Xin hãy tự xét mình trước...

Mai Thục Hạnh

image Sáng thứ bảy ngày 12 tháng 11 năm 2001, xem truyền hình nhà nước, được nghe một vị khả kính điềm đạm, mái tóc bạc trắng, mang cặp kính lão, nói và phân tích về tình hình kinh tế nước Mỹ hiện thời. Nghe hết chương trình, tôi có cảm giác mình như người đang đi trong đêm đông, trên tay cầm một cây đèn Hoa Kỳ (thắp bằng dầu hỏa), gió bấc thổi ào ào khiến ngọn đèn lung lay xiêu vẹo đến muốn đứt chân lửa.

Nhiều vấn đề được nêu ra và được lý giải. Vì chúng ta đang sống trong thời đại IT, mọi việc đều rất kỵ cái sự rề rà ỡm ờ, nên chỉ xin đơn cử một điều liên quan đến kiến giải của vị khả kính khiến lòng tin của tôi về bản thân cũng đang bị lâm vào tình trạng chẳng khác gì ngọn lửa đèn kia.

Để lý giải về tình trạng kinh tế Mỹ đang trong tình trạng khó khăn với tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức cao kỷ lục, vị khả kính đã quy về hai nguyên nhân: 1) Các nhà sản xuất Mỹ tăng vốn đầu tư ra nước ngoài để sử dụng nguồn nhân công giá rẻ; 2) Đầu tư công nghệ robot đã làm giảm nhu cầu về nhân công. Hai việc này đều dẫn đến lợi nhuận của nhà sản xuất tăng lên.

Nhưng vấn đề chưa được vị khả kính đó đề cập đến là: Thuế của nhà sản xuất phải đóng góp với đất nước của họ sẽ tăng tương ứng với mức lãi mà họ thu được. Thực tế, người Mỹ đã sử dụng một phần ngân sách từ thu thuế của họ vào các chương trình an sinh xã hội nột cách thiết thực và có hiệu quả. Chương trình an sinh này hướng về ai, nếu không phải là đại bình dân? Áp dụng công nghệ cao thì độ chính xác chế tạo, tuổi thọ và mỹ thuật của sản phẩm được nâng cao, giá thành giảm; với những cái đó, ai là đối tượng thụ hưởng nếu không phải là người tiêu dùng trong và ngoài nước Mỹ ?

Nêu ra và phân tích cái dở của người khác không phải là việc làm để mà làm, để lấp kín thời lượng phát sóng của đài truyền hình, để lấp liếm cái yếu kém của mình; cũng không phải theo cái thói thường chỉ thích vạch ra những điểm chưa hay của người khác mà để làm bài học cho ta, để tránh cho ta dẫm phải những vết sai lầm đã có sẵn. Vì thế, thiếu sót của vị khả kính ở đây là chưa đưa ra tỷ lệ thất nghiệp ở các nước được đầu tư trong đó có Việt Nam, chưa đưa ra được con số việc làm mà các nhà đầu tư Mỹ tạo ra cho những đất nước ấy. Liệu có lý không, nếu nói, ở đây, trên một góc nhìn nào đó, người Mỹ đã chia sẻ việc làm cho các nước đang phát triển? Người Mỹ đã tạo điều kiện cho những nước này tiếp cận và làm quen với kỹ nghệ cao cùng khoa học quản lý trong thời thị trường và thế giới đang phẳng dần. Còn việc trả lương thấp cho công nhân ở các nước mà họ đến đầu tư, họ có làm được không khi chính phủ các nước đó, vì quyền lợi của đồng bào mình, quyết không chấp nhận? Không phải là không có chuyện chỉ vì lợi ích riêng tư của một số nhóm lợi ích, có quốc gia đã để cho người nước khác vào lãnh thổ của mình để làm những công việc phổ thông (không cần đào tạo) trong khi người dân của họ vẫn thiếu việc làm. Phải chăng là ông quên?

Không. Tuyệt đối không! Tôi không tin rằng vị khả kính kia đã quên. Nếu không quên, tại sao không đưa ra? Hay vị khả kính đó có bản năng tự động (automatic) định hướng? Đứng về khoa học quản lý sản xuất, quản lý công nghệ, xin nói thẳng, các nước đang phát triển hiện thời vẫn là học trò của nước Mỹ. Học trò nhập môn liệu đã đủ tri thức để phê phán thầy chưa? Nếu đủ tri thức rồi, trước khi phê phán người, làm ơn, xin hãy lo hiến kế với chính phủ để làm sao Việt Nam ta có thể đủ trí lực, vật lực, mang vốn đi đầu tư ra nước ngoài và áp dụng những công nghệ cao trong nền sản xuất nước nhà, mang lại cho người dân mức sống như hiện thời người ta đang có.

Không có gì hoàn hảo. Không có cuộc cách mạng kinh tế - kỹ thuật nào không phải trả giá. Câu chuyện về sự ra đời của chiếc máy khâu và cảnh thất nghiệp của công nhân ngành may mặc nước Anh cách đây hơn một thế kỷ chắc hẳn mọi người vẫn còn nhớ. Điều quan trọng là cố gắng chọn cái giá phải trả thấp nhất để có cái được theo hướng tiến bộ và bền vững nhất.

Việc phân tích, phê phán một cách phiến diện, thiếu khách quan như vậy có đem lại cái lợi gì cho Việt Nam không, trong khi chủ trương của Quốc hội là mở rộng hợp tác và quan hệ bạn bè quốc tế. Chớ dùng sai lầm này để khỏa lấp một sai trái kia. Đừng làm vẩn đục một cách thiếu khôn ngoan bầu không khí thông tin, ngoại giao và quan hệ bè bạn quốc tế. Muốn lập ngôn, trước tiên, phải: 1) Nghiêm khắc tự xét mình; 2) Nỗ lực tự tu dưỡng và sau đó 3) Lập công cho cộng đồng.

Lời khuyên của các cụ xưa Hãy tự xét mình trước đến bao giờ thì lạc hậu?

13/11/2011

M.T.H.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn