khi phá tung ra rồi chẳng biết phải làm sao, nhà thầu bỏ chạy, một vài con tép bị hy sinh, nhưng sếp thì giàu sụ và bình chân như vại. Có nhà du lịch nói Đà Lạt mà không có Hồ Xuân Hương thì cứ gọi là cờ khuyết sĩ…

clip_image004

Thiên nga rơi lệ.

clip_image006

Con Ếch cái (La grenouillère) phơi sương.

Nghe đâu phải mời tư vấn nước ngoài, nhưng cũng khó bề. Hỡi ôi, tình cảnh tan hoang, lòng hồ xanh um cỏ dại rồi mà vẫn bế tắc dài luôn mấy tháng. Cuối cùng, giải pháp thi công là làm các xi phông bằng thép tấm. Để rồi xem có phải duy tu bảo dưỡng hàng năm tốn kém không, mà tuổi thọ chắc chờ hồi sau sẽ rõ.

clip_image008

Hệ xi phông cao hơn mặt lộ, chắc Đà lạt sẽ có cầu vồng ?

Riêng phần nước vào hồ, ai cũng biết rằng thời trước mùa khô vẫn có nước chảy qua cầu Bá hộ Chúc, còn bây giờ sau bao năm băm bổ đào thiếc khắp thượng nguồn, rừng cấp nước cho hồ bị khai thác, tàn phá triệt để, nên mùa khô suối hạ lưu khô cong.

clip_image010

Mới dứt mưa mà suối chỉ là khe.

Than thở vậy thôi, chia sẻ cùng nỗi buồn day dứt của dân Đà Lạt, thất thu dịch vụ hai cái Tết liền (chưa biết còn bao lâu nữa) và thanh minh với quý khách vãng lai.

Phen này mới rõ ra bằng cấp với trí tuệ. Quá là chán!

Đà Lạt ngày 17.12.2010

Đ. N. S.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn