Đã xảy ra vỡ hồ chứa chất thải khoáng sản

Thảo Nguyễn

clip_image002

Khai khoáng là vấn đề đang được dư luận quan tâm. (ảnh minh hoạ)

 

SGTT.VN - "Ngay tại Thái Nguyên cũng đã xảy ra sự cố sụt lún tại một số khu vực khai thác khoáng sản, hay một số nơi đã xảy ra tình trạng vỡ hồ đập chứa chất thải khai thác khoáng sản”, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cảnh báo tại phiên thảo luận về dự thảo Luật khoáng sản (sửa đổi) phiên họp chiều 27.10.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng trong khi các doanh nghiệp thu lợi lớn, người dân địa phương có khoáng sản khai thác lại phải gánh chịu nhiều thiệt thòi, do mất đất, mất việc làm, môi trường bị xâm hại, hạ tầng bị xuống cấp… Đại biểu Lưu Thị Chi Lan đề nghị, quy định về bảo vệ môi trường, bảo vệ quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác nên tách thành chương riêng, để đảm bảo lợi ích nhà nhà nước – doanh nghiệp – người dân được hài hòa nhất. Bởi các quy định liên quan đến nội dung này trong dự thảo luật còn sơ sài, chưa quy định về trách nhiệm của các bên liên quan như cơ quan quản lý, doanh nghiệp, về mức đền bù, ký quỹ phục hồi, cải tạo môi trường, trong khi khai thác khoáng sản luôn đi liền với những tác nhân gây ô nhiễm môi trường, để lại hậu quả lâu dài.

“Không chỉ thiệt thòi do mất đất, mất việc, bị ảnh hưởng trực tiếp do nguồn nước, môi trường ô nhiễm…, cả người dân dân và chính quyền nơi có khoáng sản còn chịu nhiều áp lực về quản lý xã hội, dân sinh do một lượng lao động lớn đổ dồn về đây. Do vậy, dự án luật phải quan tâm đến vấn đề này, điều chỉnh bằng các quy định cụ thể”, đại biểu Lan đề nghị.

Đây cũng là mối quan tâm của nhiều đại biểu khác như đại biểu Tống Văn Thóng (Lai Châu), đại biểu Nguyễn Văn Thuyết (Yên Bái), đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên)… Đại biểu Thuyết cho rằng, cần có quy định rõ tỷ lệ nhà nước, địa phương được hưởng trong tổng số nguồn lợi doanh nghiệp thu được. Mặt khác, dự thảo luật quy định, trong quá trình khai thác, trường hợp gây ảnh hưởng đến cơ sở vật chất, kỹ thuật, hạ tầng, doanh nghiệp phải bồi thường, song chưa đặt vấn đề bồi thường nếu gây ảnh hưởng đến sản xuất.

Ông Thuyết nói: “Tôi cho rằng, doanh nghiệp phải bồi thường cho những tác động thiếu tích cực đến sản xuất mà người chịu ảnh hưởng trực tiếp là nông dân. Nguồn nước, đất đai, môi trường bị tác động, sản xuất nông nghiệp chắc chắn bị ảnh hưởng”.

Đặt kỳ vọng dự thảo Luật Khoáng sản sẽ góp phần chấn chỉnh nạn khai thác bừa bãi, thất thoát tài nguyên và ô nhiễm môi trường rất bức xúc thời gian qua, song đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) cho rằng: “Chúng ta phải xác lập được vai trò quản lý, sở hữu nhà nước về khoáng sản. Theo đó, quyền và trách nhiệm điều tra, thăm dò phải là của nhà nước. Khi biết chính xác chúng ta có gì rồi thì phải lập kế hoạch khai thác, có chiến lược cụ thể, có biện pháp quản lý phù hợp, để không còn xảy ra nạn khoáng sản tặc, vàng tặc, cát tặc... như vừa qua”.

Cũng theo ông Xuân, để xảy ra tình trạng khai thác bừa bãi, thất thoát khoáng sản, tài nguyên – thuộc tài sản quốc gia – là do quản lý của các địa phương còn lỏng lẻo. Ông đưa ra dẫn chứng về tình trạng quản lý lỏng lẻo, vô trách nhiệm là có trường hợp 2 tỉnh chung một dòng sông, lực lượng chức năng bên này truy đuổi, đối tượng vi phạm chạy sang bên kia sông là thoát. Đại biểu góp ý, khoáng sản là tài sản quốc gia thì chúng ta có thể chủ động bán, đấu thầu quyền hai thác. Cần qui định đã thăm dò thì không cho khai thác. Nếu để người thăm dò được ưu tiên khai thác thì sẽ mất tài nguyên, bởi người thăm dò sẽ công bố sai số liệu để hưởng lợi. “Rất vô lý là có những tài nguyên khoáng sản đang cạn kiệt nhưng chúng ta vẫn cho xuất khẩu như than chẳng hạn”, ông Xuân nói.

Vấn đề nhiều đại biểu còn băn khoăn khác, đó là tình trạng vừa chồng chéo lại vừa lỏng lẻo trong trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan trong cấp phép, quản lý khoáng sản. Chẳng hạn, thẩm định, phê duyệt là bộ TN&MT, nhưng cơ quan cấp phép lại là bộ Công thương. Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) lo lắng khi chi phí bảo vệ, cải tạo môi trường quy định thiếu rõ ràng; chưa có quy định về trách nhiệm xử lý khi xảy ra sự cố. “Chúng ta vừa có bài học rất lớn từ các nước, đó là sập hầm mỏ ở Chile và tràn bùn đỏ ở Hunggary. Nếu không quy định rõ ràng ngay từ đầu, khi xảy ra, sẽ rất lúng lúng, bị động. Hiện nay, ngay tại Thái Nguyên cũng đã xảy ra sự cố sụt lún tại một số khu vực khai thác khoáng sản, hay một số nơi xảy ra tình trạng vỡ hồ đập chứa chất thải khai thác khoáng sản”, đại biểu Hùng cảnh báo.

T. N.

Nguồn: SGTT

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn