Thủ tục khiếu nại của Hội đồng Nhân quyền LHQ

Vũ Quốc Dụng

Bài này tổng hợp những dữ kiện liên quan đến Thủ tục khiếu nại của Hội đồng Nhân quyền LHQ với mục đích giúp cho người đọc hiểu và dễ sử dụng thủ tục quan trọng này. Trước khi đi sâu vào chi tiết, người ta cần hiểu tinh thần của thủ tục này là nhằm giúp đỡ cho các nạn nhân trong sự hợp tác với quốc gia nơi xảy ra vụ vi phạm. Vì Hội đồng Nhân quyền LHQ không phải là toà án nên thủ tục này không thể gọi là một vụ kiện được. Các biện pháp đối phó mà Hội đồng Nhân quyền đưa ra không mang tính cách chế tài. Biện pháp nặng nhất là đưa vấn đề ra bàn luận trong một phiên họp công khai.

1. Hội đồng Nhân quyền LHQ và Thủ tục khiếu nại (Complaint Procedure)

Vào ngày 15/3/2006, Đại hội đồng LHQ đã cho thành lập Hội đồng Nhân quyền (Human Rights Council, HRC) để thay thế Uỷ hội Nhân quyền (Commission on Human Rights) bị chỉ trích là hoạt động thiếu hữu hiệu. Sau hơn một năm bàn thảo, ngày 18/6/2007, HRC đã thông qua quyết nghị 5/1 về cơ cấu tổ chức trong đó có việc thiết lập một thủ tục mới gọi là Thủ tục khiếu nại (Complaint Procedure) nhằm tạo phương tiện cho mọi người ở mọi nơi trên thế giới có thể tố cáo những vụ vi phạm nhân quyền trầm trọng. Tuy gọi là mới nhưng Thủ tục khiếu nại là hậu thân của Thủ tục 1503 nổi tiếng của Uỷ hội Nhân quyền thời trước. Do đó về nội dung và thể thức, Thủ tục khiếu nại không khác nhiều với Thủ tục 1503. Thủ tục khiếu nại được cải thiện hơn về mặt minh bạch (xx thêm phần: Việc thông tin cho người gửi đơn) và về thời gian cứu xét. Thủ tục này bảo đảm rằng thời gian từ lúc gửi hồ sơ cho quốc gia liên hệ đến lúc nó được đưa ra cứu xét tại Hội đồng Nhân quyền LHQ sẽ không kéo dài quá 24 tháng.

a. Mục đích

Thủ tục khiếu nại của Hội đồng Nhân quyền được dùng để đưa ra «những vụ vi phạm thô bạo nhân quyền và quyền tự do căn bản xảy ra theo những dạng mẫu nhất quán và được kiểm nhận là xác thực ở bất cứ nơi nào trên thế giới và trong bất cứ hoàn cảnh nào» (consistent patterns of gross and reliably attested violations of all human rights and all fundamental freedoms occurring in any part of the world and under any circumstances). Cần chú ý rằng Thủ tục khiếu nại chỉ cứu xét về những vụ vi phạm thô bạo xảy ra theo những dạng mẫu nhất quán và được kiểm nhận là xác thực. Như vậy thủ tục này không cứu xét các trường hợp vi phạm đơn lẻ. Ngoài ra vụ vi phạm phải có tính chất thô bạo và phải xảy ra một cách có hệ thống. Thêm vào đó, những thông tin đưa ra phải ở mức độ đáng tin cậy. Không có những tính chất này một vụ vi phạm sẽ không được chấp nhận cứu xét theo Thủ tục khiếu nại của Hội đồng Nhân quyền.

b. Đặc điểm

Đối tượng xem xét của thủ tục này là tất cả mọi nhân quyền ghi trong Bản Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế, không phân biết đó là quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội hay văn hoá. Những vụ vi phạm nhân quyền ở bất cứ quốc gia nào cũng có thể bị đem ra cứu xét tại đây cho dù quốc gia này không tham gia hay ký kết vào bất cứ công ước hay thỏa ước nhân quyền nào.

Thủ tục khiếu nại của Hội đồng Nhân quyền LHQ là một thủ tục làm việc kín. Các buổi họp ở mọi giai đoạn cứu xét đều không được mở công khai; kết quả thường không được công bố. Lý do chính là Hội đồng Nhân quyền muốn dùng thủ tục này để làm gia tăng sự hợp tác với quốc gia liên hệ.

Những đơn khiếu nại vô căn cứ và vô danh sẽ không được chấp nhận. Hồ sơ khiếu nại – có thể bỏ tên người gửi ra, nếu được yêu cầu - sẽ được chuyển đến cho quốc gia liên hệ để lấy ý kiến. Nói chung Thủ tục khiếu nại muốn bảo đảm sự vô tư, khách quan, hữu hiệu, mục đích hướng về sự giúp đỡ nạn nhân và hồ sơ được cứu xét trong thời hạn nhất định (impartial, objective, efficient, victims-oriented and conducted in a timely manner).

2. Những thành phần tham gia

a. Người nộp đơn

Bất cứ ai cũng có thể gửi đơn đến Hội đồng Nhân quyền để xin khiếu nại theo Thủ tục khiếu nại (xx thêm phần: tiêu chuẩn nhận đơn)

b. Tổ Công tác về Thông tri (Working Group Communications, WG-C)

WG-C có nhiệm vụ gạn lọc các đơn khiếu nại theo các tiêu chuẩn đã được định sẵn để chuyển những hồ sơ tuyển chọn cho Tổ Công tác về Tình hình (WG-S). Thành viên của WG-C là 5 chuyên viên độc lập có trình độ chuyên môn cao. Họ là đại diện của 5 khu vực địa lý theo cách chia trong LHQ.

Năm thành viên của WG-C hiện nay là ông Shiqiu Chen (China), ông Emmanuel Decaux (France), ông Vladimir Kartashkin (Russian Federation), ông Miguel Alfonso Martínez (Cuba) và bà Halima Embarek Warzazi (Morocco).

c. Tổ Công tác về Tình hình (Working Group Situations, WG-S)

WG-S có nhiệm vụ cứu xét nội dung các hồ sơ khiếu nại do WG-C chuyển sang dựa trên sự trả lời của quốc gia liên hệ và những hồ sơ mà Hội đồng Nhân quyền đang cứu xét trong cùng Thủ tục khiếu nại này. Sau đó WG-S sẽ làm báo cáo về vấn đề được khiếu nại và đưa cho Hội đồng Nhân quyền những đề nghị xử trí.

Năm thành viên của WG-S hiện nay là Angola, Bosnia and Herzegovina, Jordan, Italy và Nicaragua .

d. Hội đồng Nhân quyền LHQ

Hội đồng Nhân quyền sẽ phải lấy quyết định xử trí về các vấn đề bị khiếu nại.

3. Diễn tiến việc cứu xét

a. Ở Tổ Công tác về Thông tri (Working Group Communications)

Sau khi nhận đơn khiếu nại và xét thấy nó phù hợp với các tiêu chuẩn nhận đơn, WG-C sẽ chuyển đơn này đến cho quốc gia liên hệ để lấy quan điểm về những cáo buộc ghi trong đơn khiếu nại.

Sau đó WG-C sẽ đánh giá xem những cáo buộc vi phạm nhân quyền có xứng đáng được cứu xét riêng hay không, hay phải hợp hồ sơ khiếu nại này với những hồ sơ khác để nêu lên được tính chất vi phạm thô bạo nhân quyền và quyền tự do căn bản xảy ra theo những dạng mẫu nhất quán và được kiểm nhận là xác thực. Dựa vào đó WG-C sẽ quyết định chuyển hồ sơ này sang cho WG-S, hoặc quyết định giữ nó lại để tiếp tục theo dõi thêm hay loại bỏ nó.

b. Ở Tổ Công tác về tình hình (Working Group Situations)

Dựa trên những thông tin và đề nghị của WG-C, WG-S sẽ trình với Hội đồng Nhân quyền một báo cáo về những vụ vi phạm thô bạo nhân quyền và quyền tự do căn bản xảy ra theo những dạng mẫu nhất quán và được kiểm nhận là xác thực. WG-S cũng có thể quyết định giữ hồ sơ lại để tiếp tục theo dõi.

c. Ở Hội đồng Nhân quyền LHQ

Hồi đồng Nhân quyền sẽ họp và đưa ra quyết định cuối cùng về hồ sơ khiếu nại.

4. Những quyết định của Hội đồng Nhân quyền LHQ

Hội đồng Nhân quyền có thể chọn lựa một trong những quyết định sau đây:

- Đình chỉ việc cứu xét đối với một trường hợp;

- Tiếp tục theo dõi tình hình và yêu cầu quốc gia liên hệ cung cấp thêm thông tin;

- Tiếp tục theo dõi tình hình và chỉ định một chuyên viên độc lập đứng ra giám sát tình hình và làm báo cáo;

- Tiếp tục cứu xét sự vụ một cách công khai;

- Đề nghị Văn phòng cao uỷ nhân quyền LHQ (Office of the High Commissioner for Human Rights, [OHCHR]) cung cấp các hỗ trợ về chuyên môn (technical support).

5. Tiêu chuẩn nhận đơn

Mỗi đơn gửi vào Thủ tục khiếu nại phải hội đủ một số các tiêu chuẩn nhận đơn. Một đơn khiếu nại liên quan đến một vụ vi phạm nhân quyền và quyền tự do căn bản sẽ được nhận, ngoại trừ trường hợp:

- Nó mang động cơ chính trị hiển nhiên và mục đích của nó không phù hợp với Hiến chương LHQ, Bản Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế và các công ước nhân quyền đã được áp dụng; hay

- Nó không chứa đựng sự mô tả thực tế về những lời cáo buộc được nêu ra và những nhân quyền được cho rằng bị vi phạm; hay

- Nó dùng lời lẽ lăng mạ. Đơn khiếu nại vẫn có thể được cứu xét nếu, sau khi loại bỏ lời lẽ lăng mạ, nó đáp ứng được các tiêu chuẩn nhận đơn khác; hay

- Nó không được gửi tới bởi một người hay một nhóm người tự nhận là nạn nhân của những vụ vi phạm nhân quyền và quyền tự do căn bản, hay bởi bất cứ một người hay nhóm người, kể cả những tổ chức phi chính phủ, hoạt động vì thiện ý theo những nguyên tắc về nhân quyền, không đeo đuổi những quan điểm chính trị trái với qui định của Hiến chương LHQ và cho rằng họ có hiểu biết trực tiếp và đáng tin cậy về những vi phạm này; hay

- Nó chỉ dựa trên những bài tường thuật đã được phổ biến trên phương tiện truyền thông đại chúng; hay

- Nó có trình bày về những vụ vi phạm thô bạo xảy ra theo những dạng mẫu nhất quán và được kiểm nhận là xác thực nhưng những vụ này đã hay đang được cứu xét bởi một Thủ tục khiếu nại khác của LHQ hoặc của một tổ chức khu vực có thẩm quyền về lãnh vực nhân quyền (thí dụ như Thủ tục đặc biệt (Special Procedure) của Hội đồng Nhân quyền, Thủ tục khiếu nại tại định chế của một công ước, các Thủ tục khiếu nại khác của LHQ hoặc của các tổ chức khu vực có thẩm quyền về lãnh vực nhân quyền); hay

- Các phương cách đòi bồi thường tại quốc nội đã chưa được tận dụng hết, ngoại trừ trừ trường hợp người ta tin rằng những phương cách này có thể không hiệu quả hoặc có thể kéo dài không hợp lý.

6. Việc thông tin cho người gửi đơn

Theo Thủ tục 1503 thời trước, người gửi đơn đã chỉ nhận được giấy báo đã nhận đơn. Sau đó người đó sẽ không còn nhận được thông tin gì nữa. Theo Thủ tục khiếu nại (mới) của Hội đồng Nhân quyền LHQ, người gửi đơn khiếu nại sẽ được thông báo về diễn tiến của việc xét đơn, nghĩa là khi nào đơn đã được vào sổ, đơn có được chấp nhận để cứu xét không, khi nào đơn sẽ được đưa ra cứu xét, đơn có bị hoãn cứu xét không và khi nào đơn sẽ được đưa ra cứu xét chung cuộc.

7. Địa chỉ gửi đơn:

Human Rights Council and Treaties Division

Complaint Procedure

OHCHR-UNOG

1211 Geneva 10, Switzerland

Fax: (41 22) 917 90 11

E-mail:

CP@ohchr.org

8. Tài liệu tham khảo

a. Human Rights Council Complaint Procedure, http://www2.ohchr.org/english/bodies/chr/complaints.htm

b. HRC Complaint Procedure - Discussion Paper, http://en.heidi-barathieu-brun.ch/wp-archive/456

c. Complaint Procedure, http://www.ishr.ch/index.php?option=com_content&task=view&id=42&Itemid=64

d. A new chapter for human rights - A handbook on issues of transition from the Commission on Human Rights to the Human Rights Council, Friedrich Ebert Stiftung and International Service for Human Rights, June 2006

Nguồn: http://vidan.org/thongtin-thamkhao/42-suutam/807-807

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn