Dự toán khai thác bauxite của TKV quá rủi ro

Mai Hà (thực hiện)

clip_image001Trái với khẳng định của Tập đoàn Than khoáng sản VN (TKV) rằng các dự án bauxite có hiệu quả kinh tế cao, trả lời PV Thanh Niên hôm qua, không chỉ các nhà khoa học mà ngay người của TKV cũng nhìn nhận có nhiều rủi ro về giá alumin [nhôm oxit].

Dừng dự án Nhân Cơ bây giờ thiệt hại ít nhất

Đó là nhận định của TS Nguyễn Văn Ban (ảnh), nguyên Trưởng ban Nhôm TKV.

Ông Ban nói: Tôi và nhóm các chuyên gia thuộc Hội Liên hiệp Khoa học kỹ thuật (VUSTA) trước đây đã 3 lần có công văn yêu cầu TKV cung cấp các số liệu gốc để tính hiệu quả kinh tế dự án, nhưng TKV không cung cấp chính thức. Còn nếu nhìn bài tính kinh tế dựa trên những số liệu của TKV mà chúng tôi có được, rủi ro dự án rất cao, đặc biệt dự án Nhân Cơ. Tổng mức đầu tư các dự án thay đổi liên tục, phần lớn đều vượt dự toán (dự án Tân Rai tổng mức đầu tư từng thay đổi: 628 triệu USD, báo cáo tại Văn phòng T.Ư Đảng lại tăng lên 714 triệu USD, và khi VUSTA vào xem xét tại chỗ, BQL dự án Tân Rai cung cấp số liệu lại là 800 triệu USD).

clip_image002

Thi công khu vực hồ chứa bùn đỏ ở nhà máy alumin Nhân Cơ - Ảnh: Trần Ngọc Quyền

Như dự án Nhân Cơ, phân tích báo cáo tại thời điểm tháng 2.2009, tỷ suất chiết khấu 9,41% là quá rủi ro. Thời điểm xây dựng dự toán, Ban Nhôm cũng đã báo cáo tới Chủ tịch HĐQT TKV lúc đó (ông Đoàn Văn Kiển - PV), khẳng định rủi ro ở chỗ dự án tính hiệu quả dựa trên mức thuế suất xuất khẩu alumin chỉ 5% (biểu thuế hiện tại là 20%), phí môi trường tạm tính là 15.000 đồng/tấn (quy định hiện tại là 30.000/tấn quặng nguyên khai). Những con số trên cực kỳ yếu, vì chỉ lệch một chút là dự án sập. Chưa kể, bài tính này cũng thiếu rất nhiều chi phí như vận tải (gồm cả phí bao gói, lưu kho, bốc dỡ).

Hiện tại, các dự án đều đã tăng tổng mức đầu tư, với nhiều phát sinh, mà con số cuối cùng chỉ TKV biết. Nhưng chúng ta có thể thấy rõ để giải quyết vấn đề bùn đỏ, phải tăng cường đầu tư vào hồ chứa bùn, làm tăng tổng mức đầu tư, tức dự án sẽ chết.

* Việc đầu tư riêng một đường sắt phục vụ cho khai thác alumin được đánh giá là quá lãng phí. Ý kiến của ông ra sao?

- Không có dự án thì không có đường sắt. Đường này chạy qua những vùng heo hút, không có khu công nghiệp, dân cư đáng kể. Nếu nói để phát triển kinh tế xã hội vùng, người ta có xây đường ấy không? Chưa kể, xây dựng ở đường này, địa hình cực kỳ phức tạp, chi phí đầu tư và vận hành rất tốn kém. TKV cũng không tính vốn đầu tư cho đường sắt vào dự án, mà coi như đó là ngân sách nhà nước.

Tôi đã đi khảo sát với đoàn chuyên gia Pháp về đường sắt (thuộc một công ty nhôm của Pháp đã dự kiến hợp tác với TKV trong dự án Tân Rai), họ cho rằng dự án tốt nhất nên đặt phía biển, dùng đường ống vận chuyển tinh quặng xuống. Khi dự án Tân Rai gặp khó khăn về vốn, có ý định liên doanh với các doanh nghiệp nước ngoài như Mitsui, Marubeni (Nhật), họ cũng đề nghị kéo dự án xuống dưới biển, thay vì làm đường sắt, vừa tốn vừa nguy hiểm.

* Theo phương án kinh tế của dự án Nhân Cơ, dự án chỉ có lãi khi giá bán alumin trên 333 USD/tấn. Điều này có quá rủi ro khi giá alumin luôn biến động, thưa ông?

- Rủi ro giá bán sản phẩm rất lớn, giá alumin khoảng 12,5% - 14% giá nhôm thị trường London. Nhưng đây không phải giá bán ngay, mà là giá bán theo hợp đồng ít nhất 3 tháng và giá này bao giờ cũng thấp hơn nhiều giá giao ngay. Vì thế, mức giá xuất sẽ không được như TKV mong muốn.

Dự án Tân Rai theo hợp đồng EPC tháng 11 này bắt đầu chạy, nhưng chậm vài tháng. Để cung cấp tinh quặng cho nhà máy, phần mỏ và tuyển phải xây dựng xong trước nhà máy alumin về nguyên tắc ít nhất 4 - 5 tháng. Hơn nữa, phải khai thác quặng, để trong kho trung hòa khoảng 12% mới đưa quặng vào sử dụng được. Nhưng như hiện nay, nhà máy alumin dù hoàn thành xong phải chờ khu mỏ này, trong khi mỗi tháng nhà máy không làm việc mất ít nhất 5-7 triệu USD lãi. Cách làm này của TKV rất không chặt chẽ, không hiệu quả.

* Ông nhìn nhận thế nào về kiến nghị dừng khai thác bauxite của nhiều trí thức, nhà khoa học mới đây?

- Bauxite là tài nguyên lớn của chúng ta, nhưng bên cạnh ưu điểm cũng có những nhược điểm rất lớn. Để phát triển đất nước, ta phải tận dụng mọi lợi thế, nhưng điều này không có nghĩa phải làm với bất cứ giá nào. Phải nắm rõ đặc thù bauxite, lựa chọn dự án và các giải pháp đảm bảo nhất về hiệu quả kinh tế cũng như an toàn môi trường. Sự cố Hungary cộng thêm lụt lội lớn ở miền Trung khiến chúng ta càng phải suy nghĩ.

Dự án Nhân Cơ rủi ro kinh tế rất lớn, khả năng sập là chuyện rõ ràng. Dự án này mới chỉ san lại mặt bằng, cộng thêm tính kinh tế thấp nhất, lại sinh ra túi bùn khổng lồ treo lơ lửng trên nóc nhà Tây Nguyên, nên dừng bây giờ thiệt hại sẽ ít nhất. Cần dừng và tính toán chuyển xuống bờ biển là tốt nhất.

Riêng Tân Rai xây gần xong, Chính phủ nên thành lập một hội đồng thẩm định độc lập, với thành phần là các chuyên gia có uy tín, tính toán lại hiệu quả và rủi ro môi trường của dự án. Nếu rủi ro không cao, tiếp tục dự án, nếu rủi ro nhiều thì khắc phục, xử lý, còn nếu rủi ro rất lớn thì dừng hẳn dự án, tháo dỡ các thiết bị máy móc lắp đặt nhà máy gần biển.

* Bản kiến nghị cho rằng 20-30 năm tới mới nên tính tới khai thác bauxite? Ông nhìn nhận điều này thế nào?

- Thời điểm này nên bắt đầu phát triển, nhưng phải chọn dự án và giải pháp đảm bảo hiệu quả kinh tế. Vì alumin chỉ là sản phẩm trung gian ra kim loại là nhôm, nhôm mới đóng góp cho các ngành kinh tế phát triển. Alumin giá không cao, tỷ lệ lãi 10% chỉ được vài chục USD/tấn, nếu làm không khéo vài chục USD này cũng bay hết. Làm ra nhôm, giá trị gia tăng sẽ cao lên, nhưng chúng ta chưa có nhà máy điện phân alumin ra nhôm do thiếu điện.

Dự án Tân Rai theo thiết kế đầu tiên có sản lượng 300.000 tấn alumin và 72.000 tấn nhôm, mô hình này sẽ đảm bảo hiệu quả kinh tế và giá trị gia tăng. Nhưng thời điểm đó, điện kêu thiếu nên phải sửa lại thiết kế, đảo lộn tính kinh tế. Thời điểm đó tôi cũng đề nghị chuyển nhà máy xuống biển, nhưng không ai nghe. 

Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang, Chủ tịch HĐQT TKV: Không thể nói dự án không rủi ro về giá clip_image003

Về nguyên tắc, không ai tính hiệu quả của một dự án đầu tư có tuổi đời hàng chục năm chỉ với một thông số về giá bán duy nhất. Giá bán alumin 335 USD/tấn là giá bán bình quân được tính dựa trên cơ sở phân tích biến động giá 15 năm trở lại đây và dự báo cho 20 năm tiếp, với số liệu từ nhiều nguồn khác nhau (Sàn giao dịch kim loại London LME, Tập đoàn tư vấn và phân tích kinh doanh độc lập CRU, Tạp chí Habor Research & Metal Bulletin, dự báo của các tập đoàn hàng đầu về bauxite nhôm như Alcoa, BHPB, Rio Tinto...).
Tuy nhiên, tôi thừa nhận là không thể nói dự án không có rủi ro nào về giá. Vấn đề là lường trước rủi ro để có biện pháp đối phó. Đối với dự án này cũng như bất cứ dự án nào khác của TKV, trong quá trình vận hành phải làm tốt việc quản trị rủi ro nói chung để giảm thiệt hại đến mức thấp nhất và TKV - với vai trò một tập đoàn lớn kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực - có đủ điều kiện để làm được việc này.
* Thứ trưởng nhìn nhận thế nào về việc nhiều nhà khoa học, nhiều trí thức kiến nghị dừng dự án bauxite?
- Việc nhiều người ký kiến nghị tạm dừng các dự án bauxite-alumin, theo tôi hiểu, xuất phát từ sự lo ngại đối với mức độ an toàn của các dự án này sau khi xảy ra sự cố vỡ bể chứa bùn đỏ ở Hungary và 2 trận lũ lụt lớn ở các tỉnh miền Trung vừa qua. Đây là mối lo ngại hoàn toàn chính đáng và bản thân tôi cũng chia sẻ sự lo ngại đó.
Song tôi cho rằng lo ngại là để đừng chủ quan, để suy nghĩ, tính hết đến các khả năng có thể xảy ra và có phương án phòng ngừa, có giải pháp xử lý, khắc phục ở mức tối đa, như ý kiến của đại biểu QH Nguyễn Đình Xuân là “phải có phương án cho tình huống xấu kể cả nghìn năm một lần”, chứ không phải lo ngại để rồi không dám làm gì.
Vì vậy, mặc dù cả 2 dự án đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, qua nhiều lần rà soát, thẩm định, nhưng ngay sau sự cố Hungary, Bộ Công thương đã chỉ đạo TKV khẩn trương nghiên cứu, đề xuất các giải pháp bổ sung, các phương án xử lý, khắc phục sự cố nhằm hạn chế hậu quả đến mức thấp nhất nếu chẳng may xảy ra mưa lớn, động đất ngoài quy luật, thậm chí kể cả trong trường hợp xảy ra phá hoại.

Thu Trang (thực hiện)

M.H

Nguồn: Baomoi

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn