Trông người mà ngẫm đến ta

TS Nguyễn Minh Hòa

Những tiết học và chương trình giáo dục thế này cần phải "phủ sóng" với tần suất cao hơn.

 

SGTT.VN - Cuối tháng 6 vừa qua, tôi được mời tham dự hội thảo với chủ đề “Củng cố và phát triển mạng lưới đô thị Đông Nam Á” với sự tham gia của các nhà khoa học và các nhà quản lý đại diện cho tất cả các thành phố lớn của ASEAN.

Sau phần khai mạc, một chuyện bất ngờ đã xảy ngoài chương trình nghị sự. Đó là khi GS Tereso Tullaos, một nhà khoa học nổi tiếng của Philippines, lên diễn đàn đọc thư của một số nhà trí thức và người dân Việt Nam gửi Tổng thống Philippines và đại sứ Philippines tại Việt Nam phản đối Trung Quốc lấn chiếm bãi cạn Scarborough và bày tỏ tình cảm ủng hộ Chính phủ Philippines [do trang Bauxite Việt Nam khởi xướng, xin xem ở đây boxitvn.netBVN]. GS Tullaos vừa đọc thư vừa rơi nước mắt. Ngoài việc nhờ tôi chuyển lời cám ơn vì bức thư, ông đã lớn tiếng đặt câu hỏi tại sao khi Philippines gặp nguy khốn chỉ có Việt Nam và Philippines bày tỏ thái độ kiên quyết phản đối đường chín khúc, trong khi các nước khác trong khối ASEAN giữ thái độ yên lặng hoặc trung lập. Câu hỏi của GS Tullaos làm cho không khí hội thảo chùng xuống và có phần nặng nề, làm cho nhiều người ngượng ngùng nhìn xuống đất, nhưng nó đã phản ánh một thực tế, ASEAN chưa phải là một cộng đồng mạnh, thống nhất cao. Một số nước không có biển cho rằng đó không phải là việc của họ, một số khác vì lợi ích kinh tế nên đã không bày tỏ thái độ, một số khác nữa lừng khừng vì thiếu thông tin, trong khi làn sóng tuyên truyền của Trung Quốc quá mạnh mẽ.

Người dân yêu đất nước, người dân phẫn nộ trước sự lộng hành, lộng ngôn của Trung Quốc, nhưng tình cảm máu thịt đó không thể chỉ xuất phát từ trái tim mà cần phải được nuôi dưỡng bằng sự thật chân lý, bằng kiến thức và sự hiểu biết.

Trong vài tháng gần đây, nếu ai đến Trung Quốc hay có điều kiện xem báo chí, các chương trình trên truyền hình, radio của Trung Quốc phát đi bằng nhiều thứ tiếng khác nhau mới thấy Trung Quốc đang huy động có chủ đích toàn bộ sức mạnh của bộ máy truyền thông đại chúng với tần số, tần suất rất cao, dày đặc, phủ sóng rộng khắp để tuyên truyền về chủ quyền biển đảo của Trung Quốc. Thậm chí, nội dung này được mang vào cả trong các diễn đàn quốc tế, trong chương trình giảng dạy cho học sinh, sinh viên. Các học giả nổi tiếng của Trung Quốc hàng đêm lên truyền hình tung ra các luận điệu, trưng ra các bằng chứng lịch sử (văn bản, bản đồ, đồ cổ, hình ảnh) để nói rằng Biển Đông là của họ, đường chín khúc là phải đạo. Họ đã đạt được mục đích. Bằng chứng là hầu hết người Trung Quốc lục địa và người Trung Quốc hải ngoại đều hiểu rằng những gì Việt Nam, Philippines đang làm là không “phải đạo”, là “phi nghĩa” và chuẩn bị gây hấn với Trung Quốc. Hơn nữa, Việt Nam và Philippines còn đang mở cửa mời Mỹ quay trở lại châu Á để chà đạp lên các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống. Nhà cầm quyền Trung Quốc thành công trong chiến dịch tuyên truyền không chỉ với người bình dân mà cả với giới trí thức và phần nào thành công trên trường quốc tế. Cách đây mấy ngày, tôi báo cáo chuyên đề khoa học cho tám nghiên cứu sinh của Mỹ đến từ Trường đại học California và nhận thấy họ hiểu quá sai lệch về những gì đang diễn ra ở khu vực Biển Đông.

Có một thực tế không phủ nhận được là truyền thông về vấn đề Biển Đông của ta rất yếu ớt. Rõ ràng chúng ta có chính nghĩa, có rất nhiều bằng chứng về lịch sử, địa lý, dân số và pháp lý về Hoàng Sa, Trường Sa nhưng thử hỏi bao nhiêu người dân được nghe, được thấy nó trên báo chí và đặc biệt là trên truyền hình. Người dân yêu đất nước, người dân phẫn nộ trước sự lộng hành, lộng ngôn của Trung Quốc, nhưng tình cảm máu thịt đó không thể chỉ xuất phát từ trái tim mà cần phải được nuôi dưỡng bằng sự thật chân lý, bằng kiến thức và sự hiểu biết. Ngay cả các trí thức Việt Nam nếu không được trang bị những kiến thức như thế rất khó nói trong các hội nghị, hội thảo quốc tế. Thật tiếc là những thông tin tối cần thiết như thế lại không được trình bày ngọn ngành hàng đêm trên truyền hình quốc gia (không phải như là một điểm tin hay một thông báo ngắn gọn). Lẽ nào vì thời gian phát sóng một giờ quá đắt, lẽ nào các nhà khoa học của chúng ta không tự tin và không đủ kiến thức?...

Bối cảnh quốc tế hiện nay cho thấy, đã đến lúc và không thể muộn hơn phải đẩy mạnh chiến lược truyền thông quốc gia và quốc tế một cách bài bản để toàn thế giới biết sự thật, từ đó tìm được sự quan tâm ủng hộ của những người có lương tri. Song song đó là việc giao nhiệm vụ cho các trường đại học, các học giả, các bộ ngành có trách nhiệm mang những thông tin này chuyển ra thế giới qua các kênh thông tin khác nhau. Và hơn hết, cần công bố cho toàn dân biết một cách tường tận và khoa học về Biển Đông. Đó chính là cách nuôi dưỡng tình yêu tổ quốc một cách có lý trí, chứ không đơn thuần chỉ xuất phát từ tình cảm.

N.M.H.

Nguồn: sgtt.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn