Chung quanh các ngư dân, những bài học hy vọng

André Menras Hồ Cương Quyết

Nguyễn Ngọc Giao dịch

Gửi 21 ngư dân đang bị cầm tù một tháng tại Phú Lâm, Hoàng Sa

Cùng với cuốn phim «Hoàng Sa Nỗi đau mất mát» tôi đã bất ngờ được đi một vòng qua nhiều thành phố Âu Châu. Chuyến lưu diễn đã cho tôi chứng kiến những hiện thực thời sự mà trước đó tôi không lường được. Có những hiện thực đáng buồn. Và có những hiện thực khả quan vì chúng manh nha mầm mống tương lai.

Sau khi kinh qua 6 thành phố Pháp, tôi vừa kết thúc một vòng lưu diễn ở 5 thành phố: Berlin, Köln, Praha, Plzen và Warsaw. Toàn bộ chương trình đều được chuẩn bị qua internet, từ những lời mời tự phát, phản ứng lại việc cuốn phim đã bị cấm chiếu ở Sài Gòn. Theo chỗ tôi biết, những bạn đã mời tôi sang các nơi chưa hề gặp nhau, và cho đến nay cũng vẫn chưa gặp nhau. Phần tôi cũng chưa gặp người nào. Mọi sự tổ chức đều qua email: áp phích chung ở Praha, lời giới thiệu song ngữ ở mỗi nước, ngày tháng, chỗ ở, đi lại từ thành phố này qua thành phố kia, từ nước này sang nước nọ, mọi sự đã diễn ra một cách tập thể và suôn sẻ. Ở thành phố nào thì người ở thành phố đó quảng cáo trong giới người Việt và người dân sở tại. Bây giờ cuộc lưu diễn đã hoàn tất, có thể nói rằng nó đã thành công.

Trước hết, mục tiêu đầu tiên là phá tan bức tường im lặng ô nhục. Những người tổ chức đã khơi gợi được sự quan tâm và sự tham gia của hàng trăm người, đa số là người Việt, nhưng có cả người dân sở tại. Nhiều trang mạng đã nói tới sự kiện này.

Mục tiêu thứ nhì là lập ra quỹ cứu trợ ngư dân, nạn nhân trực tiếp hay gián tiếp của những cuộc gây hấn của Trung Quốc. Mục tiêu này cũng đã đạt được: quyên góp được 7000 Euro, số tiền này sẽ được trao tận tay các nạn nhân.

clip_image002

Mở cái hộp con lợn đất 3200 euros tại Warsaw

Mục tiêu thứ ba là bước đầu nối kết một mặt trận quốc tế tích cực, độc lập và càng rộng càng tốt, nhằm bảo vệ ngư dân và khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo quy định của Công ước năm 1982 của Liên hiệp quốc về quyền biển.

Tám ngày tranh đấu ấy đã cho tôi nhiều bài học.

Tôi đã khám phá ra những cộng đồng Việt Nam rất khác nhau, đôi khi đối nghịch nhau, gồng mình vì những vết thương quá khứ rất khó hàn gắn, đôi khi còn chia cách nhau vì khác biệt chính kiến. Nhưng tôi phải nói là tất cả các cộng đồng ấy, tuyệt đối không có biệt lệ, đều gặp nhau trong cuộc đấu tranh nhằm chi viện, bảo vệ đồng bào ngư dân, nhằm khẳng định chủ quyền của Tổ quốc đang bị đe dọa. Trong các lời phát biểu, không hề có sự hung hãn gì đối với lãnh đạo Trung Quốc. Tất cả đều toát ra ý muốn tìm hiểu, sự phẫn nộ sâu sắc và ý chí kháng cự. Một tấm lòng yêu nước lành mạnh, có trách nhiệm. Có những người phải đi khứ hồi gần 600 km để tới xem phim cùng với đồng bào. Tại những vùng cư trú của đồng bào lao động xuất khẩu, nhiều người nghèo, một số thất nghiệp, như ở Plzen, người ta đã không ngần ngại rút từ trong túi ra những tờ giấy bạc mệnh giá khiêm nhường. Tại Warsaw, cùng với anh Tuyển, Giám đốc một Trung tâm thương mại rộng mênh mông, tôi đã đi một vòng các quầy hàng và kho quần áo «made in China» của các tiểu thương Việt Nam. Chúng tôi đã dạo bộ gần năm tiếng đồng hồ, tay bưng một cái hộp các-tông nhỏ thay vì «con lợn đất». Trong số mấy chục đồng bào chúng tôi gặp, chỉ có ba người không đóng góp vì chủ của họ đi vắng. Còn ba người khác không tham gia đều là người… Trung Quốc.

Những cộng đồng, như ở Praha, cho đến nay không biết đến nhau, bây giờ họp chung với nhau, lắng nghe nhau và bắt đầu một cuộc đối thoại cởi mở, hứa hẹn. Điều này, tôi cũng đã được chứng kiến ở Toulouse, vùng Tây Nam nước Pháp.

Tại Cộng hòa Séc và tại Ba Lan, tôi cũng đã chứng kiến những chỉ dấu của sự cảm thông, tinh thần cởi mở, ý muốn lắng nghe của một vài giới chức Việt Nam. Ở Praha, một quan chức đã tới dự buổi chiếu phim với tư cách cá nhân. Ông đã ngồi nghe cuộc thảo luận từ đầu đến cuối và sau đó đã tỏ lời chân thành cảm ơn tôi. Ở Warsaw, tôi được biết qua một nguồn đáng tin cậy, rằng phản ứng ban đầu của Đại sứ quán là điện thoại cho người chủ trung tâm thương mại, nơi sẽ chiếu phim, để yêu cầu ông hủy bỏ cuộc chiếu (Tại Pháp, tôi cũng đã từng trải những cú điện thoại ngăn đe sau lưng tôi. Đó thật quả không phải là dấu hiệu của sự dũng cảm và lòng kính trọng). Nhưng trước sự từ chối quả cảm của Giám đốc trung tâm, và sau khi nhận được giấy mời của ban tổ chức và của cá nhân tôi, do người mang tận tay tới Đại sứ quán, bầu không khí đã dịu bớt. Mặc dầu tôi đã đường đột đến trụ sở sứ quán mà không hẹn trước, tôi đã được những người thân cận ông Đại sứ (đang công tác ở tỉnh lẻ) tiếp một cách trọng thể và thân thiện. Một cán bộ sứ quán, với tư cách cá nhân, đã tới dự bữa ăn hữu nghị và dự buổi chiếu phim do Hội Việt kiều Ba Lan tổ chức. Bà con hội viên đã đóng góp 500 Euro vào quỹ yểm trợ. Cũng nên đo lường thái độ này dưới ánh sáng của lệnh chính thức cấm chiếu cuốn phim ở Sài Gòn trước đó mấy tháng. Ai cũng biết rằng ở mọi nước, các Hội Việt kiều đều gần sứ quán và chịu sự chi phối trực tiếp. Cho nên, tôi thiển nghĩ thái độ hợp tác và công khai yêu nước như thế là một bước tiến đến dân chủ và… dũng cảm. Đó là những chỉ dấu mang thêm hy vọng và năng lực cho chúng ta.

clip_image004

Tại Praha

clip_image006

Tại Praha

Qua trải nghiệm phong phú này và để kết luận, tôi xin nói là tôi cực kỳ dị ứng với cái bệnh chụp mũ. Chụp mũ thì dễ ợt, người chụp mũ đỡ phải suy nghĩ, dễ tự trấn an và ru ngủ lương tâm. Chụp mũ giúp người ta bám chặt vào những tín điều cũ kỹ, đầy bụi bặm thời gian. Đơn giản hơn, chụp mũ giúp người ta yên vị trong cái ghế cố hữu. Nhưng mũ lại là thứ dễ bay theo gió và cũng dễ sờn với thời gian.

Đã đến lúc thanh tẩy trong ngôn ngữ những cụm từ bụi bặm, sáo rỗng đến mức khôi hài, như hai chữ «phản động» mà còn không ít người hào phóng ném vào mặt người khác. Đối với tôi, «phản động» theo nghĩa từ nguyên, là «chống lại sự vận động» (vận động theo chiều hướng tiến bộ). Tôi chỉ xin những vị còn ung dung ban phát nhãn hiệu «phản động» cho người khác hãy tự hỏi: giữa những người cấm cuốn phim, và những người, qua cuốn phim, muốn trao lời cho những ngư dân bị gây hấn, thì ai là người hành động chống lại vận động của chân lý, của tự do, của công lý, của tình liên đới giữa con người với con người, của tiến bộ? Thế giới chúng ta đang vươn tới những giá trị đó, và không ai có thể ngăn cản được sự chuyển mình ấy. Đó là thông điệp mạnh mẽ mà tôi đã nhận được từ những cộng đồng hết sức đa dạng mà tôi vừa tiếp cận. Một lần nữa, tôi xúc động ghi nhận ở mỗi người Việt Nam tấm lòng yêu nước chung, ẩn hiện mỗi người một cách. Lòng yêu nước ấy không mang màu sắc, không có thẻ đảng. Nó hết sức lành mạnh vì nó không gây hấn với ai. Nó là phản ứng tự hào để bảo vệ nhân dân, bảo vệ dân tộc đã trải qua quá nhiều bạo ngược. Đẹp biết bao, tấm lòng yêu nước ấy!

Một sự việc mới xảy tới cho cuốn phim có thể sẽ «củng cố lòng tin» của các chuyên gia chụp mũ. Thật vậy, ngày 22 tháng tư tới đây, tôi phải lên Paris tham gia một cuộc chiếu phim dự trù ở Quận 13, do lời mời của những người Việt Nam tự nhận là «chống cộng» song vẫn mong muốn đối thoại và giúp đỡ ngư dân. Tối hôm qua, một trong những người tổ chức đã gọi điện thoại cho tôi biết có những cựu quân nhân VNCH đã hăm dọa. Những người này đòi tôi phải cắt một số đoạn phim, trong đó có đoạn tôi nói về vụ thảm sát Mỹ Lai, bằng không họ sẽ dùng bạo lực để ngăn chặn buổi chiếu. Họ còn đòi trưng cờ VNCH và nói nếu như họ có mặt ở Sài Gòn ngày tôi dương cao lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng thì họ đã bắn bỏ tôi rồi.

Tôi xin nói dứt khoát là những nhúm người tâm thần ám ảnh bởi sự phục thù ấy không đáng quan tâm như những lời tuyên truyền vẫn gán cho họ, vả lại đó thường chỉ là cái cớ để người ta cản trở tiến trình dân chủ. Đó chỉ là mấy bóng ma hận thù, nuối tiếc một quá khứ đẫm máu, khoa chân múa tay một cách thảm hại để từ khước sự khoan hòa, hợp tác, liên đới cần thiết. Ở mọi nơi, sự bạo hành của họ – lí do tồn tại duy nhất của họ – đều bị xa lánh. Họ bị cầm cố trong quá vãng. Tưởng cũng nên lưu ý rằng dự tính can thiệp của họ để phá hoại cuộc chiếu phim là cùng chung chiều hướng với việc cấm đoán chiếu phim hồi tháng Mười một 2011 ở Sài Gòn, và cả hai việc chỉ phục vụ cho người hưởng lợi duy nhất: kẻ xâm lược từ Trung Quốc.

Không, điều nguy hiểm nhất, đáng buồn nhất không phải là những nhúm người đã thuộc về quá khứ mà ta có thể gọi chính xác là «phản động». Mà là những người khoanh tay bất động, an phận ngồi xem chiều gió, ngọn gió đến từ phương Bắc. Những người ấy, ta có thể gọi là «bất động». Đó là những người mà số phận của các ngư dân không làm cho họ mất ngủ. Chỉ có hành động hòa bình của những người «hoạt động» mới có thể thức tỉnh họ, và đẩy lùi cơ nguy.

Hãy cảm ơn tất cả những ai không ngồi đợi gió, mà góp gió thành sức mạnh. Cảm ơn những Hoài, Thọ, Cường, Hồng. Cảm ơn tất cả các bạn, và người thân đã cùng các bạn, không quản công sức góp phần vào sự thành công của cuốn phim, giúp nó đạt được những mục tiêu đề ra.

A.M. H.C.Q.

2.4.2012

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn