Thư ngỏ gửi Quốc hội

Nguyễn Đình Cống

Xin trân trọng kính chào toàn thể Đại biểu Quốc hội.

Nhân kỳ họp Quốc hội vào cuối năm 2015, tôi xin gửi đến quý vị vài ý kiến.

I- Đại biểu Quốc hội

Tôi nhận thấy các kỳ họp của Quốc hội ngày càng có tiến bộ về xu hướng dân chủ, làm cho lòng tin của người dân có phần tăng lên.

Ở ta, để chứng tỏ uy lực điều 4 của Hiến pháp, tại mọi cuộc họp, cuộc lễ của các cơ quan nhà nước đều dựng cờ búa liềm bên cạnh hoặc cao hơn cờ sao vàng. Điều đó thành thông lệ. Thế mà tại hội trường họp Quốc hội lại thấy vắng bóng cờ búa liềm, phải chăng Quốc hội muốn chứng tỏ sự độc lập tương đối của mình? Dẫu đó mới chỉ là hình thức, nhưng có được hình thức như thế cũng là một bước tiến về phía dân chủ.

Theo dõi các cuộc họp, tôi thấy Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng lo lắng việc có nhiều đại biểu vắng mặt khi thảo luận và biểu quyết, thấy các Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân và Huỳnh Ngọc Sơn phải kết thúc cuộc thảo luận sớm hơn dự định (đến 2 giờ) vì không còn ý kiến. Suy nghĩ tại sao có các hiện tượng như vậy, tôi đưa ra nhận định: chủ yếu tại chất lượng đại biểu.

Đại biểu Quốc hội cần có nhiều phẩm chất tốt đẹp mà quan trọng là TRÌNH ĐỘ (năng lực, trí tuệ) và TRÁCH NHIỆM. Trong số đại biểu hiện nay chỉ một phần có đủ cả hai phẩm chất ấy, còn lại thường bị thiếu một, thậm chí có một số thiếu cả hai. Tại sao họ vắng họp? Vì họ bận việc khác quan trọng, cấp thiết hơn, hoặc cũng có thể họ coi thường. Tại sao họ không có ý kiến? Vì họ không biết, không chịu suy nghĩ, không muốn suy nghĩ hoặc cho rằng họ đã thảo luận và biểu quyết những việc đó ở nơi khác rồi.

So với Quốc hội nhiều nước thì chất lượng Nghị viên của chúng ta tương đối thấp. Có phải vì dân tộc Việt Nam thiếu người có phẩm chất? Không! Mà chính là vì ba nguyên nhân sau: 1- Chế độ Đảng cử dân bầu, Mặt trận giới thiệu, dân chủ hình thức và giả hiệu, nhân dân đi bầu dưới áp lực, bầu cho qua chuyện, không chọn được người có phẩm chất cần thiết. 2- Không tách bạch quyền lập pháp và hành pháp. Trong Quốc hội tuy có một số đại biểu chuyên trách nhưng còn rất nhiều người giữ vị trí chủ chốt trong chính quyền (họ vừa đá bóng vừa thổi còi). 3- Quan điểm bầu đại biểu theo cơ cấu, xem nặng cơ cấu hơn phẩm chất.

Để cho Quốc hội thực sự giữ được vai trò “Cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất” thì cần có hai điều kiện tiên quyết. Một là Quốc hội phải gồm những người có phẩm chất cao, được chọn từ những công dân ưu tú. Hai là Quốc hội phải hoạt động độc lập với cơ quan hành pháp (Chính quyền) và với Đảng cầm quyền.

II- Bầu cử Quốc hội

Trong kỳ họp này có việc bầu ra Hội đồng bầu cử, chuẩn bị cho kỳ bầu Quốc hội khóa mới vào năm 2016. Tôi đề nghị, ngoài việc đó Quốc hội nên thảo luận việc ĐỔI MỚI bầu cử nhằm chọn được đại biểu có phẩm chất cao. Cụ thể là:

1- Bỏ việc Đảng cử dân bầu, Mặt trận giới thiệu theo cách trước đây. Mở rộng dân chủ và khuyến khích những người tài năng ứng cử, vận động tranh cử. Không hạn chế danh sách đề cử quá chặt mà để bầu chọn một vị trí nên có từ 2 đến 4 người tranh cử.

2- Hạn chế việc chọn người theo cơ cấu (nam nữ, trẻ già, dân tộc, tôn giáo, thành phần kinh tế…), đề cao phẩm chất của ứng viên và sự tín nhiệm của cử tri. Bầu theo cơ cấu nhằm tìm người đại diện cho một bộ phận dân cư nào đó, việc này là cần nhưng tìm người đại diện cho năng lực và trí tuệ quan trọng hơn.

3- Ra được quy định một người không đồng thời ở trong Quốc hội (và Hội đồng nhân dân) vừa là cán bộ chủ chốt của chính quyền. Nếu chưa làm được như vậy thì tuyên truyền, vận động cho cử tri thấy rõ sự quan trọng của Tam quyền phân lập để cán bộ chủ chốt chính quyền không nhận ứng cử, cử tri không nên bầu cho họ. Việc một người vừa lãnh đạo Đảng, cán bộ chính quyền, vừa trong Quốc hội (và Hội đồng Nhân dân, để vừa đá bóng vừa thổi còi) tạo nên một sự lãng phí lớn về trí tuệ và thời gian của xã hội, tạo ra sự thiếu nghiêm chỉnh trong một số cuộc họp Quốc hội.

4- Hạn chế việc cán bộ ở trung ương về ứng cử tại các địa phương. Đại biểu của địa phương nào phải thực sự đại diện cho địa phương đó. Nếu thực hiện điều 3 (một người không đồng thời giữ hai chức) thì không cần sự ứng cử này, lúc đó nên tìm ra một phương thức mới.

Quốc hội không cần thật đông người mà cần có trí tuệ và lòng dũng cảm.

III- Vai trò của Quốc hội

Theo tiến trình dân chủ hóa thì điều 4 của Hiến pháp cần và sẽ được loại bỏ. Trong lúc nó còn hiệu lực thì phải làm rõ hai khái niệm, phải phân định giữa hai chức trách: Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Có ý kiến cho rằng Quốc hội chỉ làm theo những điều đã được thảo luận ở Bộ Chính trị. Tôi cho chuyện đó chỉ đúng một phần vì thấy Quốc hội cũng có một số ý kiến và việc làm độc lập. Việc không dựng cờ búa liềm trong phòng họp chỉ là hình thức nhưng cũng có ngụ ý là không muốn khuất phục hoàn toàn. Để thực sự trở thành cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, Quốc hội cần đặt mình ngang hàng hoặc cao hơn so với Trung ương Đảng. Trong lúc chưa có đảng đối lập đủ mạnh thì Quốc hội nên hoạt động như là một lực lượng độc lập, chứ không hoàn toàn ngoan ngoãn phục tùng Trung ương Đảng, thậm chí nếu cần Quốc hội thảo luận và bác bỏ nghị quyết của Trung ương Đảng, nếu xét thấy nghị quyết đó không phù hợp (ví như ở một số nước Quốc hội có quyền bác bỏ quyết định của Tổng thống). Thí dụ hiện nay, Đảng chuẩn bị Đại hội 12, trong đó có dự kiến các cá nhân sẽ giữ 4 chức vụ chủ chốt. Chức vụ Tổng bí thư là của Đảng thì để Đại hội bầu chứ không phải do Trung ương cũ lựa chọn, nói là Đại hội bầu nhưng thực chất chỉ là thông qua một sự áp đặt từ trước, còn các chức vụ Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng thì đó là việc của Quốc hội, nếu Đảng có ý kiến thì cũng phải là Trung ương mới được Đại hội 12 bầu ra đề nghị chứ không phải Trung ương cũ đã hết nhiệm kỳ quyết định. Lần họp này Quốc hội nên tỏ thái độ về chuyện này, đừng để Trung ương Đảng cũ hết nhiệm kỳ quyết định những vị trí do Quốc hội mới lựa chọn. Nếu Quốc hội chấp nhận như cách làm trước đây thì khó tránh khỏi mang tiếng “bù nhìn”. Cách làm của Trung ương Đảng là rất mất dân chủ. Quốc hội không chấp nhận việc đó mới tăng được uy tín và niềm tin đối với nhân dân.

IV- Tổ chức đối thoại

Hiện tại có những nhận định trái ngược nhau về tình hình và đường lối, như là: thực chất của các tệ nạn và nguyên nhân của chúng, có nên kiên trì hay từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường xã hội chủ nghĩa, việc hòa hợp dân tộc cần làm như thế nào, việc thực thi nhân quyền theo Hiến pháp, việc xử lý oan sai đối với dân, thái độ đối với sự ngang ngược của Trung Quốc, v.v. Thông tin đại chúng được chia ra “lề Đảng” và “lề dân”. Chưa bao giờ mà sự mâu thuẫn về ý kiến và quan điểm, sự chia rẽ về tư tưởng phát triển mạnh như hiện nay. Trong Đảng thì nhận định là xu hướng “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, trên mạng Internet thì rất nhiều trang Blog, Facebook đủ kích cỡ và tường lửa dựng lên khắp nơi, gần đây lại xuất hiện lực lượng mang danh là “phản ứng nhanh”, nhưng được xã hội gọi là “lưu manh đỏ”, nhằm khủng bố, dằn mặt những người có ý kiến khác. Tình hình đó đòi hỏi phải công khai, minh bạch trao đổi để nếu không thống nhất được thì cũng làm cho đại đa số nhân dân biết lý lẽ của mỗi bên. Tôi đề nghị nên tổ chức các cuộc đối thoại hoặc tranh luận công khai, truyền hình trực tiếp, giữa một bên là đại diện cho phía “lề Đảng”, một bên đại diện phía “lề dân”. Tốt nhất là Đảng đứng ra tổ chức các cuộc đối thoại như vậy khi Đảng còn tự tin vào chính nghĩa và bản lĩnh. Trong bài góp ý kiến cho Dự thảo báo cáo của Đại hội 12 tôi đã viết đề nghị này. Khi Đảng không tổ chức hoặc chỉ đạo tổ chức các cuộc như vậy thì Quốc hội nên tổ chức. Quốc hội đại diện cho dân, thành phần ưu tú của dân đang rất cần những đối thoại công khai như thế, phần đông nhân dân đang muốn nghe, muốn biết những trao đổi như thế, Quốc hội làm được sẽ giúp dân tộc thấy rõ sáng tối ở chỗ nào, nâng cao uy tín lên nhiều.

V- Mở cửa hội trường

Đồng thời với các đối thoại như trên Quốc hội nên mở cửa hội trường cho người dân tham gia vào hai hoạt động sau:

1-Dành một số chỗ trong hội trường cho người dân đến tham dự trong những buổi thảo luận hoặc chất vấn công khai.

2-Tổ chức cho một số người dân đến phát biểu, diễn thuyết trước Quốc hội. Mỗi kỳ họp nên dành một, hai buổi chính thức cho việc này, ngoài ra có thể thêm một số buổi không chính thức, vào ban đêm hoặc ngày nghỉ, như là các buổi hoạt động ngoại khóa.

Quốc hội thông báo công khai các việc trên, người dân ai muốn đến dự hoặc có ý kiến phát biểu, có chuyên đề diễn thuyết thì đăng ký trước với văn phòng để sắp xếp, chỉ cần đăng ký thời gian cần để trình bày mà không cần đăng ký trưóc nội dung. Trong kỳ họp này, nếu Quốc hội thu xếp được tôi xin đăng ký đến diễn thuyết trước các Đại biểu Quốc hội một số vấn đề (trong vòng từ 15 đến 25 phút) mà nhiều trí thức đang rất quan tâm và chắc rằng nhiều Đại biểu cũng quan tâm, vì nó liên quan đến vận mệnh dân tộc. Những vấn đề như vậy nên được trình bày công khai trên diễn đàn Quốc hội.

Lời cuối thư

Thư này tôi gửi theo đường Email đến Quốc hội theo địa chỉ: webmaster@qh.gov.vn Rất mong nhận được thông tin phản hồi và mong được Quốc hội cho đăng công khai lên tờ báo Người Đại biểu Nhân dân (cơ quan của Quốc hội). Tôi cũng gửi đến hai địa chỉ sau: bandoc.dcsvn@gmail.com, thongtinchinhphu@chinhphu.vn, ngoài ra cũng gửi đăng trên một vài trang Web theo hình thức Thư ngỏ.

Xin chân thành cầu mong các Đại biểu sức khỏe, sáng suốt, trách nhiệm. Kính chúc kỳ họp Quốc hội thành công tốt đẹp.

N. Đ. C.

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn