Thư gởi lãnh đạo và chính quyền thành phố Hồ Chí Minh về ngôi nhà số 98 Nguyễn Thị Minh Khai P.6 Q.3 TP Hồ Chí Minh

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 24 tháng 4 năm 2013

Kinh gởi: – Ông Bí thư Thành ủy Đảng CSVN thành phố Hồ Chí Minh

    – Ông Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh

Đồng kính gởi: – Ông Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh

Kính thưa quý ông,

Vừa về lại thành phố sau một thời gian dưỡng bệnh tại quê nhà Tiền Giang, tôi vô cùng kinh ngạc được đọc bản sao THƯ MỜI của SỞ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH thành phố Hồ Chí Minh, đề ngày 12 tháng 3 năm 2013, gởi một số cơ quan công quyền Quận 3 TP HCM, “Mời… tham dự buổi làm việc”… “để giải quyết đề nghị của bà Sử Thị Thanh Xuân và ông Dương Minh Tâm (con trai ông Dương Văn Minh ) về xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa đối với nhà số 98 Nguyễn thị Minh Khai, Phường 6, Quận 3…”. Tôi nhận được tin này là từ bà Nguyễn Xuân Mai, nhũ danh Dương Thị Xuân Mai, trưởng nữ của Đại tướng Dương Văn Minh, báo động về từ Hoa Kỳ.

Tôi vô cùng kinh ngạc vì sự việc có quá nhiều điểm quá bất bình thường, như sau:

1/ Thư đề là của SỞ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH thành phố, gởi các cơ quan công quyền cấp quận, để “làm việc, khảo sát thực tế”… nhằm xem xét việc xếp hạng một địa danh gọi là di tích lịch sử văn hóa có thể nói là “xưa nay hiếm”, không chỉ đối với Thành phố mà còn đối với cả nước, nhưng lại không hề thấy một chút văn hóa hành chánh công quyền nào hết, tức không hề thấy nêu lên bất cứ một căn cứ pháp lý nào, ngoại trừ cái căn cứ gọi là “Để giải quyết đề nghị của bà Sử Thị Thanh Xuân và ông Dương Minh Tâm (con trai ông Dương Văn Minh) về xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa đối với nhà số 98 Nguyễn thị Minh Khai, Phường 6, Quận 3… (tại đơn ngày 02/8/2012…)”. Và điều này chỉ vỏn vẹn tiếp theo một PHIẾU CHUYỂN của VĂN PHÒNG TIẾP CÔNG DÂN Thành phố, số 1497/PC-TCD, đề ngày 27/8/2012, để “xem xét giải quyết theo thẩm quyền”.

Nếu chỉ so với việc đặt tên một con đường nhỏ ở một địa phương nào đó của thành phố luôn đòi hỏi một quy trình thủ tục pháp lý tối thiểu, và không thể không thông qua một hội đồng luật định, thì việc làm như nêu trên của “Sở VHTT và DL”, để tiến hành khảo sát xếp hạng một di tích lịch sử văn hóa, thật là quá ư vội vã, hấp tấp để có thể gọi là hành vi đứng đắn của một cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Và do đó người ta không thể không đặt mối nghi ngờ về tính xác thực của cái gọi là THƯ MỜI của “Sở VHTT và DL TP”, để “giải quyết “ cái gọi là “Đề nghị của bà Sử Thị Thanh Xuân và ông Dương Minh Tâm…”.

2/ Đọc tiếp, người ta nhận thấy cái gọi là “Đề nghị của bà Sử Thị Thanh Xuân và ông Dương Minh Tâm (con trai ông Dương Văn Minh) về xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa đối với nhà số 98 Nguyễn thị Minh Khai, Phường 6, Quận 3…” được cái gọi là THƯ MỜI của “SỞ VHTT và DU LỊCH TP” nêu lên, tuy có đề tên hai người nhưng chỉ có duy nhất chữ ký của một mình bà Sử Thị Thanh Xuân, còn ông Dương Minh Tâm (con trai ông Dương Văn Minh) thì không thấy chữ ký ở đâu cả.

Điều này cũng được chính cái “SỞ VHTT và DL” nêu trên gián tiếp xác nhận, khi THƯ MỜI gởi cho các cơ quan có liên quan ở Quận 3 chỉ đồng thời đề gởi cho bà Sử Thị Thanh Xuân, mà không hề đề gởi cho ông Dương Minh Tâm.

Đặc biệt trên PHIẾU CHUYỂN số 1497/PC-TCD, đề ngày 27/8/2012 của VĂN PHÒNG TIẾP CÔNG DÂN, người ta cũng chỉ thấy duy nhất nói đến đơn của bà Sử Thị Thanh Xuân đề ngày 02/6/2012 (chớ không phải ngày 02/8/2012 như nêu trong THƯ MỜI nói trên), với địa chỉ đầy đủ, khác với số nhà 98 Nguyễn Thị Minh Khai Quận 3, mà không hề nói đến đơn của ông Dương Minh Tâm.

Phiếu chuyển chỉ nói về đơn của một người họ Sử mà không nói đến người họ Dương, đơn tuy có nêu tên hai người nhưng chỉ có duy nhất chữ ký của người họ Sử, còn người họ Dương thì không ký, “Thư mời” cũng chỉ đề gởi cho bà họ Sử, mà không hề gởi cho ông họ Dương… vậy mà cái gọi là Sở VHTT và DL TP vẫn cứ triệu tập cuộc họp làm việc, để gọi là “…giải quyết đề nghị của bà Sử Thị Thanh Xuân và ông Dương Minh Tâm (con trai ông Dương văn Minh )” về ngôi nhà số 98 Nguyễn thị Minh Khai, Phường 6, Quận 3. Nhà này lại chính là nhà xưa nay của ông Dương Văn Minh, thân phụ của ông Dương Minh Tâm, người không hề được nói đến trong phiếu chuyển đơn, người không hề ký tên trong đơn xin “giải quyết đề nghị” chỉ có duy nhất chữ ký của… một bà họ Sử nào đó.

Một việc làm cẩu thả tắc trách như vậy có thể nào quan niệm được là của một cơ quan công quyền đích thực?

3/ Đi sâu hơn để tìm hiểu xem bà họ Sử nêu trên là ai, thì được biết trong đơn đề ngày 2/8/2012 của bà họ Sử có ký tên và ông Dương Minh Tâm không ký tên, do cái Sở VHTT và DL nêu lên, có đoạn viết, xin trích: “Tôi là Dương Minh Tâm, con trai ông Dương Văn Minh… Tôi và em tôi là Sử Thị Thanh Xuân, con gái của chú tôi là Đại tá Dương Thanh Nhựt (do chiến tranh nên em tôi phải lấy họ mẹ) chúng tôi đã gởi đến Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố, và các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước Trung ương và thành phố một đơn xin được đưa ngôi nhà 98 Nguyễn thị Minh Khai, P.6 Q.3 Tp HCM vào diện di tích Lịch sử Văn hóa cấp Thành phố”.

Thì ra, bà Sử Thị Thanh Xuân, theo mấy chữ trên đây, là em con chú của ông Dương Minh Tâm. Nhưng làm sao cái “Sở VHTT và DL” có thể tin chắc mấy chữ xác nhận trên là đúng? Và bà họ Sử quả là con của ông Dương Thanh Nhựt, một Đại tá của Quân đội NDVN, trong khi người xác nhận tự xưng là Dương Minh Tâm lại không có ký tên? Ai có thể tin rằng đây không là tự phong hay mạo nhận của một ai đó, hoặc không là “đặt điều” của riêng cái gọi là “Sở VHTT và DL”?

4/ Tiếp tục đọc thêm để biết được lý do của cái “Đề nghị… về xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa…” hy hữu này, người ta thấy đơn không có chữ ký của ông Dương Minh Tâm viết, xin trích: “ Như quý vị đã biết, ông Dương Văn Minh cha tôi theo tinh thần hòa hợp, hòa giải dân tộc, vào giờ phút quyết định, đã không kể quyền lợi, danh dự, uy tín cá nhân, đã tự nguyện theo lời khuyên của cách mạng đứng ra nhận chức Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa ở giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh, để làm một việc quan trọng là kịp thời đầu hàng quân Giải phóng, tránh được nhiều tang tóc, đổ nát cho đất nước. Vai trò, công lao và ý nghĩa của việc ông làm với tư cách đứng đầu lực lượng thứ ba trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, đã được Ban Bí thư Trung ương Đảng đánh giá qua văn kiện chánh thức Chỉ thị số 91-CV/TW ngày 8-10-2002 (Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, Nxb CTQG, Hà Nội, 2010, Tập II Chương 11, trang 1028 ).

Để làm bằng cho điều mình viết, “ông Dương Minh Tâm”, trong “đơn không có ký tên”, đã trưng dẫn hẳn hoi Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, Nxb CTQG, Hà Nội, 2010, Tập II Chương 11, trang 1028”.

Để kiểm chứng , tôi đã mở đúng trang 1028 của cuốn “Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, Nxb CTQG, Hà Nội, 2010, Tập II Chương 11” thì thấy gì?

Tôi không hề thấy một câu chữ nào nói về việc “ông Dương văn Minh… đã tự nguyện theo lời khuyên của cách mạng đứng ra nhận chức Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa ở giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh…” như đơn của ông Dương Minh Tâm nào đó đã viết.

Mà chỉ thấy sách viết: “Tướng Dương Văn Minh bày tỏ lòng biết ơn đối với Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và nói: …Tôi nhận chức Tổng thống khi biết rõ ý đồ của Mỹ đã bỏ rơi miền Nam Việt Nam và họ muốn dùng tôi vào thời điểm này để làm gì… Chúng tôi nhận rõ chỉ có một con đường khi quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, chúng tôi chấp nhận đầu hàng không điều kiện” (trích Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, Nxb CTQG, Hà Nội, 2010, Tập II Chương 11, trang 1028, từ dòng 1 đến dòng 10).

Vậy thì chuyện ông Dương văn Minh “…đã tự nguyện theo lời khuyên của cách mạng đứng ra nhận chức Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa …” , theo đơn của ông Dương Minh Tâm nào đó đã viết, là ở đâu ra?

Và tại sao điều mà “sử sách” có ghi, ông Dương Minh Tâm, nếu đích thực là ông, lại không trích, không nêu? Lại đi đặt điều để qua mặt chính quyền, dối gạt hậu thế, bôi nhọ thanh danh, vong linh, ký ức người quá cố chính là cha mình, làm đau lòng không ít người luôn kính thương, nếu không nói là biết ơn, ông Dương Văn Minh?

5/ Lại còn về “lực lượng thứ ba trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc” nữa.

Về cái thực thể thứ ba không ngừng chuyển động và phức tạp này, được nói đến chính thức lần đầu từ khi có Hiệp định Hòa bình Paris năm 1973 cho tới nay, tôi chưa hề thấy một người viết sử, chứng nhân lịch sử hay một người gọi là trong cuộc nào nói đến một cách chính thức, có đầu có đuôi, bất cứ ở đâu. Bởi không thể đơn giản nói về “lực lượng thứ ba” chỉ trong một cuốn sách, thậm chí trong nhiều cuốn sách, huống hồ là chỉ với một vài câu…

Ông Dương Minh Tâm, con trai thứ hai của Đại tướng Dương Văn Minh, theo tôi được biết, gần như thường trực ở suốt bên Pháp, chớ ít khi ở Việt Nam.

Là người đã hai lần hợp tác với ông Dương Văn Minh, vào năm 1963 và từ năm 1971 đến năm 1975, tôi cũng chỉ gặp ông Dương Minh Tâm duy nhất có một lần, khi ông đến nhà thăm tôi, sau lần ông về nước khi anh trai ông là ông Dương Minh Đức mất, năm 2009. Cả khi tôi đến thăm Đại tướng Dương Văn Minh hồi tháng 6 năm 1994 ở Paris, tôi cũng không hề gặp để biết mặt ông Dương Minh Tâm. Còn hai người cháu gái là con ông Dương Thanh Nhựt mà tôi biết ông bà Dương Văn Minh đã từng nuôi cho ăn học tại nhà thì đã ra khỏi nhà ông bà từ khá lâu trước năm 1975.

Vậy thì khả năng nào cho phép họ can dự vào công việc của ông Dương Văn Minh? Và tư cách nào cho phép họ nhân danh này nọ, để xin xỏ này nọ… cho ông Dương Văn Minh và cho những người đã xa gần cộng tác với ông Dương văn Minh? Và cái ý tưởng về “vai trò… tư cách đứng đầu lực lượng thứ ba trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc” của ông Dương Văn Minh, như đã được nêu trong đơn, là từ đâu ra? Nó chỉ có thể thoát ra từ một đầu óc tưởng tượng khá nghèo nàn của ai đó, chớ không lẽ nó lại xuất phát từ… bên Tây?

Cũng may là mới đây, bà Nguyễn Xuân Mai, nhũ danh Dương Thị Xuân Mai, trưởng nữ của ông bà Dương Văn Minh, và cô Dương Đức Anh, con gái của ông Dương Minh Đức quá cố, là hai trong ba người thừa kế chính thức của ông bà Dương Văn Minh, từ nước ngoài, đã có thư về lãnh đạo và chính quyền Thành phố, với chữ ký có xác nhận của chính quyền các địa phương sở tại, phủ nhận việc làm sai trái của một số người nào đó, đồng thời khẳng định lại sự ủy quyền hợp pháp đã có trước đây đối với ngôi nhà số 98 Nguyễn thị Minh Khai, P.6 Q.3 TP HCM.

Riêng tôi xin có thư này kính gởi Lãnh đạo, Chính quyền, Mặt trận Thành phố: “Để kính tường”.

Trân trọng.

(Đính kèm bản sao các đơn từ văn bản có liên quan, gồm 05 tài liệu)

Hồ Ngọc Nhuận

Phó chủ tịch Ủy ban MT Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh

Bản sao kính gởi:

– Bà Dương thị Xuân Mai (Hoa Kỳ)

– Cô Dương Đức Anh (Pháp)

Đồng kính gởi các ông:

– Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch thường trực UB MTTQVN TP HCM.

– Bác sĩ cựu dân biểu Hồ Văn Minh, nguyên Đệ nhất Phó chủ tịch HNV VNCH, nguyên Đệ nhất ứng cử viên Phó TT, liên danh Dương Văn Minh,1971.

– Đại tá cựu nghị sĩ Hồng Sơn Đông, nguyên Đệ nhị ƯCV Phó TT, năm 1971.

– Giáo sư Lý Chánh Trung, trong Ban tham mưu ông Dương văn Minh (1971- 1975).

– Giáo sư Tôn Thất Thiện (ở Pháp), trong BTM ông Dương văn Minh (1971- 1975).

– Cựu DB Trung tá Nguyễn Văn Binh, nguyên Trưởng khối Quốc gia HNV, “như trên”.

– Ông Dương Văn Ba, cựu Dân biểu, nhà báo, “như trên”.

– Đại tá DươngThanh Sơn, em trai thứ 5 ông Dương Văn Minh (Hoa Kỳ).

– Thiếu tá Trịnh Bá Lộc, nguyên tùy viên ĐT Dương văn Minh (Hoa Kỳ).

– Thiếu tá Hoa Hải Đường, nguyên tùy viên ĐT Dương văn Minh (Hoa Kỳ).

– Giáo sư Châu Tâm Luân (Thụy Sĩ) và Bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, là hai trong những người, trong đó có tôi, đã từng tá túc tại nhà số 98 Nguyễn Thị Minh Khai trước ngày 30/4/1975.

– Báo giới các nơi.

“ĐỂ KÍNH TƯỜNG”

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn