Không còn sức phản kháng tức là đã chết lâm sàng

Phuong Dang Bich

Ban đầu tôi nghĩ, các cấp chính quyền ở trung ương bao giờ cũng văn minh hơn chính quyền địa phương. Văn minh ở đây không chỉ là cách hành xử, mà là cả cách suy nghĩ. Nhưng có lẽ tôi nhầm. Chỉ là một đằng thì gián tiếp (sạch tay), còn một đằng trực tiếp, chứ man rợ chả kém gì nhau. Tỷ dụ trong một vụ án, người ở trên thản nhiên ký cái roẹt, tống một con người vào tù. Kẻ ở dưới dùng nhục hình đày đọa, đẩy người tù sớm đến cái chết hơn, hỏi ai tàn bạo hơn ai? Như nhau cả thôi.

Cái tên Đinh Đăng Định và Bauxite Tây Nguyên tôi nghe thấy từ lâu, nhưng nó giống như một viên sỏi, ném vào dòng thác sự kiện của một xã hội, mà tôi nghĩ là đang ở hồi hỗn loạn. Đến thư của cụ Võ Nguyên Giáp và các cảnh báo của các nhà kinh tế và khoa học còn chả ăn ai, nữa là một thầy giáo ở một tỉnh miền núi xa lắc. Trong khi các sự kiện cứ nối tiếp nhau cuốn đi, cuộc sống của những người tù gần như bị quên lãng trong sự đày đọa về thể xác và khủng bố về tinh thần. Người ta có nhắc đến cũng chỉ biết chép miệng, hay buông lời cảm thán là xong. Chỉ khi tin về thầy giáo Đinh Đăng Định bị ung thư, người ta bắt buộc phải đưa ông đi mổ mà vẫn còng ông, thì dư luận mới chú ý đến ông nhiều hơn.

Có lẽ phải cảm ơn những người bạn của thầy giáo Đinh Đăng Định, bấy lâu nay vẫn bất chấp nguy hiểm, lặng lẽ và kiên trì giúp đỡ về vật chất, cũng như chia sẻ thông tin về hoàn cảnh khốn cùng của gia đình thầy giáo lên mạng internet. Sau khi mổ, bất chấp bệnh tình của thầy chưa bình phục, người ta lại đưa thầy trở lại nhà tù ngay trong dịp tết. Điều này làm dấy lên sự căm phẫn trong dư luận, về sự vô nhân đạo của nhà cầm quyền. Mới đây, khi nhà cầm quyền trả thầy Đinh Đăng Định về cho gia đình, người ta hiểu rằng thời gian của thầy không còn bao lâu nữa.

Vào một ngày gần cuối tháng 3, khi chúng tôi có dịp vào Nam, những người bạn ở Sài Gòn đã đưa chúng tôi về Đắk Nông. Trong cái nắng oi ả của ban trưa, chúng tôi bước vào căn nhà vách gỗ tuềnh toàng mà gia đình thầy Đinh Đăng Định đã ở mười hai năm nay. Trong khi mọi người vây quanh người đàn ông gầy guộc nằm trên giường, tôi đứng im lặng quan sát, chỉ thấy trong lòng bâng khuâng một nỗi buồn khó tả… Tôi thơ thẩn xuống dưới bếp, như thấy lại cuộc sống nghèo khó của những người dân thời chiến tranh cách đây hơn bốn chục năm. Những cái xoong bám đầy nhọ nồi, đen chũi treo trên vách gỗ. Con gái đầu tên Thảo, bảo mấy bữa nay bố khó thở nên không dám đun bằng củi, vừa mới mua bếp ga về để nấu ăn. Nó chỉ cái thùng nước đặt trên khung sắt, bảo chú Phạm Bá Hải về thăm, thấy nước nôi khó khăn quá mới mua cái thùng này, bắc nước cho mấy mẹ con dùng đỡ vất, làm xong rồi chú mới đi.

Khó khăn của gia đình những người tù thì kể sao cho xiết? Nếu không có sự giúp đỡ của bạn bè và những người ủng hộ họ cả ở trong và ngoài nước, chắc chắn cuộc sống của họ sẽ vô cùng quẫn bách.

Khi mọi người tản mát đi quanh nhà, chỉ còn Lưu Gia Lạc và chị Sông Quê (nick trên FB) bên cạnh người bệnh, tôi mới ngập ngừng bước tới, rụt rè nắm lấy tay thầy Đinh Đăng Định. Tôi thực sự chẳng biết nói gì, tôi chỉ có thể nói, về tuổi đời thì thầy thua tôi (thầy kém tôi 3 tuổi), nhưng về sự dũng cảm thì tôi thua thày. Thầy đã làm được điều mà chúng tôi không làm được.

Mặc dù tôi không muốn người ốm mệt thêm, nhưng người đàn ông kiên cường này vẫn cố gắng nói, rằng cuộc chiến này còn dài, vì vậy đừng hy sinh vô ích. Hãy ủng hộ và giúp đỡ những người đang tranh đấu.

Tôi hay khóc trước những hoàn cảnh thương tâm, nhưng lần này tôi rất bình tĩnh. Thế nên tôi ngạc nhiên khi giọng mình méo đi, thấy nước mắt mình rơi trên cánh tay. Lưu Gia Lạc nắm lấy bàn tay chị Sông Quê, đặt lên tay tôi và tay thầy Đinh Đăng Định. Bốn bàn tay chúng tôi chồng lên nhau trong im lặng, rất xúc động.

Người ta thường có một luận điệu, rằng những người phê phán chế độ là nhận tiền của nước ngoài để chống phá nhà nước này. Họ không bao giờ tự hỏi, tại sao những người dám đấu tranh lại chấp nhận tù đày, chấp nhận nghèo khó, thay vì ca ngợi chế độ để được hưởng ít nhất là sự bình yên cho bản thân? Xã hội không tự thân trở nên tốt hơn, nếu không có sự vận động của từng cá nhân. Một xã hội chỉ có những lời ca ngợi sáo rỗng và giả dối là một xã hội vô hồn và thực sự đang chết lâm sàng (không còn sức đề kháng).

*

Tính từ lúc dự án Bauxite được đăng tải trên trang của thầy Huệ Chi và thầy Phạm Toàn cho đến khi bị bắt, thầy Đinh Đăng Định đã vận động được ba ngàn chữ ký của người dân Tây Nguyên để phản đối dự án này. Giá như có nhiều người như thầy Đinh Đăng Định, biết đâu chúng ta đã tránh được thảm họa này?

P.Đ.B.

Nguồn: FB Phuong Dang Bich

Phụ lục:

THẦY GIÁO ĐINH ĐĂNG ĐỊNH

Hôm nay ngày 3/4/2014 cha Thanh đã đến tận nơi giường bệnh để làm lễ cho thầy giáo Đinh Đăng Định.

Buổi lễ rất đơn giản nhưng uy nghi và trịnh trọng, lúc ấy thầy Định tỉnh táo và cảm thấy vinh dự và hạnh phúc vì điều này.

Sức khỏe thầy giáo Đinh Đăng Định đã ở trạng thái nguy kịch, các y bác sỹ không thể truyền nước được nữa vì ven đã gần như vỡ cả, máu có vẻ như khô lại, đặc lại, mặc dù còn tỉnh táo nhưng không nói được, cùng lắm chỉ gọi được tên những người thân thiết .

Các con của thầy Định cũng kịp trở về bên thày, cả nhà quây quần bên nhau trong những giờ phút cuối cùng này, thầy vẫn tỉnh táo, những cơn đau vẫn cứ hành hạ thầy từng phút, từng giây, một bên tay lạnh ngắt do bị áp xe ven, tuy vậy thầy vẫn rất tỉnh táo, chủ yếu nói bằng ánh mắt và hầu như những người thân đều hiểu .

Những lúc ngồi bên thầy, khi tay trong tay nhau thầy nhìn tôi, và luôn mồm gọi tên tôi, tiếng được tiếng mất. Chúng tôi nhìn nhau, tôi ôm các con gái của thày, thầy nhìn và gật gật... chúng tôi hiểu nhau và thầy hiểu tất cả .

Tôi nghĩ thầy Đinh Đăng Định hẳn hài lòng vì những gì mình đã làm, đã cống hiến cho cuộc đời này nên chắc hẳn anh sẽ ra đi trong thanh thản .

Tôi tin thế, anh tin thế và nhiều người tin như thế .

clip_image002

clip_image004

clip_image006

Nguồn: FB Lưu Gia Lạc

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn