Quốc hội không thể mũ ni che tai được mãi

Võ Thị Hảo

Dù biết rằng, như Nhạc sĩ Tô Hải nói, gửi kiến nghị lên các vị cầm chịch đất nước, trong một thể chế CS, là làm chuyện nước đổ lá môn, nhưng làm sao mà có thể không lên tiếng được thưa nhạc sĩ, bởi chúng ta vẫn còn mang trong mình một trái tim nhân ái, không sao chịu nổi trước oan khiên và chết chóc của đồng loại đang trở thành cơm bữa, trước nguy cơ mất còn của đất nước đang rập rình, và khi mà tự xét kỹ bản chất người của mỗi chúng ta, chúng ta vẫn không khác lắm với anh chàng thợ cắt tóc của vua Midas xưa kia. Lên tiếng trên phương tiện truyền thông quốc tế như nhà văn Võ Thị Hảo hay cùng nhau ký vào một kiến nghị thì cũng thế, không ai “dại miệng” hơn ai – còn cách làm khác nhau thì càng hay – nếu như cái điều muốn nói ra chung quy chỉ là một: “vua Midas có tai lừa”.

Bauxite Việt Nam

clip_image001

Nhà văn Võ Thị Hảo

clip_image002

SV Nguyễn Phương Uyên bị an ninh cáo buộc chống phá Nhà nước

Quốc hội khóa 13 đang nhóm họp và đi được ba phần tư thời lượng của kỳ họp thứ tư, trong bối cảnh ở ngay Thủ đô Hà Nội, nơi các vị dân biểu đang ngồi bàn chính sách, xây sửa luật, hàng ngày vẫn đổ tới hàng dòng người khiếu nại mà trong đó có nhiều dân oan trong cả nước tới để biểu tình.

Nhân dịp này, tôi xin thẳng thắn góp ý với các vị dân biểu đang ngồi trong Quốc hội và cơ quan quyền lực mang tiếng là của dân, do dân, vì dân này rằng đã tới lúc các vị không thể mũ ni che tai được nữa, mà hãy lên tiếng về chuyện dân oan bị ngược đãi ra sao và tìm phương cách giải quyết tận gốc khiếu nại của họ cũng như nạn bạo hành chống họ.

Như các vị thấy, người có lương tâm sẽ không bao giờ quên cái chết thảm khốc trong ngọn lửa tự thiêu của bà Đặng Thị Kim Liêng trước trụ sở UBND tỉnh Bạc Liêu ngày 30/7/2012. Theo người thân của bà và công luận, bà tự thiêu để bày tỏ sự phẫn uất trước việc gia đình bà bị oan khuất, bị truy bức và phản đối việc giam giữ blogger Tạ Phong Tần – người con gái vô tội của bà.

Cuộc tự thiêu của người mẹ ấy, cũng như những cuộc tự thiêu trước đó, cùng bao nhiêu cái chết tức tưởi của dân oan dường như không mảy may động tâm các nhà chức trách. Ngày 24/9/2012, Tòa án NDTPHCM đã tuyên cô con gái vô tội của bà một bản án nặng nề tới 10 năm tù và 5 năm quản chế khiến cho thêm một lần nữa, dư luận phải rùng mình lên tiếng.

‘Bắt cóc, xử lén, truy bức?’

"Bắt người như bắt cóc, xử người như xử lén, mở chiến dịch bôi nhọ, hãm hại họ và truy bức ngay cả gia đình nạn nhân bị oan ức... điều đó hoàn toàn trái với Hiến pháp Việt Nam"

Võ Thị Hảo

Đó là ngôn từ mà người ta đã dùng đề mô tả cách hành xử của nhiều vị trong giới hành pháp và tư pháp trong những năm gần đây. Đó là việc bắt người như bắt cóc, xử người như xử lén, mở chiến dịch bôi nhọ, hãm hại họ và truy bức ngay cả gia đình nạn nhân bị oan ức. Điều đó hoàn toàn trái với Hiến pháp Việt Nam, gây những bản oan án chấn động thế giới.

Cộng đồng quốc tế đã nhiều lần lên tiếng phản đối hiện trạng trên và những bản án tàn nhẫn đối với những người dám nói lên sự thật và chính kiến như Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Cù Huy Hà Vũ, Đoàn Văn Vươn, giáo dân Thái Hà, giáo dân Cồn Dầu, dân oan Văn Giang… Gần đây, cộng đồng lại phản đối mạnh mẽ việc những bản oan án đối với nhà báo Hoàng Khương, các blogers Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Anh Ba Sài Gòn, hai nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình và Việt Khang, rồi việc “lén” bắt nữ sinh viên Phương Uyên và nhiều người dân oan khác.

Ông Phil Robertson – Phó Giám đốc phụ trách khu vực châu Á của tổ chức nhân quyền thế giới đã phát biểu: “…Rõ ràng đây là điều kinh khủng. Nó đi ngược lại trách nhiệm của chính phủ vể quyền con người trong đó có quyền tự do ngôn luận. Nó chỉ rõ là Việt Nam không thực hiện những cam kết về quyền con người theo tiêu chuẩn quốc tế…”. Quan chức lãnh đạo thuộc Hội đồng Châu Âu Herman Van Rompuy trong cuộc họp báo với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Hà Nội hôm 31/10/2012 nhấn mạnh rằng chính quyền Hà Nội nhất thiết phải tái xác nhận những cam kết cải cách bao gồm các lĩnh vực như quản lý công quyền, pháp quyền, và nhân quyền. Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội lại thêm một lần đề nghị Việt Nam phải tôn trọng quyền tự do ngôn luận của công dân và kêu gọi Việt Nam phải tuân thủ các nghĩa vụ với quốc tế, trả lại tự do cho các tù nhân lương tâm…

Hiệu ứng dội ngược của đàn áp

clip_image003

Tác giả nêu bài học quá khứ để cảnh báo về nạn bạo hành của chính quyền với dân hiện nay

Như các vị biết rõ hơn ai hết, ít nhất Hiến pháp Việt Nam hiện hành, tại điều 69, Chương V đã ghi rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”. Như thế, cần phải khẳng định, như đạo luật gốc và cơ bản nhất này, rằng những người biểu tình, bày tỏ chính kiến, lập hội đều vô tội, đấy là chưa kể hành vi của họ là ôn hòa, hòa bình.

Lịch sử thế giới cũng như lịch sử VN đã minh chứng rằng bất kỳ chính thể nào lạm dụng bộ máy đàn áp, vi phạm quyền tự do dân chủ của công dân, cũng đều tạo hiệu ứng “tức nước vỡ bờ”.

Trong lịch sử phong kiến Việt Nam có những triều vua tàn bạo. Vua Lê Long Đĩnh giết anh giành ngôi, hiếu sát đến bệnh hoạn, róc mía trên đầu sư cho đổ máu mà vỗ tay cười khoái trá, ông ta chỉ trị vì được năm rồi mất ngôi. Triều nhà Nguyễn như các vua Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức luôn dùng các hình phạt tàn bạo hòng giữ ngôi vị. Các vị càng nghiên cứu lịch sử nước nhà, sẽ càng thấy vận mệnh của người dân Việt trải qua bao đời cai trị trước nay thật khốn khổ không lời nào tả xiết. Nhưng có một kết cục không thể tránh khỏi, là bất cứ sự bạo tàn nào cũng tạo ra phản ứng dội ngược, chỉ càng buộc những người dân bị truy bức cùng đường phải cảm tử đứng lên bảo vệ quyền sống của mình.

"Hiện nay tình hình trong nước rối loạn… quan tham lại nhũng xưng hùng xưng bá tác phúc tác oai, áp bức tàn nhẫn kẻ cô thế, bòn rút mỡ dân, đục khoét tủy nước"

Nguyễn Trường Tộ

Thế nhưng, trong khi nghiên cứu về những triều vua có các cử chỉ khét tiếng tàn bạo ấy, lại thấy rằng dẫu bạo tàn đến đâu, nhiều khi họ còn biết nghe lời nói thẳng của những gián quan hoặc người dân. Bản điều trần tháng 5/1866 của Giáo sĩ Nguyễn Trường Tộ gửi vua Tự Đức – một ông vua từng tru di tam tộc, chém treo nghành, tùng xẻo, cho voi giày ngựa xé nhiều tội nhân – có những lời hết sức bộc trực và tôi đề nghị các vị hãy tham khảo, suy ngẫm nó và để đừng lãng phí bài học tiền nhân:

“Hiện nay tình hình trong nước rối loạn… quan tham lại nhũng xưng hùng xưng bá tác phúc tác oai, áp bức tàn nhẫn kẻ cô thế, bòn rút mỡ dân, đục khoét tủy nước, việc đó đã đã xảy ra lâu rồi… Đối ngoại thì không có cách nào để động đến một mảy may lông của quân Pháp mà cũng chẳng thuyết phục được ai giải vây cho, lại đi tàn sát nhân dân mình, giận cá chém thớt. Khiến cho dân bị cái hại “cháy nhà vạ lây”. Thật đúng như câu nói : “đào ao đuổi cá”, “nối giáo cho giặc”.

Vua Tự Đức đã đủ tỉnh táo để không bỏ tù hoặc giết chết Nguyễn Trường Tộ vì lời nói thẳng, hẳn rằng ông còn nghĩ đến cái liêm sỉ của kẻ chăn dân. Chỉ tiếc rằng ông không đủ sáng suốt để làm theo kế sách cải cách của Nguyễn Trường Tộ nên trong thời ông trị vì đã đã có tới hơn bốn mươi cuộc khởi nghĩa, dẫn đến kết cục mất nước.

Đại biểu phải trung thành với Hiến pháp

Theo quy định tại điều 83 và 84 - chương V về Quyền lực và trách nhiệm của Quốc hội (QH): “Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước”; “Thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội; xét báo cáo hoạt động của Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao”. Luật bầu cử Quốc hội cũng quy định đại biểu QH phải trung thành với Hiến pháp. QH khóa XIII hiện nay có tới khoảng 500 đại biểu – một lực lượng rất đông đảo.

clip_image004

Các vụ cưỡng chế đất sai trái và bạo lực gây ra nhiều khiếu nại và ức chế đối với người dân

Để xảy ra hiện trạng giặc nội xâm tham nhũng và dân oan trầm trọng như hiện nay, đương nhiên tôi nghĩ, không thể không đề cập tới trách nhiệm giám sát và ngăn chặn của Quốc hội. Và ai cũng biết rằng, bất kỳ ai tại chức mà không thực thi trách nhiệm và bổn phận, là bội tín sứ mạng mà họ đã nhận trước nhân dân và đất nước.

Tất cả những hành vi bắt bắt bớ, giam cầm, truy bức, xử án và kết tội oan không những trái Hiến pháp và pháp luật mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự của những người có trách nhiệm và của chính thể này.

Không những thế, dư luận càng thắc mắc về vô số những lá thư, những đơn kêu cứu, thế nhưng kiến nghị khẩn thiết và đầy trách nhiệm lên nhiều cá nhân, cơ quan, tổ chức, hầu hết đều không được trả lời.

Mặc dù trước tình trạng “im lặng đáng sợ”, thậm chí bị bôi nhọ, bị đe dọa, thiệt hại cho quyền lợi bản thân, thậm chí nhiều trí thức, nhân sỹ, quần chúng tham gia các cuộc biểu tình như chống Trung Quốc đe dọa chủ quyền, đòi bảo vệ Biển Đảo, phản đối hàng hóa độc hại của Trung Quốc… còn bị đông đảo kẻ núp bóng côn đồ đến hành hung, dọa nạt, nhưng điều đáng mừng là ngày càng nhiều người dân, đặc biệt là những trí thức trung thực bày tỏ chính kiến về hiện trạng trên. Điều đó chứng tỏ người VN không phải ai cũng “bán” linh hồn.

Hãy thực thi trách nhiệm trước dân oan

"Khi họ đòi quyền được giải oan, đòi quyền được sống như một con người, chúng ta phải cảm ơn họ, vì họ đang thực thi bổn phận của công dân và của một người yêu nước"

Võ Thị Hảo

Ngày 30/10/2012, hơn một trăm trí thức, nhân sỹ, quần chúng đã gửi kiến nghị phản đối việc nữ sinh viên vô tội Nguyễn Phương Uyên bị bắt giam như “bắt lén” và yêu cầu trả tự do cho cô. Cũng tại lá đơn này này, họ buộc lòng nhắc lại điều mà chính họ đã nhiều lần ghi trong các thư ngỏ và kiến nghị lên lãnh đạo Việt Nam trước đây, yêu cầu “chấm dứt các hành động trấn áp, quy kết tùy tiện đối với người dân biểu tình yêu nước…”; đồng thời kêu gọi “xem xét, rà soát lại những bản án đã xử rất nặng những người yêu nước biểu tỏ sự bất đồng chính kiến bằng tư tưởng mà không có hành vi bạo động nào nguy hại đến lợi ích quốc gia như người ta đã quy kết. Những bản án đó chính là sự phá hoại uy tín của Nhà nước, bôi xấu hình ảnh của Việt Nam trước thế giới… Càng quay cuồng với bạo lực và trấn áp càng bộc lộ tính phi nhân nghĩa...”

Và ngày 31/10/2012, Luật sư Hà Huy Sơn, mặc dù đã phải chịu rất nhiều sức ép khi ông đã dũng cảm đứng ra làm luật sư bào chữa cho những người vô tội trong nhiều phiên tòa xử người bất đồng chính kiến, nhưng vẫn có văn bản kiến nghị QH đề nghị sửa đổi bổ sung điều 284 Bộ luật Tố tụng Dân sự. Ngày 4/11 năm 2012, Luật sư Ngô Ngọc Trai – Đoàn luật sư Nam Định, đã gửi đơn kiến nghị lên Chủ tịch nước, QH, Bộ trưởng công an, thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp, các luật sư Việt Nam và các cơ quan báo chí, khẩn thiết đề nghị chấn chỉnh hoạt động lạm dụng bắt giam và hỏi cung của cơ quan điều tra để tránh oan sai cho người dân, tránh bức cung và nhục hình…

Trên đây là những kiến nghị hoàn toàn chính đáng, giúp giảm thiểu tình trạng dân oan. Nếu QH và những người có trách nhiệm biết lắng nghe và sửa đổi, sẽ cải thiện được tình hình.

clip_image005

Các quan chức lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng và Nhà nước Việt Nam đều là đại biểu Quốc hội

Trong khi đó, ngoài đường phố, ngày càng nhiều người dân, trong đó có các thương binh từ nhiều miền đổ về Hà Nội và trước các cơ quan công quyền địa phương để kêu oan.

Kêu oan ở dưới cơ quan công quyền nhiều khi cũng bị đối xử như tội nhân. Vì kêu oan là nói thật. Là phơi bày một sự thật mà những kẻ có quyền lực và tiền bạc đã gây oan cho họ muốn ém nhẹm bằng mọi giá, kể cả những thủ đoạn tàn nhẫn nhất.

Thưa các vị dân biểu, người dân đã đang chịu đói khát, gối đất nằm sương, bị xua đuổi trước nhiều trụ sở tiếp dân. Họ biết mình có thể bị đánh đập, bị tù đày, có thể cả cái chết, thậm chí họ có tự thiêu trước trụ sở vì oan ức thì có lẽ cũng chẳng ai động lòng. Nhưng họ vẫn giương cao lá cờ từng thấm máu của họ và đồng bào họ để dựng lên chính thể này. Khi họ đòi quyền được giải oan, đòi quyền được sống như một con người, chúng ta phải cảm ơn họ, vì họ đang thực thi bổn phận của công dân và của một người yêu nước và các vị, những người mang tiếng là của họ, vì họ, do họ, cũng phải thực thi phận sự tối thiểu của mình.

Hãy làm phận sự tối thiểu của các vị đi. /.

V.T.H.

Nguồn: bbc.co.uk

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn