Tôi đi dự “Ngày Nhân quyền cho Việt Nam”

Sơn Tùng

Ngày 11.5.2017 tôi đi dự “Ngày Nhân quyền cho Việt Nam” năm thứ 23. Cũng như 22 năm trước, ít năm nào tôi vắng mặt, buổi sáng làm lễ tại một căn phòng ở Quốc hội Hoa Kỳ, buổi tối dự tiệc tại Nhà hàng China Garden.

Ngày 11 tháng 5 năm nay, trời mưa suốt ngày, gió lạnh và ẩm ướt. Dù biết năm nào ban tổ chức cũng không để bà con tham dự đem bụng đói vào phòng họp và “chịu trận” hơn ba tiếng đồng hồ, tôi cũng thức dậy sớm kiếm cái gì lót dạ rồi mới lên đường. Đón vài người bạn đồng hành rồi trực chỉ Khu Eden, nơi có xe bus do ban tổ chức thuê để đưa bà con tới Quốc hội Hoa Kỳ.

Trời mưa gió, lại nhằm giờ đi làm đông xe, kẹt xe, phải trổ tài luồn lách mới tới được nơi xe bus đậu trễ giờ khởi hành (9 giờ sáng) vài phút! Vậy mà trên xe cũng không còn mấy ghế trống. Thế mới biết bà con tinh thần cao. Có những người quen vì mỗi năm đều gặp nhau vào ngày này, nhưng cũng có vài khuôn mặt lạ đến từ Canada, Úc, Houston, California… Đáng chú ‎ý nhất là những tà áo dài màu vàng ba sọc đỏ thân thương.

Cũng may, vì lý do thời tiết xấu, ban tổ chức quyết định hoãn giờ khởi hành lại nửa giờ để chờ những người tới trễ... ngoài ý muốn. Nói “ban tổ chức”, thật ra, cụ thể, bằng xương bằng thịt, chính là ông Chủ tịch Cộng đồng Đinh Hùng Cường, ông Phó Chủ tịch Bùi Mạnh Hùng và ông Hoàng Đức Long. Ba ông quyền cao chức trọng trong Cộng đồng ta đã đích thân đóng vai... lơ xe và hướng dẫn bà con để mọi người tới nơi tới chốn an toàn.

Theo chương trình, buổi lễ sẽ khai mạc đúng 10 giờ 30 sáng tại Phòng SVC 212-10, Visitor Center, US Capitol. Xe bus không thể tới gần nơi đây, phải ngừng khá xa để bà con xuống xe, lội bộ trong cơn mưa sụt sùi, tội cho mấy ông không mặc áo mưa, hay không có dù, và mấy bà mang giày cao gót. Đặc biệt là ông Bùi Mạnh Hùng, không mặc áo mưa mà cũng không che dù, ướt như chuột lột, vẫn cứ chạy ngược chạy xuôi để hướng dẫn bà con, vì dù gặp ngày mưa gió nơi đây lúc nào cũng đông nghẹt du khách đến từ 50 tiểu bang Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ. Quốc hội xứ này đúng là “ngôi nhà của nhân dân”.

Cảnh sát, nhân viên an ninh làm việc khá vất vả để giữ trật tự và giúp mọi việc trôi chảy. Vào được tới bên trong lại phải qua một màn kiểm soát an ninh y hệt như ở phi trường trước khi lên máy bay. Lột hết, có ông lột cái đồng hồ rồi bỏ quên khiến nhân viên an ninh phải chạy đi tìm khổ chủ để trả lại.

Qua hàng rào an ninh, lại phải trình bằng lái xe để kiểm tra và được cấp một bảng đeo ngực tạm. Vào được bên trong, có người của ban tổ chức đứng chờ sẵn để hướng dẫn bà con tới phòng họp. Một căn phòng uy nghi không lớn lắm, có khoảng hơn 100 ghế. Trên vách tường trước mặt có treo một biểu ngữ lớn: “MAY 11, VIET NAM HUMAN RIGHTS DAY”.

Hầu hết các hàng ghế đều đã có người ngồi. Nhiều người đứng ở cuối phòng và hai bên vách tường. Ngoài người Việt (Mỹ gốc Việt), nhận thấy có phái đoàn Tây Tạng (lưu vong), Nội Mông, Trung Hoa, Lào…, những nạn nhân của Tàu Đỏ, và những quan khách không thể thiếu: vài dân biểu, nghị sĩ, và viên chức Bộ Ngoại giao Mỹ.

Buổi lễ khai mạc đúng giờ. Sau phần nghi thức chào cờ, mặc niệm, các diễn giả lần lượt lên phát biểu. Họ nói về ‎ý nghĩa của “Ngày Nhân quyền cho Việt Nam”, về tình trạng vi phạm nhân nhân quyền tại Việt Nam, về những chính sách đàn áp nhân quyền của nhà cầm quyền cộng sản tại Bắc Kinh, về tình trạng những người tranh đấu đòi tự do, nhân quyền tại Việt Nam, về những gì Quốc hội hay Bộ Ngoại giao Mỹ đã và đang làm để cải thiện tình trạng (không có) nhân quyền tại Việt Nam, vân vân.

Ai nói cũng hay, và cũng đúng, nhưng... không có gì mới lạ. Vì từ 23 năm nay, từ ngày có bản Quyết nghị S. J. RES. 168 lấy ngày 11.5 làm “Ngày Nhân quyền cho Việt Nam” tại Mỹ, những điều ấy đã được nói đi nói lại, chỉ thay đổi diễn giả, hay có khi cùng một diễn giả.

Hai mươi ba năm đã trôi qua, gần một phần tư thế kỷ, một thế hệ mới đã trưởng thành tại Việt Nam. Không có một “tiến bộ” nào về vấn đề (vi phạm) nhân quyền trên đất nước đã bị những người nhân danh chủ nghĩa cộng sản chiếm đoạt năm 1975. Điều này đã được một diễn giả trong ngày 11.5.2017 xác nhận với câu: “Việt Nam ngày nay đứng hàng thứ hai trên thế giới về số người đang bị cầm tù”.

Vậy thì bản Quyết nghị mang số S.J. RES. 168 nói gì và nhắm mục tiêu gì?

Trong phần mở đầu, bản Quyết nghị viết:

- Xét vì ngày 11.5.1994 là ngày ghi dấu năm thứ tư ngày công bố Bản Tuyên ngôn của Cao trào Nhân bản bất bạo động tại Việt Nam;

- Xét vì Bản Tuyên ngôn, kêu gọi Hà Nội tôn trọng những quyền căn bản của con người, chấp nhận hệ thống đa đảng, và phục hồi quyền của người dân Việt Nam được chọn mô thức chính quyền qua những cuộc bầu cử tự do và công bằng, phản ảnh nguyện vọng của toàn dân Việt Nam;

- Xét vì tác giả của Bản Tuyên ngôn, Bs. Nguyễn Đan Quế và hàng ngàn người Việt Nam vô tội, gồm cả các nhà lãnh đạo tôn giáo, đã bị Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam cầm tù với lý do đã đấu tranh bất bạo động cho tự do và nhân quyền;

- Xét vì các nhà lãnh đạo Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang tìm cách mở rộng liên lạc ngoại giao và giao thương với phần còn lại của thế giới;

- Xét vì Hoa Kỳ, với tư cách lãnh đạo Thế giới Tự do, có một nghĩa vụ đặc biệt để gìn giữ tự do và phát huy sự bảo vệ nhân quyền trên thế giới; và

- Xét vì Quốc hội thúc đẩy Hà Nội trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện tất cả tù chính trị, trong đó có BS. Nguyễn Đan Quế, và phục hồi toàn diện dân quyền và nhân quyền của họ, bảo đảm một sự bảo vệ đồng đều dưới luật pháp cho mọi người Việt Nam, không phân biệt tôn giáo, chủ thuyết chính trị, hay hội đoàn trong quá khứ; phục hồi toàn diện nhân quyền căn bản, như quyền tự do phát biểu, tín ngưỡng, phong trào, và hội đoàn, hủy bỏ hệ thống độc đảng và cho phép hoạt động tất cả mọi tổ chức chính trị, không đe dọa hay quấy nhiễu và công bố một khuôn thức cùng lịch trình cho một cuộc bầu cử tự do và công bằng dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc do đó cho phép dân Việt Nam tự chọn mô thức chính quyền của họ.

Và bản Quyết nghị tuyên bố: “Ngày 11.5.1994 được công nhận là ‘Ngày Nhân quyền cho Việt Nam’ để yểm trợ cho những nỗ lực của Phong trào Nhân quyền bất bạo động tại Việt Nam nhằm dành lại tự do và nhân quyền cho nhân dân Việt Nam, và Tổng thống được yêu cầu ra một bản tuyên bố kêu gọi nhân dân Hoa Kỳ tưởng nhớ ngày ấy với những buổi lễ và những sinh hoạt thích ứng”.

Bản Quyết nghị được Quốc hội thông qua ngày 4.5.1994 và Tổng thống Bill Clinton k‎ý ngày 25.5.1994, trở thành Công luật 103-258.

Quyết nghị này là kết quả của cuộc vận động lâu dài của BS Nguyễn Quốc Quân, anh ông Nguyễn Đan Quế, và một nhóm người trong Tổ chức Yểm trợ Cao trào Nhân bản (thành lập tại Virginia ngày 28.4.1990).

Một năm sau khi Quyết nghị về “Ngày Nhân quyền cho Việt Nam” được thông qua, và do sự can thiệp của Chính phủ Hoa Kỳ, Hà Nội đồng ý thả vài người tù chính trị nổi tiếng, trong đó có BS Nguyễn Đan Quế, nếu họ chịu đi Mỹ. Ông Quế từ chối, trong khi những người khác đồng ý rời Việt Nam sang Mỹ.

Quyết định của BS. Nguyễn Đan Quế được nhiều người ca ngợi vì nó nói lên quyết tâm của người dấn thân tranh đấu vì tự do của toàn dân, bất chấp gian khổ, tù tội. Và, nếu rời khỏi Việt Nam, con đường tranh đấu của ông đã chấm dứt.

Hãy nhìn những “cựu chiến sĩ nhân quyền”, những “nhà dân chủ” bất khuất nổi tiếng khi còn ở Việt Nam, sau khi sang Mỹ, họ đang làm gì, và ở đâu?

Người mới nhất trong số đó là ông Cù Huy Hà Vũ, cũng đã từng được nói tới nhiều, được ca tụng như một chiến sĩ nhân quyền bất khuất, được tiếp đón nồng nhiệt khi đặt chân lên nước Mỹ. “Ngày Nhân quyền cho Việt Nam” năm ngoái, LS. Cù Huy Hà Vũ được mời lên phát biểu. Ông nói rất hùng hồn, đanh thép kết tội CSVN, dù tiếng Anh của ông chưa được nhuần nhuyễn. Mọi người vỗ tay tán thưởng.

“Ngày Nhân quyền cho Việt Nam” năm nay vắng bóng ông Vũ. Không còn ai nhớ tới ông, và cũng không biết ông đang ở đâu, làm gì? Ông đã chịu bao khổ đau, tù tội, cuối cùng ông ra đi, bỏ lại tất cả.

Với sự ra đi của những “nhà dân chủ”, những “chiến sĩ nhân quyền”, CSVN vừa tống xuất được những người chống đối ra khỏi nước, vừa tạo ảo tưởng với quốc tế đã có “tiến bộ” về nhân quyền tại Việt Nam.

Cuộc đấu tranh cho tự do, nhân quyền tại Việt Nam là một cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ. Cuộc chiến đấu ấy không có tiếng súng nhưng cũng đòi hỏi những hy sinh, mất mát không kém.

Năm 1990, khi Bs Nguyễn Đan Quế công bố Bản Tuyên ngôn của Cao trào Nhân bản, tại Việt Nam chỉ có vài “nhà bất đồng chính kiến”, ngày nay trên khắp nước, đâu đâu cũng có người đứng lên chống lại chế độ, đòi thay đổi, đòi tự do. Người dân không còn sợ chế độ đã hiện nguyên hình là một ngụy quyền ác ôn, tàn bạo. Và, ngược lại, ngụy quyền đã bắt đầu sợ dân.

Từ ngày Quốc hội Hoa Kỳ thông qua bản Quyết nghị về “Ngày Nhân quyền cho Việt Nam”, cuộc đấu tranh cho tự do tại Việt Nam đã thay đổi nhiều, cuộc đấu tranh không còn dè dặt và thu hẹp trong hai chữ nhân quyền, “xin cho”. Cuộc chiến đấu ấy đã đi đến chỗ quyết định.

Trở lại buổi lễ “kỷ niệm”, “tưởng nhớ” (commemoration) “Ngày Nhân quyền cho Việt Nam” 2017, tôi nghĩ lan man về quá khứ và về tương lai. Nghĩ đến những người đã ra đi, những người còn ở lại, và những người sẽ đến.

Từ 5 năm nay việc tổ chức “Ngày Nhân quyền cho Việt Nam” hàng năm được chuyển từ “Tổ chức Yểm trợ Cao trào Nhân bản” sang cho Cộng đồng, nhưng đó chỉ là về hình thức. Tại buổi lễ năm nay người ta thấy nhiều khuôn mặt trẻ của AASuccess trong ban tổ chức, tại Quốc hội cũng như tại bữa tiệc tại Nhà hàng Tàu vào buổi tối.

Buổi lễ tại Quốc hội bế mạc khoảng 2 giờ chiều, lên xe bus ra về. Lại nhằm giờ tan sở, kẹt xe. Về đến nhà, vừa đủ thì giờ để sửa soạn tới Nhà hàng.

Gần như năm nào, dạ tiệc cũng được tổ chức tại China Garden, một Nhà hàng Tàu nằm sát bên Washington D.C., ngăn cách với Virginia bởi con sông Potomac.

Thật ra, sau buổi lễ tại Quốc hội, bữa tiệc vào buổi tối chỉ là một cuộc liên hoan, không có gì đáng nói, với những bài phát biểu của những diễn giả không quan trọng, với những giọng hát của các “siêu sao địa phương” (local super star).

Bữa tiệc liên hoan năm nay rất đông người tham dự, nghe nói có một số người muốn mua vé vào giờ chót nhưng không còn chỗ. Ai cũng tươi cười, vui vẻ, hỏi han nhau, chuyện trò, không mấy chú‎ý tới những gì đang diễn ra trên sân khấu, trừ hai lần có “chuyện bất thường”.

Chuyện bất thường thứ nhất đã... bất ngờ với cả BS. Nguyễn Quốc Quân khi ông được trao tặng bảng lưu niệm và tri ân của Ban tổ chức “Ngày Nhân quyền cho Việt Nam” 2017 và của Hội Y sĩ Đông Bắc Hoa Kỳ. BS Nguyễn Quốc Quân có vẻ ngạc nhiên và cảm động. Mọi người cũng ngạc nhiên và cảm động, lắng nghe những lời ông nói. Người ta có cảm tưởng đây là một sự chia tay, hay “trao đuốc” cho người khác.

Chuyện bất thường thứ hai là những lời phát biểu của KS Nguyễn Trọng Đạt, một khuôn mặt trẻ thuộc thế hệ một rưỡi, người sáng lập và lãnh đạo tổ chức AASuccess, một “ngôi sao đang lên” trong sinh hoạt Cộng đồng Vùng Hoa-Thịnh-Đốn” hiện nay. Được biết ông Đạt là người đã nhận ngọn đuốc từ tay ông Quân trao lại. Và những lời phát biểu của ông đã được mọi người lắng nghe từ đầu tới cuối. Trước hết vì ông nói rất lớn và rất mạnh, đã át hết những lời chuyện trò của “quan khách” trong bữa tiệc, và ông ta đã nói đến những điều mà không ai nói. Đó là khoảng cách giữa các thế hệ người Việt hải ngoại, những thách thức để ba thế hệ có thể cùng nhau đi chung một con đường, để có thể làm việc trong 365 ngày chứ không phải chỉ làm ngày hôm nay rồi không làm gì cả trong 364 ngày, cho đến “Ngày Nhân quyền cho Việt Nam” năm sau.

Kỹ sư Đạt sẽ làm được những gì trong 364 ngày, ngoài “Ngày Nhân quyền cho Việt Nam”, sẽ là một thử thách lớn. Nhưng với một người trẻ có khả năng lãnh dạo, có óc tổ chức, có viễn kiến, và dám làm, tôi có một niềm tin và một ước mơ.

Tôi nghĩ đến bao nhiêu người trẻ ở Việt Nam, nam có nữ có, đang dũng cảm đứng lên cho cùng một ước mơ, đến những người khai đường mở lối đã chịu nhiều khổ đau và nhiều hy sinh và không bỏ cuộc, như BS Nguyễn Đan Quế.

Dịp Tết Đinh Dậu vừa qua, tôi nhận được một món quà đầy ý nghĩa của Bà Tâm Vấn, người bạn đời mấy chục năm qua luôn ở bên cạnh BS Quế trong lúc gian nguy. Từ Việt Nam, Bà Tâm Vấn gửi cho tôi cái youtube bản nhạc “Ly rượu mừng” do bà và hai con gái cùng hát. Nhìn những gương mặt tươi sáng tràn đầy hy vọng và nghe những lời hoan ca vẽ lên cảnh đời an bình trên quê hương miền Nam ngày nào, tôi có một ước mơ: Năm sau, ở Mỹ chúng ta sẽ làm lễ “kỷ niệm Ngày Nhân quyền cho Việt Nam” trong lúc Mùa Xuân Dân tộc đã về trên quê hương Việt Nam, cái bóng đen cộng sản trùm phủ trên đời sống mỗi người đã bị xua tan vĩnh viễn.

Chúng ta sẽ cùng nâng ly rượu mừng trong Ngày Nhân quyền cho Việt Nam.

S.T.

__________

1/ Khởi sự thành lập Tổ chức Yểm trợ Cao trào Nhân bản.

Hưởng ứng Lời kêu gọi của Bác sỹ Nguyễn Đan Quế, Đại diện Cao trào Nhân bản công bố ngày 11 tháng 5 năm 1990, kêu gọi đồng bào trong và ngoài nước ủng hộ cuộc đấu tranh bất bạo động do Cao trào Nhân bản khởi xướng đề đòi Tự do Dân chủ Nhân quyền cho Việt Nam.

Sau vài tháng vận động Tổ chức Yểm trợ Cao trào Nhân bản đã chính thức thành lập qua Bản Tuyên ngôn ngày 4 tháng 8 năm 1990.

2/ Ngày Quốc tế cho Cao trào Nhân bản

Với sự cố vấn của Nguyên Bộ trưởng Hải quân Jame Web, Ngày Quốc tế Cao trào Nhân bản được tổ chức ngày 28 tháng 4 năm 1991.

3/ Thành Lập TẬP HỢP VÌ NỀN DÂN CHỦ.

Do nhu cầu từ trong nước, đã đến lúc cần tập hợp lại cùng đấu tranh, Bác Sỹ Nguyễn Đan Quế tuyên bố thành lập tập hợp vì nền dân chủ ngày 13 tháng 11 năm 2000. Bất cứ ai ở đâu, yêu chuộng Dân chủ và ủng hộ chính nghĩa của dân tộc Việt hãy tập hợp lại “Đấu tranh cho một Việt Nam Tự do Dân chủ và Nhân quyền” .

Tổ chức Tập hợp vì Nền Dân chủ tại Hải ngoại đã được thành lập tháng 12, 2000 và đảm nhiệm mọi công tác của Tổ chức Quốc tế Yểm trợ Cao trào Nhân bản.

4/ Ngày Nhân quyền cho Việt Nam

Từ Lời kêu gọi ngày 11 tháng 5, 1990 của Bác sỹ Nguyễn Đan Quế, Đại diện Cao trào Nhân bản. Lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ đồng Quyết nghị. Ngày 11 tháng Năm, 1994 được chọn là “Ngày Nhân quyền Việt Nam” để hỗ trợ cho nỗ lực của Cao trào Nhân bản tại Việt Nam trong công cuộc hoàn thành tự do và nhân quyền cho nhân dân Việt Nam.

Tổng Thống Bill Clinton ký ban hành thành Công luật (Public Law) 103-258 ngày 25 tháng Năm, 1994.

Hàng năm Tổ chức Quốc tế Yểm trợ Cao trào Nhân bản đã tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Nhân quyền cho Việt Nam tại trụ sở Thượng viện Quốc hội Hoa Kỳ với sự bảo trợ của một số Thượng nghị sỹ, Dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ. Tổ chức Tổng Liên đoàn Lao công (AFL-CIO) . . . và đông đảo quan khách cũng như đại diện của các nhóm tranh đấu cho nhân quyền và các Tổ chức Cộng đồng, Hội đoàn, Đoàn thể người Việt hải ngoại của các tiểu bang Hoa Kỳ, Canada, Úc Châu, Pháp đã về tham dự.

Ngày Nhân quyền cho Việt Nam đã thể hiện là ngày chung của người Việt hải ngoại, vì thế ngày 11 tháng 5, 2012, Tổ chức Tập hợp vì Nền Dân chủ đã trao lại việc tổ chức hàng năm Lễ kỷ niệm Ngày Nhân quyền cho Việt Nam cho Cộng đồng Việt Nam với sự phối hợp của ba tổ chức có cùng mục đích đấu tranh và yểm trợ cho công cuộc tranh đấu cho Tự do Dân chủ Nhân quyền trong nước: Mạng lưới Nhân quyền, Tập hợp vì Nền Dân chủ, SBTN.

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn