Có thể xét nghiệm gen để “nâng giá” cho nền thể thao Việt Nam?

TS. Vũ Thị Nhuận

Viện Y khoa, Đại học Tokyo, Nhật Bản

clip_image002

Thế vận hội Olympic đã kết thúc với sự ra về trắng tay của đoàn thể thao Việt Nam. Thứ hạng cao nhất mà đoàn thể thao VN đạt được là Trần Lê Quốc Toàn, đứng thứ tư trong kết quả cử tạ hạng cân 56 kg Nam mà đáng lẽ chiếc HCĐ phải thuộc về anh. Không ít những lãnh đạo ban ngành, chuyên gia lên tiếng trên báo đài, phân tích mổ xẻ những yếu tố “kém may mắn” trong lần ra quân này.

Bản thân tôi cũng không phải là người quan tâm tới tình hình thể thao nên tôi cũng chỉ đọc báo để lấy tin. Thế nhưng tuần rồi vào ngày 15/08, tôi nhận được một email khá lạ của một biên tập viên tờ báo Đất Việt (Nông Khắc Ý, email: nongkhacy@gmail.com), trong đó anh Ý đề cập tới những thất bại của thể thao Việt Nam 2012, đồng thời nêu ra vấn đề “Nâng 'giá' thể thao Việt Nam bằng... xét nghiệm gene” trong bài viết cùng tựa đề đăng tải trên báo Đất Việt ngày 15/08/2012 [1], của tác giả Trúc Quỳnh, nội dung là bài trả lời phỏng vấn của ông TS. Luyện Quốc Hải, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ Bionet. Bài phỏng vấn thể hiện rất rõ nội dung mà ông TS Hải khẳng định, “Có thể xét nghiệm gen để sàng lọc ra những vận động viên có tố chất trở thành ngôi sao” mà công ty Bionet có sẵn dịch vụ này với mức chi phí chỉ là 6.800.000 VNĐ/người. Với một chút kiến thức về chuyên môn, bài phỏng vấn đã làm tôi không khỏi giật mình.Tuy nhiên hôm nay tôi mới có thời gian để phản hồi sau khi tìm hiểu khá kỹ các thông tin.

Trước tiên, khoan hãy bàn về kiến thức chuyên môn hẹp, tôi chỉ xin nói tới vấn đề ngoài lề là thể thao. Dù có rất nhiều nhà chuyên môn phân tích đánh giá cũng như nêu lên những hạn chế của đội tuyển VN, với ý kiến cá nhân, chúng ta cũng phải thật thà mà nói với nhau rằng, đấu trường Olympic là một đấu trường mà VN chúng ta hơi quá tầm với, thực sự chúng ta quá “nhỏ bé” trong các cuộc tranh tài mang tầm quốc tế dù rằng trong quá khứ VN cũng có những cô gái vàng như Nguyễn Thúy Hiền ở môn Wushu. Dù có rút kinh nghiệm hay đầu tư đến cỡ nào đi nữa thì với sân chơi Olympic, chúng ta cũng chỉ là những anh chàng amateur nghiệp dư nhất là những môn thể thao như nhảy cao, nhảy xa, chạy vượt rào hay bóng đá… cho dù đến nhiều năm nữa thậm chí đến nhiều chục năm nữa nó vẫn luôn nằm trong “điều không thể” của người VN trong hy vọng giành huy chương. Ngay cả đẳng cấp khu vực và Châu Á, Việt Nam cũng chưa thực sự nổi bật về những môn thể thao đòi hỏi “độ nhanh, mạnh; độ bền; khả năng phục hồi và nguy cơ bị chấn thương trong luyện tập”, chúng ta có những ưu thế về một số môn có thể giành huy chương như bắn súng, wushu… Vì vậy, chúng ta nên phát huy những thành tích đã có và chỉ nên hy vọng ở những gì có thể.

Thứ hai, nói về nội dung bài báo.

Trích: “TS. Luyện Quốc Hải, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ Bionet, cho biết công ty của ông dựa vào 18 gene để đánh giá 4 tố chất của vận động viên”, và ông TS cũng không quên quảng bá cho công ty của mình “Kỹ thuật này gọi là xét nghiệm gene đánh giá tiềm năng thể thao (Sport-Bionet)”. Đứng về góc độ khoa học, một tính trạng biểu hiện là kết quả của tương tác qua lại giữa rất nhiều gen khác nhau (đặc biệt là ở người) với yếu tố môi trường. Ví dụ như tính trạng màu da, do mật số melanin quy định, gồm có hai loại sắc tố, pheomelanin (màu đỏ) và eumelanin(nâu đậm gần như màu đen). Cho đến nay các nhà khoa học mới xác định được do từ bốn tới sáu gen quy định, các gen này vận hành ở mức biểu hiện là trội không hoàn toàn hay hiện tượng đồng trội (incomplete dominant) [2]. Mới đây nhất, 13/08/2012 báo Nature genetics công bố, các nhà khoa học đã phát hiện 10 vùng gen mới mà tại đó những thay đổi ADN có liên quan với nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, sau khi các tác giả đã phân tích ADN từ gần 35.000 người bị tiểu đường loại 2 và gần 115.000 người không bị căn bệnh này. Hai trong số những vùng này có tác động khác nhau giữa nam và nữ, nâng tổng số gen/vùng gen lên quan tới bệnh tiểu đường loại 2 lên là 60 [3]. Hay như một công bố khác vào 12/08/2012 Giáo sư Peter Croucher thuộc Viện nghiên cứu Y khoa Garvan ở Sydney (Úc), cùng các cộng sự đã sử dụng kỹ thuật micro-CT và kỹ thuật chụp X-quang kỹ thuật số microradiography để đo lường xem liệu có hay không từng gen trong 100 gen đầu tiên ảnh hưởng đến xương [4]. Ông nói “Phương pháp này thành công ở chỗ chúng tôi xác định được 9 gen mà trước đây chưa từng được mô tả, với mỗi gen trong số này dường như có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh bộ xương của chúng ta. Phát hiện này cho thấy khoảng 8-10% trong tất cả các gen có thể có liên quan theo một cách nào đó” và nói thêm "Hiện tại, chúng tôi đang cố gắng tìm hiểu vai trò tiềm năng của 9 gen mà chúng tôi vừa xác định”.

Tại sao tôi lại dẫn chứng dài dòng như thế, vì một lần nữa chúng ta cần khẳng định với nhau, tất cả các tính trạng biểu hiện ở người do rất nhiều gen quy định. Cho đến nay những kết quả nghiên cứu trên cho thấy các nhà khoa học cũng chỉ là ghi nhận trên một số lượng rất lớn các mẫu (người bệnh hay không bệnh), từ đó phán đoán, khoanh vùng nghiên cứu hết sức nghiên túc và cũng chỉ là phát hiện mới bổ sung thêm, còn kết luận con số bao nhiêu gen ảnh hưởng lên một tính trạng nào đó ở người thì chưa ai dám khẳng định là đã đầy đủ. Đối với tạo hóa, gen/vật chất di truyền như một khía cạnh “bất khả xâm phạm”, người ta chỉ có thể ghi nhận, thậm chí xử lý hết sức dè dặt trên những bệnh nhân, những người “đánh liều” với số phận khi họ ở cái ranh giới của sự sống và cái chết. Còn những người bình thường về thể trạng, dù có thể không “ưu tú” cho lắm, chẳng ai cam đảm để làm vật thí nghiệm hoặc để cho các xử lý di truyền với hứa hẹn sẽ được cải thiện về nòi giống hay ưu thế kiểu hình hơn. Vì thế, gen/vùng gen của con người luôn là những “bí ẩn” mà những nhà khoa học khi lên tiếng về kết quả nghiên cứu của họ cũng rất cụ thể và cẩn trọng. Vậy thì với công bố “dựa vào 18 gene để đánh giá 4 tố chất của vận động viên” của T.s Luyện Quốc Hải nêu ra, có là “quá ít” không để đánh giá, khi mà số gen/vùng gen liên quan riêng tới xương (chắc cũng có liên quan tới 4 tố chất trên như nguy cơ chấn thương)đã có nhiều hơn con số 18 gen?

Để dễ hiểu, chúng ta lấy một ví dụ cụ thể, hoạt động chạy gần như hầu hết các môn thể thao đều yêu cầu, hoạt động chạy liên quan đến rất nhiều cơ quantham gia: xương, cơ xương/vân/trơn trong cử động và các như sự nhu động của các nội quan, tim để bơm máu, phổi để hô hấp… một cơ quan lại được tham gia bởi rất nhiều tuyến, hormone, enzyme… tất cả chúng đều do gen chi phối. Vậy chỉ cần một cơ quan có vấn đề thì coi như hoạt động “chạy” khó mà hoàn thiện được. Như thế, nếu cứ thấy một người xương tốt thì kết luận họ chạy tốt là hoàn tòan không chính xác. Từ đó chúng ta suy luận ra gen.

Vì quá bất ngờ và tò mò, tôi đã tìm hiểu về công ty Bionet của ông TS. Luyện Quốc Hải [5]. Ngay trang giao diện có một bài viết về “Gen ảnh hưởng tới thành tích thể thao như thế nào?” trong đó bài viết cũng có ghi nhận “khoảng 36 gen đóng vai trò quyết định làm ảnh hưởng tới đặc tính sức mạnh và độ bền của các hoạt động thể chất được phân loại thành các nhóm chỉ thị di truyền liên quan đến thông số sức mạnh và độ bền của các vận động viên thể thao, số lượng gen ảnh hưởng đến thành tích thể thao ngày càng được công bố nhiều hơn”. Điều đó có nghĩa, đi tìm mối liên quan giữa gen/vùng gen với tài năng thể thao cũng chỉ là những ghi nhận và phát hiện (với mức độ đóng góp khoảng 50%/66% như bài báo đề cập), chưa có một công bố nào nói rằng họ lựa chọn tiềm năng thể thao dựa vào sự phát hiện18 gen đó cả. Muốn tìm kiếm một tiềm năng thể thao, chúng ta phải làm sao? Xét nghiệm hết tất cả những vận động viên tham gia môn thể thao đó hay sao? Đó là chưa nói đến, người VN thường chỉ giành ưu thế ở những môn thể thao không đòi hỏi quá nhiều sức mạnh cơ bắp, sức bền mà có thế mạnh ở những môn thể thao đòi hỏi sự khéo léo, trí tuệ và sự kiên trì như bắn sung, wushu, cờ vua…

Tôi tìm một bài “báo cáo khoa học” định dạng power point có thiết kế và hình ảnh khá bắt mắt với cái tựa cũng gây được chú ý “Bạn sẽ tìm thấy những thông tin hữu ích gì trong báo cáo Sport-Bionet?” (tài liệu đính kèm 1) của công ty Bionet Việt Nam, trong đó ghi rất chi tiết 18 loại gen có chức năng liên quan tới tiềm năng thể thao mà chỉ có một tài liệu tham khảo ở cuối bài báo cáo. Tôi copy cái đường link này thì lại quay ngược trở lại cái trang của Bionet Việt Nam. Trong bài trình bày, phía dưới bên trái có ký tên là ông Tổng GĐ TS. Luyện Quốc Hải, bên phải có ghi “bài phân tích được xem xét bởi ông Graeme Smith” Giám đốc phụ trách khoa học của công ty Mygene Pty Ltd. tôi lần mò vào trang Mygene, thì ra đây cũng là một công ty trách nhiệm hữu hạn có dịch vụ về xét nghiệm ADN huyết thống, tìm người thân và dịch vụ tầm soát ung thư sớm của Úc, chứ không phải là một công bố khoa học đăng trên tạp chí nào. Trong đó có một bài nội dung gần giống với tài liệu trên mà không có chỉ rõ ra là 18 gen/vùng gen như trong bài trình bày của công ty Bionet Việt Nam [6]. Khi tuyên bố 18 gen/vùng gen chi phối 4 tố chất của VĐV, thế nhưng khi nêu ví dụ, xét nghiệm 4 VĐV của VN là T.H.H, V.T.H, T.T.H và T.T.B, công ty Bionet chỉ đề cập đến liên quan với gen ACTN3 mà không phải là 18 gen [1]. Chữ “bản sao” ở bài viết này được hiểu theo nghĩa nào? Sự sai khác với gen ban đầu hay là sự lập lại của gen đó trên bản đồ gen?

Người Việt chúng ta thường “xanh mắt mèo” khi có cái gì đó liên quan tới nước ngoài. Tuy nhiên trong khoa học thì khác hẳn. Mới đây nhất, 25/05/2012 hãng giày Rayfish Footwear của Thái Lan đưa ra một thông cáo báo chí nói rằng công ty này tung ra loạt sản phẩm hoàn toàn mới làm từ da cá đuối biến đổi gen. Theo trang web của công ty, Rayfish sở hữu một ngân hàng gen cho phép mỗi khách hàng được lựa chọn loại da, màu sắc của hàng chục loài động vật khác nhau. Sau khi khách hàng lựa chọn, Công ty sẽ sản xuất loại giày làm từ da cá đuối biến đổi gen. Toàn bộ quy trình này phải mất 8 tháng. Giày của Rayfish tập hợp được nét đẹp và sự phong phú của tự nhiên để tạo nên sản phẩm giày thực sự theo yêu cầu của khách hàng. Rayfish Footwear tuyên bố họ đã thực hiện quy trình này từ hơn chục năm nay tại các phòng thí nghiệm đặt ở Thái Lan. Giá cho mỗi đôi giày như thế dao động từ 14.800 – 16.800 USD, phụ thuộc vào cỡ giày và độ phức tạp của màu sắc [7].

Các nhà khoa học cho rằng, sản phẩm đúng như tuyên bố của Rayfish đòi hỏi trình độ công nghệ cực kỳ phức tạp thì mới điều khiển được các gen quy định màu da. Và trong tình hình hiện nay thì điều đó là không thể. Randy Lewis, nhà sinh vật học ở ĐH Bang Utah (Mỹ) đã nói. “Theo tôi được biết, thì không có cách nào để thực hiện như những điều họ nói, kể cả khía cạnh màu sắc và khả năng kiểm soát hoàn toàn cách tạo màu của gen”. Theo Perry Hackett, nhà di truyền học ở ĐH Minnesota (Mỹ), quảng cáo của Rayfish Footwear chỉ là trò lừa. Công ty này hiện nay đang gặp rất nhiều rắc rối từ thông cáo trên.

Một ví dụ cho thấy sự nghiêm túc và đòi hỏi thời gian rất lâu của lĩnh vực cộng nghệ gen, đó là tạo ra bông hồng xanh của công ty Suntory và Florigene của Australia với thời gian là 20 năm, kinh phí khoảng 3 tỷ yên (khoảng 35.000 USD) [8]. Thật chẳng dễ dàng gì khi muốn điều khiển/ đánh giá một tính trạng nào đó liên quan đến gen, nhất là trên con người.

Trộm nghĩ, có khi nào đây là công bố riêng của công ty Bionet hay của ông TS. Luyện Quốc Hải hay không, tôi tìm tiếp tên ông Luyện Quốc Hải trên Web of Science, kết quả chỉ xuất hiện một bài báo duy nhất: Isolation of algal spore lytic C17 fatty acid from the crustose coralline seaweed Lithophyllum yessoense by: Quoc-Hai Luyen, Ji-Young Cho, Jae-Suk Choi, Ji-Young Kang, Nam Park, Yong-Ki Hong, với người chịu trách nhiệm về khoa học là Yong-Ki-Hong và tổ chức Silla University, Sasang-gu, Busan 617-736, South Korea mà trong đó nội dung không có một chút gì đề cập tới gen/vùng gen liên qua tới 18 gen tiềm năng thể thao của VĐV [9].Với sự hỗ trợ khá tiện lợi của công nghệ thông tin, thật dễ dàng để có một bảng đối chiếu 18 gen/vùng gen mà Bionet Việt Nam đưa ra với những thông tin trên trang dữ liệu khổng lồ NCBI (National Center for Biotechnlogy Information), tôi xin làm một bản tóm tắt các gen mà công ty Bionet Việt Nam kê ra để mọi người có dịp đối chứng (Tài liệu đính kèm 2).Một người làm khoa học nghiêm túc cần phải hiểu, khi đưa ra một kết luận mang tính “đao to búa lớn” như vậy cần phải dẫn nguồn, chẳng lẽ ông TS. Luyện Quốc Hải đã từng kinh qua nghiên cứu lại không biết điều đó? Trong khoa học, tất cả những gì chưa công bố trên các trang tạp chí chuyên ngành uy tín đều vô giá trị, nó không khác một kiểu võ đoán, chém gió của những người thích “đùa”.

Một lần nữa, để tìm những dẫn chứng khoa học cho việc phát hiện những gen liên quan tới tiềm năng VĐV ưu tú, một bài viết khá công phu, tổng hợp dưới dạng Topical Review mới nhất 2011, dàn tác giả là các chuyên gia hàng đầu về dinh dưỡng, thể thao, y tế sức khoẻ của các quốc gia như Israel, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Thụy Điển… mà tôi tìm được trên trang Journal of Physiology uy tín, trong đó họ cũng chỉ đề cập tới việc họ quan sát và ghi nhận liên quan giữa một số gen và khả năng đạt thành tích cao trong thể thao, trong đó có nhiều gen mà TS. Hải không hề nhắc đến (ví dụ gen PAPSS2, GNB3,…) hay sai khác với thông tin của ông Hải, (ví dụ như liên quan đếncác môn thể theo sức mạnh hoặc chạy nước rút (nhảy, ném, 100-mét chạy) thường liên quan tới XX kiểu gen của đa hình R577X- Arginine ở vị trí thứ 577 bị biến đổi thành aa khác của đột biến gen ACTN3) [10].Ngoài ra bài báo còn đề cập tới vai trò của các miRNA- một loại micro ARN không mã hóa, có chiều dài cực ngắn khoảng 22 ribonucleotide và đóng vai trò như một chất điều hoà sau phiên mã, giống như một “cái khóa” cũng đóng góp đáng kể trong ghi nhận về các vận động viên xuất sắc. Bài báo có một chi tiết nhỏ trong phần kết luận, nếu xét đa hình kiểu gen thể thao có dãy điểm từ 0-100, thì cho đến nay mới chỉ có 3 VĐV của Tây Ban Nha có điểm kiểu gen cao nhất là 93 với 6 đa hình. Tuy nhiên một phát hiện thú vị là ba VĐV có thành tích cao nhất trong cuộc đua xe đạp vòng quanh nước Pháp chỉ có điểm kiểu gen là 57 mà thôi. Các nhà khoa học cũng chỉ nêu các công bố mà họ ghi nhận được chứ chưa có những khuyến cáo là “nâng giá thể thao bằng xét nghiệm gen”.

Như tôi đã đề cập, việc chúng ta có những vận động viên ưu tú thường thông qua các cuộc thi trong nước mà ngành thể thao tuyển chọn được. Kết quả của “kiểu hình” đó có sự đóng góp của kiểu gen và lớn hơn (theo cá nhân tôi) là do sự khổ công luyện tập, phương pháp luyện tập cũng như một số chiến thuật mà VĐV tích lũy được. Hãy tưởng tưởng, gen như một động cơ một chiếc xe hơi, nếu gen không “tốt” thì rất khó để VĐV có sức chịu đựng và sức bền hơn một người bình thường. Tuy nhiên, công suất cực đại của xe hơi lại phụ thuộc rất lớn vào người điều khiển vô lăng (đóng vai trò như yếu tố ngoại cảnh tác động). Nhớ lại, cô gái vàng thể thao Nguyễn Thúy Hiền, cô đã có những cú sốc và khó khăn vô cùng lớn đó là sức khỏe với những cơn đau dạ dày, đau thần kinh toạ luôn hành hạ, cô bị chấn thương nhiều lần nhưng bằng quyết tâm và nghị lực phi thường mà đã 7 lần vô địch thế giới ở các môn đao thuật và trường quyền. Ngay trong dự án về gen người HGP (Human genome project) UNESCO đã thành lập Ủy ban quốc tế về đạo lý sinh học IBC (International Bioethics Committee). Tổ chức này đã nêu ra các dự án, thu thập ý kiến để đi đến các luật lệ về đạo đức sinh học. Ủy ban này tuyên bố rằng “Bộ gen người là tài sản chung của loài người”, nó là đối tượng cần được bảo vệ và không ai có quyền sử dụng nó vào mục đích thương mại, cũng như để phân biệt giữa người với người trên các đặc tính về di truyền [11]. Với số tiền 6.800.000 đồng cho xét nghiệm một VĐV như công ty Bionet VN quảng cáo với các luận chứng đưa ra hết sức mơ hồ như ở trên, số tiền đó sẽ là rất lớn nếu đó là một dự án mà ngành thể thao quyết định thực hiện “thư ngỏ” của công ty Bionet Việt Nam khi mà số VĐV lên tới hàng trăm thậm chí hàng nghìn, đồng thờ cũng vi phạm đạo lý sinh học IBC của UNESCO trong việc phân biệt đối xử với VĐV khi làm xét nghiệm gen về họnếu nghiên cứu trên là đáng tin cậy. Thay vì làm cái chuyện xét nghiệm gen đó chúng ta hãy đầu tư vào khẩu phần ăn cho VĐV, cho họ được đến những trung tâm huấn luyện chuyên nghiệp để rèn giũa tài năng cũng như có cơ hội cọ sát khả năng tâm lý thi đấu. Nếu tiến hành xét nghiệm ngành thể thao có đủ “dũng cảm” để loại bỏ các VĐV có thành tích tốt nhưng không có gen/vùng gen tiềm năng hoặc ngược lại tuyển các VĐV có gen tiềm năng điểm cao mà chưa qua đào tạo chuyên nghiệp?Câu trả lời xin dành cho quý vị.

Tài liệu tham khảo

[1] http://khoahoc.baodatviet.vn/Home/KHCN/Nang-gia-the-thao-Viet-Nam-bang-xet-nghiem-gene/20128/228386.datviet

[2] http://en.wikipedia.org/wiki/Human_skin_color

[3]http://health.usnews.com/health-news/news/articles/2012/08/13/scientists-id-new-gene-regions-linked-to-type-2-diabetes

[4]http://healthmeup.com/news-buzz/nine-genes-found-to-affect-bone-density/14803

[5] http://bionet.vn/

[6] http://www.mygene.com.au/wp-content/uploads/2012/02/Sport_Brochure_120614.pdf

[7]http://www.livescience.com/20705-transgenic-stingray-shoes-fake.html

[8] http://www.suntory.com/news/2009/10592.html

[9] http://www.springerlink.com/content/v370r61750225000/fulltext.pdf

[10] http://jp.physoc.org/content/early/2011/05/03/jphysiol.2011.207035

[11] http://en.wikipedia.org/wiki/Human_Genome_Project

V.T.N.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Phụ lục 1:

Thông tin tóm tắt về 18 gen (công ty Bionet Việt Nam đề cập) trên NBCI

Gene

Tên đầy đ

Vị trí/

Chiều dài

Sinh vật

Gene ID

Chức năng

ADBR2

adrenoceptor beta 2

NST số 5 2.7Kbp

Homo sapiens

154

Gen này mã hóa thụ thể beta-2-adrenergic Các hình thức đa hình khác nhau, đột biến điểm hoặc mất hoạt tính của gen này có liên quan với bệnh hen suyễn về đêm, béo phì và tiểu đường loại 2. [1]

PPARδ

peroxisome proliferator-activated receptor delta

NSt số 6

111Kbp

Homo sapiens

5467

Gen này mã hóa một loại prôtein có tác dụng kiểm soát kích thước và số lượng các peroxisome sản xuất bởi các tế bào. Nghiên cứu trực tiếp ở chuột cho thấy vai trò của protein này trong myelin của thể chai, chuyển hóa lipid và phát triển tế bào biểu bì. [2]

IGF2rs680

Không tìm thấy

 

n/a

n/a

n/a

ACTN3

actinin, alpha 3

NST số 11

21Kbp

Homo sapiens

89

Gen này mã hóa loại protein actin. Các protein được mã hóa chủ yếu được thể hiện trong cơ xương và các chức năng như một thành phần cấu trúc của vạch Z sarcomeric (cơ vân). Protein này có liên quan đến actin liên kết chéo có chứa sợi mỏng. Đa hình allen trong kết quả này gen trong cả hai mã hóa và không mã hóa các biến thể. Alen phi chức năng của gen này có liên quan với tình trạng vận động của các vận động viên thể thao ưu tú [3]

ACE

angiotensin I converting enzyme (peptidyl-dipeptidase A) 1

NST số 17

28 Kbp

Homo sapiens

1636

Gen này mã hóa một enzyme tham gia xúc tác chuyển đổi của angiotensin I thành một hoạt động sinh lý peptide angiotensin II. Angiotensin II làm tăng huyết áp, kích thích kiểm soát huyết áp và cân bằng chất điện phân. [4]

PPARα

peroxisome proliferator-activated receptor alpha

NST số 22, 121Kbp

Homo sapiens

5465

Gen này điều khiển sự gia tăng kích thước và số lượng của peroxisome. Các peroxisome là bào quan dưới mức tế bào được tìm thấy ở thực vật và động vật có chứa enzyme cho việc hô hấp và chuyển hóa cholesterol và lipid. PPARs ảnh hưởng đến sự biểu hiện của gen mục tiêu liên quan đến sự khác biệt phát triển tế bào di động và đáp ứng miễn dịch và viêm nhiễm. [5]

CKMM

Không tìm thấy, chỉ có gen CKM.

creatine kinase, muscle

 

Homo sapiens

1158

Protein được mã hóa bởi gen này là một enzyme tế bào chất có liên quan đến nội cân bằng năng lượng và là một dấu hiệu huyết thanh quan trọng đối với nhồi máu cơ tim. Các protein mã hóa thuận nghịch xúc tác chuyển giao phosphate giữa ATP và dẫn xuất của nó như ADP. Nó hoạt động như là một phân tử đôi đồng nhất (homodimer) trong cơ vân cũng như trong các mô khác và như là một phân tử đôi không đồng nhất (heterodimer) với isozyme não hay trong tim. [6]

INS-IGF2

insulin- insulin-like growth factor 2 readthrough

NST số 11

42Kbp

Homo sapiens

723961

Vị trí gen này bao gồm hai cách khác ghép đọc thông qua các sắp xếp để các gen INS ở đầu 5’với gen IGF2 ở đầu 3’. Bản phiên mã được dự đoán là mã hóa một protein mà đầu N terminalvới đầu C terminal của INS nhưng dài hơn, trong khi trong khi một bản sao khác là một chuỗi polypeptide vô nghĩa nonsence-mediated deca (NMD). Các bảng này in dấu và biểu hiện ở chi và mắt[7]

VEGFα

vascular endothelial growth factor A

NST số 6

21Kbp

Homo sapiens

7422

Gen này thuộc nhóm gen tăng trưởng, mã hóa một loại protein thường được tìm thấy như là một chất tạo liên kết disulfide trong phân tử đôi đồng nhất. Protein này là một phân bào glycosyl hóa mà cụ thể tác động lên tế bào nội mô và có hiệu ứng khác nhau, làm tăng tính thấm thành mạch, lôi kéo sự phát triển của tế bào hình thành mạch, nội mô, thúc đẩy chuyển đổi tế bào và ức chế quá trình chết theo chương trình tế bào (apoptosis). Ngoài ra còn có bằng chứng cho việc sử dụng các mã AUG không phải là mã mỡ đầu [8]

COL5A1

collagen, type V, alpha 1

NST số 9 264Kbp

Homo sapiens

1289

Gen này mã hóa một chuỗi alpha cho các mức thấp của sợi collagen. Sợi nhỏ hợp thnh collagen phân tử trimers (3 vi ống) có thể gồm một hoặc nhiều loại chuỗi alpha. Loại collagen V được tìm thấy trong các mô chứa collagen và xuất hiện để điều chỉnh việc lắp ráp các sợi heterotypic bao gồm của cả hai loại I và loại V collagen. Sản phẩm này gen liên quan chặt chẽ đến loại collagen XI và có thể là chuỗi collagen loại V và XI tạo thành một loại collagen duy nhất với sự kết hợp chuỗi mô cụ thể. Các đột biến trong gen này có liên quan với hội chứng Ehlers-Danlos, loại I và II [9]

VDR

vitamin D (1,25- dihydroxyvitamin D3) receptor

NST số 12,

83 Kbp

Homo sapiens

7421

Gen này mã hóa hormone thụ cảm trong việc hấp thụ vitamin D3. Thụ thể này có chức năng như là một thụ thể thứ cấp của axit lithocholic trong mật. Mục tiêu đích của thụ thể này liên quan đến quá trình trao đổi chất khoáng chất. Các đột biến trong gen này có liên quan với loại II vitamin D chống còi xương. Đa hình đơn nucleotide trong các kết quả codon khởi đầu trong một vị trí bắt đầu thay thế dịch mã. Kết quả là nối luân phiên trong nhiều biến thể của các protein được mã hóa khác nhau[10]

IL-6

interleukin 6 (interferon, beta 2)

NST số 7,

6.3Kbp

Homo sapiens

3569

Gen này mã hóa một cytokine chức năng trong viêm và trưởng thành của các tế bào B. Ngoài ra, các protein được mã hóa đã được chứng minh là một pyrogen nội sinh có khả năng gây sốt trong những người có bệnh tự miễn dịch hoặc nhiễm trùng. Protein chủ yếu được sản xuất tại các vị trí viêm cấp và mãn tính, nơi nó được bài tiết vào máu và gây ra một phản ứng viêm thông qua các thụ thể interleukin 6, alpha. Các chức năng của gen này liên quan đến một loạt các trạng thái bệnh liên quan đến viêm nhiễm, bao gồm cả đái tháo đường và viêm khớp dạng thấp [11]

COL1A1

collagen, type I, alpha 1

NST số 17,

23Kbp

Homo sapiens

1277

Gen này mã hóa các chuỗi collagen loại I có ba xoắn bao gồm hai alpha1 dây chuyền và một chuỗi alpha2-alpha1. Loại I là một sợi nhỏ hình thành collagen được tìm thấy trong hầu hết các mô liên kết và phong phú trong lớp hạ bì, xương, giác mạc và dây chằng. Các đột biến trong gen này có liên quan với hội chứng Ehlers-Danlos loại VIIa, hội chứng Ehlers-Danlos loại cổ điển, bệnh Caffey và bệnh loãng xương tự phát. Sự hoán vị giữa nhiễm sắc thể 17 và 22, liên quan đặc biệt của khối u da được gọi là protuberans dermatofibrosarcoma, do không được kiểm soát biểu hiện của yếu tố tăng trưởng [12]

AMPD1

adenosine monophosphate deaminase 1

1, dài 29Kbp

Homo sapiens

270

Gen này mã hóa enzyme Adenosine deaminase monophosphate 1 xúc tác deamination của AMP để IMP trong cơ xương và đóng vai trò quan trọng trong chu trình purine nucleotide. Hai gen khác đã được xác định, AMPD2 và AMPD3, gan và erythocyte cụ thể đồng dạng tương ứng. Thiếu hụt enzyme cơ cụ thể rõ ràng là một nguyên nhân phổ biến của bệnh cơ do tập thể dục và có lẽ là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh về cơ [13]

PPARγC1α

Không tìm thấy

     

chỉ có gen PPARA, peroxisome proliferator-activated receptor alpha (đã trình bày ở trên)

TNFα

tumor necrosis factor

6, dài 3.6Kbp

Homo sapiens

7124

Gen này mã hóa một cytokine tiền viêm đa chức năng thuộc về yếu tố hoại tử khối u (TNF). Cytokine này chủ yếu được tiết ra bởi các đại thực bào. Nó có thể ràng buộc và do đó các chức năng thông qua các thụ thể của nó TNFRSF1A/TNFR1 và TNFRSF1B/TNFBR. Cytokine này được tham gia vào các quy định của một phổ rộng các quá trình sinh học bao gồm phát triển tế bào, sự khác biệt, làm chết tế bào, chuyển hóa lipid, và đông máu. Cytokine này đã được liên quan đến một loạt các bệnh, bao gồm bệnh tự miễn dịch, kháng insulin, và ung thư. Nghiên cứu loại trực tiếp ở chuột cũng đề nghị các chức năng của cytokine là bảo vệ thần kinh[14]

HIF-1α

hypoxia inducible factor 1, alpha subunit (basic helix-loop-helix transcription factor)

14, dài 69Kbp

Homo sapiens

3091

Gen này mã hóa tiểu đơn vị alpha của yếu tố phiên mã cảm ứng giảm oxy-yếu tố-1 (HIF-1), mà là một phân tử đôi không đồng nhất bao gồm alpha và tiểu đơn vị beta. HIF-1 có chức năng như điều chỉnh tổng thể của phản ứng tế bào và hệ thống cân bằng nội môi tình trạng thiếu oxy bằng cách kích hoạt phiên mã của nhiều gen, ngoài ra nó còn đóng một vai trò thiết yếu trong vascularization phôi thai, sự hình thành mạch khối u và sinh lý bệnh của bệnh thiếu máu cục bộ[15]

PP

Không tìm thấy, gen này có chủ yếu ở thực vật và động vật. Ở người chỉ có gen PPA1 (pyrophosphatase) hoặc gen PPY (pancreatic polypeptide).

Giả sử xét gen PPY

17, dài 2.2Kbp

Homo sapiens

5539

Gen này mã hóa một protein được tổng hợp như là một tiền chất 95 polypeptide aa trong đảo tụy Langerhans. Nó được phân tách thành hai sản phẩm peptide, các hormone hoạt động của 36 aa và peptide không rõ chức năng. Hormone đóng vai trò như là một điều tiết của tuyến tụy và các chức năng tiêu hóa cũng như sự điều chỉnh lượng thức ăn. Plasma mức độ hormone này đã được chứng minh để được giảm trong điều kiện kết hợp với lượng thức ăn tăng và làm cảm giác chán ăn. Ngoài ra, ở loài gặm nhấm bị béo phì, nếu cung cấp hormon này thông qua truyền dịch thì sẽ giảm được trọng lượng[16].

Tài liệu tham khảo

1. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/gene/154

2. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/gene/5467

3. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/gene/89

4. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/gene/1636

5. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/gene/5465

6. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/gene/1158

7. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/gene/723961

8. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/gene?term=VEGFα

9. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/gene/1289

10. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/gene/7421

11. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/gene/3569

12. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/gene/1277

13. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/gene/270

14. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/gene/7124

15. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/gene/3091

16. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/gene/5539

Phụ lục 2:

Ph_ luc  2 c_a bài 5 from Bionet VN _002 Ph_ luc  2 c_a bài 5 from Bionet VN _003 Ph_ luc  2 c_a bài 5 from Bionet VN _004 Ph_ luc  2 c_a bài 5 from Bionet VN _005 Ph_ luc  2 c_a bài 5 from Bionet VN _006 Ph_ luc  2 c_a bài 5 from Bionet VN _007 Ph_ luc  2 c_a bài 5 from Bionet VN _008 Ph_ luc  2 c_a bài 5 from Bionet VN _009 Ph_ luc  2 c_a bài 5 from Bionet VN _010 Ph_ luc  2 c_a bài 5 from Bionet VN _011 Ph_ luc  2 c_a bài 5 from Bionet VN _012 Ph_ luc  2 c_a bài 5 from Bionet VN _013 Ph_ luc  2 c_a bài 5 from Bionet VN _014 Ph_ luc  2 c_a bài 5 from Bionet VN _015 Ph_ luc  2 c_a bài 5 from Bionet VN _016 Ph_ luc  2 c_a bài 5 from Bionet VN _017 Ph_ luc  2 c_a bài 5 from Bionet VN _018 Ph_ luc  2 c_a bài 5 from Bionet VN _019 Ph_ luc  2 c_a bài 5 from Bionet VN _020 Ph_ luc  2 c_a bài 5 from Bionet VN _021 Ph_ luc  2 c_a bài 5 from Bionet VN _022

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn