Nguyễn Triệu Luật – cây bút tiểu thuyết lịch sử xuất sắc của nền tiểu thuyết Việt Nam hiếm có người so sánh

clip_image001

Nhà văn Phạm Xuân Nguyên khai mạc hội thảo Ảnh: Phan Duy Kha

Nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh nhà văn Nguyễn Triệu Luật (1903 – 2013), sáng 23-8-2012, tại Thư viện Hà Nội, Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức Hội thảo mang tên “Nguyễn Triệu Luật – con người và tác phẩm”. Đông đảo các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ, nhà báo, gia đình và bạn đọc yêu văn chương của Nguyễn Triệu Luật đã tới dự. Nhà văn Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội và ông Nguyễn Triệu Căn, con trai nhà văn Nguyễn Triệu Luật chủ trì hội thảo.

clip_image002 clip_image003

Quang cảnh hội trường (trái) và hai đồng chủ trì hội thảo (phải) Ảnh: Phan Duy Kha

Nhà văn Nguyễn Triệu Luật (1903 - 1946), bút hiệu là Dật Lang, Phất Văn Nữ Sĩ, quê ở Đông Anh, Hà Nội, cháu chắt trực hệ của Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản (1823 - 1890) và Cử nhân Nguyễn Án (1770 - 1815), thuộc một dòng họ có nhiều người đỗ đạt và nhiều người làm đến Thượng thư, Thị lang trong suốt các triều đại lịch sử. Ông là một nhà viết tiểu thuyết lịch sử thuộc giai đoạn văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Ông còn là một nhà giáo dạy sử, nhà báo, nhà nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa. Các tiểu thuyết lịch sử của ông đã được tập hợp in lại trong cuốn Tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Triệu Luật (NXB Khoa học Xã hội, 2011), gồm có:

clip_image004

  • Hòm đựng người (1938)

  • Bà chúa Chè (1938)

  • Loạn kiêu binh (1939)

  • Ngược đường Trường Thi (1939)

  • Chúa Trịnh Khải (1940)

  • Rắn báo oán (1941)

  • Thiếp chàng đôi ngả (1941)

  • Bốn con yêu và hai ông đồ (1943)

Ngoài ra, ông còn tác phẩm Chúa cuối mẻ đang in dở dang trên nguyệt san Tiểu thuyết thứ Bảy (từ số 1, tháng 6-1944 đến số 9, tháng 3-1945) và nhiều tiểu luận, tạp luận đây đó trên nhiều báo và tạp chí đương thời, kể từ tờ Nam phong tạp chí (1923), tờ Phụ nữ thời đàm mà ông là Chủ bút kế nghiệp nhà văn Phan Khôi trong 4 số cuối cùng, các tạp chí Tri tân, Tao đàn... cho đến nay vẫn chưa sưu tập được đầy đủ. Đương thời, ông là nhà văn được độc giả yêu thích, với bút pháp mổ xẻ và hư cấu lịch sử táo bạo, trần trụi, và chân thực đến độ người đọc không hề mảy may cảm thấy nhà văn nói thay lịch sử, cũng không phá vỡ khuôn hình lịch sử đi đến bôi bác lịch sử bằng những tưởng tượng lãng mạn nhạt nhẽo. Lịch sử trong tiểu thuyết của ông hàm chứa nhiều dự báo cho hiện tại, song vẫn là một lịch sử vận động tự nó, theo đúng những quy luật như nó đã từng là.

Hội thảo về Nguyễn Triệu Luật gồm hai phần :

Phần thứ nhất: Con người Nguyễn Triệu Luật

Có các tham luận:

Nhà văn hoá Hữu Ngọc (năm nay 94 tuổi), đồng nghiệp vong niên của Nguyễn Triệu Luật ở Trường Lễ Văn (Vinh), kể lại những ấn tượng đặc biệt về nhà giáo mẫu mực và uyên bác Nguyễn Triệu Luật, một trí thức thuộc thế hệ con cái các nhà Nho chuyển sang Tây học, nên ôm ấp trong lòng những đạo lý làm người truyền thống, tư chất khí khái và nỗi ưu tư sừng sững vì đất nước, một con người biết giữ lối sống thanh đạm và biết dấn thân vì lý tưởng của mình. Ông Hữu Ngọc cũng nói đến đặc điểm khác người của cây bút tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Triệu Luật, ở chỗ, Nguyễn Triệu Luật mang tư cách một nhà sử để viết tiểu thuyết lịch sử chứ không phải với tư cách một nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Chí Tình, con trai ông Nguyễn Đức Bính, nguyên Hiệu trưởng Trường Lễ Văn, hồi tưởng lại những ký ức đậm nét từ những ngày thơ ấu về hình ảnh độc đáo của nhà giáo Nguyễn Triệu Luật và tấm lòng yêu nước đau đáu của ông, mà ông còn nhớ được thông qua cảm nhận của bản thân cũng như lời kể của thân phụ mình.

Ông Nguyễn Triệu Căn nói về chuỗi ngày gian khổ đi tìm hình bóng của người cha thân yêu, nhằm giải đáp câu hỏi nổi cộm của cả gia đình: vì sao con người ấy bỗng dưng biến mất không để lại một dấu vết? Cho đến khi thông qua bạn bè của cha, các nhà văn nhà giáo đàn anh, và thông qua các bộ sách của cha mình còn lưu lại trong các thư viện, lần hồi một chân dung Nguyễn Triệu Luật bỗng hiện diện, mặt này mặt khác bổ sung cho nhau, ngày càng sáng tỏ, là niềm an ủi đối với ông.

Ông Nguyễn Huy Thắng, con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, kể về mối quan hệ quen biết thân tình và có những mặt ngẫu nhiên tương đồng giữa hai nhà văn cách nhau gần mười tuổi Nguyễn Triệu Luật và Nguyễn Huy Tưởng, và mang đến tặng gia đình nhà văn Nguyễn Triệu Luật một số cuốn tiểu thuyết Bà chúa Chè (gồm Bà Chúa ChèRắn báo oán) do NXB Kim Đồng vừa in.

Về cái chết của Nguyễn Triệu Luật, cũng như một số nhà văn tiền chiến đồng thời như Lan Khai, Khái Hưng, Nhượng Tống... cho đến nay vẫn nằm trong vòng bí ẩn, một số báo cáo trong Hội thảo đã nêu lên như một dấu hỏi bức xúc “chưa có lời giải” của cả văn giới và tầng lớp trí thức nói chung.

Phần thứ hai: Tác phẩm của Nguyễn Triệu Luật, có những tham luận của các nhà văn, nhà nghiên cứu, phê bình sau đây: Lại Nguyên Ân, Phạm Toàn, PGS Phạm Tú Châu (họ hàng với nhà văn Phạm Cao Củng), Nguyễn Xuân Khánh, Lê Văn Ba, PGS Trần Thị Băng Thanh, PGS Chương Thâu, bà Nguyễn Hạc Đạm Thư, cháu nhà văn Nguyễn Triệu Luật, và ông Nguyễn An Kiều, con trai họa sĩ Nam Sơn... Nhiều tham luận khác vì thời gian không cho phép nên chưa kịp đọc.

Có thể nói sự nghiệp và cống hiến của Nguyễn Triệu Luật, đúng như tiêu đề bài viết của Phạm Toàn, kết tinh trong sáu chữ: Tài hoa – Uyên bác – Dấn thân. Các bản tham luận đều đánh giá cao tài năng xuất sắc và cống hiến của ông đối với tiểu thuyết lịch sử và nhiều thể loại văn học khác thời kỳ trước 1945 mà về sau cũng chưa dễ đã có người sánh kịp.

Nguyễn Huệ Chi

1. NGUYỄN TRIỆU LUẬT: TỪ MẮT NHÌN TRẺ THƠ ĐẾN KÝ ỨC TUỔI GIÀ

Nguyễn Chí Tình

clip_image005

Ảnh: Phan Duy Kha

Vào khoảng năm 1939 - 1940, tại thành phố Vinh, Nghệ An, một nhóm trí thức có tư tưởng tiến bộ đã sáng lập ra Trường trung - tiểu học tư thục mang tên Lễ Văn, và thầy tôi tức bố tôi, ông Nguyễn Đức Bính, được cử làm Hiệu trưởng của trường. Hầu hết giáo viên trong trường là những người có cảm tình với cách mạng, từng tham gia hoạt động cách mạng, thậm chí từng bị tù đày, và những thanh niên trí thức hăng hái đóng góp cho đất nước thông qua sự nghiệp giáo dục - nâng cao dân trí. Có thể kể: các ông Phan Kiêm Huy, Đỗ Đức Chước, Nguyễn Năng Độ, Bế Ngọc Bảo, Vũ Tuấn Sán, Nguyễn Hữu Ngọc, Phạm Minh Nguyệt, con trai của chí sĩ Phạm Hồng Thái, bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng... Và dĩ nhiên, có Nguyễn Triệu Luật, một trong những nhân vật chủ chốt của trường, giáo viên dạy môn sử học, và lúc bấy giờ đã là một nhà tiểu thuyết lịch sử có tiếng tăm.

Thời gian ông Nguyễn Triệu Luật xuất hiện rồi ra đi, thời gian ông cùng dạy học và gần gũi với thầy tôi, tôi còn rất bé, quãng từ 5 đến 7 tuổi, tuy tôi chứng kiến và không quên hình ảnh của ông, những lần ông gặp gỡ, trò chuyện với thầy tôi và các đồng nghiệp khác, nhưng phần lớn nội dung những cuộc gặp gỡ ấy, thì sau này, chúng tôi khôn lớn hơn, qua tám năm kháng chiến chống Pháp, ở vùng nông thôn xứ Nghệ, tôi mới lần lần được nghe thầy tôi kể cho biết qua nhiều dịp nhắc đến ông.

Như tôi nhớ, lần đầu tiên tôi được thấy ông Nguyễn Triệu Luật là vào một buổi chiều dịu mát, không nắng cũng không mưa, có lẽ là vào mùa thu, ông đến nhà chúng tôi trên một chuyến xe kéo, bước xuống với một cái va-li, mặc một bộ com-lê màu tím thâm và một chiếc áo khoác dài màu cà phê sữa – chiếc áo khoác mà sau này rất hiếm khi ông rời ra. Khi thầy tôi ra cổng đón, ông bắt tay rất vồn vã nhưng mắt lại nhìn vào bọn trẻ chúng tôi. Tôi quên sao được đôi mắt sáng và sâu, nửa như đùa đùa nhưng lại đượm buồn và đặc biệt toát lên một vẻ hiền lành mà trực giác của bất cứ một đứa trẻ nào cũng nhận ra được. Hôm ấy, ông ăn cơm tối với gia đình tôi, và ở lại nói chuyện với thầy tôi khá lâu. Theo thầy tôi kể lại, vì cả ông Luật và thầy tôi đều rất quan tâm đến thời sự chính trị - xã hội, nên hôm ấy họ đã trao đổi rất nhiều về cục diện của cuộc Chiến tranh thế giới thứ Hai vừa bùng nổ, về tình hình rối ren của nước Tàu, về tự do ngôn luận - báo chí và vai trò của người tri thức thời nay. Cũng ngay hôm đó, trước khi bắt đầu giờ dạy sử đầu tiên ở trường Lễ Văn, ông Luật đã nói với thầy tôi là tuy ông rất yêu cả nghề văn cùng nghề giáo, nhưng ông cảm thấy hai nghề ấy vẫn chưa đủ cho cái chí trai ''tang bồng hồ thỉ" của ông, và có lẽ thành phố Vinh chỉ là nơi ông dừng chân tạm thời trên con đường lũ thứ vạn dặm.

Về sau, ông Luật còn đến nhà tôi nhiều lần trò chuyện với thầy tôi, cũng có lúc có mặt một vài người bạn khác. Không ít lần họ nói chuyện bằng tiếng Pháp. Thỉnh thoảng, ông Luật ngâm hoặc đọc mấy câu thơ, trong đó có khá nhiều câu chữ Hán, tôi nghe không hiểu gì, nhưng biết rằng ngoài tiếng Pháp, ông rất giỏi chữ Hán. Cũng có khi ông đọc thơ tiếng Việt. Tôi nhớ một lần ông đọc mấy câu gì đó rồi cười thành tiếng – có lẽ đó là lần duy nhất tôi thấy ông cười thành tiếng, khiến thầy tôi cũng cười theo. Cho nên mãi sau này, thầy tôi vẫn nhớ đó là mấy câu:

"Ngồi buồn đốt một đống rơm,

Khói bay nghi ngút chẳng thơm chút nào

Khói bay lên tận Thiên tào

Ngọc Hoàng phán hỏi đứa nào đốt rơm".

Thầy tôi kể: sau khi đọc mấy câu đó, ông Luật còn bình thêm:

– Cứ như tình hình hạ giới ngày nay, Ngọc Hoàng còn phải nhiều lần bịt mũi vì cái mùi rơm khó ngửi ấy. Tiếc thay, trong đám người đốt rơm thối ấy, có không ít kẻ sĩ chúng ta.

Trong tủ sách khá lớn mà thầy mẹ tôi chở theo gia đình về vùng quê tản cư, có bốn quyển sách của ông Nguyễn Triệu Luật là: Hòm đựng người, Bà Chúa chè, Loạn Kiêu binh, Chúa Trịnh Khải. Một thầy giáo quen biết còn cho chúng tôi mượn thêm cuốn Rắn báo oán in chung với Thiếp chàng đôi ngả. Lúc bấy giờ, lớn dần lên, học đến bậc trung học, chúng tôi mới có dịp đọc từ đầu đến cuối những tác phẩm ấy. Tôi nhớ là các bạn học và tôi đều rất say mê những cuốn tiểu thuyết lịch sử lần đầu tiên nói với chúng tôi về lịch sử đất nước dưới một dạng khác, phức tạp, bí ẩn hơn, huyền thoại hơn, và cũng thật lạ lùng, lại trở nên gần gũi hơn, cuốn hút hơn. Những ngày đó, cha con chúng tôi, và cả các học sinh của thầy tôi, thường có dịp nói chuyện về ông Nguyễn Triệu Luật và tác phẩm của ông. Cũng may mà những gì chúng tôi muốn tìm hiểu hay còn băn khoăn thì hầu như trước đây, thầy tôi đều đã có lần trao đổi với ông Nguyễn Triệu Luật và nghe ý kiến của ông. Ở đây, tôi chỉ nhắc lại một vài điều qua lời kể của thầy tôi.

Có lần thầy tôi nói với ông:

– Nhiều người viết lại lịch sử, nhất là những người muốn ca ngợi dân tộc, gây nên hào khí dân tộc, thường chọn những thời điểm hào hùng, chứng tỏ tinh thần quật khởi của dân tộc, cho thấy những chiến thắng vẻ vang như thời nhà Trần chống quân Nguyên, Lê Lợi đuổi giặc Minh, Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh... Còn anh, tại sao anh lại chọn những giai đoạn đất nước đầy những chuyện đau thương, hỗn loạn, rối ren, ví như những màn bi kịch thảm thương...?

Ông Luật trả lời:

– Quả như vậy. Đấy là chủ ý của tôi nhưng cũng là bản tính bẩm sinh... tôi cứ thấy mình bị cuốn hút về những chuyện u ám trong lịch sử. Mà nói cho cùng, chính trong những thời kỳ lắm cái đau, cái khổ ấy, lịch sử và dân tộc mới để lộ hết thực chất, hết muôn mặt có thực của nó, và chúng ta cũng rút ra được nhiều bài học hơn. Với tôi, thì không phải những khi đất nước bình yên, thịnh vượng mà những khi đất nước tang thương, khốn đốn, tôi mới càng yêu đất nước hơn.

Một lần khác, thầy tôi nhận xét:

– Hình như trong sách của anh, những điều xấu xa, như sự thoán nghịch, sự phản trắc, sự tranh giành xâu xé nhau, cũng như những nhân vật không hay ho gì như bọn gian thần, nịnh thần, vua hèn chúa nhát, một Đặng Thị Huệ hay đám Kiêu binh lại dược mô tả khá sắc sảo, khá đậm nét, làm người ta nhớ lâu hơn những người tốt, những người có lương tâm hay đức độ... Tại sao vậy?

Ông Luật trả lời:

– Nếu anh đọc thấy như vậy thì tôi không cãi lại, dù tôi không hẳn chỉ nghĩ đến cái xấu. Nhưng có một điều: dầu yêu dân tộc mình đến bao nhiêu thì tôi cũng không tán thành những ai chỉ muốn nhìn thấy những cái hay, cái đẹp của dân tộc mình. Đừng ru ngủ nhau bằng những bài "ba lát" ngọt ngào, mà đừng quên rằng chúng ta đang là những kẻ mất nước. Tốt đẹp cả thì đã không như thế này. Tôi có nói ra những sự thật ấy là để chúng ta tỉnh táo nhận ra trách nhiệm của mình, nhất là với những người được gọi là có học, là kẻ sĩ như chúng ta...

Hồi ấy, trong nhà chúng tôi ở Vinh có hàng chục học sinh là con em quen biết đến trọ học, như các anh Nguyễn Đức Đàn, Lương Ngọc Phổ, Phan Uyên, các chị Nguyễn Thị Yến, Hoài Nam, Thoại Dung, đều đã được học môn Sử với thầy Nguyễn Triệu Luật. Theo họ kể lại thầy Luật dạy hay lắm, kết hợp chính sử với những câu chuyện đời sinh động, những lời bình thấm thía. Các nhân vật lịch sử được thầy Luật mô tả cụ thể, trở thành những con người có hình hài, có tính cách hiện lên trước mắt học sinh. Lúc bấy giờ, thầy Luật cùng một số thầy khác, vẫn bị mật thám Pháp theo dõi, nhưng cái tài của thầy Luật là trong khi làm như theo sát các sách giáo khoa đã được chính quyền thực dân kiểm duyệt, thầy vẫn thổi được vào tâm hồn học sinh những tình cảm yêu nước, những ý tưởng dân tộc để học sinh suy nghĩ. Các anh chị ấy kể rằng, có khi cùng một từ, một câu, nhưng giọng đọc, nét mặt thay đổi hay một cái nhếch mép cười của thầy Luật là đủ cho học sinh hiểu thầy có một ẩn ý gì muốn chuyển đạt. Sau một năm đầu, hầu như học sinh ai cũng biết có thể ngoài giảng dạy và viết văn, thầy Luật đang tham gia hoạt động khác. Nhưng điều đó chỉ càng làm họ kính nể thầy hơn, coi thầy như một nhân vật đặc biệt của thời thế. Vào khoảng 1950, ông Đỗ Đức Chước, giáo viên cũ của Trường Lễ Văn, lúc bấy giờ là cán bộ của Nha Thông tin tuyên truyền Liên khu IV, ghé qua thăm gia đình tôi ở vùng quê tản cư. Nhắc đến ông Luật, ông Chước nói với thầy tôi:

– Sau này, hòa bình rồi "toa" cứ đứng ra mở lại Trường Lễ Văn, "moa" đi gọi lại bọn nó về, cứ thằng Ngọc dạy "Frăngxe", thằng Phức dạy "Matêmatic", thằng Luật dạy "Ixtoa" thì vơ hết học trò của thiên hạ. "Moa" chưa thấy ai dạy Ixtoa tài như thằng Luật...

Lúc này, cả ông Chước và bố tôi đều chưa biết ông Nguyễn Triệu Luật đã mất. Chị Thoại Dung là một học sinh Trường Lễ Văn, sau hơn ba mươi năm ở miền Nam, trở lại đất Bắc, đã hỏi thăm rất nhiều về thầy Luật, cho biết rằng, ở miền Nam, trước ngày thống nhất đất nước, người ta vẫn in lại các tác phẩm của Nguyễn Triệu Luật, và nhiều người khi biết chị từng là học trò của nhà văn này, đã sốt sắng hỏi chị rất nhiều chuyện.

Một hôm, khoảng gần trưa, ông Nguyễn Triệu Luật đến nhà tôi, vẫn chiếc áo khoác màu cà phê sữa, nhưng trước ngực có đính một mẩu băng tang. Nét mặt ông có một vẻ buồn nghiêm nghị. Đặt chiếc cặp lên ghế, ông nói với thầy tôi bằng tiếng Pháp:

- Xin lỗi ông Hiệu trưởng, hôm nay trong giờ Sử ở lớp đệ tam, tôi đã không theo đúng chương trình sắp sẵn. Vì hôm nay là ngày người đồng chí của tôi là Nguyễn Thái Học đã bị hành hình sau một cuộc chiến đấu anh dũng. Tôi quá xúc động, không thể giảng bài đã chuẩn bị, mà phải kể lại tấm gương của người anh hùng cho các học sinh. Tôi tin rằng đó là một trang sử bổ ích.

Thầy tôi nhớ là cuối buổi nói chuyện hôm ấy, ông Nguyễn Triệu Luật vừa bắt tay thầy tôi ra về vừa nói:

– Nếu chúng ta chỉ biết hoạt động bằng viết văn, viết báo, dạy học thì vẫn còn những người như thân phụ anh hay đồng chí Nguyễn Thái Học của tôi phải lên máy chém mà thời thế vẫn chẳng thay đổi được. Chúng ta phải tìm đến những gì khác hơn thế (Thân phụ của thầy tôi mà ông Nguyễn Triệu Luật nói đến là nhà cách mạng Nguyễn Đức Công tức Hoàng Trọng Mậu bị giặc Pháp bắt và xử tử hình năm 1917).

Sau hôm ấy, thầy tôi nói với mẹ tôi:

– Có lẽ anh Luật không ở lâu với chúng ta nữa. Tôi hiểu con người anh ấy và tôn trọng ý định của anh khi nói ra như vậy...

Quả vậy, chừng hơn nửa năm sau, ông Nguyễn Triệu Luật lại đến nhà tôi vào một buổi chiều từa tựa như buổi chiều gần hai năm về trước, nhưng lần này là để từ biệt gia đình tôi ra đi như lời ông "vì một công trình dang dở". Vẫn là bộ com-lê màu tím thâm, chiếc áo khoác dài màu cà phê sữa, chiếc va-li da sờn. Ông không nói chuyện lâu như ngày mới đến, có vẻ vội vã, từ chối ở lại ăn bữa cơm chia tay, chỉ nói với thầy mẹ tôi là ông rất quyến luyến mái trường Lễ Văn, thành phố Vinh, nhưng không thể làm khác được, và mong có ngày tái ngộ trên mảnh đất này. Mẹ tôi, như thường lệ, rất dễ xúc động, đã đọc tặng ông hai câu thơ Đường Luật:

"Bài văn ngọn bút dù lưu luyến

Nghiệp lớn đường dài vẫn khát khao".

Ông bắt tay người lớn, nhưng cũng như hôm đầu tiên, lại dành cái nhìn cuối cùng cho đám trẻ chúng tôi, cái nhìn của một đôi mắt sáng, sâu, rất hiền lành và đượm buồn.

Từ đấy, không bao giờ chúng tôi còn gặp lại ông nữa.

Sinh thời, thầy tôi nói rằng trong số những nhà văn mà thầy quen biết, có ba người mà thầy tôi rất muốn viết về họ là Ngô Tất Tố, Hoài Thanh và Nguyễn Triệu Luật. Cho đến trước khi qua đời, thầy tôi đã viết và công bố được hai bài hồi ký - chân dung về Ngô Tất Tố và Hoài Thanh. Sau này chúng tôi cũng ít nhiều đoán được vì sao thầy tôi chưa thể viết và càng chưa thể công bố bài viết về Nguyễn Triệu Luật – nhưng đó là chuyện đời phức tạp, tôi không thể nói được ở đây.

Hôm nay, 70 năm sau ngày nhà văn Nguyễn Triệu Luật từ biệt gia đình chúng tôi để ra đi không hẹn ngày trở lại và 30 năm sau ngày thầy tôi qua đời, tại cuộc hội thảo này, tôi được nhắc lại một vài nét hình ảnh của ông mà ký ức của tôi còn giữ lại và nhất là những gì được chuyển đạt từ lời kể của thầy tôi liên quan đến ông, xin cho phép tôi coi những dòng ghi nhận này là những nén hương thành kính thắp lên bàn thờ của thầy tôi và thắp lên bàn thờ của nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử tài hoa mà hình ảnh cuối cùng của chiếc áo khoác màu cà phê sữa cùng đôi mắt sâu, hiền và và đượm buồn, một thoáng từng đi qua trong mắt nhìn trẻ thơ, để rồi hôm nay sống lại đầy xao xuyến trong ký ức tuổi già của tôi.

N. C. T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

––––––––––––––––––––––––––––––––––––

2. NGUYỄN TRIỆU LUẬT: TÀI HOA – UYÊN BÁC – DẤN THÂN

Phạm Toàn

clip_image006

Ảnh: Phan Duy Kha

Bối cảnh theo con mắt kẻ hậu sinh

Sau hơn nửa thế kỷ lu mờ trong quên lãng, nhờ những người con có chí hướng cao, trong xu thế dân chủ hóa tình cờ nhờ kỹ thuật thông tin phổ cập và rẻ như cho (không in loại sách giấy thì “in” và công bố trên mạng dưới định dạng e–book), và thế là trên bàn thờ Nguyễn Triệu Luật và nhà thờ họ ở làng Du Lâm ngoại và làng Vân Điềm, trên giá sách của con cháu và bạn bè, đã sừng sững dầy dặn gần toàn bộ tác phẩm, những áng văn cấm kỵ một thời cuối cùng đã có cái may mắn được công bố – những cuốn tiểu thuyết lịch sử cuốn nào cũng hay, những văn phẩm của trí tưởng tượng ngang ngửa về giá trị nghệ thuật với những tác phẩm cùng thể loại của các đại tác gia nước ngoài. Nói tới đại tác gia nước ngoài ở đây, là nghĩ đến một Victor Hugo hoặc một Alexandre Dumas chẳng hạn. Tư Mã Thiên cũng là một tác gia lớn, trí lự và tuyệt đối tài năng, nhưng Tư Mã Thiên chỉ là một nhà sử học đơn thuần, vị sử gia vĩ đại này chưa thành nhà tiểu thuyết lịch sử tài hoa như Nguyễn Triệu Luật của chúng ta!

Khi Nguyễn Triệu Luật còn sống và công bố dần các văn phẩm, thế hệ người viết bài này còn bé bỏng, sau đó lớp trẻ chúng tôi còn phải mài đũng quần theo bậc tiểu học trường Tây, rồi bậc cao đẳng tiểu học trường Tây rồi nửa Tây nửa Ta (hiếm người đọc và hiểu Nguyễn Triệu Luật), sau đó là chiến tranh liên miên, rồi cùng với chiến tranh là sự xuất hiện của cái “mái trường xã hội chủ nghĩa” nằm bên trong một thứ môi trường văn hóa tự đào tạo rồi tự xưng là một hệ thống mới, mới hoàn toàn, mới triệt để, mới và không dung nạp bất kỳ giá trị văn hóa nào khác gửi trong những tài năng thực sự là tài năng (Chắc chắn Nguyễn Triệu Luật và các đồng chí của ông không thể có chỗ đứng trong hệ thống mới mẻ triệt để này – một chỗ nằm thì chắc là có, và dĩ nhiên là đã có rồi). Thế hệ người viết bài này khi bừng tỉnh thì đã sống gần trọn một cuộc đời trăm năm, gần một thế kỷ cô đơn trong một cuộc đời mới hoàn toàn mới được định nghĩa là một cuộc đời làm chủ tập thể ấm áp. May sao, trong quãng thời gian dài như chớp mắt ấy, một Liên Xô mênh mông ngạo mạn đã kịp tự mình khuỵu xuống rồi chẳng ai mó tay xô đẩy cũng tự mình sụp đổ như say hoặc như thiếu vodka. Chưa hết, các nước xã hội chủ nghĩa anh em văn minh nhất ở bên trời Tây cũng theo nhau sụp đổ... để cả một hệ thống “phe ta” chỉ còn rơi rớt lại vài ba nước như mấy kẻ mồ côi, song thảy đều là những kẻ mồ côi to lớn lộc ngộc, to xác mà chưa chịu khôn, những nền văn hóa tự nhận là “tinh hoa” đấy, mà vô cùng lạc hậu...

May sao, muộn còn hơn không, tác phẩm Nguyễn Triệu Luật đã đến với xã hội nhờ đó mà đến với thế hệ chúng tôi, như một dòng nước mát cho kẻ khát, như những lời giảng giải cặn kẽ chi li cho những tên học trò mất phương hướng nên đã thành trò hư, như những khát khao của một dòng nước mát mang theo cơn khát cho những tâm hồn ham sống trong một cuộc đời có những giá trị nghệ thuật bi thiết và đích thực.

Nhân dịp này, kẻ hậu sinh thiếu thốn sở học này xin có vài lời cảm nhận sau hơn một tháng đêm đêm chong đèn đọc đi đọc lại tám tác phẩm tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Triệu Luật (1).

Lịch sử – Sử học – Tiểu thuyết lịch sử

Nói một cách bóng bẩy, thì Lịch sử là một “thằng câm”, còn Khoa học lịch sử (hoặc môn Sử học) là kẻ tình nguyện đứng ra tìm cách nói hộ thằng Câm vĩ đại kia bằng cách nói to lên những điều vẫn gọi bằng sự thật lịch sử – nhưng oái oăm thay, rất nhiều khi những “sự thật” đó lại chỉ là một nửa sự thật, một nửa đã khá, có khi thậm chí là một nửa phần trăm sự thật – và có khi còn là những “sự thật” bị bóp méo hoặc những “phản sự thật”.

Vì sao? Vì cuộc sống của “thằng câm” trôi đi và thường không để lại dấu vết hoặc để lại rất ít dấu vết, và phần lớn những dấu tích cũng lại “câm” nốt. Ngay vào thời hiện đại, với phương tiện hiện đại, bằng cách phân tích phóng xạ C14 thì kết quả tra khảo “thằng câm” xem sự kiện ấy xảy ra hôm nào, thì câu trả lời cũng xê dịch chính xác... trên dưới vài ba hoặc dăm bảy nghìn năm!

Và thế là cuộc sống ấy, để có được những bài học lịch sử rút ra từ những sự thật hoặc nửa sự thật lịch sử ấy, thảy đều do những sử quan chuyên nghiệp hoặc không chuyện nghiệp ghi lại. Quyền lực của các “sử quan” đó thật gớm ghê, đến độ nhà sử học Pháp Antoine Prost không ngần ngại cho rằng “Các nhà sử học làm nên lịch sử”, hoặc “lịch sử, đó là những gì các nhà sử học làm ra”... Trong trường hợp Nguyễn Triệu Luật chẳng hạn, các sử quan nhu mì dễ sai khiến có thể làm cho một nhà tiểu thuyết lịch sử biến mất khỏi cuộc sống, không để lại dấu vết.

Có thể dùng thêm thí dụ sau đây tìm thấy trong lời giới thiệu Sử ký Tư Mã Thiên của học giả Phan Ngọc để minh họa cho ý kiến của Prost:

“ … chức sử quan ngoài việc chép sử còn coi thiên văn, làm lịch, bói toán. Nghề viết văn, viết sử, xem sao, xem lịch thì cũng gần với bọn thầy bói, thầy cúng. Chúa thượng vẫn đùa bỡn nuôi như bọn con hát, còn thế tục vẫn coi thường. Tuy vậy, Tư Mã Đàm (cha của Tư Mã Thiên) vẫn thấy cái nghề của mình là cao quý vì ông biết nó có tác dụng to lớn đối với sự thịnh suy, hưng vong của một nước” (2).

Và đây là một ca sử quan rất đáng cho ta suy nghĩ:

“… khi Thôi Trữ giết vua Tề thì quan Thái sử nước Tề viết: "Thôi Trữ giết vua của mình là Trang Công". Quan Thái sử bị giết, người em lên thay vẫn viết như vậy nên bị giết luôn. Ngay lúc đó, người em thứ ba xin lên thay không thêm bớt một chữ. Thôi Trữ sợ không dám giết”(3).

Những sự thật lịch sử cả về phía nhân vật lịch sử lẫn người sử quan như vậy là những điều sử sách còn ghi lại được. Nhưng có biết bao nhiêu điều sử sách chịu không sao ghi lại nổi? Câu hỏi này tự nó đã là câu trả lời.

Vì thế mà cuộc sống rất cần đến những nhà hoạt động văn học nghệ thuật – những con người chỉ có một sứ mệnh nói lên không phải là những sự thật lịch sử, mà nói lên những nỗi niềm lịch sử. Mỗi nghệ sĩ đó bao giờ cũng có những nỗi niềm riêng tư vô cùng mạnh mẽ khiến họ không thể chỉ giữ cho riêng mình, không thể không nói ra. Và một khi họ nói nỗi niềm đó ra thì những tiếng nói họ cất lên lại có một sức mạnh hoàn toàn khác với những điều đã được kể ra từ cửa miệng các sử quan, kể cả các sử quan dẻo mồm nhất.

Với tư chất bao giờ cũng khiêm nhường, thậm chí nhiều khi nhút nhát, các nghệ sĩ chẳng mấy khi dám nhận là họ nói hộ nỗi niềm của toàn xã hội – họ chỉ nói lên riêng một nỗi niềm của họ mà thôi. Song chính cái niềm riêng đó mới đụng chạm sâu sắc được tới những niềm chung (gửi trong tấm lòng các bạn đọc tiểu thuyết lịch sử, của bạn xem kịch và coi phim lịch sử, của bạn ngắm tượng đài lịch sử…). Đến lượt nó, cái quần chúng có văn hóa của một dân tộc sẽ tiếp nhận hai luồng ảnh hưởng tinh hoa: ảnh hưởng về lý trí từ các sử quan tử tế, và ảnh hưởng về tình cảm từ các nghệ sĩ chân chính và tài năng.

Song, cần nhắc lại yếu tố vừa được nhắc tới: các nghệ sĩ chân chính và có tài năng. Chỉ những nghệ sĩ chân chính và có tài năng mới có thể để lại những tác phẩm nghệ thuật mang đề tài lịch sử. Chỉ những nghệ sĩ chân chính mới có nỗi đau khiến họ phải đào sâu vào khoa học lịch sử chẳng kém một nhà sử học ưu tú nhất, song họ lại hơn đời ở một nỗi ưu tư nên họ mới làm ra được tác phẩm nghệ thuật có đề tài lịch sử – “tác phẩm nghệ thuật với lịch sử như một cái cớ” – sử dụng tính ẩn dụ của nghệ thuật để gợi ý được nhiều hơn với người đời – có thể coi như ngang bằng hoặc hơn là một cách biểu đạt khác của Sử học.

Quan niệm tiểu thuyết lịch sử

Trước hết, ta hãy nói về quan điểm đó, rồi sau đó sẽ cùng nhau lý giải về quan điểm đó.

Đây là quan điểm của Nguyễn Triệu Luật về tiểu thuyết lịch sử:

“…, viết “lịch sử tiểu thuyết” (roman historique) không cần theo phép của Sử học. Tác giả chỉ phải tưởng tượng ra một “truyện có thể có” ở một thời đại, rồi đem chuyện ấy lồng vào khung thời đại ấy. Mục đích là lấy một chuyện không đâu mà làm sống một thời đại. Những tiểu thuyết “Notre-Dame de Paris”, “Quatre-vingt Treize” của Victor Hugo, “Les filles d’autrefois” của Léon Daudet, đều là bịa đặt, nhưng đọc truyện đó, ta thấy cả thời đại hồi Vua Louis và hồi Đại Cách mạng sống lại” (Lời nói đầu cho tiểu thuyết Hòm đựng người) (4).

Victor Hugo có hai tiểu thuyết lịch sử gần như thể hiện đầy đủ quan điểm của Nguyễn Triệu luật về thể loại này: cuốn Thằng gù ở Nhà thờ Đức Bà Paris (1830) và cuốn Chín Mươi Ba (1870) (5).

Chín Mươi Ba đúng là một câu chuyện “tưởng tượng, bịa đặt, không đâu” nhưng “đủ sức làm sống lại một thời đại”, như lời Nguyễn Triệu Luật. Câu chuyện được Victor Hugo đặt vào năm 1893, năm đại khủng bố, năm Cách mạng phải chống chọi thù trong giặc ngoài, cái năm mà ba tiểu đoàn Paris, mỗi tiểu đoàn sáu trăm binh sĩ tình nguyện, tiểu đoàn một còn lại hai mươi bảy anh em, tiểu đoàn hai còn lại ba mươi ba, và tiểu đoàn ba còn năm mươi bảy. Thời của những cuộc chiến đấu thấm đẫm chất anh hùng ca…, cũng là năm đầu rơi máu chảy quyết liệt, năm máy chém hoạt động hết công suất… Thế nhưng vào năm đó Gauvain một sĩ quan trẻ của Cách mạng, sau khi bắt giữ được Hầu tước Lantenac một lãnh tụ phản cách mạng vô cùng nguy hiểm mới từ nơi trốn tránh ở bên Anh lần về nước hoạt động bí mật chống phá Cách mạng tại vùng phản loạn Vendée, chàng Gauvain đã thả cho ông già đó được tự do vì anh đã chứng kiến hành động nhân đạo tuyệt trần khi ông ta xông vào lửa cứu lũ trẻ nhỏ. Gauvain bị ông Cimourdain thầy học của mình nay lại là một cấp “chính ủy” của mình lập hội đồng xét xử và tuyên án tử hình.

Gauvain thanh thản lên máy chém vì đã thỏa mãn cả tinh thần nhân bản cũng như tinh thần thượng tôn pháp luật của Cách mạng! Nhưng khi cái đầu của người học trò vừa lăn vào rọ, thì người thầy học cũ, chính ủy Cimourdain cũng rút súng ra tự sát, để hai linh hồn bi thương đồng điệu tay trong tay cùng bay lên, bóng tối của tâm hồn này hòa trộn với ánh sáng của tâm hồn kia.

Tiểu thuyết Hòm đựng người của Nguyễn Triệu Luật cũng mang một câu chuyện như thật mà cũng chẳng kém huyền hoặc. Đó là một câu chuyện tình giữa Vũ Lăng hầu Duy Lễ, một ông hoàng thất sủng, với nàng Âu Mai, một cung phi được sủng ái quá mức, sủng ái đến độ vua chết rồi còn được “tuyển dụng” tiếp đi theo vào lăng để hàng ngày hương khói cho cái xác cựu vương, hàng ngày cùng cả trăm chị em cung nữ khác, cả trăm cái bóng ma áo trắng đó bị chôn sống theo cái thói tham lam của kẻ chuyên chế. Bên cạnh việc chạy chọt cho Âu Mai sớm được về với gia đình, trong lúc chờ đợi, một cuộc âm mưu kỳ thú được tạo ra ở chính cái nhà tù chung thân kỳ quái này: trong một lần “thăm nuôi” nàng Âu Mai, người nhà đã cho ông hoàng thất sủng Duy Lễ trốn vào trong hòm và cùng với những đồ tiếp tế khác đã khiêng chàng đi “tiếp tế” cho cái xác người Âu Mai ngồn ngộn sự sống đang bị chôn sống trong lăng cựu vương.

Giống như Gauvain của V. Hugo thanh thản lên máy chém vì sứ mệnh Tự do, Bình đẳng, Bác ái, nàng Âu Mai cùng cô hầu Thúy Hồng cũng cắn răng chịu đựng mọi cực hình khi vụ việc bại lộ. Người đọc chỉ hơi tiếc một chút: trong tiểu thuyết Chín Mươi Ba Victor Hugo để cho hai thầy trò tâm sự với nhau suốt một đêm trong ngục trước ngày Gauvain lên máy chém (một phát triển rất tự nhiên của câu chuyện đang kể) thì việc mô tả các loại cực hình mà Âu Mai cùng Thúy Hồng chịu đựng lại có vẻ như những trang tư liệu giáo khoa lịch sử có phần khô khan (một câu chuyện đang kể tự nhiên như tiểu thuyết hình như có phần bớt tự nhiên đi, và do đó sự già gan chịu cực hình của Âu Mai và Thúy Hồng hình như chỉ cốt phục vụ cho việc mô tả các cách thức cực hình thời đó.

Cũng cần thông cảm, nếu ta đặt địa vị mình vào vai trò người cầm bút. Hình như tác giả cũng bó tay, khó có cách gì hơn để cho hai nhân vật chính của câu chuyện tình được thấy mặt nhau lần cuối. Lý giải sao đây? Có lẽ vì Nguyễn Triệu Luật vẫn còn là nhà sử học, nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử ấy đã không dám bịa đặt nhiều hơn mức độ cái Thật Lịch sử cho phép – một trình độ dễ dàng vượt qua nếu Nguyễn Triệu Luật chỉ thỏa mãn với việc tưởng tượng cỡ Phan Trần Chúc hoặc Lê Văn Trương hoặc Lan Khai hoặc Thế Lữ cùng thời đó).

Điều này liên quan tới sử liệu trong tay nhà Sử học và sử liệu trong tay nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử.

Sử liệu trong tay nhà tiểu thuyết

Nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử đứng trước một vấn đề rất gay cấn: làm cách gì để bạn đọc đinh ninh rằng những điều nhà văn đang tưởng tượng rồi kể ra đều là những chuyện “có thật” chứ không phải là bịa đặt do đó không tin được? Chính cái yếu tố kiềm chế cuả nhà văn khiến cho không khí lịch sử được Nguyễn Triệu Luật miêu tả có được sự tin cậy với bạn đọc.

Trước hết, sự tin cậy nằm trong những sử liệu Nguyễn Triệu Luật dùng trong tiểu thuyết của mình và bạn đọc biết chắc các sử liệu đó đều đã có trong những tài liệu chính thức khác. Bọn Kiêu binh ở Thăng Long đã được kể lại cả trong chính sử lẫn trong những ghi chép văn chương(6). Những sử liệu đó thường là ngắn gọn, những câu kể và không cần đến những câu tả cũng như những biểu đạt thuộc tâm lý nhân vật đang sống trong chính các sự kiện lịch sử ấy.

Đóng góp của Nguyễn Triệu Luật nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử là ở hai điểm.

Điểm thứ nhất là Nguyễn Triệu Luật đã có công dùng văn phong tiểu thuyết để miêu tả và dựng lại bối cảnh cho sinh động như thật. Bạn đọc có thể thấy ngôn ngữ và hành động – đặc biệt là tâm lý đám đông trong cách ứng xử của lính tam phủ (lính tuyển ở ba phủ Hà Trung, Thiệu Hóa và Tĩnh Gia thuộc tỉnh Thanh Hóa) khi bọn họ trở thành ưu binh đóng trại ở sát các Phủ Chúa sau khi đã giúp nhà Lê Trung hưng, khi họ được lôi cuốn vào những việc quốc gia đại sự như những con rối đầy tiếng ồn và đấy sức phá phách...

Điều đóng góp thứ hai của Nguyễn Triệu Luật là cùng với văn phong miêu tả ấy, Nguyễn Triệu Luật còn tôn cao được đặc điểm tâm lý của nhân vật là điều các sách chính sử không có trách nhiệm nói ra đã đành, mà ngay cả sách bút ký văn chương (Hải Thượng Lãn Ông và các tác giả văn phái họ Ngô) lắm khi cũng bỏ qua hoặc chỉ nói bằng những câu kể gọn lỏn, trong vụ Tĩnh Đô vương chẳng hạn thì chỉ nói đến bỏ con trưởng lập con thứ, thế thôi. Nhưng trong Bà Chúa Chè, đoạn miêu tả liên quan đến cả chuỗi âm mưu đòi bỏ con trưởng lập con thứ đó thật hết sức thú vị, bộc lộ sự khéo léo của Đặng Thị Huệ, nói được tâm trạng cả nể của Tĩnh Đô vương nữa...

Như đoạn này chẳng hạn:

“Ở Bội Lan Thất, Đặng thị ngồi chờ chúa Tĩnh Đô để thưởng trăng rằm tháng Tám.

“Ngoài sân, dưới gốc cây mai già đã bày sẵn tiệc thưởng nguyệt. Trên một cái sập gỗ kim giao trắng bóng như ngà, bày đủ các thức hoa quả thì trân cùng những món thực phẩm thưởng nguyệt: ốc nhồi, gỏi cá. Xung quanh mâm đặt ba chiếc nệm điêu thử để chỗ sẵn ba người ngồi: chúa, Đặng thị và vương tử Cán. Lúc đó mới đầu giờ Dậu, trăng chưa lên, nên Đặng thị còn ngồi trong nhà.

“Một lúc, vào cuối giờ Thân, chúa Tĩnh Đô ngự đến, đi giữa hai dãy đèn lồng phất lượt đỏ, vẽ long mã. Thưởng chè trong Bội Lan Thất xong, chúa cùng ái phi ra dự tiệc. Xung quanh sập bọc, một đoàn thị nữ cầm đèn lồng soi sáng. Một lúc trăng lên. Chúa truyền tắt đèn để hưởng ánh trăng bạc. Trông ánh trăng luồn qua cành mai, chúa tươi cười:

“ – Trăng hôm nay trong, tăng thêm vẻ đẹp cho gốc mai. Thi nhân nói rằng Hữu mai vô tuyết bất tinh thần, nhưng mai với trăng có lẽ đẹp hơn mai với tuyết.

“ Đặng thị tiếp:

“ – Hữu mai hoa xứ, nguyệt minh đa

Có mai trăng lại càng trong,

Huệ kia không quả còn mong nỗi gì.

“Chúa xoa đầu Tử Cán:

“ – Huệ không có quả là gì đây?

“ – Quả vô dụng, có cũng uổng thôi” (7).

Hoặc giả Sử học và các tư liệu lịch sử đều ghi lại chuyện tư thông Huy Quận công Hoàng Đình Bảo và Đặng Thị Huệ cùng với việc hai người này hợp sức tổ chức quyền lực. Sách sử đều ghi bài ca lưu truyền nửa giễu cợt nửa sấm truyền này:

Trăm quan có mắt như mờ

Để cho Huy quận đi sờ Chính cung.

Đục cùn thì giữ lấy tông,

Đục long, cán gãy còn mong nỗi gì…

Thế nhưng, với ngọn bút Nguyễn Triệu Luật, cả một khung cảnh đàn áp, dọa nạt, đe dọa, khủng bố, bắt bớ đã được miêu tả tỉ mỉ và hóm hỉnh, nói rõ được tâm trạng người dân sống nơm nớp bất an:

“ Ở bãi cỏ trước cửa Đông Hoa, dân gian đương đứng xúm vòng trong vòng ngoài, xem lính phủ Trung Duệ sắp hành hình cắt lưỡi một bọn năm người vừa mới bắt và điệu ở chợ Đông Thành đến. Lúc lính vào chợ, sấn vào giữa đám đông bắt thì người ta chạy giạt cả ra phía bờ sông, Cầu Cháy, sợ phải bắt lây. Lính vào túm được có năm người, bắt trói giải. Khi số người xấu số bị bắt đã bị giải, thiên hạ lại túm đông lại xem, rồi riều riễu vây theo cho đến tận bãi cỏ trước cửa Đông Hoa.

“ Năm người bị trói ghì vào năm cái cọc cắm sâu xuống đất. Khi lính lấy kìm vành mồm, kéo lưỡi ra cắt, trong đám đông người, người ta thấy thì thầm tiếng kháo chuyện:

– Thằng hát chẳng bị cắt lưỡi, thằng đứng nghe bị cắt lưỡi.

“ – Có, thằng trói ở gốc thị kia, thằng ấy có hát.

“ – Kể hát, thì lúc ấy vui mồm ta cũng có hát. Kể bắt thì trăm người mới đủ.

“ – Mới biết mày nữa là sáu.

“ Một bàn tay nắm gáy người vừa khoe rằng có hát, rồi lôi ra bãi cỏ, trói vào một cái cọc nữa... (8).

Đoạn văn vừa trích cho thấy ngòi bút tài hoa của Nguyễn Triệu Luật không chỉ kể chuyện về sự khủng bố chính trị thời nhiễu nhương Lê-Trịnh, mà còn miêu tả được tâm trạng công chúng và cách thức bắt người, cách thức đàn áp dư luận. Mới biết mày nữa là sáu – một câu nói hết sức hồn nhiên tùy tiện của người lính đi bắt kẻ phạm tội, được Nguyễn Triệu Luật nghĩ ra, nay đọc lên sao mà thấy tức cười!

Ở nhiều đoạn, Nguyễn Triệu Luật đều có văn phong miêu tả vừa tỉ mỉ vừa hóm hỉnh như thế.

Trên kia, người viết bài này đã mạo muội chê đoạn kết của Hòm đựng người. Xin nói luôn: chỉ một đoạn kết ấy là có chút sơ hở thôi. Những đoạn kết khác đều gây cho bạn đọc sự hồi hộp khi dõi theo tâm trạng nhân vật chính.

Đó là sự gan góc của Bà Chúa Chè Đặng Thị Huệ nhất quyết không chịu đứng chung chiếu (chung thứ bậc):

“Quan Tri Lễ Phiên đến sắp đặt. Trông thấy Tuyên phi, ông nói:

“ – Lúc hành lễ, vương phi đứng ở chiếu thứ ba. Chiếu trên là chỗ Vương thượng; chiếu thứ hai là chỗ Vương thái phi; chiếu thứ ba là chỗ chính phi cùng vương phi đứng.

“ – Xin vâng.

“Nàng nghĩ bụng: “Ta đứng cùng chiếu với vợ hắn, kể ra thì cũng phải, nhưng khi nào lại chịu đứng sau hắn, nhất là sau mẹ hắn, con Dương Ngọc Hoan! Bà hắn đứng sau hắn lại là nghĩa khác. Ta khi nào lại chịu!

“Giờ tế đã đến…

[ … , … , …]

“Bẩm Chính cung cùng Tuyên phi tựu vị.

“Chính cung tiến vào đứng chiếu thứ ba.

“Mọi người nhìn Tuyên phi, vẫn thấy nàng không nhúc nhích. Đợi mãi không được, quan Đông Xướng xướng sang câu khác.

“Lễ … ễ … tất … ất …

“Mọi người lui ra. Lúc đó người ta mới thấy Tuyên phi tiến vào, đứng ở chiếu thứ nhất. Lính thét nàng ra, nàng vẫn đứng nguyên, ôm mặt khóc rưng rức. Chúa Đoan Nam nói:

“– Thôi để mặc cho Tuyên phi lễ.

“Khóc một lúc, nàng phục xuống. Mọi người vẫn nghĩ là nàng ngồi xuống lễ, ai ngờ thấy nàng ngã sấp xuống, rồi một dòng máu tuôn ra chiếu lễ.

“Mọi người túm vào thì nàng đã nằm phục trên đống máu, một con dao cắm từ hầu lòi qua gáy”(9).

Cái chết của Tuyên phi Đặng Thị Huệ là cái chết của người theo đường lối “được ăn cả, ngã về không”, con người quyết liệt từ bé, con người khác hẳn ông đồ cha mình chỉ muốn an phận thủ thường, con người có chí như Ngũ Tử Tư Nhật mộ đồ viễn, đảo hành nghịch thi, đường thì còn xa mà việc thì còn nhiều, phải chọn cách làm ngược thì mới nên nghiệp lớn được(10).

Tâm lý Đặng Thị Huệ lại khác hẳn tâm lý của Trịnh Khải khi vị chúa này chạy trốn loạn Kiêu binh. Nguyễn Triệu Luật đã phác họa nên chân dung mang tâm trạng một chúa Trịnh Khải. Đó là một con người tài hoa, có khiếu hài hước nữa, đến bước đường cùng phải cải trang cùng mấy tên bầy tôi trốn khỏi kinh thành trước bước tiến không gì cản nổi của quân nhà Tây Sơn từ phương Nam tràn ra Bắc Hà. Và bây giờ là lần lượt liên tiếp những trạng thái lo âu rồi vững tâm, cả tin và cũng ngờ vực, sợ hãi và vững dạ… cho đến khi tự tìm đến cái chết!

Trịnh Khải qua sông để sang làng Lực Canh (chỗ làm cầu Nhật Tân bây giờ), trong bụng hồ nghi,

“… không biết nên tin hay nên ngờ. Thật là em Nguyễn Đường chăng, mà bụng dạ cũng như Nguyễn Đường chăng? Hay là một đứa phản thần nào đó biết rõ tung tích gia thế Nguyễn Đường mạo nhận để lừa vua?

“Sau cùng đành liều mà bảo Nguyễn Noãn gọi đò. Gọi mãi mới được một chiếc đò nhơ nhỡ đủ hai người một ngựa xuống thuyền.

“Ngồi mạn thuyền, Trịnh Vương băn khoăn lo lắng. Muốn nhìn xem mặt tên Noãn có giống Nguyễn Đường không thì một ngọn đèn dầu không đủ ánh sáng…

[ … ]

“Ngửa mặt trông trời, trời sao nhấp nhánh, Trịnh Vương sực nhớ lại năm xưa Tả tư giảng Ngô Thì Nhậm giảng ông nghe bộ sách “Quản Khuy”, rồi vương cố tìm xem các sao Đế Tọa ở nơi nào. Gió nồm nam vẫn thổi mạnh, đưa những tiếng ồn ào nơi kinh sư đến. Bây giờ, giặc Tây Sơn đương làm cỏ thành Thăng Long đây” (11).

Đến một lúc, Trịnh vương muốn thoát ra khỏi mọi hồ nghi để biết rõ mình đang bị lừa hay không, phải chăng mình đang trong tay những kẻ sẽ trói mình lại và đem nộp quân Tây Sơn lĩnh thưởng.

Nhưng ngay cả vào những lúc nguy kịch như vậy, con người vương giả mơ mộng vẫn không ngừng cựa quậy.

Trịnh vương làm thơ! Oái oăm thay, khi nhớ lại những câu thơ ông ta làm dở dang cách nay ba bốn năm, Trịnh vương thấy hai câu mới làm bỗng thành sáu câu thơ có cùng vần. Con người mơ mộng hão đó vẫn còn kịp tự giễu mình:

“Ô hay, giá ta nghĩ được hai câu ngũ lục nữa thì thành bài thơ. Thân thể ta có lẽ cũng đầu Ngô mình Sở như bài thơ này” (12).

Con người ấy vẫn đùa cợt và vẫn chưa bắt gặp và nhận ra thực tại nguy hiểm cho mình! Sau một giấc ngủ ở một cái quán cầu, thực tại ấy đây, được nhà tiểu thuyết Nguyễn Triệu Luật viết ra một cách tinh tế:

“… Chừng đầu giờ Dần, Chúa tỉnh ngủ dậy, nhìn lên trời thấy có trăng.

“ – Hôm nay 26. Trăng lên thì gần sáng.

“Chúa đánh thức Noãn dậy rồi hai người lại cùng đi. Trời tảng sáng, chúa nhìn kỹ mặt tên Noãn, thấy giống Nguyễn Đường nhưng thần thái thì khác. Cùng một khuôn mặt ấy, sao ở Nguyễn Dường thì khí sắc sáng sủa mà ở Nguyễn Noãn thì khí sắc ấy tối tăm hung ác. Chúa nghĩ bụng; anh em chưa chắc bụng dạ đã như nhau. Mà nếu đã trái tính nhau thì trái hẳn như trắng với đen. Bụng hơi chờn chợn, chúa hỏi Nguyễn Noãn:

“– Đây là đâu?” (13)

Đây là đâu? Một câu hỏi bi thiết! Một đấng quân vương chân đứng ngay trên đất nước mình mà phải đặt câu hỏi như của một người xa lạ Đây là đâu? Một bậc chăn dân được dân đón tiếp khi chạy loạn mà lòng hồ nghi không biết nên tin ai nên cậy vào ai và đặt câu hỏi như người mơ ngủ Đây là đâu?

Đây là đâu? Đây là con đường cụt dẫn tới nơi đón rước những con người xứng đáng với con đường cụt ấy – những phe cánh trong triều đình không biết chăn dân chỉ biết đấu đá vì lòng tham vì u mê và vì quyền lực!

Những trang cuối Chúa Trịnh Khải thật vô cùng bi thiết.

Chúa Trịnh Khải tự mổ bụng chết trên cái võng bọn Tuần Trang, Ba Noãn khiêng đi nộp quân Tây Sơn vừa để lấy thưởng vừa để chứng minh tay họ sạch, họ không liên quan gì tới triều đình Lê-Trịnh.

“Trang dìu thi thể Trịnh Vương về Thăng Long. Long Nhương tướng quân nhà Tây Sơn là Nguyễn Huệ vỗ vào thi thể Trịnh Vương:

“ – Đáng tiếc! Người đẹp trai như thế này! Thật đáng tiếc. Nếu sớm biết hàng ta thì cũng được giàu sang! Sao mà thân làm tội đời như thế này!” (14)

Hình như nhà văn Nguyễn Triệu Luật có cảm thấy tiếng cười lúc này là đúng tính cách một nhân vật tự do chủ nghĩa như Nguyễn Huệ, nhưng dù sao thì một tiếng cười như thế vào lúc này kể cũng hơi ác, nên liền đó nhà tiểu thuyết liền đền bù cho cái chết của chúa Trịnh Khải những dòng hết sức bi tráng tả cảnh Lý Trần Quán chết theo Chúa:

“… Lý Trần Quán sai đào ở vườn sau nhà một cái huyệt, đặt áo quan vào đó. Đoạn đội mũ, mặc áo tiến sĩ, quay mặt về hướng nam lạy tám lạy:

“ – Tôi bất trung bất nghĩa là Lý Trần Quán xin theo Vương thượng.

“Lạy xong, ông cởi mũ áo, chít khăn trắng, mặc áo trắng, xuống huyệt nằm trong áo quan rồi bảo Trần chủ nhân:

“– Ông đậy nắp ván thiên cho tôi” (15).

Những khúc lan man – “lông bông”

Cả Sử học (khoa học lịch sử) lẫn tiểu thuyết lịch sử đều có nhiệm vụ giúp người đương thời rút ra những bài học từ dòng chảy lịch sử, từ “thằng Câm”. Có điều là Sử học thì rút ra các bài học theo cách lập luận của lý trí để tác động tới lý trí, trong khi tiểu thuyết lịch sử thông qua các tình tiết ẩn dụ và thông qua sứ mệnh ẩn dụ của nghệ thuật mà tác động vào tình cảm con người.

Nhận ra điều này thì có thể hiểu lý do vì sao các nhà tiểu thuyết lịch sử hay có những khúc lan man tựa hồ như lạc đề – những digressions được Nguyễn Triệu luật gọi bằng “những lông bông”. Những lan man lông bông lạc đề ấy chẳng qua chỉ là sự bộc lộ những sự “nóng ruột” của các tác giả muốn bạn đọc hiểu ngay, hiểu đầy đủ, hiểu rõ, hiểu tức thời những thông điệp các nhà văn hóa lớn đó gửi tới người đọc – người đời.

Với một chút thiên vị như sau đối với Nguyễn Triệu Luật của chúng ta. Nếu như ở Victor Hugo chẳng hạn sự lan man thường khi là lạc đề, vì những đoạn văn dài dòng đó (đoạn văn dài tả đường cống ngầm ở Paris trong Những người khốn khổ, đoạn văn dài không kém tả cách xây dựng tòa lâu đài của hầu tước Lantenac trong Chín Mươi Ba...) có thể cắt đi cũng chẳng mấy tác hại tới tác phẩm, thì các đoạn lan man (lông bông) của Nguyễn Triệu luật vẫn tạo thành một nhất thể chặt chẽ với tác phẩm.

Trước hết, Nguyễn Triệu Luật không chỉ lông bông lan man ở giữa chừng câu chuyện đang kể, mà nhà văn đưa ngay vào lời nói đầu, vào lời giới thiệu, để người đọc ít có cơ hội hiểu lầm nhất đối với thông điệp lịch sử của mình. Có lẽ những điều trích sau đây trong lời giới thiệu Bà Chúa Chè khả dĩ bênh vực được cho thiển ý của người viết bài này:

“Câu chuyện Bà Chúa Chè tôi thuật đây là khơi mào vận suy của nhà Trịnh. Nhà Trịnh, theo câu nói của nhà phong thủy, là một họ: không vương không bá, quyền nghiêng thiên hạ, được hơn hai trăm năm, vạ xảy ngay sát chốn cạnh mình (Phi vương phi bá, quyền khuynh thiên hạ, nhị bách dư niên, tiêu tường nãi họa).

“Vì mê Bà Chúa Chè, chúa Trịnh Sâm mới bỏ con trưởng lập con thứ. Và bỏ con trưởng lập con thứ, triều đình mới sinh ra vây cánh. Vì bè đảng vây cánh, Kiêu binh mới làm loạn. Vì muốn trị Kiêu binh, chúa Trịnh Khải mới giở tay không kịp, trong nội trị bỏ bễ, ngoài vô tâm với cường lân. Nhân tâm ly tán, nhà Trịnh mới đứng vào cái địa vị mạt vận tàn hôi. Trong việc chôn nhà Trịnh, Bà Chúa Chè là người đào hố, lũ Kiêu binh là lũ đứng chực đẩy người xuống hố, chúa Trịnh Khải là người bị chúng đẩy nhưng cứ chạy quanh miệng hố và vừa tránh vừa tìm cách đuổi lũ chôn người. Lũ chôn người chạy tan rồi, chúa đương lúi húi một mình lấp hố thì vụt đâu có người xa chạy đến, đẩy mạnh một cái, thế là xong đời, xong cả cơ đồ họ Trịnh.

“Tôi phải đem ba việc: đào hố, đẩy người, và sa hố là ba việc dính liền nhau chép riêng ra. Độc giả đọc xong Bà Chúa Chè, tức là đã xem việc đào hố. Sau đấy đọc Chúa Trịnh Khải Loạn Kiêu binh, độc giả sẽ xem việc sa hố và đẩy người.

“Xong, độc giả sẽ xem chuyện Cống Chỉnh là chuyện anh chàng từ xa chạy lại đẩy sấp người xuống hố” (16).

Lời nói đầu mang nội dung thật mạch lạc. Theo sử liệu, thì việc kiêu binh giết chết Quận Huy còn gây thêm một hậu quả nữa. Theo sử Việt thì ngay khi tin Quận Huy bị giết lan truyền tới Nghệ An đã làm Nguyễn Hữu Chỉnh hết sức lo sợ, vì ông là tay chân thân tín của Quận Huy. Cho nên ông vội đến gặp Trấn thủ Vũ Tá Dao, cũng là em rể Quận Huy, bàn việc chiếm lấy Nghệ An và viết mật thư xui Hoàng Đình Thể giết chủ tướng là Phạm Ngô Cầu để chiếm luôn Thuận Hóa. Thấy Vũ Tá Dao còn ngần ngừ, chưa thể dứt khoát, Nguyễn Hữu Chỉnh cùng với Hoàng Viết Tuyển, dắt díu vợ con chạy vào Quy Nhơn đầu hàng Nguyễn Nhạc, để rồi vào năm 1786 Nguyễn Hữu Chỉnh dẫn quân Tây Sơn ra Bắc Hà diệt nhà Trịnh.

Lời nói đầu đánh giá từng vai trò cá nhân trong toàn bộ sự kiện, cho thấy khi nào thì cá nhân bị “thằng câm” lịch sử cuốn đi trong khi vẫn ngỡ đâu như mình đang làm nên lịch sử.

Lời nói đầu cho ta thấy (hoặc dự cảm) được động cơ của những người mang trong lòng mình những nỗi niềm lịch sử nào đó – những nghệ sĩ mang cảm hứng với những đề tài lịch sử.

Gửi con người hiện đại

Để kết thúc bài viết này, người viết muốn nói nốt đến phương diện dấn thân của nhà văn hóa Nguyễn Triệu Luật.

Thế hệ chúng tôi (thế hệ sau càng “tệ” hơn nữa) không có điều kiện biết nhiều về Nguyễn Triệu Luật. Đến hôm nay mới biết Nguyễn Triệu Luật cùng Nguyễn Thái Học là đồng sáng lập nên Việt Nam Quốc dân đảng, đã ra tù vào tội vì chống chế độ cai trị của người Pháp, đã bị cấm không được dạy học ở các trường công thời Pháp thuộc… và kỳ lạ thay, chỉ trong vòng dăm bảy năm từ 1938 đến 1941 đã xuất bản ào ạt bảy tám tập tiểu thuyết, tập nào cũng hay.

Phương thức dấn thân của Nguyễn Triệu Luật sẽ hiện rõ nếu ta kết nối những cách biểu đạt tưởng như khác nhau trong những bối cảnh tưởng như giống nhau. Những bối cảnh tưởng như giống nhau là cuộc sống thời thuộc Pháp: Nguyễn Triệu Luật dù ngồi dạy học ở đâu thì bối cảnh vẫn thế, nhà giáo uyên bác đó phải “bổ đầu” đám học trò ngơ ngác đến vô cảm trước vận nước để làm cách gì nhồi nhét một chút tinh thần ái quốc cho họ. Với tư cách người thời hiện đại bắt gặp đầy dẫy quanh mình những gương mặt và tâm hồn cũng vô cảm như thế trước thời cuộc, có thể hình dung chắc chắn Nguyễn Triệu Luật phải bi quan, ít nhất cũng phải bi quan bằng thế hệ thất bại đương thời. Như người viết bài này chẳng hạn!

Làm gì? Một câu hỏi làm gì to tướng treo trước mắt những con người còn có chút ưu tư (ưu tư đến độ bi quan) cho vận nước, cho thế hệ mai sau. Câu giải đáp hiện ra: viết sách Lịch sử và giảng giải Lịch sử.

Trong các công trình sáng tạo của mình, Nguyễn Triệu Luật nói chuyện lịch sử với một tác phong níu kéo con người về với cái hiện thực đương thời. Những cách dắt truyện “…ngày xưa ở chỗ bây giờ là phố Hàng Lọng…” “… là núi Khán và núi Nùng …” “ là nhà bảo tàng Louis Finot chạy dọc con đường Pierre Pasquier cho tới phố Duvillier …” Người viết bài này không thấy đó là những dòng “lan man lông bông”, mà nghĩ rằng cần thấy ở đó một thông điệp: “các bạn trẻ ơi, chân các bạn đang hàng ngày xéo qua những sự kiện lịch sử bi tráng của dân tộc, cầu mong sao các bạn hãy ngừng cười to một chút, các bạn hãy ngừng ngâm ngợi những bài thơ vô duyên… và hãy nghĩ hãy nghĩ hãy nghĩ…

Điều quan trọng ở đời này là nghĩ chứ không phải là biết. Biết một mà nghĩ mười hơn hẳn biết mười mà chỉ nghĩ một.

Tưởng đâu như thông điệp đang tiếp tục… Các bạn có biết vì sao toàn bộ tiểu thuyết của người viết văn khiêm nhường này chỉ tập trung vào thời Lê-Trịnh?

Một dân tộc mà triều đình cai trị họ chỉ là một lũ quan lại vô duyên đến thế thì cái họa tan rã là ở ngay trước mắt.

Nguyễn Triệu Luật không viết về các đề tài đương thời như “một bạn đọc” gợi ý – lá thư giả tưởng viết cho “một bạn đọc” giả tưởng có lẽ là đủ để chứng minh cái động cơ viết văn của nhà tiểu thuyết tài hoa Nguyễn Triệu Luật: khai sáng cho người đương thời – kể cả khai sáng trong tuyệt vọng thì cũng cứ vần đá từng viên mà vá trời! Sứ mệnh dấn thân của nhà khai sáng nào thì cũng vậy thôi, bất tri tam bách dư niên hậu…

Hà Nội, trước và sau ngày 19 tháng 8 năm 2012

Nói thêm

Bà giáo Tám, thân mẫu Nguyễn Triệu Luật, là chị ruột bà ngoại tôi.

Vì thế trước năm 1945 tôi có dịp gặp anh Nguyễn Triệu Nam.

Thực ra anh Nam cũng chẳng thèm chơi với tôi. Chỉ vì một lần cùng bà ngoại về Du Lâm, chú Huệ con ông Cả Kế cho tôi mượn cái ống nhòm quân sự bằng đồng của anh Nam, tôi đã mang ống nhòm đó về nhà, do đó, mấy tháng sau, anh Nam phải ghé qua nhà tôi ở bên Hà Nội để lấy lại chiếc ống nhòm đó.

Hình như chiếc ống nhòm bằng đồng thô nháp đã đi theo những thăng trầm của ông giáo Luật và anh con trưởng, khiến ông giáo Luật qua đời quá sớm và anh Nam phải bôn ba quá xa. Tôi cứ định bụng lúc nào đó sẽ gạn hỏi những ai đó về những câu chuyện kín đáo năm 1946 – năm ông giáo Luật qua đời. Nhưng Lịch sử thì dài, và cuộc đời cá nhân thì ngắn. Sự bi quan có cội nguồn phát sinh như thế…

Cho tôi gửi bài cảm nghĩ này như một nén hương thắp ở Vân Điềm, thắp ở Du Lâm, thắp ở trong lòng người, nếu được người đời chấp nhận.

Bái biệt,

P.T.

Chú thích:

[1] Tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Triệu Luật (Thứ nam Nguyễn Triệu Căn tuyển chọn), Khoa học xã hội, Hà Nội, 2011, 664 trang khổ 16 x 24).

2 Sử ký Tư Mã Thiên, bản dịch của Phan Ngọc, Hà Nội, 2004.

3 Như trên

4 Tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Triệu Luật, đã dẫn, trang 11.

5 Chín Mươi Ba, Châu Diên, Lê Hiệu, Trần Hồ dịch, Văn học 1982, tái bản 1985 kỷ niêm 100 năm ngày mất Victor Hugo.

6 Như trong Thượng Kinh ký sự của Hải Thượng Lãn Ông, trong Hoàng Lê nhất thống chí của gia đình họ Ngô, và nhất là trong Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim.

7 Tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Triệu Luật, đã dẫn, trang 189-190.

8 Như trên, trang 198.

9 Như trên, trang 214 - 125.

10 Như trên, trang 138.

11 Như trên, trang 269.

12 Như trên, trang 270.

13 Như trên, trang 271.

14 Như trên, trang 276.

15 Như trên, trang 277.

16 Như trên, trang 127.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn