Cuối năm bàn về nuôi dạy con trẻ và chất lượng con người của xã hội ta

Lưu Hà Sĩ Tâm

Cuối năm âm lịch, tiết trời thường rét, mỗi đợt gió mùa về thường kéo theo những cơn mưa không lớn nhưng làm đậm hơn cái rét. Đám đàn ông dễ tìm nhau bên nồi nước chè tươi vừa nấu, ấm trà mới pha, phin café nhỏ tí tách, chén rượu gạo quê, điếu thuốc lá thơm hay bi thuốc lào đậm đà. Đám các bà các chị nhiều khi túm tụm dưới bếp, ngoài hiên, vừa làm đồ ăn gì đó cho mọi người, vừa rỉ rả câu chuyện. Những câu chuyện tìm đến chia sẻ cuối năm thường là về ước muốn trong năm qua đã đạt được những gì, cho cha mẹ ông bà, cho vợ chồng con cháu, cho anh em họ hàng, cho gia tộc làng xã, và cho con người và đất nước Việt Nam nữa.

Câu chuyện thường được nói đến có liên quan đến nuôi dạy đám con trẻ. Ước nguyện của ông bà cha mẹ là thời trẻ của chúng được đủ ăn đủ mặc, được học hành, lớn lên thì có chí hướng, có đủ điều kiện để góp phần phát triển mọi mặt, trước là cho gia đình làng xã, sau là cho quê hương đất nước. Hơn nửa thế kỷ qua, nhiều người đã rất tin, rằng bọn trẻ rồi thì sẽ dễ dàng đạt được những điều ấy. Vì toàn dân đã được Đảng, chính quyền và các đoàn thể làm cho hiểu, rằng muốn xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa, thì trước hết phải “xây dựng” được “con người mới xã hội chủ nghĩa” đã. Đó là con người – như người ta mong ước – có nhân cách, có sức khỏe và tinh thần tốt, được phát triển toàn diện và tối đa. Nghĩa là con trẻ của ta luôn được đủ ăn, đủ mặc, được vui chơi tập tành, được dạy dỗ cho ngoan và có lý tưởng, cho chúng được phát triển nhiều năng lực cá nhân (toàn diện) trước đã, rồi thì phát hiện đứa nào giỏi cái gì hơn thì đào luyện cho nó phát triển nhiều cái đó, và xã hội sẽ đón nhận và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nó đóng góp nhiều nhất (tối đa). Thế thì tuyệt quá! Ông bà cha mẹ nào còn mong gì hơn nữa !

Nhưng rồi năm này năm khác qua đi, vài thập kỷ qua đi, ý chí của Đảng, chính quyền và các đoàn thể thì vẫn thế, kiên định. Nhưng vì sao mà mỗi khi nghĩ về nuôi dạy con trẻ, nỗi lo về chúng của ông bà cha mẹ cứ ngày một đè nặng, cứ như là khối nước đá ngày càng to dần bởi giá lạnh của môi trường xã hội.

Con trẻ trong câu chuyện này, ban đầu còn là trẻ nít, đang phải được vô tư chơi đùa, chọc phá nhau, lúc cười phá, lúc khóc ré ngoài sân, ngoài ngõ. Lớn lên một chút, chúng phải được là lũ học trò phổ thông, léo nhéo gọi nhau, tụm năm tụm ba đi học chính khóa, đi học ngoại khóa, đi lao động.

Nhưng nhìn ra xã hội, người ta thảng thốt vì thấy còn quá nhiều con trẻ còn đói ăn, thiếu mặc, khô héo tinh thần. Thiếu đói ngay ở ngay nhiều làng xã của các huyện ngoại thành Hà Nội, bên các kênh rạch TP HCM và nhiều thành phố lớn, chứ chưa nói đến vùng sâu vùng xa của các tỉnh khác. Cái đói, rét, cái bơ vơ ngơ ngác của chúng làm chảy nước mắt của nhiều người đàn ông cứng cỏi. Tìm kiếm và phát hiện các năng lực cá nhân của chúng còn khó, nói gì đến chuyện xa xôi hơn.

Rồi thật buồn, số con trẻ được đủ ăn đủ mặc, thì bỗng nhiên trở thành nạn nhân của sự học. Nhiều người bàng hoàng nhận ra rằng, cách dạy dỗ của nhà trường bao năm qua có xu hướng triệt tiêu tính sáng tạo ở trẻ. Vì chính các thầy cô lại nghĩ, bọn trẻ còn tí tuổi ấy thì làm gì có tính sáng tạo. Đó là cách nghĩ rất sai, khi cho rằng “sáng tạo” là năng lực gì đó cao xa. Thực ra, sáng tạo đơn giản chỉ là nghĩ hoặc làm điều gì đó có tính mới và có ích lợi cho chính người ấy và cho người khác. Sáng tạo có thể ở các mức khác nhau, từ thấp đến cao. Trong mỗi con trẻ đều có tiềm năng sáng tạo ít nhiều, dù rằng đó là các sáng tạo ở các mức thấp. Một đứa trẻ, hôm nay tìm ra cách giải quyết một vấn đề nào đó mà trước đó nó còn chưa giải quyết được, đó là mới đối với nó, hơn nữa lại có ích đối với nó và bạn nó (vì học theo nó), thì đứa trẻ đó đang sáng tạo. Sáng tạo ở các mức thấp của trẻ là rất quý, bởi có ích trên diện rộng, và ngày càng có tiềm năng khi chúng học lên các lớp. Nhưng bọn trẻ mà cứ nhất nhất phải theo bài mẫu của thầy cô, và chỉ học mà thiếu hành, thì sao mà nảy nở và phát triển sáng tạo được. Thiếu tính sáng tạo, năng lực cá nhân ban đầu của đứa trẻ rất khó nảy mầm và thường thui chột. Phương thức giáo dục ở ta không đúng, là nguyên nhân dẫn đến sự thui chột sáng tạo trên diện rộng. Thêm nữa, việc học thêm ngày càng lan rộng, khiến con trẻ không còn nhiều thời gian cho các hoạt động vui chơi và giúp đỡ gia đình những việc nhỏ, làm thui chột các năng lực văn-thể-mỹ và hứng thú lao động của chúng. Những năng lực cá nhân này của trẻ không có cơ hội bộc lộ để phát triển. Và đó là một trong các nguyên nhân quan trọng nhất làm cho chất lượng đào tạo phổ thông của ta rất thấp.

Khắp nơi còn rất ít chăm lo cho đời sống tinh thần của con trẻ. Không thể coi một xã hội là lành mạnh, khi không có phương thức để luôn giành một phần phúc lợi từ nguồn tài chính công, tức từ tiền thuế của dân, để chăm lo cơ sở vật chất cho hoạt động và vui chơi lành mạnh của con trẻ. Hoạt động Đội, rồi hoạt động Đoàn ở trường phổ thông bị khuôn sáo bởi hình thức, như là một thủ tục bắt buộc phải có, để con trẻ sau này nói là được lớn lên dưới mái trường xã hội chủ nghĩa. Các hoạt động này, hướng tư duy xã hội của con trẻ theo hướng hình thành lý tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin. Nhưng đó lại là phương thức khép kín tư duy xã hội của chúng, tư duy chấp nhận và phục tùng, mà không hướng đến tư duy tìm kiếm, sáng tạo và phát triển xã hội. Đó là trở ngại lớn cho sự nghiệp nâng cao dân trí của toàn xã hội, trong khi con trẻ là công dân tiềm năng của xã hội. Vậy làm sao có thể nói con trẻ của chúng ta được phát hiện và phát triển năng lực một cách toàn diện.

Con trẻ trong câu chuyện này cũng còn là đám choai choai đã học xong phổ thông, đang theo học các nghề, rồi cả sinh viên nữa, dăm bữa nửa tháng lại lộn về nhà cho đỡ nhớ, cho cả nhà thêm phần quan trọng. Nhưng những ông bà cha mẹ nào cho con trẻ ra xa gia đình, mới thấy chúng mong manh làm sao. Đó là vì phải thả chúng vào một xã hội đầy cạm bẫy của sự xuống cấp trầm trọng, nhiều giá trị văn hóa và đạo đức bị đảo lộn và tệ nạn xã hội tràn lan. Nhân cách lành mạnh của con trẻ khó mà hình thành trong một môi trường xã hội như vậy gần bốn thập kỷ qua.

Mỗi khi về nhà, chúng luôn mang về những câu chuyện được chứng kiến, kèm theo sự phàn nàn, buồn phiền, phản ứng, phẫn nộ,… Ngay lúc tốt nghiệp phổ thông, chúng đã phải chọn và theo học các ngành nghề nào để thuận lợi cho xin việc sau này, chứ không còn được theo năng lực cá nhân vốn có của mình. Được vào học các hệ trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học, chúng lại là sản phẩm của quá trình đào tạo có quá nhiều vấn đề nghiêm trọng. Mặt nào cũng lạc hậu và yếu kém: chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, chất lượng giảng viên, giáo trình, phương pháp dạy và học,… Nhưng cay đắng nhất vẫn là tư duy trì trệ, bảo thủ của hệ thống quản lý giáo dục, bất chấp và lờ đi nhiều kiến nghị và đề án cải cách cơ bản do các nhóm trí thức trình độ cao đầy tâm huyết lần lượt đề xuất từ 15 năm trở lại đây. Chất lượng đã thế, vậy mà các trường đua nhau chấm điểm rất cao cho sinh viên/học viên. Đơn giản chỉ vì cho rằng với bảng điểm “đẹp”, thì chúng ra trường xin được việc dễ hơn, có vị trí tốt hơn, và do đó tuyển sinh đầu vào dễ hơn. Ở nhiều khoa và ngành đào tạo, có nhiều học viên cao học bảo vệ luận văn xong, sau khi nghe công bố điểm đã bật khóc với bạn bè, vì “bị” 8 điểm, trong khi điểm “truyền thống” trong nhiều năm là chỉ trong khoảng 9-10. Về bản chất, khi tham gia thị trường lao động, bằng cách tạo nên những bảng điểm “đẹp” như vậy, các cơ sở đào tạo đã lừa dối xã hội, khi cung cấp các sản phẩm đào tạo tồi mà dán các nhãn mác chất lượng cao hơn.

Lại nữa, con trẻ của chúng ta uất ức bởi sự bất công trong chuyện thi cử, trong đào tạo các hệ khác nhau. Nhiều đứa bạn chúng, vốn lười học và dốt, nên trượt thi đại học. Nhưng lại có kênh khác để cấp bằng đại học cho chúng, đó là kênh đào tạo đại học tại chức hay đại học từ xa, dễ hơn rất nhiều. Toàn bộ các nguyên lý giáo dục và đào tạo đã bị phá vỡ hoàn toàn, khi mở ra và thực thi các hệ đào tạo này mấy chục năm nay. Nhưng các hệ đào tạo này lại được khoác cái áo xã hội hóa giáo dục, nên vẫn tồn tại dai dẳng. Dù rằng các hệ đào tạo này mang đến niềm vui an ủi cho nhiều gia đình có con trẻ vốn dĩ ngồi nhầm lớp, nay lại có bằng đại học, nhưng xã hội phải gánh chịu hệ lụy. Đó là hệ lụy về những lớp trẻ trưởng thành nói chung là với năng lực thấp và nhân cách thiếu hụt.

Con trẻ trong câu chuyện này cũng gồm cả cái đám đã ra ràng, đủ điều kiện để tìm công ăn việc làm. Khốn nỗi, chúng phải gánh chịu sự bất công khủng khiếp trong tìm kiếm việc làm. Nghịch lý là những con trẻ có bằng tại chức/từ xa lại rất nhanh chóng có việc làm. Vì thứ nhất, nhiều con ông cháu cha các cấp đã được cho theo học các hệ này, để hợp lý hóa bằng cấp, học xong là bố trí việc ngay. Thứ hai, là vì mọi mánh lới đã quá quen khi đang còn học tại chức, nay dùng cho xin việc, và được xong việc. Nhức nhối trong xã hội hiện nay là nạn dùng tiền chạy công chức, và chạy chức. Nạn này giờ đây đã trở thành bình thường hóa, ai cũng chua cay bàn luận về thực tế ấy, nhưng dư luận phê phán có xu hướng chán nản vì bất lực. Con trẻ học chính quy mà nghiêm túc, thậm chí có bằng khá và giỏi, gia đình chân thật, kinh tế gia đình bình thường hoặc khó khăn, thì xin cứ ngồi mà chờ đấy, mòn mỏi và cay đắng.

Số con trẻ có được công ăn việc làm, tự kiếm ăn được, đang là nguồn hy vọng của gia đình làng xã, là kỳ vọng của quê hương đất nước. Nhưng điều gì xảy ra với chúng, nếu làm việc trong hệ thống hưởng lương và doanh nghiệp nhà nước? Hầu hết chúng nhận ra rằng có giỏi đến mấy mà không được lòng xếp và tổ chức, đứng ngoài đường dây của xếp và tổ chức, là không bao giờ ổn cả. Sự trung thực thẳng thắn, trong chuyên môn và trong giải quyết mối quan hệ công việc, thật nghịch lý, lại là những điều không những xa xỉ mà còn có hại. Vì điều đó có xu hướng làm vỡ lở những điều tồi tệ trong hệ thống. Vậy là phải sống giả dối, lắm lúc phải diễn. Rồi thì cũng cần phải miễn cưỡng vào Đảng, để mất chút thời gian sinh hoạt Đảng và đóng chút đảng phí hàng tháng, để mua lấy sự yên thân và chờ đợi cơ hội được học hành, cất nhắc. Chúng chẳng cần thể hiện một chính kiến gì trong các cuộc họp tập thể hay họp chi bộ Đảng. Về bản chất, chúng đã trở thành người cơ hội trong Đảng. Trên bình diện xã hội, một sự phí phạm rất lớn về con người đã diễn ra. Đó là vì một lực lượng không nhỏ các thanh niên của chúng ta, vốn có tư chất tốt và năng lực tốt, lại bị hút vào xu thế này, và một cái gông vô hình đã gông lên cổ chúng, kìm hãm sự phát triển và sự đóng góp của chúng cho tiến bộ xã hội thực sự và đúng hướng. Xã hội gánh chịu thiệt thòi đó.

Tất cả những điều trên cho thấy một hình ảnh tồi tệ hơn, đó là bức tranh về một xã hội công bằng mà Đảng muốn tô hồng cho tương lai, nhưng lại ngả màu xám xịt ở hiện tại, bởi sự bất công thường trực. Trong một xã hội, những bất công về quyền lợi vật chất vốn đã là tệ hại. Nhưng những bất công trong đào luyện, đánh giá, sử dụng năng lực và nhân cách của lớp trẻ thì tồi tệ hơn nhiều, để lại những vết thương và di chứng lâu dài cho xã hội. Vết thương, là sự lở loét của xã hội do quá trình gặm nhấm và bức hại những người có năng lực (người tài), mà xã hội nào cũng vô cùng cần, để phát triển. Di chứng lâu dài, là những kẻ bất tài và thiếu nhân cách lại chiếm giữ các vị trí tốt hơn trong xã hội, kể cả các vị trí lãnh đạo từ cấp rất thấp đến cấp rất cao. Con trẻ vì thế mà mất động lực trong học tập và rèn luyện nhân cách một cách đích thực. Đau nhất, là chất lượng con người của xã hội ta ngày càng xuống thấp, cả về nhân cách, năng lực và tinh thần.

Cần phải có lối thoát, với việc có cơ hội cho toàn dân điều chỉnh lại thực tế. Phát triển xã hội theo con đường nào thì cũng phải hướng đến mục tiêu vì chất lượng con người của toàn xã hội. Cần nhấn mạnh rằng, mục tiêu rất đẹp về chất lượng con người lại là mục tiêu đặt ra của tất cả các nước trên thế giới, nhằm phát triển xã hội hướng đến văn minh, giàu mạnh. Đó hoàn toàn không phải được sáng tạo bởi các luận điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, mặc dù có thêm vào sau từ “con người” là “mới” và “xã hội chủ nghĩa”. Nhưng chính đó lại là lý do cơ bản dẫn đến thực trạng tồi tệ về chất lượng con người trong xã hội ta. Vậy có thể bỏ đi cái đuôi “xã hội chủ nghĩa” này mà không làm giảm giá trị của mục tiêu đó, để toàn dân có thể tìm ra cách thức phấn đấu nâng cao chất lượng con người trong xã hội.

Lối thoát chỉ mở ra, nếu Hiến pháp 1992 được đổi mới theo hướng tiến bộ, theo phương án mở và tránh được sự khép kín, để có cơ hội phát triển trong đa dạng, nhằm xây dựng cơ chế để bảo đảm thực thi quyền con người và dân chủ hóa xã hội.

Vẫn biết là Đảng vẫn đang cố tình làm ngơ. Vẫn biết Đảng rất khó vượt qua chính mình, để đặt quyền lợi dân tộc lên trên hết, khiến toàn dân cảm thấy rõ cơ hội lần này rồi sẽ lại bị vuột mất. Nhưng hy vọng giờ đây vẫn còn, vì nhận thức của nhân dân ngày càng cao hơn, tính sẻ chia và đoàn kết cao hơn, qua thời gian dài kiên trì thuyết phục rồi cũng sẽ có lúc đấu tranh quyết liệt. Hy vọng vẫn còn cũng còn bởi bức tường cố thủ của Đảng giờ đây kém vững chắc hơn trước rất nhiều, vì ngày càng có nhiều vị trong hàng ngũ lãnh đạo của Đảng hiểu và chia sẻ được với mọi người về chân lý của toàn dân.

Thái Bình, 28/1/2013

L. H. S. T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn