Liệu đập thủy điện Sông Tranh 2 có bị vỡ?

Thanh Trúc, Phóng viên RFA

Những cơn dư chấn liên tục sau trận động đất hôm thứ Ba đã khiến cư dân huyện Bắc Trà My và khu vực lân cận mất ăn mất ngủ.

clip_image001

Đập Thủy điện Sông Tranh 2 ở huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam. File photo

Người ở huyện Bắc Trà My còn thêm nỗi lo là nếu đất tiếp tục rung chuyển mạnh và liên tục thì đập thủy điện Sông Tranh 2 có thể vỡ và nước sẽ tràn ngập khu dân cư phía dưới.

Rất có thể

Để tìm hiểu vấn đề, Thanh Trúc phỏng vấn giáo sư tiến sĩ Nguyễn Trường Tiến, chủ tịch Hội Cơ học Địa chất Việt Nam. Đầu tiên, nhà cơ học đất và địa kỹ thuật công trình này khẳng định:

GS Nguyễn Trường Tiến: Chuyện xây dựng một đập thủy điện thì nó tăng thêm rất nhiều tải trọng lên nền đất và nền đá. Đó là lý do thứ nhất.

Thứ hai, nó tăng thêm trọng lượng của nước tác động lên đất và đá và sẽ gây kích thích động đất. Đấy là một sự thật, tôi khẳng định như thế.

Thanh Trúc: Thưa trường hợp có những rung chấn mạnh tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 từ mấy hôm nay thì nhận định đầu tiên của ông là như thế nào?

clip_image004

Động đất gây nứt tường nhà dân - Ảnh: Hoàng Sơn/Thanh Niên

GS Nguyễn Trường Tiến: Đấy chắc chắn là động đất chứ không có gì khác cả. Điều mà mấy đồng chí, mấy anh lãnh đạo của khu vực đấy với lại bà con cảm giác thì đó là dư chấn, là động đất nhỏ, có thể cấp hai, cấp ba, cấp bốn gì đó.

Thanh Trúc: Vậy khu vực Sông Tranh nằm trong tầm nguy hiểm đến mức độ nào. Liệu đập thủy điện Sông Tranh 2, vốn trước đó có nhiều vết nứt và đã được khắc phục, có thể bị vỡ hay không?

GS Nguyễn Trường Tiến: Câu chuyện đặt ra là hiện nay tất cả những thông tin của Viện Địa lý rồi Viện Địa chấn rồi các chuyên gia… thì tôi hiểu kết quả đo địa chấn hiện nay là đang ở cấp nằm trong sự cho phép nào đó, nhưng tất nhiên dưới kết luận nó sẽ tăng dần.

Câu chuyện nó sẽ tăng dần tại vì nó như một vết gãy mà có tác dụng của tải trọng thì nó có thể tăng dần cấp động đất lên, cái tần suất động đất phát triển lên.

Đương nhiên bây giờ người thiết kế hay người kiểm tra hay người chịu trách nhiệm phải đánh giá toàn bộ lại cái ảnh hưởng của động đất này tới thủy điện Sông Tranh và đập thủy điện Sông Tranh.

Tôi thì tôi hình dung rằng cấp động đất ấy sẽ tăng dần lên bởi vì tải trọng tăng dần lên và tần suất của động đất nó tăng dần lên, phá hỏng đập thủy điện Sông Tranh hoàn toàn là câu chuyện có khả năng.

Thanh Trúc: Nếu chẳng may đập thủy điện Sông Tranh này bị nứt hay bị vỡ thì…?

Tôi thì tôi hình dung rằng cấp động đất ấy sẽ tăng dần lên bởi vì tải trọng tăng dần lên và tần suất của động đất nó tăng dần lên, phá hỏng đập thủy điện Sông Tranh hoàn toàn là câu chuyện có khả năng.

GS Nguyễn Trường Tiến

GS Nguyễn Trường Tiến: Những người có trách nhiệm, hoặc là chủ đầu tư hoặc đơn vị tư vấn về điện, phải mô hình hóa toàn bộ bài toán, cái đập đấy, cái nước đấy, rồi cái tải trọng đấy với cái cấp động đất mà làm hỏng cái đập thủy điện Sông Tranh đấy.

Những câu chuyện đó hoàn toàn có thể mô hình toán học, để biết nước sẽ chảy với tốc độ bao nhiêu, nó sẽ tạo nên thảm họa như thế nào.

Bởi vì tôi là một nhà khoa học mà tôi lại không có các số liệu ở trong tay thì tôi cũng không thể dự báo được mà tôi hình dung chuyện đấy hoàn toàn là với những công cụ của máy tính, của thiết kế, và chúng ta hoàn toàn có thể dự báo được là cái thủy điện Sông Tranh mà nó bị sập hoặc là nó bị nứt thì nước nó sẽ cuốn như thế nào nó sẽ chảy đến đâu và nó gây ngập lụt thế nào, toàn bộ câu chuyện có thể tính toán bằng số.

Thanh Trúc: Thưa như thế thì ai, cơ quan nào, chịu trách nhiệm nhiều nhất về cái tính toán và đưa ra những con số?

GS Nguyễn Trường Tiến: Tôi nghĩ theo đúng luật đầu tư của Việt Nam thì ông chủ đầu tư, ông mà bỏ tiền xây đập và bỏ tiền xây dựng nhà máy thủy điện Sông Tranh là phải chịu trách nhiệm đầu tiên.

Thứ hai là Tổng công ty Điện lực quản lý vùng điện năng đấy và thứ ba là Bộ Công Thương quản lý ngành điện lực. Cả ba phải chịu trách nhiệm, trong lãnh vực này là như thế.

Thanh Trúc: Những vết nứt xảy ra ở đập thủy điện Sông Tranh dưới mắt nhìn của ông là như thế nào?

GS Nguyễn Trường Tiến: Câu chuyện của thủy điện là một câu chuyện rất khó. Tức là thực ra chúng ta xây dựng quá nhiều thủy điện, chuyện qui hoạch thủy điện là một đề tài rất rộng.

Đầu tiên là vấn đề qui hoạch, vấn đề thứ hai là khảo sát, vấn đề thứ ba là thiết kế, vấn đề thứ tư là thi công và vấn đề cuối cùng là giám sát chất lượng thi công.

Thế thì chuyện gây nên những vết nứt rồi gây ra những cái như nước chảy nước thấm… thì nó tích tụ rất nhiều từ những cái sai sót đọng lại và tạo nên cái sai sót cuối cùng ấy, làm nước cứ chảy và đập không an toàn, nó bị nứt.

Cần làm gì?

clip_image005

Những công nhân đang xử lý rò rỉ nước ở thủy điện Sông Tranh 2 hôm 19-03-2012. Photo courtesy of vov.

Thanh Trúc: Thưa giáo sư tiến sĩ Nguyễn Trường Tiến, có cách nào khả dĩ để tránh được tai họa cho người dân trong lúc này, vào khi có những rung chấn mạnh hay là những dư chấn tiếp tục xảy ra?

GS Nguyễn Trường Tiến: Tôi nghĩ đối với các nhà quản lý và các chủ đầu tư hiện nay thì việc đầu tiên là phải giảm tải tối thiểu lượng nước của đập này xuống.

Tôi biết trong thiết kế có nhiều bất cập, chuyện đặt ra là bởi vì chúng tôi không có cơ hội được tiếp cận với tất cả những thông tin hiện nay, nên thực ra phải trả lời câu hỏi đập này an toàn bao nhiêu, nó có thể chịu được cái địa chấn tức cấp động đất là bao nhiêu… là câu mà chủ đầu tư trả lời, hay tổng công ty thiết kế và thi công công trình này phải trả lời mới được.

Tôi nghĩ đối với các nhà quản lý và các chủ đầu tư hiện nay thì việc đầu tiên là phải giảm tải tối thiểu lượng nước của đập này xuống.

GS Nguyễn Trường Tiến

Chúng tôi không được tiếp cận thông tin thì chỉ có thể trả lời đương nhiên do tải trọng của nước tạo nên kích thích động đất.

Thứ hai đương nhiên động đất là thiên tai nhưng đồng thời chấn động ấy cũng do nhân tai. Nhân tai tức là do chúng ta có thể qui hoạch sai, chúng ta thiết kế chưa đúng, chúng ta thi công chưa đảm bảo, chúng ta chưa có đầy đủ các số liệu…

Hôm qua tôi có làm việc và tôi biết là có một số chuyên gia quốc tế đang vào trong đấy để tư vấn cho chủ đầu tư Việt Nam lắp đặt hệ thống quan trắc và đo đạc, thì lúc đấy chúng ta mới có số liệu đầy đủ.

Tức là thứ nhất phải tính toán, thứ hai phải đo đạc phải quan trắc thì lúc đấy mới có được câu trả lời xác đáng được. Còn hiện nay tất cả những người có trách nhiệm thì họ đang làm và họ cũng chưa công bố các số liệu quan trắc.

Thanh Trúc: Xin cảm ơn GSTS Nguyễn Trường Tiến về những lời giải thích của ông.

T.T. – N.T.T.

Nguồn: rfa.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn