Trận đánh tối thượng bị bỏ lỡ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thục-Quyên

Trong những xúc động, xôn xao, lễ lạc, chương trình, bàn cãi,... điểm chính của sự việc vẫn là sự ra đi của một con người. Một người chồng, người cha, người ông, người cụ...

Và dù trong những năm tháng dài sức khỏe cụ xuống dần, dù biết lần ra đi cuối cùng không thể tránh, chắc chắn gia đình cụ đang bồi hồi, thương tiếc. Mong rằng nếu cụ đã tập thiền đều đặn thì không chỉ vì lý do sức khỏe mà như vài bài báo kể lại cụ có nghiên cứu kinh sách đạo Phật, và như vậy có lẽ cụ đã có dịp để quán và dạy cho gia đình về vô thường, một trong ba dấu ấn của Phật giáo.

Trong số vài trăm bài viết tràn ngập các tờ báo giấy cũng như báo mạng kể từ ngày cụ Giáp từ trần, khía cạnh tâm linh của cụ không được nhắc tới nhiều. Phải nói là quá hiếm hoi. Có lẽ vì không phải là khía cạnh nổi của cụ, nhưng có lẽ đồng thời cũng vì không hợp với thị hiếu của đám đông.

“Đại tướng huyền thoại” – đó mới là khía cạnh mọi người muốn nhắc tới.

Tại sao “huyền thoại”? Tại sao một người từ lúc sống đã là một huyền thoại?

Thật ra con người Võ Nguyên Giáp không là một huyền thoại. Đại tướng Võ Nguyên Giáp mới là một huyền thoại. Vị Đại tướng mang hào quang đã chiến thắng hai cường quốc Tây phương với tên tuổi gắn liền vào một sự kiện lịch sử, chiến thắng quân sự Điện Biên Phủ.

Mà huyền thoại phải chăng chỉ là một trong những phiên bản của một sự kiện lịch sử? Vì đặc điểm của huyền thoại là dựa trên những lời kể không cần minh chứng.

Theo từ điển văn học (Nhà xuất bản Thế giới, 2004) do bốn giáo sư chủ biên Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá, Đỗ Đức Hiểu, mục Huyền thoại (trang 668): Nhân vật lịch sử có thể trở thành nhân vật huyền thoại: truyện pha trộn cái thực với cái hoang đường, cái hư ảo, cái kỳ diệu, thường bằng phương pháp phóng đại các kích cỡ, làm lệch lạc hình tượng nhân vật hay sự kiện lịch sử, có khi thần bí hóa nó, nhằm mục đích giải thích một nhân vật kỳ vĩ hoặc tuyên truyền trong đại chúng một tư tưởng nào đó.”

Theo Sigmund Freud huyền thoại là một giấc mơ của tập thể, hay của một cá nhân, nổi lên từ vô thức. (Sometimes myths are public dreams which, like private dreams, emerge from the unconscious mind).

Và Jung đã nhấn mạnh: “Thật vậy, huyền thoại thường bộc lộ các nguyên mẫu của tập thể vô thức (Indeed, myths often reveal the archetypes of the collective unconscious).

Cụ Võ Nguyên Giáp vừa trút hơi thở cuối cùng sau 1559 ngày nằm viện.

Suốt trong 1559 ngày không thấy có ai nhắc tới cụ, chỉ có lần Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuất hiện trên báo chí trong quân phục đại lễ gắn đầy huy chương, dù thân thể đã quá suy yếu chỉ còn như một bộ xương đang nằm trên giường bệnh. Nhìn từ một khía cạnh, thì sự ra đi của cụ Giáp chính là sự thăng hoa của vị Đại tướng huyền thoại, từ những từ ngữ đẹp như “thiên tài quân sự”, “đại trí”, “đại nhân”, “đại dũng” tới “hậu duệ của Phật hoàng Trần Nhân Tông”, “Thánh tướng”... và chưa biết còn gì gì nữa. Đã là huyền thoại thì chẳng cần phải tranh cãi và đòi hỏi chứng minh.

Nhưng một khía cạnh khác quan trọng hơn nhiều và đáng lưu tâm là “giấc mơ của tập thể” như Freud đã nhắc tới.

Nhìn vào hiện tượng Đại tướng huyền thoại những ngày qua và trong những ngày tới để mà nhìn thấy những thèm khát của người dân Việt. Ý thức được sự tụt hậu cả thế kỷ của đất nước đối với thế giới, người dân Việt mơ ước một thiên tài cứu nguy, và cũng chính sự tụt hậu này cũng mới đẩy người Việt tiếp tục bấu víu vào một thiên tài quân sự, không hiểu rằng giải pháp quân sự sẽ không thể đưa Việt Nam thoát cảnh khốn cùng trong thế kỷ thứ 21 này.

Nhưng còn nữa. Vị Đại tướng huyền thoại được khoác áo Đại trí, Đại nhân, Đại dũng vì trong vũng lầy hiện tại chỉ có toàn tiểu nhân, sâu bọ, tham nhũng, trộm cắp. Dân chúng cần một điểm tựa, một hy vọng, cần một vị thánh không tỳ vết với quyền uy siêu phàm để cứu họ, như chiếc phao cuối cùng, như đốm lửa trong đêm tối.

Những dòng nước mắt đang thành suối khóc một vị Đại tướng huyền thoại cũng là để khóc cho huyền thoại Tự do No ấm mà sau Điện Biên Phủ và gần 60 năm xương máu chất chồng vẫn còn là huyền thoại.

Trong Phật giáo có chữ cộng nghiệp. Nghiệp là thói quen huân tập tạo thành sức mạnh, chi phối tất cả mọi sinh hoạt trong cuộc sống con người. Nghiệp có thể tốt hay xấu. Nhìn trong lăng kính của Phật giáo, Điện Biên Phủ hay cuộc Thống nhất đẫm máu tháng 4 năm 1975 là do cộng nghiệp của dân tộc Việt. Cộng nghiệp này đã không nảy sanh được một Gandhi, một Mandela, hay cũng có thể hồn thiêng sông núi đã tụ được những vị Đại nhân nhưng vì cộng nghiệp dân Việt đã không nhận diện được họ?

Nhìn như vậy, nhìn như một hiện tượng tôn giáo, xã hội, thì không có gì phải tranh cãi về vị Đại tướng huyền thoại.

Nhưng những cố gắng biện luận kiểu “Đại tướng Võ Nguyên Giáp tuy là một thiên tài quân sự kiệt xuất thắng hai cường quốc Tây phương, một đại trí, đại dũng, nhưng vì cô thế nên phải nhẫn nhục trước những tệ đoan, bất công xã hội” là khập khễnh, không đứng vững được với thời gian, khi thế hệ trẻ Việt Nam qua những phương tiện truyền thông có cơ hội so sánh tin tức đa chiều, gạt bỏ thói sùng bái tín điều của những thế kỷ trước.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp danh tiếng lẫy lừng năm châu bốn bể đúng theo câu “thời thế tạo anh hùng”, vì rõ ràng ông đã chỉ được phong đại tướng theo sự nhận xét và theo cảm tính của một người duy nhất, vì ông đã 8 năm làm đảng viên cộng sản, và cũng chỉ trong điều kiện đặc biệt lúc đó của lịch sử. Được làm vua thua làm giặc, mọi hiển hách, hào quang sau trận Điện Biên Phủ nghiễm nhiên vào tay vị đại tướng. Có những cố gắng của vài cá nhân lý luận đó không phải là công của một đại tướng mà là của nhiều tướng khác và nhất là của toàn dân quyết tâm giành độc lập, trong đó có cả những người yêu nước bị Đảng Cộng sản thủ tiêu. Nhưng đây cũng là lý luận chật hẹp. Nếu lý luận như vậy thì chẳng có Napoléon, chẳng có Hitler. Nhưng cũng như Napoléon hay Hitler, lên voi hay xuống chó là hai mặt của một chiếc mề đay. Không thể chọn mặt này và bỏ mặt kia.

[…]

Có lẽ một mai, lịch sử sẽ phán xét Đại tướng Võ Nguyên Giáp một cách còn nghiêm khắc hơn bình thường. Vì Đại tướng luôn cố gắng và thành công trong việc chứng minh mình không chỉ là một kẻ võ biền mà là một người trí thức. Đại tướng hoàn toàn ý thức cần tuyên bố những câu gì để được sự kính trọng của thế giới. Trong cuộc đối thoại năm 1995 với nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Mc Namara, chính Đại tướng đã thừa bén nhạy để hiểu khía cạnh tiêu cực của biệt danh “Đại tướng huyền thoại” để phủ nhận nó: “[…] vị tướng dù có công lao lớn đến đâu cũng chỉ là giọt nước trong biển cả. Chỉ có nhân dân Việt Nam là người đánh thắng Mỹ. Các ngài gọi tôi là vị tướng thần thoại, nhưng tôi tự nghĩ tôi bình đẳng với những người lính của mình. Tôi hoàn thành nhiệm vụ cũng như những người lính hoàn thành nhiệm vụ. Trên bình diện nhiệm vụ thì tôi cũng như người lính là bình đẳng, cho nên tôi rất tôn trọng người lính”.

Đại tướng Giáp thừa ngoại ngữ và phương tiện để theo dõi tình hình quốc tế. Ông thừa biết thời nay chẳng có bạn hay thù nào là vĩnh viễn mà chỉ có quyền lợi đất nước và dân tộc là vĩnh cửu. Ông thừa thông minh để biết mất quyền tự quyết cho ngoại bang là cái chết của dân tộc, chẳng có khác biệt giữa mất cho Pháp, cho Mỹ hay cho Trung Cộng. Nhưng dù có rất nhiều cơ hội tiếp xúc với giới truyền thông quốc tế, ông chỉ luôn hân hoan nhắc tới chiến lược, tới đại thắng, tới giải phóng mà không chút ngập ngừng.

Thiết nghĩ không ai được quyền lên án cá nhân con người Võ Nguyên Giáp hay Đại tướng Võ Nguyên Giáp là hèn nhát khi ông không dấn thân dùng tiếng tăm của mình để nói lớn chí nguyện của dân tộc, dù chỉ một lần:

Không có một chiến thắng nào cả!

Không bảo vệ được đất đai tổ tiên để lại, không xây dựng được một quốc gia tự chủ đúng nghĩa, cho dân và vì dân, thì mọi xương máu hy sinh là uổng phí!

Như tất cả mọi người, cá nhân cụ Giáp có quyền mong được sống yên lành, con cháu không bị khủng bố, cướp đất sống ngay trên quê hương mình.

Đại tướng Giáp cũng đã trung thành với chính mình; mặc dù Đại tướng đã có ra mệnh lệnh: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa” nhưng Đại tướng cũng có nói: “Kẻ địch mạnh thì ta tránh chúng. Kẻ địch yếu thì ta đánh chúng”. Đó là cách hành xử bình thường, hợp lý, với đôi chút khôn ngoan.

Chỉ một bậc Đại nhân, Đại trí, Đại dũng mới có thể hành xử khác mọi người.

Năm 2007 khi Thiền sư Nhất Hạnh về nước và đi suốt Nam Trung Bắc để làm điều mà trong khả năng một ông thầy tu có thể làm được, điều mà Đức Đạt Lai Lạt Ma mong muốn suốt cuộc đời làm được tại Trung Quốc, là cầu nguyện và cử hành những cuộc “Chẩn tế bình đẳng”. Thầy thân chinh đến thăm Đại tướng để trao tặng ông bức thư pháp chính tay thầy viết:

Bản Môn Xuân Ấy Còn Nguyên Vẹn

Không thấy nhắc bức thư pháp này có được được nằm cạnh chữ “Nhẫn” được kể là treo rất trang trọng trên tường tư gia của Đại tướng hay không. Và cũng không biết khi còn sinh tiền, Đại tướng hiểu chữ “Nhẫn” ra sao và có bao giờ nhìn sâu để tìm lại cái “Tâm ban đầu” của mình cũng như của biết bao triệu người trẻ đã hy sinh tính mạng để tranh đấu cho sự tự do, no ấm, thịnh vượng của dân tộc?

Huy chương, bảng vàng, bia đá rồi cũng tan đi.

Tiếc thay cho Đại tướng đã bỏ lỡ trận đánh tối thượng của đời mình, trận đánh để thấy được cái vô thường, vô ngã, tháo gỡ được những phiền não như tham giận, sợ hãi, kiêu căng...

Thành kính nguyện cầu Hương linh cụ Võ Nguyên Giáp sớm an bình nơi cõi Phật.

T. Q.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn