Thư độc giả: Phản hồi bài viết của Ks Bùi Khôi Hùng về Thủy điện Sông Tranh 2

Vũ Đình Bon, Doctor of Engineering, Structural Engineer

1. Về vấn đề an toàn hiện nay của đập Sông Tranh 2: Ks Bùi Khôi Hùng cho biết: tại đập Sông Tranh 2, Viện Vật lý địa cầu đã kiến nghị tính toán thiết kế đập với động đất cực đại có thể xảy ra (MCE) là 5,5 độ Richter,… và sử dụng phương pháp động theo phổ phản ứng (response spectra) và băng gia tốc (time history), đã sử dụng các chương trình tính ứng suất và biến dạng của đập bê tông khi xảy ra động đất. Thêm vào đó, đập Sông Tranh 2 được thiết kế thỏa mãn yêu cầu quy phạm của Mỹ là có hệ số an toàn (Factors of safety) trong trường hợp tải trọng cơ bản (usual loading combinations) là 3, trong trường hợp tải trọng bất thường (unusual loading combinations) là 1,7, trong trường hợp tải trọng đặc biệt (extreme loading conbinations) là 1,3. Các tài liệu tính toán và thiết kế đập Sông Tranh 2 đã được thẩm tra bởi Liên danh tư vấn Nhật Bản là Nippon Koei và J. Power. Ks Hùng khuyến cáo rằng EVN nên công khai tất cả các tài liệu tính toán ổn định của đập Sông Tranh 2 để nhân dân được hoàn toàn yên tâm.

Đây là khuyến cáo hợp lý, vậy xin đề nghị EVN công khai hóa bản vẽ và các tài liệu tính toán liên hệ.

2. Về vấn đề xử lý chống thấm, khắc phục sự cố: Ks Hùng cho biết đập Sông Tranh 2 là đập trọng lực kết cấu bằng bê tông đầm lăn (RCC), cao nhất là 96 m, đập tràn ở lòng sông, mực nước dâng bình thường 175 m, mực nước chết 140 m. Đập được bố trí 30 khe nhiệt (khe biến dạng), mỗi khe cách nhau 20 m, để ngăn nước thấm từ thượng lưu qua khe nhiệt, đã bố trí 2 tuyến chống thấm bằng tấm đồng hình ômêga rộng 60 cm. Sau các tấm đồng là các lỗ thu nước thấm cách nhau 3 m để dẫn nước thấm xuống 3 hành lang ở các cao trình khác nhau trong thân đập, bảo đảm phần đập hạ lưu hoàn toàn khô. Phương pháp thi công đập bê tông đầm lăn là rải từng lớp bê tông nghèo dày khoảng 30 cm rồi đầm chặt bằng lu rung với số lần quy định. Theo quy trình đắp đập thì phải thi công liên tục để không tạo ra khe lạnh giữa các lớp, định kỳ khoan lấy mẫu bê tông ở các lớp và thí nghiệm tính chất cơ lý của chúng để đối chiếu với yêu cầu của thiết kế.

Thi công liên tục nghĩa là thế nào? Nếu lớp bê-tông phía trên được đổ, ban bằng và đầm trong khoảng thời gian trên 14 giờ, khe lạnh phải đươc rửa bằng nước dưới áp suất cao. Nếu thời gian lâu hơn, khe lạnh phải được tráng một lớp 'bedding mortar' dày khoảng 5 mm trên mặt trước khi nhận lớp bê-tông mới. Rò rỉ – qua khe lạnh – có thể xảy ra nếu khe lạnh không được thi công như thế.

3. Rò rỉ: TS Nguyễn Bách Phúc khẳng định: Hiện nay chưa có sơ sở để kết luận “đập Sông Tranh 2 vẫn an toàn”. Thậm chí khi mực nước hồ hạ xuống đến mực nước chết “vẫn chưa thể gọi là an toàn”.

PV Quốc Dũng, báo Tiền Phong, viết về thủy điện sông Tranh ngày 10 tháng 5: "Hành lang trên cùng gần như khô hoàn toàn vì nó đã nằm trên mực nước hồ ở thượng lưu đập. Một cán bộ ban quản lý nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 cho đoàn khảo sát hay, mực nước hồ hiện còn cao hơn mực nước chết 15 m.

Vị chi lượng nước cần phải xả cho đến mực nước chết còn khá lớn, chứ không phải đã xuống mực nước chết như thông báo trước đó, và lượng nước xả thực tế cũng mới được 300-400 triệu m3.

“Xuống đến hành lang dưới cùng, tôi nghe thấy tiếng gì rào rào, ầm ầm”, TS Phúc nhớ lại. “Chúng tôi hỏi thì được bảo đấy là tiếng nước chảy”. Đến giữa hành lang vẫn thấy nước chảy như suối. Nhân viên nhà máy thủy điện tiến hành đo rồi thông báo lưu lượng nước chảy ở đây là 36 lít/giây.

“Như vậy lưu lượng này còn lớn hơn lưu lượng EVN và cơ quan giám định của Bộ Xây dựng thông báo hồi tháng 3, khi lần đầu tiên sự cố được báo chí đề cập”, TS Đào Trọng Tứ, cố vấn Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam, nói.

Bằng kinh nghiệm kỹ thuật của mình, TS Nguyễn Bách Phúc bèn tự kiểm tra một cách thủ công và ông nhận định, lượng nước chảy trên máng là 4,5 tấc khối, tức 45 lít/giây. Nếu tính tổng cộng hai máng, tổng lượng nước chảy là 90 lít/giây."

Ông Lê Trí Tập, nguyên kỹ sư xây dựng, nguyên chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng nhận xét rằng: công trình đập Sông Tranh 2 xây dựng không có cống xả đáy nên không kiểm tra được toàn bộ thượng lưu đập. "Đây là một sai lầm lớn. Trên thế giới không ai làm thủy điện như thế", ông nói.

Ngoài việc để kiểm tra toàn bộ thân đập, cống xả đáy cũng được dùng để điều hòa lưu lượng nước sông nơi hạ nguồn và xả nước lũ (emergency sluiceway) cũng như tháo bớt bùn, cành, lá cây, rác rưởi,… đọng trong đáy hồ chứa. Không có cống xả đáy, phần hạ lưu sẽ là con sông chết – không có nước – trong mùa khô.

V. Đ. B.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn