Chuyện chưa biết nhiều về dự án bauxite Tây Nguyên

Bài 5: Tổ hợp Alumin Nhân Cơ và những kỳ vọng của Đắc Nông

Lê Trung Thành

clip_image002

Đại tá Bùi Quang Tiến được cử làm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Alumin Nhân Cơ. Ảnh tư liệu.

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trữ lượng bauxite của cả nước là 5,4 tỷ tấn, riêng địa bàn tỉnh Đắc Nông, trữ lượng chiếm gần 67% và có thể khai thác tới 1,5 tỷ tấn. Bauxite trải khắp các vùng Tuy Đức, Đak Song, Đak Rung, Đak Ton, Đak Tik, Bu Bông, Quảng Tân, Đạo Nghĩa, Gia Nghĩa, Quang Sơn, mỏ 1-5 , Nhân Cơ nên Đắc Nông xứng đáng được chọn làm “thủ phủ của công nghiệp nhôm” tương lai và tổ hợp Alumin Nhân Cơ là ‘trận địa” mở màn cho một chuỗi các nhà máy có công suất lớn hơn sẽ xây dựng trong các năm tiếp theo như kế hoạch đã ghi trong Quyết định phê duyệt Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến sử dụng quặng bauxite giai đoạn 2007 – 2015 có xét đến năm 2025 của Thủ tướng chính phủ.

Để chuẩn bị triển khai dự án Nhân Cơ (tức Đắc Nông 1) Thủ tướng đã đồng ý cho TKV nâng công suất của Nhân Cơ từ 100.000 tấn/năm lên 300.000 tấn/năm (tại văn bản số 929/TTg - CN ngày 16 - 6 - 2006) và tới ngày 02 - 05 - 2008 lại cho phép tăng công suất lên 600.000 tấn/năm (tại thông báo số 2728/VPCP - HTQT). Trên cơ sở đó, từ vai trò chủ đầu tư, TKV đã đề nghị chính phủ cho phép góp vốn để thành lập Công ty cổ phần Alumin Nhân Cơ ngày 14 - 03 - 2007 với số vốn điều lệ là 600 tỷ đồng. Công ty có 10 cổ đông sáng lập do TKV nắm giữ 83,33% vốn, Tổng công ty than Đông Bắc (Bộ Quốc phòng) chiếm 1,66% vốn, 8 cổ đông khác như Công ty CP xuất nhập khẩu TKV (0,5%), Công ty TNHH một thành viên Mỏ Việt Bắc (0,33%), Công ty than Núi Béo, Khe Chàm (0,33%), Hà Tu (0,25%),Than Hòn Gai (0,16%)… Ông Bùi Quang Tiến, đại tá, nguyên Giám đốc Xí nghiệp khoáng sản Tây Nguyên của Tổng công ty than Đông Bắc được cử giữ chức Tổng Giám đốc. Theo nghị quyết của HĐQT, các thành viên góp 30% vốn đầu tư, còn lại 70% vay thương mại trong, ngoài nước.

Trong quá trình tìm nguồn vốn cho dự án, TKV đã thỏa thuận với Tập đoàn ALCOA (Hoa Kỳ) hợp tác triển khai dự án Nhân Cơ. Phía ALCOA và một tập đoàn của Australia đồng ý góp khoảng 40% vốn, sau đó sẽ bàn bạc góp vốn vào các dự án Đắc Nông 2, Đắc Nông 3. Ngày 2 - 5 - 2008, chính phủ đã có văn bản “cho phép TKV thành lập công ty cổ phần với sự tham gia của công ty Alumin nước ngoài với mức cổ phần không quá 40%. TKV giữ 51%, bán cổ phần ra công chúng 9%. Hàng năm, công ty cổ phần này nộp ngân sách nhà nước 10% lợi nhuận sau thuế của công ty”

Tuy nhiên, do xuất hiện nhiều ý kiến không ủng hộ Chính phủ trong việc triển khai các dự án bauxite Tây Nguyên nên sau chuyến đi thị sát trực tiếp tới Nhân Cơ, Tân Rai, ông Trương Tấn Sang – Thường trực Ban Bí thư đã thay mặt Bộ Chính trị ký thông báo số 245 – TB/TW ngày 24 - 4 - 2009 về kết luận của Bộ Chính trị liên quan đến việc triển khai các dự án Nhân Cơ, Tân Rai. Trong thông báo có câu “chưa chủ trương bán cổ phần cho tổ chức và cá nhân nước ngoài” nên ALCOA ở dự án Nhân Cơ và Tập đoàn luyện kim Vân Nam (Trung Quốc) tại dự án Tân Rai “phải ngừng cuộc chơi” với TKV.

Khác với Tân Rai còn có 500 tỷ của Bộ Công thương lấy từ nguồn tiền cổ phần hóa các doanh nghịêp rót vào “làm mồi” cho dự án, Công ty CP Alumin Nhân Cơ hoàn toàn dựa vào nội lực “của các thành viên và trông chờ vào việc phát hành trái phiếu hoặc đi vay nước ngoài không có bảo lãnh của Chính phủ hoặc Bộ Tài chính”. Có thể vì lý do đó nên ngày 17 -9 - 2008, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 258 thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý về mặt nguyên tắc cho phép TKV “được áp dụng kết quả đấu thầu Dự án Tân Rai cho Dự án Nhân Cơ”. Có nghĩa là, công ty TNHH quốc tế nhôm Trung Quốc (Chalieco) mặc nhiên được mời ký hợp đồng làm Tổng thầu EPC xây dựng nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ. Còn nhà máy tuyển quặng bauxite xây dựng ở xã Nghĩa Thắng đến tháng 6 năm 2011 mới chọn được nhà thầu trong nước là Liên danh Công ty Xây dựng công nghịêp, Viện Nghiên cứu Cơ khí (Bộ Công thương), Viện Thiết kế Chế tạo máy và công ty cổ phần Chế tạo thiết bị (TKV).

Theo thiết kế được duyệt, Tổ hợp Alumin Nhân Cơ sử dụng tới 883 ha đất của hai xã Nhân Cơ và Nghĩa Thắng thuộc huyện Đăk R’Lâp, trong đó 93,77% là đất đang trồng cây: cà phê (678,8ha), điều (90,9ha), tiêu (45ha) và cao su (13,3ha). Như vậy, có tới 529 hộ dân mất đất sản xuất, 220 hộ phải di dời nhà cửa tới tái định cư ở khu thác Diệu Thanh, rừng Sao và Kiến Thành. Phải di dời khỏi nơi đang sinh sống ổn định lâu dài, cuộc sống của bà con nông dân có nhiều người là dân tộc M’Nông, Hoa, Tày… gặp nhiều khó khăn.

clip_image004

Những vườn cà phê xanh tốt phải phá bỏ. Ảnh tư liệu.

Cũng tương tự như dự án Tân Rai, tổ hợp Alumin Nhân Cơ có nhà máy tuyển quặng mỗi năm khai thác gần bốn triệu tấn bauxite nguyên khai có độ ẩm 21% để sản xuất 1,65 triệu tấn quặng tinh bauxite khô và nhà máy Alumin công suất 650.000 tấn/năm. Trong khu vực nhà máy Alumin mặc dù sẽ có điện lưới quốc gia điện áp 22KV vẫn xây dựng một nhà máy nhiệt điện công suất 30MW mỗi năm tiêu thụ 325.000 tấn than cám, sản xuất ra 243 x 106 ­KWh điện và nhà máy khí hóa than để cung cấp điện và nhiệt cho dây chuyền công nghệ sản xuất Alumin. Công tác xây dựng cơ bản, mua sắm và lắp đặt thiết bị khoảng 3 năm và đời dự án 30 năm. Tổng vốn đầu tư gần 684 triệu USD, riêng nhà máy Alumin giao cho Chalieco làm tổng thầu có giá trị tương đương với nhà máy Tân Rai.

Ngày 28 - 2 - 2010, lễ khởi công được tổ chức rầm rộ và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát lệnh khởi công. Đã gần hai năm trôi qua, phần nền móng của các khu vực chính sắp xong với khoảng 4.000 cọc bê tông đường kính 800, 600 và 400 mm được đóng xuống lòng đất. Mặc dù, cả chủ đầu tư lẫn nhà thầu có nhiều cố gắng nhưng theo dự báo, thời gian hoàn thành nhà máy vào tháng 10/2012 như đã ký trong hợp đồng EPC khó thực hiện được, giống như nhà máy Tân Rai đến nay đã trễ hạn gần một năm!

clip_image006

San lấp mặt bằng nhà máy. Ảnh tư liệu.

Nhu cầu sử dụng nước của tổ hợp khoảng 31,4 triệu m3/năm, trong đó nước tuần hoàn tái sử dụng là 16,9 triệu m3 và nước bổ sung hàng năm 14,5 triệu m3. Nhà máy tuyển quặng cần tới 26 triệu m3 nước trong đó 15 triệu m3 là lượng nước tuần hoàn và 11 triệu m3 bổ sung hàng năm lấy từ hồ Câu Tư sau khi nâng cấp đỉnh đập lên mức 597m có thể trữ được 11 - 12 triệu m3 , vừa phục vụ nhà máy, vừa phục vụ sản xuất nông nghịêp. Tại khu vực nhà máy Alumin, nhà máy điện và khí hóa than, mỗi năm tiêu thụ gần 6 triệu m3 nước được lấy từ suối Đăk R’Tih và từ trạm xử lý nước thải (nước thu hồi tuần hoàn). Tại khu vực hồ bùn đỏ rộng 180ha sẽ xây dựng một bể thu nước có thể tích 5.000m3. Theo tính toán, khối lượng hỗn hợp bùn đỏ (chất thải rắn) thải ra 1.376.910 tấn/năm tương đương 945.568m3. Để đảm bảo an toàn, người ta sẽ xây sáu ngăn (hồ chứa), mỗi ngăn có diện tích 30ha. Xung quanh hồ có đường đi rộng 4m, có hệ thống thu và thoát nước kích thước 2x3m, có vành đai cây xanh…

Với công suất 650.000 tấn Alumin, mỗi năm tổ hợp Nhân Cơ tiêu thụ gần 200 triệu KWh điện: Nhà máy tuyển quặng tiêu thụ hơn 36 triệu KWh và nhà máy Alumin tiêu thụ gần 163 triệu KWh (ngoài ra còn tiêu thụ 1.458.540 tấn hơi/năm). Nhà máy điện và nhà máy khí hóa than cần tới 487.000 tấn than (than cám 4B HG cho nhà máy điện và than cục 4B HG cho khí hóa than theo tiêu chuẩn Việt Nam) cộng với 2.000 tấn dầu FO và 70 tấn dầu DO. Nhà máy Alumin mỗi năm còn cần tới 52.000 tấn kiềm 100% (NaOH), gần 50.000 tấn vôi và 10.000 tấn đá vôi, 65 tấn axit sunfuric (98%).

Than cám, than cục theo đường biển từ Quảng Ninh chở về cảng Sài Gòn rồi chở bằng xe tải lên nhà máy. Xút ở dạng rắn được chở tới kho chứa có dung lượng 7 ngày. Nước tuần hoàn sẽ được dùng để hòa tan xút rắn sau đó dung dịch được bơm vào bể chứa xút loãng gồm 4 thùng có đường kính 10m, cao 20m, đủ cung cấp trong 25 ngày.

Với dây chuyền công nghệ tiên tiến, các chủ đầu tư tổ hợp Alumin Nhân Cơ hy vọng bột alumin của họ sẽ có ít tạp chất nhất và thành phần Al2O3 ≥98,6%, đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ sức cạnh tranh trên thị trường alumin thế giới.

Các nhà đầu tư cũng tin rằng giá thành sản xuất 1 tấn alumin có chi phí rất thấp (khoảng 254 USD/tấn) và trong bối cảnh thị trường alumin thế giới khan hiếm họ sẽ bán ra với giá cao bình quân 372 USD/tấn, doanh thu hàng năm của tổ hợp xấp xỉ 4.000 tỷ đồng, tỷ suất hoàn vốn nội bộ IRR là 10,45% dẫn tới thời gian thu hồi vốn theo tính toán chỉ mất gần 9 năm!

Những con số làm nức lòng người!

Lãi lớn, nên Nhà máy dự kiến nộp thuế xuất khẩu gần 200 tỷ và coi đó là khoản nộp ngân sách trung ương. Đối với tỉnh Đắc Nông, tổ hợp sẽ nộp tổng cộng 405 tỷ vào ngân sách địa phương bao gồm: thuế thu nhập doanh nghiệp 287 tỷ, phí môi trường 110 tỷ, thuế tài nguyên 6,2 tỷ và thuế đất, gần 1,9 tỷ.

Một tỉnh nghèo, thuần nông và đang tìm đường phát triển cho bằng anh, bằng chị… thì những dự kiến lấp lóe ánh hào quang của dự án Alumin Nhân Cơ làm tăng niềm hy vọng cho lãnh đạo tỉnh Đắc Nông. Trong bữa ăn, giấc ngủ, nhiều người mơ màng tới tương lai không xa nữa, dự án Đắc Nông 1 đi vào hoạt động sẽ kích thích Đắc Nông 2,3,4... lần lượt ra đời. Thị xã Gia Nghĩa (cách khu Nhân Cơ chừng 20km theo Quốc lộ 14) sẽ trở thành trung tâm kinh tế lớn của Tây Nguyên nhờ ngành công nghiệp nhôm phát đạt. Hơn thế nữa, Gia Nghĩa còn là đầu mối đường sắt Tây Nguyên. Từ nơi này, mỗi ngày sẽ có vài chục đoàn tàu xuôi ngược… Viễn cảnh huy hoàng đón đợi Đắc Nông – một tỉnh miền sơn cước đất rộng, người thưa nhưng chỉ cần đổi 2% diện tích đất sang làm công nghiệp khai thác bauxite là có sự đổi đời về mọi mặt!

clip_image008

Đắc Nông náo nức trước con đường mới xây chạy vào thị xã Gia Nghĩa. Ảnh: LTT

Cứ suy từ dự án Nhân Cơ là thấy ngay: khi bước vào hoạt động, tổ hợp sẽ sử dụng 1029 người bao gồm: Nhà máy tuyển quặng 238 người, nhà máy Alumin và văn phòng là 791 người. Trong số này, có tới 230 người tốt nghiệp đại học: kỹ sư hóa 60 người, kỹ sư luyện kim 30 người, kỹ sư cơ khí 30 người, kỹ sư thiết bị nhiệt – năng lượng 20 người, kỹ sư điều khiển và tự động hóa 20 người, kỹ sư điện 20 người… và cần tới 500 người tốt nghiệp cao đẳng và trung cấp làm việc ở lò hơi, phân tích hóa chất, điện công nghiệp, sản xuất chất vô cơ, vận hành quạt bơm khí nén… Những loại kỹ sư ấy, Đắc Nông không thể cung cấp cho tổ hợp Nhân Cơ nhưng khi họ được tuyển dụng từ mọi vùng trong nước về đây, sẽ bổ sung hàm lượng chất xám cho địa phương. Như thế, chỉ năm, bảy năm nữa, tỉnh Đắc Nông sẽ là nơi tụ họp của nhân tài. Hàng nghìn trí thức trẻ, làm ăn định cư lâu dài, lấy vợ lấy chồng sinh con đẻ cái, gây dựng mái ấm trên đất Tây Nguyên. Chính vì vậy, lãnh đạo tỉnh Đắc Nông đã có chủ trương quy hoạch lại thị xã Gia Nghĩa thành một đô thị mới, đáp ứng yêu cầu của ngành công nghiệp bauxite đồng thời xây dựng đô thị Gia Nghĩa thành một thành phố xanh, sạch, đẹp, có dịch vụ du lịch đầy đủ tiện nghi, hấp dẫn, có hàm lượng tri thức cao. Để thực hiện ước mơ này, Đắc Nông mời Công ty tư vấn Jina Architects Co.Ltd của Hàn Quốc tiến hành xây dựng đồ án quy hoạch đô thị Gia Nghĩa tới năm 2030, tầm nhìn 2050. Theo phác thảo lần thứ 3, thị xã Gia Nghĩa sẽ mở rộng, sáp nhập các xã Đak Wer, Nhân Cơ, Nhân Đạo của huyện Đak R’Lấp để hình thành nên khu đô thị Tây Nam, xã Trường Xuân của huyện Đak Song thành khu đô thị Tây Bắc... là các đô thị vệ tinh của thành phố Gia Nghĩa có 188.000 dân vào năm 2030 và 240.000 vào năm 2050.

***

Thật tiếc cho sự kỳ vọng chính đáng vào các dự án bauxite của Đắc Nông vì những chỉ tiêu kinh tế ghi rất rõ ràng trong các báo cáo của TKV chỉ là… “dự báo” theo chiều hướng mọi điều đều thuận lợi, đều tốt đẹp… như mơ, thì may ra, sẽ thành sự thật.

Sau mấy năm triển khai dự án Nhân Cơ, vấn đề vốn vay bế tắc mọi ngả. TKV được bật đèn xanh cho bán trái phiếu nhưng không thành công, đi tìm nhà đầu tư nước ngoài thì “trái lệnh cấp trên” nên họ chỉ còn cách kêu ca, than vãn rằng: “Nếu Chính phủ bảo lãnh, các tổ chức tín dụng sẽ yên tâm cho vay và mức lãi suất hợp lý”. Phúc thay cho TKV, Bộ Tài chính vừa chấp thuận bảo lãnh cho TKV khi Chính phủ ban hành quyết định số 44/TTg (có hiệu lực thi hành từ 10 - 10 - 2011) về danh mục các dự án được Chính phủ xem xét bảo lãnh, có các dự án đầu tư khai thác alumin và nhôm.

Tạm yên lòng có khoản “nợ công” chống lưng, TKV “được đằng chân lân đằng đầu” đề nghị Bộ Công thương xem xét giảm thuế xuất khẩu alumin với lý do, dự án Nhân Cơ, Tân Rai phải bỏ tiền ra sửa đường hỏng, làm đường mới và các chi phí vận tải tăng cao ảnh hưởng lớn đến giá thành sản xuất thậm chí sẽ bị lỗ!

Tuy là những lời đề nghị “khiếm nhã” nhưng đó lại là những lời chân thật nhất, dũng cảm nhất của TKV trước Chính phủ, Bộ Công thương và dư luận xã hội. Trước kia để thực hiện ý đồ của mình, họ đã tung ra các số liệu giả định đầy ảo vọng mơ hồ, không tính đúng, tỉnh đủ các chi phí nên khi triển khai cụ thể mới “vỡ lẽ” mọi điều. TKV xin giảm thuế, miễn thuế xuất khẩu thì sẽ còn đâu khoản nộp ngân sách trung ương gần 200 tỷ? Làm ăn không có lãi thì lấy đâu tiền nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho Đắc Nông? Và như vậy, sự hy sinh của nhân dân các xã Nhân Cơ, Nghĩa Thắng, Nhân Đạo không những chỉ giao đất, giao nhà cho TKV đi nơi khác sinh sống, mà còn tiếp tục hứng chịu hàng ngàn tấn bụi than, bụi đá… lơ lửng trong không khí quanh năm suốt tháng cùng với sự ô nhiễm nguồn nước… để đổi lấy cái gì?

Có lẽ sự kỳ vọng, chờ trông vào các dự án bauxite bắt đầu suy giảm nên khi nghe tin các đoàn xe chở alumin sẽ đi lên thị xã Gia Nghĩa vào Quảng Khê, UBND tỉnh Đắc Nông đã gửi văn bản kiến nghị tới Thủ tướng, cho rằng các đoàn xe tải nặng sẽ phá nát 13 km đường thị xã, gây ô nhiễm và mất mỹ quan, gia tăng tai nạn giao thông. Do vậy, tỉnh Đăc Nông yêu cầu dự án Nhân Cơ phải mở một con đường tránh không qua thị xã, nối từ Nhân Cơ đến Đại Nghĩa đi tới Quảng Khê.

Cùng với chuyện đường vận chuyển, ngày 26 - 9 - 2011 UBND tỉnh còn gửi một văn bản tới Bộ công thương có nội dung không đồng tình với bản dự thảo quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxite đến năm 2020, có xét đến năm 2030.

Vì sao Đắc Nông có phản ứng với bản dự thảo?

Đó là vì, Bộ Công thương chủ trương chỉ nên duy trì hoạt động của tổ hợp Alumin Nhân Cơ với công suất 650.000 tấn/năm tới năm 2030. Nếu mở rộng hết cỡ, công suất đạt 1,2 triệu tấn/năm và chưa nên xây dựng các nhà máy khác. Theo Đắc Nông chủ trương ấy không tuân thủ theo kết luận của Bộ Chính trị về việc phát triển công nghiệp bauxite Tây Nguyên, ảnh hưởng tới sự phát triển của Đắc Nông.

Nếu bản quy hoạch mới được Chính phủ phê duyệt, mọi hy vọng trở thành trung tâm nghiên cứu và sản xuất Alumin - Nhôm của tỉnh Đắc Nông tan thành mây khói. Việc quy hoạch đô thị Gia Nghĩa sẽ bị phá vỡ, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cũng lâm vào ngõ cụt vì không còn động lực dẫn hướng.

Một tỉnh nghèo, nuôi bao ước vọng đổi đời cho vùng đất xa xôi, hẻo lánh nhưng lại đang lo âu, phấp phỏng vì sự thay đổi quan điểm phát triển ngành công nghiệp alumin – nhôm trong vài ba thập kỷ tới…

Có thể Đắc Nông phải chịu hậu quả của sự tiết giảm các dự án bauxite nhưng xét về đại cục, về tương lai thì lòng dân sẽ thuận thảo, đất nước sẽ yên bình!

Thời gian không còn xa nữa, chúng ta sẽ chờ xem!

L.T.T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn