Khánh Ly – “cho ta” và “tự nó”

Nghệ sĩ bao giờ cũng là một cánh chim tự do mà trước mắt nó chỉ có ánh sáng mặt trời mới bắt nó phải chiêm ngưỡng (Je vis l'oiseau qui le soleil contemple – Du Bellay). Tự đặt cho nghệ sĩ những ý thích của người thường tục là điều tối kỵ. Bởi thế, việc Khánh Ly ra đi và trở về lúc nào, chúng ta hãy nên tôn trọng, cũng như Phạm Duy đã ra đi và đúng thời điểm cần thiết ông đã trở về.

Mọi cái nhìn chính trị hóa xen vào, phía này hay phía kia, đều trở nên khiên cưỡng, dù rằng trong lòng bao nhiêu người có lẽ đang rất không muốn chị về – họ có cái lý của họ, và trong lòng bao nhiêu người khác, trong đó có tôi, chỉ muốn chị lại có mặt ở Việt Nam.

Thế giới hôm nay là phẳng, Khánh Ly ở Mỹ thì giọng hát của chị cũng đến với tất cả người Việt trong nước chỉ sau có mấy ngày, mấy giờ, thậm chí mấy phút mấy giây. Thậm chí Khánh Ly về rồi mà người như tôi và các con tôi – đều là các fan của chị – kiếm được một vài chiếc vé để trực diện đón “tiếng hát sống” của chị, giữa thời buổi kinh tế xuống dốc hôm nay, nào đâu có dễ dàng.

Vậy thì nghĩ đến chị như một sứ giả của cái đẹp, “tự đi tự đến nào ai buộc” (Tự khứ tự lai hồn bất quản – Giang đình tác) nói như Chu Văn An, sẽ ấm lòng hơn là nhất thiết cứ bắt chị phải làm “con tin” cho ý muốn của mình.

Nguyễn Huệ Chi

 Khánh Ly, con chim vẫn tha thiết với ngày về

Mặc Lâm, biên tập viên RFA

Trong chương trình văn hóa nghệ thuật kỳ này Khánh Ly đã dành cho Mặc Lâm một cuộc phỏng vấn đặc biệt về những suy nghĩ, tha thiết của chị trước con đường về quê vẫn còn xa thẳm.

clip_image001

hoanghuuquyet blog photo. Khánh Ly-Trịnh Công Sơn, Huế, 1967

Mặc Lâm: Thấm thoát mà đã... mấy mươi  năm... cái ngày chị đặt chân lên đất Mỹ cũng gần trọn đời người... Người họa sĩ khi nhìn lại tranh mình thì phát hiện thiếu chút ánh sáng chỗ này, một vết cọ không chính xác chỗ nọ. Người làm thơ thì tiếc đã không dùng một chữ khác đắt ý hơn trong bài thơ nào đó, còn là ca sĩ, chị thấy điều gì đã qua mà mình không nắm được, và nếu được làm lại thì chị sẽ thay thế hay sửa đổi những vuột mất ấy là gì?

Khánh Ly: Trước hết tôi rất cảm ơn quý đài đã nhớ đến tôi. Thưa anh và thưa quý thính giả đang nghe đài, người ta thường nói âm nhạc là ngôn ngữ không có biên giới, và âm nhạc đưa người ta lại gần với nhau. Trong những cảm nghĩ rất tốt đẹp, nhân bản tôi không thấy loại nhạc nào xúi giục người ta nuôi dưỡng hận thù.

Trong ý tưởng đó tôi luôn luôn cảm thấy mình may mắn được Thượng đế cho một tiếng hát, và đã nhiều năm dùng tiếng hát này đi khắp nơi cũng không ngoài mục đích được nhìn thấy qua tiếng hát của mình mà mọi người cùng ngồi lại bên nhau. Tuy nhiên tôi cảm thấy hình như việc làm của mình chưa đủ. Nó rất nhỏ nhoi đối với những niềm vui tinh thần rất cần thiết cho mỗi người, mà mỗi ngày đang bị văn minh thế giới làm xói mòn dần. Xói mòn cả niềm tin, xói mòn cả con người với nhau. Như vậy có phải rằng những tiếng hát luôn là gạch nối giữa mọi người hay không?

Tôi luôn mong mỏi ngày nào tiếng hát của mình còn được sử dụng thì tôi vẫn ở trong niềm hy vọng là đưa mọi người ngồi lại với nhau.

Mặc Lâm: Tôi tình cờ thấy một tấm ảnh đen trắng chụp khi chị còn rất trẻ, khoảng 18 hay hai mươi gì đó. Ở tấm ảnh này tôi cảm nhận được hơi hướm chiến tranh lẩn khuất phía sau chị rất rõ... Cuộc chiến có ảnh hưởng gì tới gia đình chị trước khi rời Việt Nam hay không?

Khánh Ly: Trong gia đình tôi có anh em là chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa. Tôi có một người anh bị thương rất nặng, và cả nhà tưởng anh đã chết khi anh theo binh chủng của anh rời khỏi thành phố Huế. Nhưng rất may mắn mọi chuyện đều ngưng ở đó và sau đó thì tôi ra đi.

Mặc Lâm: Thật là may mắn vì dù sao thì gia đình chị chịu ít thiệt hại nhất trong những gia đình Việt Nam thuở ấy. Thưa chị "Hội quán Cây tre" là nơi một thời sinh viên chúng tôi rất thường tới nghe chị hát. Riêng tôi rất nhớ hình ảnh lúc ấy, bởi khi hình dung ra nó thì chừng như một cuốn phim quay thật chậm trong trí nhớ của những ngày Sài Gòn cũ... Tôi không hiểu chị còn có ký ức gì về những nghệ sĩ từng có mặt trong thời gian ấy hay không?

Khánh Ly: Vâng, tôi khởi đầu tại Hội quán Cây tre khi đi hát với anh Trịnh Công Sơn. Phải nói từ lúc đó tôi mới được mọi người biết đến. Anh Sơn rất chú trọng đến những sinh hoạt học đường, sinh viên và học sinh bởi vì rõ ràng một điều giới học sinh sinh viên thời đó không phải là giới khách của phòng trà. Đa số anh em sinh viên học sinh đều không có tiền cho nên chúng tôi hát với tinh thần đến với anh em mà không có một lợi nhuận nào cả.

Tuy nhiên chúng tôi chịu đựng được vì tôi nghĩ rằng chúng tôi đến gần với anh em sinh viên học sinh trong niềm hy vọng là quê hương đất nước sẽ thanh bình, sẽ có ngày không còn tiếng súng nữa, Hội quán Cây tre khi thành lập được sự giúp đỡ của các thầy thuộc phái võ Vovinam mà tôi nhớ rất nhiều đó là thầy Phong mà bây giờ hình như thầy không còn nữa. Ở đó nhằm tinh thần phục vụ tất cả anh em sinh viên học sinh, những người không có đủ điều kiện, khả năng vào những phòng trà tráng lệ mỗi đêm để mà nghe nhạc. Ở đó chúng tôi giới thiệu những tình khúc, những ca khúc da vàng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, những tình khúc của Vũ Thành An, của Lê Uyên và Phương, của Từ Công Phụng, của anh Ngô Mạnh Thu và tất cả các nhạc sỹ trẻ thời đó…

Chúng tôi được sự đóng góp như của anh Ngô Mạnh Thu, chị Diễm Chi, Ngọc Minh, Lan Ngọc hay Hồng Vân, những người có lòng với sinh hoạt cộng đồng, với sinh viên học sinh cũng như mọi quân binh chủng thời đó.

Mặc Lâm: Thưa chị bình thường thì người ta nhận ra rằng con chim không thể ở một chỗ mãi. Tiếng hót của nó phải tung bay vào không gian rộng lớn hơn. Chị có nghĩ tiếng hát Khánh Ly đã lan tỏa đủ với ước ao của một người xa xứ hay không, khi mà thời đại Internet này, chỉ một tiếng than van là người ta có thể nghe với khoảng cách cả đại dương...

Khánh Ly: Đủ thì chưa đủ đâu! Người ta thường nói trời sinh ta có đôi chân để đi. Nhà văn Nguyễn Tuân thì đi đến hết đời mà vẫn còn muốn đi. Anh Trịnh Công Sơn cũng đi dữ lắm bởi vì không bao giờ ngừng lại một chỗ cả… Người ta còn đi như thế huống chi là những tiếng hát… nó phải được bay bổng, nó phải được lan trải qua tất cả sông suối, núi đồi, len lỏi trong thị thành cũng như các vùng thôn quê. Ở tất cả mọi nơi tiếng hát đều cần phải đi tới.

Có thể người ta không đi tìm tiếng hát nhưng mà mình là người có tiếng hát thì mình đi tìm những người nghe mình. Đó là điều rất quan trọng mà một người ca sĩ khi nào còn có tiếng hát thì còn có nhu cầu đi tất cả mọi nơi để hát cho tất cả mọi người nghe. Nơi nào cần tiếng hát thì tiếng hát phải lập tức có mặt ngay!

Mặc Lâm: Ai cũng có ngày về lại quê hương, về lại nơi chôn nhau cắt rún của mình. Khánh Ly cũng là người Việt Nam, cũng từng từ đó mà ra đi vì vậy sự trở về là điều hiển nhiên. Câu hỏi đặt ra là khi có cơ hội cúi xuống hôn mảnh đất yêu dấu và rồi cất tiếng hát thì bài hát nào sẽ được Khánh Ly chọn? Có lẽ là Diễm xưa chăng?

Khánh Ly: Thưa anh, anh nói rất đúng: Diễm xưa. Từ Diễm xưa nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã tháp cho tôi một đôi cánh và tôi đã bay bổng giữa những tình thương của người Việt Nam trong và ngoài nước dành cho tôi. Dĩ nhiên là những ngày tháng sẽ đi qua, kể cả đời người cũng sẽ qua nhưng Việt Nam thì một ngàn năm nữa cũng còn đó.

Có lẽ người nào thì cũng phải trở về mà thôi. Nếu không lúc này thì một lúc nào đó họ sẽ trở về để nằm xuống. Dù có muộn màng đi nữa thì ít ra được nằm lại trên quê hương của mình cũng là điều rất tốt, là mơ ước của nhiều người. Mặc dù không phải là ai cũng sẽ sống và được như vậy nhưng nếu được thì một trong những mơ ước của những con người có một quê hương, một Tổ quốc thì ai cũng mơ ước được trở về. Không có gì đẹp đẽ cho bằng sự trở về để có nơi mở đầu thì xin được kết thúc tại cái nơi mở đầu đó. Đó là ước mơ.

Tôi hy vọng là không phải ước mơ chỉ của riêng tôi mà là ước mơ chung của tất cả những người được gọi là người…

Mặc Lâm: Xin cám ơn chị.

Nguồn: rfa.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn