Chết dưới tay Trung Quốc, Chương V – Chết bởi thủ đoạn thao túng tiền tệ: Ngọa Hổ, Kình Long

Peter Navarro & Greg Autry

Nhóm Lê Minh Thịnh dịch

Chúng tôi xin gửi đến quý vị Chương 5 của quyển sách Chết dưới tay Trung Quốc: Chết bởi thủ đoạn thao túng tiền tệ: Ngọa Hổ, Kình Long

Tuần qua, Canada đã đồng ý bán công ty dầu khí Nexen cho Trung Quốc. Có lẽ, chính phủ Canada đang ngậm phải hai trái bồ hòn: trái lớn là Hiệp ước Thương mại FIPA Canada - Trung Quốc, và trái nhỏ là thương vụ Nexen - CNOOC. Cho nên, qua quyết định bán Nexen trong khi dân Canada đang xôn xao đàm tiếu về chính phủ Bảo thủ của mình, Thủ tướng Stephen Harper chắc có ý định "ngậm đại bồ hòn nhỏ" làm ngọt. Còn trái lớn, chắc phải nhả ra, nếu không muốn đảng Bảo thủ bị thất bại trong nhiệm kỳ tới.

TS. Lê Minh Thịnh

Công nhân Hoa Kỳ có thể cạnh tranh với công nhân Trung Quốc tính theo từng đồng đô la một. Nhưng họ không thể cạnh tranh khi tỷ giá đô la so với đồng nhân dân tệ bị thao túng.

– Eric Lotke, Chiến dịch vì Tương lai Hoa Kỳ

Nếu tiền là căn nguyên của mọi xấu xa, thì sự thao túng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc là cái rễ cái phát sinh mọi lệch lạc trong quan hệ thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc. Hơn một thập niên, thâm hụt mậu dịch trầm trọng của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc đã làm chậm đáng kể tỷ lệ tăng trưởng kinh tế và nâng cao tỷ lệ thất nghiệp ở Hoa Kỳ. Trung Quốc đã không thể tiếp tục hút cạn sinh lực của kinh tế Hoa Kỳ nếu không có những nanh vuốt thao túng tiền tệ.

Trung Quốc thao túng tiền tệ bằng cách cố tình “gài” nhân dân tệ với đô la Hoa Kỳ ở một tỷ giá thấp dưới giá trị thật một cách bỉ ổi. Để hiểu lý do tại sao điều này lại phá hoại kinh tế Hoa Kỳ, cần biết rằng nền kinh tế bất kỳ quốc gia nào cũng chỉ phụ thuộc vào bốn yếu tố: mức chi tiêu của người tiêu dùng, mức đầu tư kinh doanh, chi tiêu chính phủ và “thặng dư xuất khẩu”.

Động lực tăng trưởng sau cùng – thặng dư xuất khẩu – là quan trọng nhất khi bàn về thao túng tiền tệ, vì nó đo lường sự chênh lệch của tổng số xuất khẩu trừ đi tổng số nhập khẩu. Nhận xét quan trọng dưới đây nhấn mạnh vai trò thiết yếu của thặng dư xuất khẩu đối với nền kinh tế:

Khi Hoa Kỳ chịu thâm hụt triền miên với Trung Quốc, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế quan trọng bị giảm nhiều. Tỷ lệ tăng trưởng bị chậm lại này lại làm giảm số công việc được tạo ra.

Dĩ nhiên, trong khi kinh tế Hoa Kỳ bị tăng trưởng chậm và thất nghiệp cao thì Trung Quốc được hưởng tác dụng ngược lại. Con Rồng Trung Quốc thăng lên, trong khi Hoa Kỳ thoái lui.

Mỗi ngày một già hơn, một nợ nần hơn, một tăng trưởng chậm hơn

Vậy thì thâm hụt mậu dịch của chúng ta so với Trung Quốc lớn đến mức nào? Bao nhiêu việc làm đã mất vì “sự lệ thuộc nhập khẩu từ Trung Quốc”? Và tại sao thao túng tiền tệ là lý do chính yếu khiến Hoa Kỳ không thể giảm thiểu đáng kể mức thâm hụt mậu dịch? Chỉ khi biết được các câu trả lời, chúng ta mới có thể thoát khỏi bẫy thao túng tiền tệ của Trung Quốc. Hãy bắt đầu với quy mô thâm hụt mậu dịch của Hoa Kỳ.

Xét về con số tuyệt đối, Hoa Kỳ nhập khẩu từ Trung Quốc nhiều hơn xuất khẩu sang Trung Quốc gần 1 tỷ đô la mỗi ngày làm việc. Đây không phải lỗi đánh máy; hàng tỷ chứ không phải hàng triệu.

Còn xét về con số tương đối, mức thâm thủng cũng làm kinh ngạc không kém. Trung Quốc chiếm đến khoảng một nửa mức thâm hụt thương mại về hàng hóa của Hoa Kỳ hàng năm, và lên đến 75% khi không kể tới số nhập khẩu dầu hỏa. Như vậy, căn cứ trên các thống kê này thì suy luận hợp lý về chính sách là:

Nếu Hoa Kỳ muốn giảm mức thâm hụt mậu dịch, để tăng tỷ lệ phát triển, và tạo thêm nhiều việc làm thì điểm tốt nhất để bắt đầu chính là cải cách tiền tệ với Trung Quốc.

Tầm ảnh hưởng thực sự của việc lệ thuộc nhập khẩu từ Trung Quốc lên mức tăng trưởng và tỷ lệ thất nghiệp của Hoa Kỳ cũng làm chúng ta giật mình sửng sốt. Cả thập niên vừa qua, mức thâm thủng mậu dịch so với Trung Quốc đã lấy mất gần nửa phần trăm tăng trưởng GDP hàng năm của chúng ta. Con số trông có vẻ không lớn, nhưng nửa phần trăm này đã có tác động tích lũy làm kinh tế Hoa Kỳ không thể cung cấp hàng triệu việc làm. Giả sử chúng ta có được số việc làm này bây giờ, cộng thêm hàng triệu việc làm nữa trong khu vực sản xuất không bị hủy hoại do các thủ đoạn thương mại bất chính khác của Trung Quốc, chúng ta sẽ không thấy những hàng người thất nghiệp rồng rắn nối đuôi nhau quanh các tòa nhà chính phủ, những bãi hoang nhà khóa cửa im lìm chờ bị tịch thu, và những công xưởng trống trơn đầy cỏ dại ở Hoa Kỳ. Trái lại chúng ta hẳn vẫn cảm thấy an toàn thoải mái về tài chính.

Cũng xin nói thêm là những dữ kiện gây choáng ngộp này lại làm chúng ta nhớ tới chuyện Willie Sutton, một tay cướp nhà băng khét tiếng. Khi Sutton được hỏi tại sao lại cướp ngân hàng, hắn trả lời, “Bởi vì ở đó có tiền”. Cũng giống như ngân hàng là nơi có tiền, nhắm vào chính sách thao túng tiền tệ của Trung Quốc là cách có nhiều triển vọng nhất để giảm thâm hụt thương mại và lấy lại phong độ tăng trưởng kinh tế.

Những thời khó khăn của Hoa Kỳ do chính sách khóa cứng tỷ giá của Trung Quốc

Như vậy Trung Quốc đã thao túng tiền tệ như thế nào? Họ đã thực hiện hữu hiệu bằng cách khóa cứng đồng nhân dân tệ với đồng đô la ở một tỷ lệ thấp dưới giá trị thực: khoảng 6 nhân dân tệ đổi lấy 1 đô la. Đồng nhân dân tệ quá rẻ đã trở nên một thứ trợ cấp béo bở cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc, trong khi lại là thứ thuế nặng đánh lên hàng hóa Hoa Kỳ nhập khẩu vào Trung Quốc. Kết quả của chính sách thao túng tiền tệ này, phối hợp với các thủ đoạn thương mại bất chính khác như đã được đề cập, đã gây nên tình trạng thâm thủng mậu dịch mãn tính của Hoa Kỳ với mức độ trầm trọng mà chúng ta đã mô tả ở trên.

Và đây là điểm then chốt liên hệ tới vấn đề thao túng tiền tệ: sự bất cân xứng mậu dịch Hoa Kỳ - Trung Quốc đã không thể nào có được trong một thế giới tự do mậu dịch nếu Trung Quốc thả nổi tiền tệ của mình một cách tự do, cũng như bao loại tiền tệ thả nổi khác trên thế giới như yen của Nhật, real của Brazil, franc của Thụy Sỹ, rupee của Ấn Độ, và đô la của Hoa Kỳ.

Trong một thế giới tự do mậu dịch với việc thả nổi hoàn toàn các tỷ giá, sự bất cân xứng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc sẽ không bao giờ kéo dài, bởi vì khi mức thâm hụt của Hoa kỳ tăng lên, đồng đô la sẽ giảm giá đi so với đồng nhân dân tệ. Khi đô la mất giá, hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Trung Quốc sẽ tăng lên, hàng nhập từ Trung Quốc sẽ giảm, và mậu dịch sẽ quay về vị trí cân bằng. Tuy nhiên, bằng cách gài đồng nhân dân tệ vào đồng đô la, một Trung Quốc theo chủ nghĩa con buôn đã làm đảo lộn tiến trình điều chỉnh mậu dịch tự nhiên này, thậm chí nó còn làm suy yếu cơ cấu mậu dịch tự do toàn cầu vốn dựa trên triển vọng các bên cùng có lợi.

Con Rồng có móng vuốt hạt nhân tuyên bố một loại chiến tranh mới

Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu một chiến dịch đồng loạt tung ra các đe dọa kinh tế chống lại Hoa Kỳ, ngụ ý rằng họ có thể đổi ra tiền mặt số trái phiếu Hoa Kỳ khổng lồ họ đang nắm giữ, nếu Washington áp đặt các cô lập thương mại… Được mô tả như là “phương án chiến tranh hạt nhân” trên báo chí của chính phủ Trung Quốc, hành động đó có thể khiến cho đồng đô la sụp đổ… Nó cũng làm tăng vọt tỷ lệ sinh lời của trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ, làm chao đảo thị trường nhà đất và có lẽ sẽ đẩy nền kinh tế Hoa Kỳ vào suy thoái.

- The London Telegraph

Thật là tồi tệ khi mà chính sách thao túng tiền tệ của Trung Quốc đã đẩy kinh tế Hoa Kỳ kẹt vào giai đoạn chạy tốc độ chậm trong khi hủy diệt hàng triệu việc làm. Còn tồi tệ hơn nữa, “cái chết bởi thao túng tiền tệ” này lại đe dọa kéo theo “cái chết của chủ quyền chính trị Hoa Kỳ”. Tâm điểm của vấn đề là những lời đe dọa mà những kẻ hiếu chiến đang điều hành Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đưa ra. Chúng gọi đó là “phương án chiến tranh hạt nhân tài chính”, và nó bao gồm cả chuyện sử dụng dự trữ ngoại hối khổng lồ của Trung Quốc để làm xáo trộn các ngân hàng Hoa Kỳ, thị trường chứng khoán, và thị trường trái phiếu.

Để biết được mối đe dọa của Trung Quốc “thả bom” hệ thống tài chính là đáng tin đến mức nào, chúng ta nên mô tả chi tiết hơn cách Trung Quốc thao túng tiền tệ. Quá trình này bắt đầu khi bạn hay tôi bước vào cửa hàng như Walmart chẳng hạn và mua một sản phẩm Trung Quốc, sau đó những đồng đô la này sẽ được đưa ra ngoài nước. Lúc này, để duy trì tỷ giá cố định đồng đô la so với đồng nhân dân tệ, Trung Quốc phải nhanh chóng hồi chuyển số “đô la Walmart” đó của chúng ta quay trở lại Hoa Kỳ bằng cách mua tài sản tài chính như trái phiếu chính phủ, bất động sản, hay các công ty Hoa Kỳ; nếu không, áp lực tăng giá sẽ bị áp đặt lên đồng nhân dân tệ.

Đây là mánh lới đáng chú ý nhất về thủ đoạn thao túng tiền tệ: trước khi chính phủ Trung Quốc có thể hồi chuyển bất cứ đồng đô la Walmart nào của chúng ta, họ phải thâu những đô la này từ tay những nhà xuất khẩu Trung Quốc. Điều này được thực hiện bằng một mánh lới khá lắt léo được gọi là “khử tiền” (sterilization).

Để “khử” những đồng đô la Walmart của chúng ta ra khỏi thị trường nội địa, chính phủ Trung Quốc ép các nhà xuất khẩu trong nước phải mua trái phiếu chính phủ Trung Quốc định giá bằng đô la Hoa Kỳ. Khi giao tiền đô la cho chính phủ, các nhà xuất khẩu nhận được các trái phiếu “khử tiền” này với lãi suất khoảng 4%. Sau đó chính phủ Trung Quốc lại đầu tư những đô la này vào trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ với lãi suất thấp dưới 2%. Trung Quốc do đó mất 2% hay nhiều hơn về lãi suất cho mỗi đô la Hoa Kỳ được “khử”, và khoản lỗ này lên đến hàng tỷ đô la.

Câu hỏi là tại sao Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẵn sàng gánh chịu khoản lỗ khổng lồ như vậy? Câu trả lời là bởi vì Đảng Cộng sản Trung Quốc quan tâm nhiều hơn đến việc tạo công ăn việc làm để duy trì sự ổn định chính trị và sự toàn trị đất nước hơn là việc kiếm tiền thực thụ. Đó là một trong những sự khác biệt lớn giữa chủ nghĩa tư bản Hoa Kỳ thực dụng và chủ nghĩa tư bản bá đạo mà nhà nước Trung Quốc đã thực hiện qua chủ trương “đóng cửa đi ăn mày” (beggar the neighbour). Và họ không hề bận tâm là trong thủ đoạn thao túng tiền tệ "lợi mình hại người" này số việc làm tạo ra tại Trung Quốc lại chính là số việc làm bị mất đi trong nền kinh tế Hoa Kỳ.

Thực vậy, thủ đoạn thao túng tiền tệ này đã tích lũy được một quỹ dự trữ ngoại hối trên hai nghìn tỷ đô la Hoa Kỳ do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc nắm giữ, và ngân hàng này đã nghiễm nhiên trở thành một ngân hàng cho vay cầm cố (mortgage banker) của người Mỹ. Để thấy rõ con số này lớn như thế nào, chúng ta sẽ rất kinh ngạc khi biết nó còn lớn hơn tổng sản lượng quốc gia (GNP) của Ấn Độ hay Canada, và gần bằng GNP của nước Anh. Nó cũng lớn hơn tổng sản lượng nội địa (GDP) của cả ba nước Đại Hàn, Mexico, và Ireland gom lại!

Con số lớn kinh khủng này cũng có nghĩa rằng: Trung Quốc có thể đem quỹ dự trữ ngoại hối của họ mua quyền kiểm soát trong tất cả công ty lớn của Hoa Kỳ có niêm yết trên danh sách Chỉ số Trung bình Công nghiệp Dow Jones, trong đó có các công ty khổng lồ như Microsoft, Exxon, và Walmart, mà vẫn còn dư tiền để mua phần lớn cổ phần của Apple, Intel, và Ford.

Chính sự tích lũy khổng lồ quỹ dự trữ ngoại hối bằng đô la Hoa Kỳ đã khiến cho Đảng Cộng sản Trung Quốc có cơ sở đe dọa tàn phá hệ thống tài chính Hoa Kỳ. Như Hà Phàm (He Fan) thuộc Hàn lâm Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc đã nói - khi đe dọa sử dụng “phương án tấn công hạt nhân” về tài chính - rằng giả sử Trung Quốc bắt đầu bán tháo đô la thì "đồng đô la sẽ tuột giá thê thảm". Và như trích dẫn ở đầu chương đã mô tả rất đầy đủ, sự sụp đổ đồng đô la “sẽ làm tăng vọt tỷ lệ sinh lời của trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ, làm chao đảo thị trường nhà đất và có lẽ sẽ đẩy nền kinh tế Hoa Kỳ vào suy thoái”.

Thực vậy, đã có bằng chứng rõ ràng cho thấy một chú Sam bạc nhược bắt đầu dâng hiến cho Trung Quốc ít nhất một vài chủ quyền chính trị của Hoa Kỳ vì sợ nguy cơ rất có thể xảy ra của phương án tấn công hạt nhân bằng tài chính từ phía Trung Quốc. Quả thật như vậy, hiện nay bất cứ khi nào mà Tòa Bạch Ốc, Quốc hội hay Đại diện Thương mại Hoa Kỳ lên tiếng hăm dọa bài trừ các thủ đoạn thương mại bất chính, Trung Quốc liền bắn một phát hỏa tiễn cảnh cáo bằng cách đe dọa bán tháo – và trong vài trường hợp có bán tháo thật – dự trữ đô la. Thật vậy, sự tồn tại của mối “đe dọa hạt nhân tài chính” giải thích phần lớn hành động rụt rè triền miên đối với Trung Quốc của mấy đời Bộ trưởng Tài chính trong thập niên qua, từ Hank Paulson dưới thời Bush cho đến Timothy Geithner dưới thời Obama.

Mong bạn hiểu rõ điều này: với thời gian, quả là điều cực kỳ ngây thơ cho bất kỳ người Mỹ nào nếu họ nghĩ rằng chiêu thức “tống tiền bằng đồng bạc xanh” của Trung Quốc chỉ giới hạn trong các vấn đề mậu dịch. Một lúc nào đó, các quan chức Trung Quốc có thể sử dụng vũ khí này đối với bất cứ vấn đề địa lý chính trị nào: từ chuyến thăm Tòa Bạch Ốc của Đức Đạt Lai Lạt Ma, bán vũ khí cho Ấn Độ cho đến mối xung đột dai dẳng trên bán đảo Đại Hàn, cũng như vấn đề nhạy cảm Hoa Kỳ ủng hộ Đài Loan.

Trung Quốc, xin các ngài cho chúng tôi vô số bạc cắc!

Sự thao túng tiền tệ của Trung Quốc không chỉ làm mất chủ quyền chính trị của Hoa Kỳ. Nó còn làm nước Mỹ tự sa vào “nạn chi tiêu quá mức”. Xin nhớ rằng trong quá trình thao túng tiền tệ, chính phủ Trung Quốc phải duy trì cái tỷ giá cố định giữa đồng nhân dân tệ và đồng đô la, chủ yếu bằng cách mua trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ. Bằng cách này, chủ nợ Trung Quốc của chúng ta đã giúp các nhà chính trị Hoa Kỳ tài trợ cho mức thâm hụt ngân sách khổng lồ.

Điều mỉa mai là Trung Quốc đã giúp chúng ta có tiền để tài trợ các chương trình như chương trình kích thích tài chính hàng loạt của Hoa Kỳ và chính sách cho vay dễ dàng của Cơ quan Dự trữ Liên bang. Bởi vì nói cho cùng thì chính vì mức thâm hụt ngoại thương hút máu với Trung Quốc mà các nhà chính trị Hoa Kỳ đã phải tiếp tục dùng khiếm hụt ngân sách để hà hơi tiếp sức cho nền kinh tế èo ọt, đến nỗi chúng ta ngày một mắc nợ sâu đậm hơn một chế độ độc tài đang hưởng lợi từ sự suy vong của Hoa Kỳ.

Thực vậy, tất cả quá trình buồn thảm này mà trong đó Trung Quốc đóng vai người cho Hoa Kỳ vay nợ, là một phần của cuộc “thương lượng với Quỷ dữ” mà Tổng thống Barack Obama đã thực hiện ngay từ lúc nhậm chức và quên lời hứa sẽ mạnh tay với chủ nghĩa con buôn Trung Quốc. Ở đây, chúng ta cần nhớ rõ rằng trong cuộc vận động tranh cử 2008, tại các tiểu bang công nghiệp chủ chốt vẫn còn đang do dự như Illinois, Michigan, Ohio, và Pennsylvania, ứng cử viên Tổng thống Barack Obama đã hứa đi hứa lại rằng sẽ chấm dứt các thủ đoạn thương mại bất chính của Trung Quốc.

Tuy nhiên từ khi nhậm chức, Bộ Tài chính của Tổng thống Obama, do Timothy Geithner làm bộ trưởng như đã nói ở trên, đã nhiều lần từ chối không lên tiếng đổ lỗi cho Trung Quốc là kẻ thao túng tiền tệ. Đáng tiếc là phải đổ lỗi như vậy thì Hoa Kỳ mới có lý do chính đáng để đánh thuế nhập khẩu nhằm hóa giải một trong những đòn lợi hại nhất của chủ nghĩa con buôn Trung Quốc. Nhưng thay vì thực thi lời hứa khi tranh cử, Tổng thống Obama đã chọn một cuộc thương lượng nguy hiểm với Quỷ Trung quốc: “Ngươi cứ tiếp tục mua trái phiếu của ta đi, và ta sẽ không áp dụng bất kỳ biện pháp nào đáng kể để cải cách mậu dịch”. Bằng cách này, ngài Tổng thống đã sai lầm khi đặt chính trị và nhu cầu tài chính ngắn hạn của chính quyền ông ta lên trên triển vọng phục hồi kinh tế dài hạn của Hoa Kỳ. Đây là hoàn toàn sai, bởi vì cho dù có mượn bao nhiêu nghìn tỷ “đô la Walmart” từ Trung Quốc để đổ vào nền kinh tế Hoa Kỳ, những đồng tiền kích thích này cũng chẳng đi đến đâu cho đến khi chúng ta có được cải cách tích cực về tiền tệ với Trung Quốc.

Hoa Kỳ mắc kẹt trong thang máy kinh tế toàn cầu

Chúng tôi quá chán nản rồi. Chính sách con buôn của Trung Quốc đã làm thương tổn các nước trên thế giới, không phải chỉ Hoa Kỳ. Nó góp phần gây nên cuộc suy thoái toàn cầu. Trung Quốc muốn được đối xử như một nước đang phát triển, nhưng họ là một gã khổng lồ, là nước xuất khẩu hàng đầu trên thế giới.

-Thượng Nghị sĩ Lindsay Graham (Đảng Cộng hòa – tiểu bang Nam Carolina)

Sau hết nhìn trên bình diện toàn cầu, việc thao túng tiền tệ của Trung Quốc không chỉ làm tổn hại kinh tế Hoa Kỳ. Nó đe dọa xé tan toàn bộ cấu trúc kinh tế toàn cầu và cơ cấu thương mại tự do. Vấn đề là ở chỗ: mỗi khi đồng đô la giảm so với các loại tiền tệ khác như euro, real, won, hay yen – như hiện nay thường xảy ra - thì đồng nhân dân tệ cũng tuột giá theo nó. Việc tuột giá của đồng nhân dân tệ so với các tiền tệ khác lại cho con buôn Trung Quốc một lợi thế sắc bén hơn đối với các đối thủ cạnh tranh khắp thế giới, từ châu Âu và Brazil cho đến Nhật Bản và Đại Hàn. Kết quả là xuất khẩu suy giảm đã đẩy châu Âu vào kinh tế trì trệ và kéo dài thêm sự tăng trưởng yếu kém của Nhật Bản vốn đã diễn ra cả chục năm nay. Trong khi đó, lạm phát gia tăng ở các quốc gia như Úc và Brazil, do các dòng tiền nóng đầu cơ và do sự tăng giá hàng hóa do ảnh hưởng đồng nhân dân tệ được định giá quá thấp.

Trong khi các diễn biến này xảy ra  – và bất chấp các lời kêu gọi lặp đi lặp lại từ các định chế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới yêu cầu Trung Quốc tăng giá đồng nhân dân tệ – Trung Quốc vẫn khăng khăng không chịu cải tổ. Đường lối cứng rắn này xuất phát ngay từ cấp lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc; như một câu ngạn ngữ nói: “Cá ươn từ đầu trở xuống”.

Ví dụ, hãy nghe câu trả lời không ai tin được của Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Trước áp lực đòi định giá lại đồng nhân dân tệ của các thành viên khác trong khối G-20, thủ tướng Ôn nói: "Trước tiên, tôi không nghĩ đồng nhân dân tệ được định giá thấp”. Đúng đấy, ông Ôn! [Nói như vậy thì chắc ông cũng nói rằng] không khí ở Bắc Kinh rất trong lành, người Tây Tạng rất thích đất nước họ là một phần của Trung Quốc, người dân được tự do ngôn luận ở Thượng Hải, và phi thuyền thăm dò mặt Trăng của Trung Quốc cho thấy mặt Trăng làm bằng phó-mát Thụy Sĩ.

Thực vậy, với các kiểu trả lời vô lý như vậy của các lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc trước áp lực quốc tế, không biết việc Trung Quốc chối không thao túng tiền tệ là một bi kịch của Shakespeare hay một hài kịch của Molière. Bởi vì nói cho cùng, trong số các quốc gia hưởng lợi nhờ sự lên giá của đồng nhân dân tệ thì Trung Quốc là nước hưởng lợi nhất.

Trước hết, một đồng nhân dân tệ mạnh lên sẽ khắc phục lạm phát đang gia tăng nhanh chóng ở Trung Quốc, vì một đồng nhân dân tệ mạnh sẽ hạ giá xăng dầu, nguyên liệu, và vô số vật liệu mà Trung Quốc cần để vận hành các nhà máy. Thêm một điều quan trọng để chống lạm phát nữa là một đồng nhân dân tệ mạnh cũng nhanh chóng chặn đứng các dòng «tiền nóng» đầu cơ đang đổ vào làm tăng giá thị trường chứng khoán và thổi phồng cái bong bóng bất động sản tại Trung Quốc.

Điều quan trọng nhất là đồng nhân dân tệ mạnh sẽ cải thiện đáng kể mãi lực của người tiêu dùng có thu nhập thấp ở Trung Quốc. Bằng cách này, cải cách tiền tệ sẽ làm Trung Quốc phụ thuộc ít hơn vào mức xuất khẩu ra thị trường thế giới - một điểm yếu được mô tả như gót chân Achilles của mô hình tăng trưởng Trung Quốc.

Tiếc thay, các lãnh đạo Trung Quốc từ chối chấp nhận lý lẽ thuyết phục của thông điệp này. Thay vào đó, những nhà ý thức hệ lỗi thời này vẫn khăng khăng bảo vệ quan điểm ngoan cố cho rằng nâng cao giá trị đồng nhân dân tệ mạnh lên sẽ hủy hoại nền kinh tế Trung Quốc vì xuất khẩu sẽ bị giảm mạnh. Nhưng đó cũng là một cách khác để nói rằng phương thức duy nhất giữ Trung Quốc tiếp tục phát triển là bằng cách làm cho các nước khác trên thế giới nghèo đi. Ta cũng cần nhận thấy rằng chủ trương làm nghèo các nước khác trên thế giới và đặc biệt là làm suy nhược nền kinh tế và sản xuất Hoa Kỳ, thực ra cũng rất có thể là một trong những mục tiêu quân sự và chiến lược dài hạn của Trung Quốc.

Hết Chương V

P.N. & G.A.

Chú dẫn:

Death by China hay Chết dưới tay Trung Quốc được viết bởi Giáo sư Kinh tế và Chính sách Công cộng tại Đại học California, Irvine, Peter Navarro và đồng sự Greg Autry. Quyển sách dày 320 trang, thống kê một cách cặn kẽ những chiêu thức kinh tế, xã hội, chính trị, và quân sự của Trung Quốc đã làm mất đi hàng triệu việc làm của Hoa Kỳ cùng với 5 hiểm họa quân sự mà Hoa Kỳ và thế giới tự do phải đối đầu trong những thập niên tới. GS Navarro cũng phản biện mạnh mẽ những ý kiến của Thomas Friedman về thuyết “Thế giới phẳng”. Ông cho rằng thế giới quả thật sự phẳng chỉ khi các quốc gia cùng tuân thủ một luật lệ chung. Trung Quốc hoàn toàn không thuộc vào trường hợp đó.

Nhóm dịch giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn