Tò mò để làm gì?

Tô Văn Trường

Một sự kiện lớn đang diễn ra là Hội nghị Trung ương Đảng lần 6 khoá XI. Theo những thông tin chính thống thì Hội nghị này rất quan trọng (mà có hội nghị nào của Trung ương là không quan trọng đâu, chỉ có kỳ này họp dài hơn các hội nghị Trung ương khác). Tuy nhiên, người dân cũng không rõ là Hội nghị lần này quan trọng ở chỗ nào và nó sẽ giải quyết những vấn đề gì gay cấn cho nhân dân và đất nước? Bởi vì chủ đề đưa ra thảo luận liên quan đến kinh tế, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ... là những vấn đề trong thời gian qua đã có rất nhiều ý kiến khá đầy đủ, sâu sắc và tâm huyết của các chuyên gia, trí thức còn nặng lòng với đất nước. Vấn đề chắc còn chỉ là ở chỗ “nghe”, thảo luận, tiếp thu và hành động của giới hữu trách, trước hết là những người có chức, có quyền các cấp.

Sự kiện quan trọng đến như Đại hội Đảng thì cuối cùng cũng là chuyện nhân sự. Lần này cũng thấy nói đến chuyện nhân sự cao cấp nhưng là cho nhiệm kỳ 5 năm sau này cơ! Do vậy, người quan tâm và chịu suy luận sẽ cảm thấy có một cái gì đó khác thường ở Hội nghị lần này. Theo lẽ tự nhiên những người này trở nên tò mò muốn biết chuyện gì đang xảy ra nhưng không dễ mà biết được.

Cũng xưa nay vẫn thế, khi thông tin chính thống mập mờ thì người ta tìm đến các thông tin không chính thống vốn chẳng biết có chính xác hay không nhưng thường là hấp dẫn và gây cảm giác tò mò. Sau này rất nhiều thông tin từ nguồn không chính thống đã tỏ ra chính xác. Người thạo tin thì có thể nhạy cảm hơn người bình thường để cảm nhận được cái gì là hợp logic, cái nào là thông tin rác hoặc bịa đặt. Dần dần người ta có cảm giác rằng muốn tìm sự thật có lẽ thà mất công đào bới trong cái đống lộn xộn không chính thống lại dễ tìm hơn là đọc và nghe từ các nguồn chính thống trơn tru và ngăn nắp. Người cẩn thận hơn thì tiếp cận thông tin từ nguồn không chính thống và chờ thông tin ấy được xác nhận bằng nguồn chính thống.

Nhưng ngay nguồn thông tin chính thống cũng rối mù. Nghe nói đã có nhiều sai lầm và khuyết điểm của bộ máy điều hành đất nước dẫn đến việc làm nghèo đất nước, rồi sự tha hoá của “bộ phận không nhỏ”, một “bầy sâu”, rồi một loạt các vụ án đình đám. Nhưng nhiều cuộc họp kiểm điểm các cấp từ Trung ương đến địa phương thấy nói mọi người, mọi việc vẫn tốt? Rồi rốt cuộc nhà cầm quyền Trung Quốc là bạn vàng hay kẻ đang có những hành động xâm lược thâm hiểm và trắng trợn?

Một câu hỏi đặt ra là những công dân bình thường quan tâm đến Hội nghị Trung ương lần này ở mức độ nào? Họ có hy vọng gì không vào kết quả của Hội nghị? Ai cũng thấy đất nước đang khó khăn toàn diện, chữ khủng hoảng cũng được xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều và trên nhiều lĩnh vực khiến lòng dân ly tán và ngao ngán.

Theo một lẽ tự nhiên, dư luận đang tò mò muốn biết những nguyên nhân gốc rễ nào đẩy đất nước vào tình trạng hiện nay? Liệu có thể sửa chữa những khuyết tật ghê gớm đang tàn phá đất nước? Và rồi câu chuyện lại dẫn đến chủ đề quan trọng và hấp dẫn – nhân sự! Những ai phải chịu trách nhiệm và chịu như thế nào? Có câu châm ngôn là còn sống thì còn hy vọng. Những người dân bình thường chắc cũng luôn mong muốn ngày mai sẽ tốt hơn nhưng để có thể hy vọng một cách lạc quan thì phải có những cơ sở và niềm tin nhất định. Nếu như có thể hy vọng Hội nghị Trung ương lần này sẽ giải quyết rốt ráo những vấn đề căn cơ của đất nước thì các cơ sở đó là gì?

Cái được nói mạnh nhất trong thời gian qua là phong trào phê và tự phê bình. Tuy nhiên đây là việc đã được nói tới và được thực hiện từ hàng chục năm nay nên khó có thể là một “biệt dược” hữu hiệu.

Ngay trên báo chí hoặc một số diễn đàn chính thống cũng đã nhắc tới “lỗi hệ thống” nhưng chưa cụ thể rõ ra xem đó là cái gì hoặc bao gồm những gì và cần thay đổi những gì? Nếu bệnh mà chung chung như thế thì bác sỹ chắc cũng khó kê đơn. Một số thứ có vẻ thuộc về tầm cỡ “hệ thống” thấy vẫn như cũ - kinh tế nhà nước vẫn là chủ đạo, nhiều tập đoàn nhà nước vẫn độc quyền trong các lĩnh vực kinh doanh của mình, đất đai vẫn là sở hữu toàn dân, vẫn là nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, Đảng vẫn độc quyền lãnh đạo đất nước theo chế độ toàn trị, không có tam quyền phân lập.

Ai cũng biết là nếu chỉ thay người dù là ‘tứ trụ triều đình” mà giữ nguyên hệ thống thì rồi đâu cũng lại vào đó. Ngay cả về nhân sự, nhà nước ta vẫn tự coi là nhà nước pháp quyền, tất cả theo Hiến pháp và pháp luật. Vậy thì nếu có cá nhân nào làm sai thì cứ chiểu theo luật pháp mà xử lý tại sao lại phải đợi đến Hội nghị Trung ương? Thực ra, vẫn là cách làm cũ – nhà nước pháp quyền vẫn còn là một cái đích xa. Nhân sự của bộ máy nhà nước vẫn còn là việc riêng của Đảng và Đảng vẫn đang hành động như xưa nay đã làm.

Hồng phúc cho đất nước là vẫn còn nhiều người dân, đặc biệt là giới trí thức nặng lòng với dân tộc và giang sơn Việt Nam này. Dân gian thường nói tới "VÒNG ĐỜI THỊNH, SUY". Đừng quên rằng Đảng cộng sản Liên Xô đã từng khẳng định Liên Xô đời đời bền vững mà rồi cũng đổ đánh cái rụp! Thậm chí đổ quá bất ngờ đối với cả kẻ thù của Liên Xô. Đó chỉ là một trong muôn vàn ví dụ chẳng có gì cưỡng lại nổi quy luật của cuộc sống. May cho chúng ta là thế giới văn minh đã thống nhất trong nhận định mô hình Nhà nước pháp quyền, Kinh tế thị trường, Xã hội dân sự là thứ tuy chưa thể hoàn hảo nhưng vẫn là hợp lý nhất, có sức sống nhất, do vậy chúng ta không phải tự mày mò lâu tìm lối thoát cho dân tộc. Vẫn cứ phải tự an ủi như vậy để lạc quan trong lúc tăm tối nhất và dành năng lượng để thắp sáng một ngày mai hửng nắng theo đúng cái vòng tuần hoàn của tạo hóa.

Người viết bài này, lại không muốn "tò mò" vì chẳng cần nghe ngóng gì cũng có thể phán đoán ra các kịch bản chính khác nhau. Kịch bản 1 đang hiện thực nhất là thỏa hiệp để giữ chế độ với cái giá rất đắt cho đất nước. Còn lại 2 kịch bản (2 và 3) một bên thắng và một bên thua (A thắng B thua, và ngược lại), ít khả năng xảy ra hơn. Song cả 3 kịch bản này đều có chung hệ quả là đất nước thua và phải trả giá. Lẽ ra Hội nghị Trung ương phải bàn việc cải cách chính trị cứu nguy đất nước như Nghị quyết Đại hội XI đã đề ra, song tiếc thay đây lại không phải là vấn đề được quan tâm! Thế thì còn tò mò để làm gì?

T.V.T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn