“Nói an toàn khi động đất tới 5,5 độ Richter là không khoa học”

Lê Huy Y

(Tổng hội Địa chất Việt Nam)

clip_image002

Đoàn khảo sát bộ Khoa học và công nghệ khảo sát về động đất ở Bắc Trà My. Ảnh: Thanh Trà

 

LTS: Trong khi người dân khu vực thuỷ điện Sông Tranh 2 đang “ăn không ngon, ngủ không yên” vì lo sợ trước các trận động đất xảy ra thời gian gần đây, thì các nhà khoa học vẫn chưa thống nhất đánh giá về nguyên nhân gây ra hiện tượng trên. Báo Sài Gòn Tiếp Thị giới thiệu ý kiến của một số nhà khoa học về vấn đề này.

Từ ngày 3.9.2012 đến nay đã có hơn mười trận động đất tại khu vực đập thuỷ điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam). Một số nhà khoa học, nhà xây dựng đập, và vài nhà cấp bộ khẳng định: “Đập thuỷ điện Sông Tranh 2 vẫn an toàn”. Chưa vỡ đập thì đúng rồi, nhưng nếu nói: “Đập Thuỷ điện Sông Tranh 2 được thiết kế cường độ kháng nén lớn, bảo đảm an toàn khi có động đất tới 5,5 độ Richter” là không khoa học.

Đặt thuỷ điện vào họng núi lửa

Thứ nhất, về mặt địa chất, cái nguy hiểm lớn nhất của đập thuỷ điện Sông Tranh 2 là người ta đã đặt nó vào vùng hoạt động kiến tạo mạnh. Đầu phía nam của đập có một họng núi lửa cổ. Điểm này cũng là giao điểm của bốn đứt gãy sâu (khu vực đập có ít nhất bốn đứt gãy sâu, sâu đến mức là macma đã theo giao tuyến đứt gãy chui lên mặt đất để lại cho đập một khối dăm, cuội dung nham núi lửa bị phong hoá tại chỗ).

Một trong bốn đứt gãy này có phương Bắc – Nam (gần song song với thân đập), một có phương á vĩ tuyến (song song với bờ Sông Tranh), hai đứt gãy còn lại có phương Tây Bắc – Đông Nam và Đông Bắc – Tây Nam. Giao điểm các đứt gãy này, nhất là họng núi lửa cổ ở bờ phía Nam thân đập sẽ phát huy tác hại lớn khi có sự cựa mình của khối đá macma dưới sâu.

Không khó để các nhà khoa học về địa chất vạch ra hàng chục đứt gãy sâu khác trong vùng thung lũng huyện Bắc Trà My.

Cũng không thể quên rằng trong lòng hồ gần vùng đập đã tồn tại một suối nước nóng đến mức làm được lông gà. Tại đây đã và đang tồn tại một khối dung nham macma nóng chảy dưới sâu, mà một tia của nó đã dâng lên gần mặt đất đun nóng nguồn nước ngầm.

Những dấu hiệu về địa chất, địa chất thuỷ văn nêu trên đã củng cố cho việc giải thích địa chất nguồn gốc liên quan với khối macma xâm nhập nông á núi lửa trẻ (18 triệu năm trở về đây), thành phần bazơ – kiềm của dị thường từ hàng không vùng Trà My do hải quân Mỹ phát hiện trong các năm đầu 1960 và kết quả bay đo của Liên đoàn Vật lý địa chất thuộc Tổng cục Địa chất Việt Nam vào giữa thập niên 80 của thiên niên kỷ trước. Dị thường từ hàng không này có kích thước khoảng 10 x 25 km2, kéo dài theo phương án vĩ tuyến, nó phản ánh đối tượng địa chất (khối xâm nhập nông á núi lửa thành phần bazơ – kiềm) bị từ hoá nghiêng theo phương Bắc Nam.

Rất khó lường

Tình hình động đất, như nhận định của nhiều chuyên gia, là rất khó lường. Có điều trong phương án phòng chống lụt bão huyện ký kết với công ty thuỷ điện Sông Tranh chỉ tập trung ở việc cung cấp thông tin chứ chưa thấy đề cập đến lực lượng và trang bị để triển khai ứng phó cứu hộ. Một số ý kiến cũng kiến nghị huyện cần làm việc với công ty thuỷ điện Sông Tranh, sớm cung cấp bản đồ ngập lụt khi xảy ra tình huống vỡ đập để lực lượng chức năng có thể chủ động chọn các điểm cao, không bị ngập để tập kết, chuyển dân đến nơi an toàn. Bởi đập thuỷ điện Sông Tranh 2 với khoảng 730 triệu m3 này gặp sự cố sẽ ảnh hưởng đến hàng chục ngàn người dân vùng hạ lưu.

Thứ hai, có thể chứng minh: động đất hồi tháng 11/2011 ở vùng Trà My không thể xếp dưới cấp 6. Còn động đất ngày 3.9.2012 lúc 20 giờ còn mạnh nhất từ trước đến nay kèm theo nhiều tiếng nổ lớn và nhiều nhà bị nứt. Thôi thì tạm xếp vào dưới cấp 7, trong khi cơ quan hữu quan đã nói đập thuỷ điện Sông Tranh 2 được thiết kế xây dựng chịu được động đất cấp 7. Như vậy có thể gọi là suýt soát, nếu khi xây dựng đập không rút ruột nhiều quá.

Tuy nhiên, điều rất quan trọng là: ai đã từng học môn sức bền vật liệu thì không thể quên được khái niệm “ứng suất mỏi”. Ví dụ đơn giản thế này: một sợi thép hoặc một miếng tôn có thể chịu sức kéo hàng tấn, nhưng chúng ta có thể dùng tay để bẻ gãy chúng bằng cách lắc qua lắc lại một số lần. Vì vậy, dù đập có được xây dựng chịu đến động đất cấp cao (8; 9 hoặc 10) nhưng động đất cứ tác động gần và trực tiếp mãi thì sẽ có ngày vỡ đập, nhất là còn cộng thêm áp lực nén ngang xuôi dòng chảy của một hồ nước gần triệu mét khối với độ chênh cao gần trăm mét nước.

Làm một đập khác [phía] hạ lưu

Ông PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, Phó giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý địa cầu đã rất đúng khi khẳng định: “Hiện nay, tất cả những đánh giá trước đây về độ nguy hiểm dư chấn của khu vực này không dựa trên quan trắc địa phương mà dựa trên quan trắc toàn lãnh thổ với phương pháp địa chất và phương pháp xác suất để dự báo. Trên địa bàn đó từ trước đến nay không có trạm quan trắc động đất nên chúng ta không có số liệu về động đất địa phương”.

Cái nguy hiểm là động đất địa phương tại khu vực đập thuỷ điện Sông Tranh 2. Trong khi ở trạm đo ở Huế xác định được động đất ở Trà My là 3,5 – 4,2 độ Richter thì tại các xã của Bắc Trà My đã có các hiện tượng (nứt nhà, đổ đồ vật) tương đương động đất cấp 6 hoặc 7. Dễ thông cảm bởi vì năng lượng của sóng động đất giảm rất nhanh (theo hàm mũ) theo khoảng cách khi truyền đi xa trong môi trường đất đá.

Việc đặt các trạm đo động đất sẽ cho phép chúng ta biết được nhiều điều về động đất tại chỗ, dĩ nhiên nó không ngăn được động đất và cũng không ngăn được vỡ đập. Bí mật tồi tệ nhất trong việc đối phó động đất là: động đất càng lớn thì lại càng khó phát hiện, và máy móc chỉ ghi lại những gì đã xảy ra, chứ không thể dự đoán được.

Cần sớm xác định một cách chính xác và đầy đủ mọi đứt gãy kiến tạo có trong vùng đập thuỷ điện Sông Tranh 2 và kiểm tra kết cấu của thân đập để góp thêm kết luận về sự an toàn của nó. Vá víu như đang làm chắc chỉ che mắt được thiên hạ. Tích nước cho đập trong lúc này là rất nguy hiểm. Phương án an toàn nhất là làm một đập khác phía hạ lưu, sau khi đã khẳng định nơi đó không có các họng núi lửa cổ.

L.H.Y.

Nguồn: sgtt.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn