Quảng Ngãi dõi theo và lo lắng.

Đoàn Nam Sinh

Suốt những ngày gần đây, người dân Quảng Ngãi đã thực sự lo âu, khi nghe báo chí liên tục đưa tin về những rung chấn tận Nam Bắc Trà Mi, mà nguyên do đã được giới chuyên môn xác định, có lẽ là từ việc tích nước vào công trình thủy điện Sông Tranh 2.

Có người đem so với thủy điện Sơn La, lúc tích nước cũng bị động đất tới 5 độ, nhưng sẽ giảm dần sau 4-5 năm; còn Sông Tranh 2 thì mới tích nước hai năm, nghĩa là còn bùng bục, rùng rùng dài dài. Cũng có người nói chưa chắc đã giảm dần độ rung chấn, có khi tăng giảm bất thường, có thể kéo dài đến vài chục năm. Người khác lại nói thiết kế còn bảo đảm đến 8-9 độ Rích-te, trừ phi có núi lửa trẻ hoạt động,…

Thời gian qua đã có hơn 200 lần động nhẹ, chỉ riêng tháng 11 có 4 lần nổ và động mạnh hơn 3 độ rích-te, nên bà con dân tộc sợ chạy vào rừng, cả hàng ngàn hộ bị ảnh hưởng, nơi thì nứt đất, sụt đất, nứt nhà,… Chó mèo gia súc cứ lồng lộn lên, con nào có khả năng thoát thân thì đã chạy mất.

Thời Ngài còn là phó thường trực, Ngài đã nổ pháo hiệu khởi công, giá trị lên hơn 5.000 tỉ, công suất sẽ đạt 190 MW,… và căn dặn phải lo toan chu đáo cho dân, mà chủ yếu là người thiểu số, sẽ được/bị di dời khỏi vùng đất hơn 2.800 hecta làm lòng hồ. Ít lâu sau mới hay công trình này có liên doanh với Trung Quốc, nhập tới 600 tỉ thiết bị để lắp đặt vào. Nay hàng chục ngàn dân của 7 xã thuộc 2 huyện Nam Bắc nhốn nháo, chưa biết lúc nào yên.

Qua các kênh thông tin, cách giải thích và thái độ khoa học của giới học thuật, chuyên gia địa chất đều có khoảng dừng, chờ đặt trạm quan trắc, ghi chép xử lý số liệu trong một thời hiệu đáng tin,… rồi sẽ có câu trả lời chính thức, nhưng dân đâu biết được đến khi nào mới có. Một câu hỏi lớn cũng được đặt ra là khi cả 8 bậc thềm trên sông Thu Bồn - Vu Gia đều được khai thác thủy điện, nếu có sự cố – mà chắc chắn là có – do địa tầng bị thấm nhão, lại do đã chất quá tải lên rạn nứt đứt gãy, thì cú kích nổ và rung chấn sẽ không biết điểm dừng.

Nếu phản ứng ấy liên tục như dây chuyền xả lũ từ cao xuống thấp được/bị khởi động thì sao? Giải pháp in phát cẩm nang để yên dân sợ không ai dám tin, còn chuyện mở trang web để minh bạch kịp thời thông tin thì chỉ có nhà chuyên môn, chứ cán bộ địa phương và nhân dân đâu theo dõi được. Đó cũng chính là tâm tư mà vị Chủ tịch Bắc Trà My đòi hỏi ở Ngài Thủ tướng về trách nhiệm đến cùng với dân tình.

Ai cũng biết rằng có hai đới đứt gãy ở rìa địa khối Kon Tum, mà địa đới Bắc Nam Trà My là một. Hướng phân bố Bắc Nam của đứt gãy này không dừng ở địa phận Quảng Nam mà còn xuyên qua Quảng Ngãi, nơi đang thi công một hồ chứa khổng lồ, gấp hơn ba chục lần Sông Tranh 2, suýt soát một phần ba hồ chứa Sơn La, là hồ thủy điện – thủy lợi Nước Trong.

Ở đây, ai cũng biết chuyện sụt lở tắc đường giao thông, lở núi sập nhà dân,… trong vùng Trà Bồng, Sơn Hà là thường xuất hiện, lúc tình trạng phá rừng còn chưa trầm trọng cũng đã là mối lo canh cánh. Nay thì không thể chờ đợi rủi may được nữa khi việc tích nước sẽ đầy lòng hồ, với đáy sông – nơi nó đặt lòng lên vệt đứt gãy – chỉ là cát và bùn kết.

Ai có thể khẳng định mai, ngày kia sẽ không xảy ra tình trạng nổ lớn trong lòng đất, kéo theo các vụ địa chấn có thể làm vỡ toạc túi nước treo trên nguồn như trứng treo đầu đẳng? Lúc bấy giờ thị trấn Di Lăng, Sơn Hà, Sơn Tịnh, Bình Sơn và cả Thành phố Quảng Ngãi đều nằm trong vùng phải báo nguy.

Trộm nghĩ rằng các cơ quan trên trung ương cần sớm có những điều nghiên thiết thực, cảnh báo kịp thời cho Quảng Ngãi cũng như những nơi tương tự, chớ để mất bò mới lo làm chuồng thì tội cho dân lắm lắm và cũng không ra cái thể thống của nhà lãnh đạo theo cách một người lo bằng kho người làm.

Chỉ riêng năm nay, cả vùng Đông Nam Á phải bàng hoàng khi cả thủ đô Băng Cốc của Thái Lan bị ngập nặng; ngập lụt đe dọa an ninh lương thực ở Campuchia, mưa lớn trái mùa làm thay đổi thời vụ như cà phê chưa kịp hái đã mưa to khiến cây đâm phát hoa, vụ nào cũng dở. Có ý kiến đấy là nhân tai vì các hồ chứa không quản lý tốt, thiếu sự minh bạch thông tin vì quyền lợi cục bộ.

Dù sao đi nữa thì việc các nước công nghiệp lớn chần chừ không ký vào hiệp định khí thải, trong lúc băng vĩnh cửu ở hai đầu cực của trái đất đang tan nhanh nên khí hậu biến đổi, nước biển đang dâng mau hơn,… sẽ ảnh hưởng bất thường lên hệ thống thủy văn và lên từng hồ chứa nước của quê hương ta, thì chỉ có một sách “cư an tư nguy” – lúc ở yên thì phải suy tính lúc hiểm nghèo.

Gần đây nghe tin một công ty có năng lực hàng đầu thế gới của Đan Mạch xin đầu tư vào phong điện, sao may phước quá, như thể phúc đức cao dày của tổ tiên khiến vậy để khai thác được nguồn điện sạch vững bền; để các quan tham bớt phá rừng trồng cao su, làm thủy điện; để thôi đào khoét khoáng sản tài nguyên bán giá bèo nhằm trục lợi cho những bè nhóm tư lợi vô tâm khiến quốc gia suy vong. Năng lượng thì ngoài gió ta còn có thủy triều, địa nhiệt,…Tài nguyên ta còn cả vực biển sâu ngoài kia, mà dân Quảng Ngãi đã bao đời hy sinh bám giữ.

Sài Gòn ngày 3/12/2011

Đ. N. S.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn