Nhìn về Trung Quốc (kì cuối)

Phạm Hy Sơn

- Người dân chống đối: Vì bị bóc lột sức lao động, vì bị tước đoạt đất đai nhà cửa, vì bị thuế má nặng nề, bị nộp tiền đút lót, vì bị sống trong môi trường ô nhiễm trầm trọng phá hoại mùa màng, gia súc và gây chết chóc cho con người, dân chúng Trung Hoa đã nổi lên phản đối tìm con đưòng sống mặc cho bị giết chết, bị bỏ tù, trù dập, hành hạ. Chống đối càng ngày càng nhiều và nếu những năm trước chỉ mang tính cách thỉnh nguyện, đòi hỏi thì thời gian gần đây có tính chất nổi dậy quyết liệt như tấn công lực lượng cảnh sát bằng gậy gộc, bom xăng; đập phá, đốt cháy trụ sở Đảng Cộng sản, cơ quan chính quyền; đập phá, đốt nhà máy và xe cộ.

Đi xa hơn, giữa tháng 12 vừa qua 20.000 dân làng Ô Khảm, tỉnh Quảng Đông lật đổ chính quyền Xã, lập cơ quan tự quản và biểu tình với những biểu ngữ được giơ cao: “Đả đảo chế độ độc tài”, “Trả lại quyền cho người dân”, “Giết hết quan chức tham nhũng”, “Máu trả nợ máu”.

Năm 1993 có 8.700 vụ biểu tình phản đối thì năm 2006 có 60.000 vụ, năm 2007 có 80 ngàn vụ. Đó là theo thống kê chính thức của chính phủ Trung Quốc. Hai, ba năm gần đây người ta ước tính những cuộc phản kháng đã lên tới 187 ngàn vụ. Những tháng cuối năm 2011 những cuộc biểu tình gia tăng cường độ từ chống tăng thuế, chống ô nhiễm, chống cướp đất, chống đàn áp.... Theo báo Le Monde số cuối tháng 11/2011 thì tháng 11 là tháng có nhiều xáo trộn nhất từ trước tới nay.

Người dân Trung Hoa sống dưới chế độ độc tài đã khốn khổ thì những dân tộc bị xâm lăng và đang bị đồng hóa như Nội Mông, Mãn Châu, Duy Ngô Nhĩ gốc Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Tạng còn cùng cực như thế nào dưới gọng kìm kìm kẹp của bọn xâm lược! Dân bản xứ phải học tiếng Bắc Kinh, sách vở như Toán, Vật lý, Hóa học, Sử, Địa... đều viết bằng tiếng Bắc Kinh, đền thờ và chùa chiền bị phá hủy, cấm tu hành và giảng giáo lý, ồ ạt đưa người Hán đến chiếm đất định cư. Mới trong vòng có năm, sáu chục năm nay, Nội Mông, Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ... dân bản xứ trở thành thiểu số, chỉ chiếm 20%, còn lại 80% là thực dân gốc Hán! Từ hàng chục năm nay người Mông Cổ, Duy Ngô Nhĩ, Tây Tạng nổi lên và bị đàn áp dã man.

Người Duy Ngô Nhĩ Hồi giáo đã chọn bạo động đấu tranh tấn công vào các đồn cảnh sát, giết hàng trăm thực dân Hán thì người Tây Tạng Phật Giáo dưới sự lãnh đạo của Đức Đạt Lai Lạt Ma dùng phương pháp bất bạo động để tranh đấu trước cảnh hàng ngàn nhà sư, tu sinh phải hoàn tục, bị giết, bị tù,bị mất tích... chùa chiền bị công an khám xét thường xuyên nên từ tháng 3 đến tháng 12/2011 có 12 người tự thiêu, đa số là nhà sư. Đầu năm nay, mới hơn 1 tháng đã có 7 nhà sư tự thiêu. Người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ cũng trong hoàn cảnh tương tự: ngày 31-12-2011 khoảng 1.000 công an Trung Quốc tới triệt hạ đền thờ Hồi Giáo tại Ninh Hạ đã xung đột với mấy trăm người dân phản đối. Cảnh sát đàn áp làm 2 người chết, 50 người bị thương, khoảng 100 người mất tích!

Thế giới làm ngơ trước những sự tàn bạo này vì cái lợi kinh tế, vì miếng ăn, cái áo. Những dân tộc bị Trung Quốc thống trị này không khác gì con nhái bén nhỏ bé đang nằm trong miệng con rắn độc và rồi sẽ bị nuốt chửng. Có ai thương xót họ không!?

Những biện pháp đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc: Như chúng tôi đã trình bày ở phần trước, năm 1979 Đặng Tiểu Bình chỉ cải cách về kinh tế còn quyền thống trị dân chúng vẫn nằm trong tay những người Cộng sản. Bằng chứng là khi dân chúng và sinh viên, học sinh biểu tình đòi mở rộng dân chủ đã bị Đặng Tiểu Bình, từ hậu trường, ra lệnh đàn áp thẳng tay bằng xe tăng, súng máy tại Thiên An Môn ngày 04-06-1989 làm 3.000 người bị giết. Thủ tướng Triệu Tử Dương và Tổng Bí thư Hồ Diệu Bang bị quản thúc cho đến chết vì không đồng tình với biện pháp tàn ác ấy.

Chúng ta nhớ lại chủ nghĩa Marx-Lenin chủ trương tranh đấu bằng căm thù và bạo động. Ngay từ ban đầu, khi chưa nắm chính quyền, những người Cộng sản đã dùng phương pháp khủng bố, bắt cóc, thủ tiêu làm rối loạn chính quyền địch rồi dùng tuyên truyền, đe dọa để kéo người dân về phía mình hoặc làm họ sợ hãi phải nghe theo. Khi đã nắm chính quyền, phương pháp khủng bố ấy vẫn được triệt để áp dụng bằng công an, mật vụ, quân đội để duy trì quyền lực. Ở những nước Cộng sản như Nga Xô, Trung Quốc, v.v., chính quyền xếp loại sẵn dân chúng thành nhiều thành phần từ nhiệt thành, trung thành, không ưa, tình nghi, chống đối... để mỗi khi có thể gặp nguy cơ bất ổn họ ra tay trấn áp trước nên mới có những đợt thanh trừng dân chúng theo chỉ tiêu như dưới thời Stalin, Mao Trạch Đông có hàng chục triệu người bị giết ở Nga và Trung Quốc, không biết bao nhiêu trăm triệu người bị tù đày.

Khi Đặng Tiểu Bình mở cửa, có nghĩa là bức màn sắt được kéo lên, không thể tàn sát dân chúng theo chỉ tiêu nữa nhưng nếu cần thì vẫn phải làm như vụ đàn áp ở Thiên An Môn để nắm chặt quyền hành. Đảng Cộng sản Trung Quốc dù đã mở cửa nhưng vẫn áp dụng triệt để những chính sách có từ thời Mao Trạch Đông:

1- Tàn sát để khủng bố: Thời Mao bức màn sắt đóng kín, kẻ cầm quyền tha hồ tàn sát, bắt bớ hàng trăm ngàn, hàng triệu người thế giới không ai biết. Đó là khủng bố đen. Ngày nay không thể làm thế được vì đã phải mở cửa để làm ăn buôn bán, người Cộng sản hậu Mao áp dụng phương pháp khủng bố trắng: giết một người hàng vạn người sợ (sát nhất nhân vạn nhân cụ). Từ dùng xã hội đen, tội phạm hình sự, côn đồ đánh đập, phá nhà của những người chống chính quyền đến chuyện thỉnh thoảng tại trụ sở xã, đồn công an huyện, thành phố lại có những người lúc vào thì sống lúc ra là cái xác không hồn, thân thể bầm tím hay vỡ sọ, gãy nát chân tay, dập sườn dù chỉ là những cái tội nhỏ như vi phạm giao thông, cãi cọ, ăn cắp vặt... như ông Tiết Kim Ba ở xã Ô Khảm bị lột da ngực, các đầu ngón tay tím máu hay một thôn trưởng ở tỉnh Hà Nam vì bênh vực dân làng trong việc đòi bồi thường đất mà bị công an bắt căng ra giữa đường cho xe tải chạy qua cán chết cuối năm 2010. Chỉ tội cho những người chẳng may bị bắt vào lúc chính quyền Trung Quốc đang cần thi hánh sách lược khủng bố!

2- Hai cột trụ của chế độ là quân đội và công an mật vụ luôn luôn được xử dụng trong việc đàn áp dân chúng. Cả hai được chế độ ưu đãi và tuyển lựa kỹ càng trong các gia đình đảng viên hoặc được các cơ sở đề nghị, đặc biệt ngành công an mật vụ có những gia đình” tam đại, tứ đại đồng ngành”. Quân đội Trung Quốc có quân số đông nhất thế giới ước tính khoảng 2,3 triệu là lượng được Đảng nắm chặt va quan tâm đặc biệt. Chủ tịch hay Tổng Bí thư Đảng luôn luôn là Chủ tịch Quân ủy Trung ương, mỗi đơn vị đều có đại diện Đảng (ủy viên chính trị) giám sát và mọi quyết định của đơn vị phải được viên chức này chấp thuận. Ngành công an mật vụ là lực lượng tin cậy và mạnh thứ hai sau quân đội với ngân sách năm 2010 là 514 tỷ nhân dân tệ. Nếu quân đội Trung Quốc với ngân sách năm 2010 là 532 tỷ NDT phải chi tiêu rất nhiều về doanh trại, căn cứ và mua sắm vũ khí đắt tiền như xe tăng, đại bác, hỏa tiễn đặc biệt như oanh tạc tơ, chiến hạm, tàu sân bay... giá từ vài triệu, vài trăm triệu Mỹ kim/1 cái và nuôi được 2,3 triệu quân thì ngân sách ngành công an phải có ít nhất 5 hay 6 triệu người vì tiền trang bị rất ít.

80 triệu đảng viên cộng với 8 triệu công an quân đội cộng với Quản Lý khu phố và dân quân(hay du kích) thì tính trung bình khoảng 14, 15 người dân Trung Hoa có 1 cán bộ quản lý!

2- Nắm chặt các phương tiện truyền thông như truyền hình, truyền thanh, báo chí, truyền tin(điện thoại, bưu điện) để truyền đặt mệnh lệnh và áp đặt tư tưởng đến dân chúng. Dân phải nghe và không được quyền lên tiếng. Những lời kêu than, phản kháng không có điều kiện được nói lên như trong thế giới tự do. Vì thế, dân chúng bị bưng bít, ở đâu biết đó. Hiện nay thế giới đi vào kỷ nguyên Internet với các trang web site, e-mail, điện thoại di động liên lạc vòng quanh trái đất trong vài giây rất tiện lợi cho mọi người trong công việc làm ăn, trao đổi tư tưởng, học hành, nghiên cứu. Ở Trung Quốc hiện nay những phương tiện này bị giới hạn và theo dõi nghiêm ngặt. Vì cuộc nổi dậy của người dân Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương năm 2009, Facebook và Twister bị chận ở Trung Quốc ngày 6-9-2009. Khi Cách Mạng Hoa Lài bùng nổ đầu năm 2011, Internet bị kiểm soát, phóng viên quốc tế bị giới hạn hoạt động. Cuối năm 2011 khi nông dân, công nhân rầm rộ biểu tình thì báo chí Trung Quốc ra ngày 10-12-2011 đăng tin ông Vương Bá Thuần, Phó Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc phụ trách thông tin và internet tuyên bố: ”Tất cả các vùng, miền, tỉnh phải sử dụng những biện pháp cứng rắn và hiệu quả để củng cố việc xây dựng và quản lý nền văn hóa mạng”. Tiếp theo, ngày 8-02-2012 chính quyền Trung Quốc ra tối hậu thư cho khoảng 250 triệu người đứng chủ các trang blog nhỏ (microblog) phải ghi tên thật để chính quyền dễ theo dõi và kiểm soát.

3- Kiểm soát từng người dân, từng lời nói và triệt hạ ngay mầm mống chống đối. Tài liệu MẬT của Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lưu hành nội bộ tháng 01 và 03/2011 chỉ thị cho mọi đảng viên ở các cấp chính quyền:

- Trấn áp không từ một hình thức nào, không bỏ sót một đối tượng nào.

- Bắt giam tức khắc mọi cá nhân loan tin bất lợi cho chính quyền, gia tăng theo dõi dân chúng ngay từ lúc tuổi còn thơ, khuyến khích dân chúng tố cáo những kẻ ta thán.

- Các cấp tỉnh, huyện, xã lập phải lập “tổ đặc nhiệm” để định hướng dư luận....

4- Đàn áp tầng lớp trí thức, nhân sĩ là những người có uy tín trước công chúng. Từ khi có phong trào Mùa Xuân Ả Rập, rất nhiều trí thức, nhân sĩ Trung Quốc liên tục bị bắt bớ, bị đưa vào nhà tù, nổi nhất là họa sĩ Ngải Vị Vị. Cuối năm 2011 người dân Trung Hoa biểu tình hàng loạt chống tăng thuế, chống ô nhiễm, chống cướp đất, công nhân đòi tăng lương... nhà cầm quyền Trung Quốc đã mở lại chiến dịch trấn áp trước những nhà trí thức hoạt động dân chủ như vợ chồng họa sĩ Ngải Vị Vị, ông Hồ Giai... và chỉ từ giữa tháng 12/2011 đến nay có ít nhất 6 người bị những án tù nặng nề như các ông Trần Tây 10 năm tù, Lưu Hiểu Bân 10 năm, Lý Thiết 10 năm, Trần Vệ 9 năm, Cao Trí Thịnh 3 năm và mới đây, ngày 10-02-2012 vợ ông Chu Ngu Phu cho biết ông bị kết án 7 năm tù vì một bài thơ kêu gọi dân chúng tụ tập hưởng ứng phong trào Mùa Xuân Ả Rập.

5- Vuốt ve: Chúng ta thấy thỉnh thoảng thấy một số các cựu đảng viên Cộng sản lên tiếng đòi cải cách, đồng thời Thủ tướng Trung Quốc cũng kêu gọi mở rộng dân chủ, bài trừ tham nhũng, tôn trọng quyền xử dụng đất của nông dân và ngày thứ 7, ngày 10-2-2012 vừa qua ông tuyên bố: “Phải bảo vệ truyền thống, tự do tín ngưỡng và văn hóa của người Tây Tạng” trong khi công an Trung Quốc đang bắn giết dân chúng và các nhà sư ở Tứ Xuyên.

Thủ tướng đứng đầu đứng đầu chính phủ đáng lẽ phải sửa đổi những khuyết điểm, sai lầm, diệt trừ những kẻ tham ô, lạm quyền, hà hiếp dân ngay khi ông lên nắm quyền Thủ tướng từ mấy năm nay rồi. Sao ông không ra lệnh cho công an, quân đội Trung Quốc ngừng tay tàn sát dân chúng và những người tu hành ở Tây Tạng, Tân Cương? Chỉ khi thấy dân chúng bất mãn ông mới lên tiếng kêu gọi?

Đó là chiến thuật kẻ đánh người xoa của Cộng sản Trung Quốc, bản chất đảng trị của họ không bao giờ thay đổi.

Nhưng họ có thể lừa gạt người dân Trung Hoa mãi được không?

Ngã Ba Đường: Trước tình trạng thối rũa của xã hội do chế độ đảng trị gây ra làm người dân bất mãn lại thêm tình trạng kinh tế khó khăn do xuất cảng giảm, ngành địa ốc có nguy cơ vỡ bong bóng, nạn vỡ nợ, trốn nợ, đóng cửa nhà máy, thất nghiệp, biểu tình, nổi loạn... xảy ra liên tục, nhiều nhà nghiên cứu về Trung Quốc như Giáo sư Trịnh Vĩnh Niên của Đại học Quốc gia Singapore đều tiên đoán Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nguy cơ rối loạn xã hội ở quy mô lớn. Ngay cả đảng viên Cộng sản, ông Chu Minh Quốc lãnh đạo thành phố Lục Phong, Quảng Đông cuối tháng 12/2011 cũng cho rằng tình hình TrungQuốc như một trái táo, vỏ ngoài còn tươi nhưng bên trong đã rũa nát, và rằng Trung Quốc sẽ phải đối phó với nhiều cuộc nội dậy trong tương lai.

Con dường tiến tới dân chủ tự do có thể còn dài và nhiều khó khăn. Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục đi theo con đường hiện tại với nguy cơ sụp đổ hay sẽ có người đủ khả năng lặp lại được câu nói của ông Đặng Tiểu Bình: “Không cải cách Trung Quốc chỉ có nước chết mà thôi”?

Cải cách? Điều đó khó lắm vì hệ thống quyền lực đan kết với hệ thống tham nhũng, đặc quyền đặc lợi từ trên xuống dưới do các “thiếu gia”, “thái tử đỏ” nắm giữ theo truyền thống thế tập có từ ngàn xưa ở Trung Quốc với bao nhiêu lợi lộc không dễ gì bỏ được.

Chủ tịch Quốc hội Ngô Bang Quốc, nhân vật quyền lực thứ hai sau Hồ Cẩm Đào, trước 3.000 đại biểu Quốc hội họp thường niên ngày 11-3-2011 tuyên bố: “Tình hình bất ổn dân sự có thể bùng nổ ra nếu Trung Quốc từ bỏ hệ thống cai trị độc đảng hiện nay.”

Vì vậy ít có cơ may Trung Quốc đi theo con đường tiến hóa của thời đại như cựu Thủ Tướng Anh Tony Bair đã gián tiếp nhắc nhở trong chuyến thăm Trung Quốc ngày 28-11-2011 khi nói về sự sụp đổ của chính quyền Lybia là do ông Gadhafi từ chối cải cách: “Vậy bài học này thật là rõ ràng cho cả vùng (Trung Đông) là hội nhập và nghiên cứu cải tổ từng bước theo cách tiến hóa (evolution), nếu không thì sẽ có cách mạng (revolution).” (BBC, 28-11-2011).

Con đường tiến tới tự do, dân chủ có thể còn dài và nhiều khó khăn nhưng trải qua mấy ngàn năm lịch sử, người dân Trung Hoa đã có nhiều kinh nghiệm đối phó với những hôn quân, bạo chúa như Kiệt, Trụ, Tần Thủy Hoàng,... Những kẻ bạo tàn sẽ bị kết thúc và cả vương triều cũng bị tiêu vong theo.

Ý dân là ý trời. Thời đại nào và ở phương trời nào cũng thế.

P. H. S.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn