Nguy cơ lãng phi hàng chục ngàn tỉ đồng: Thư cảnh báo của công ty Sơn Trường gửi Bộ trưởng Đinh La Thăng về dự án cảng Lạch Huyện

Theo giới thiệu của một số nhà khoa học, Công ty TNHH  Sơn Trường, chủ động tìm địa chỉ liên hệ vừa mới chuyển đến cho tôi các thông tin tài liệu liên quan đến đề xuất phương án mới của cảng Lạch Huyện.

Tôi chưa có ý kiến, vì trong quy hoạch chủ yếu là ý tưởng và bước đi (tính khả thi của dự án) cần được minh chứng trên cơ sở nghiên cứu khoa học, tránh võ đoán, nhận xét theo định tính hơn là định lượng. Nhận thấy đề xuất của Công ty TNHH Sơn Trường, trước hết,  cần được phổ biến công khai, rõ ràng để những người quan tâm nắm được đầy đủ thông tin đa chiều, xin chuyển file kèm theo để các anh chị và các bạn tham khảo.

Tô Văn Trường

CÔNG TY TNHH SƠN TRƯỜNG CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

ĐỘC LẬP – TỰ DO – HẠNH PHÚC

SỐ: 30-06/CV-ST Hải Phòng, ngày 30 tháng 6 năm 2012

KÍNH GỬI ÔNG: ĐINH LA THĂNG - BỘ TRƯỞNG BỘ GTVT

(THƯ GỬI LẦN THỨ 7)

Mấy ngày gần đây trên thông tin đại chúng có truyển tải nhiều thông tin trái chiều về cảng Lạch Huyện. Vậy nên chúng tôi quyết định viết lá thư thứ 7 gửi tới Ông, hy vọng cuối cùng để giữa chúng tôi và Bộ GTVT nên có cách đánh giá thật chính xác về vấn đề này.

Chúng tôi rất hiểu vì Ông đã quá bận nên không gặp chúng tôi được (dù chỉ một lần, một chút thời gian ngắn ngủi). Ông cả tin vào hai công ty tư vấn (TEDI và PORTCOAST) cùng với cấp dưới của Ông họ đã báo cáo với Ông nội dung hoàn toàn sai lệch về kết quả hai lần gặp gỡ giữa chúng tôi và Bộ GTVT. Điều này cũng dễ hiểu vì đó là sản phẩm nhiều năm với gói tư vấn có giá trị hàng trăm tỷ đồng họ là người được thụ hưởng. Mặt khác cũng thật khó Bộ GTVT lại tự nhận mình đã sai.

a/ Họ bảo phương án của chúng tôi sẽ đẩy chi phí lên quá cao và giải pháp chắn sóng rất phức tạp. Về việc này các Công ty tư vấn không thể giỏi hơn nhà thầu có nhiều kinh nghiệm như chúng tôi được. Còn nếu không, họ phải có bằng chứng là các con số tính toán hợp lý. Thực tế họ chưa bao giờ nghĩ tới phương án này.

b/ Họ bảo tài liệu chúng tôi đưa lên chưa có tính pháp lý thì điều này họ nói đúng. Vì đã có cơ quan nào cho phép chúng chúng tôi khảo sát và lập hồ sơ đâu mà đòi "tính pháp lý".

c/ Còn cái gọi là "nghiêm túc và bài bản" của QĐ 476 thì tại sao các Công ty tư vấn không trả lời được các bất cập trong 476 mà chúng tôi gửi đến "thừa khùng và thiếu khủng". Dự án được phê duyệt khi chưa có đánh giá tác động môi trường, tính khả thi thấp... còn rất nhiều điều khác nữa. Chúng tôi phải dùng một câu rất chuẩn chính đó là "sự cẩu thả" của những người lập dự án này (mong Ông thứ lỗi cho sự phạm thượng này).

Nhân đây chúng tôi xin nhắc tới 3 dự án Cảng nước sâu mà Bộ GT đang triển khai trong thời gian gần đây:

- Cảng Vân Phong bị ngừng sau 2 năm triển khai gây tổn thất hàng trăm tỷ đồng.

- Cảng Cái Mép và Thị Vải với tổng nguốn vốn ODA hơn 10.000 tỷ đồng đã nhìn thấy thất bại. Rất nhiều nghìn tỷ đồng từ vốn vay ODA đã trôi ra sông ra biển.

Tại sao Bộ GT không nhận ra các thất thoát ghê gớm này mà dừng ngay lại Lạch Huyện? Tại sao Bộ GTVT lại làm mọi giá Cảng Lạch Huyện bằng vốn ODA. Việc này mọi người đều biết cả. Tuy không tiện nói ra (nhưng bên lề dư luận họ nói thật đáng sợ...)

Tìm lời giải cho bài toán cảng nước sâu ở Hải Phòng cực kỳ đơn giản, chỉ cần Bộ GTVT kêu gọi đầu tư trong nước, thì rất nhanh Hải Phòng có một cảng nước sâu hiện đại trong khu vực mà nhà nước không những không phải bỏ ra khoản tiền nào mà ngược lại còn thu được rất nhiều tiền cho ngân sách bằng tiền thuế của việc sinh lợi từ các nhà đầu tư trong nước.

Ngay từ lá thư đầu tiên chúng tôi gửi tới Ông hy vọng rằng Ông là người có tài nên Ông sẽ nhận ra cái nguy hiểm của QĐ 476. Còn giờ đây, không biết chúng tôi có nên hy vọng nữa hay không, nhưng thật lòng chúng tôi rất muốn gặp Ông, có thể Ông không nghe chúng tôi nhưng chúng tôi muốn đánh cược với Ông các nội dung sau:

1/ Dự án Cảng Lạch Huyện theo QĐ 476 sẽ kéo dài tiến độ trên 50% tại các mốc các giai đoạn.

2/ Tổng mức kinh phí sẽ tăng ít nhất 30%.

3/ Dự án sẽ thất bại hoàn toàn và sự lãng phí thật kinh khủng (hàng chục nghìn tỷ đồng).

Chúng tôi sẵn sàng mang những gì chúng tôi có để đánh cược với Ông, chỉ mong Ông một điều tâm huyết nhất của chúng tôi để Bộ GTVT ngừng việc dùng vốn ODA vào thực hiện dự án này. Hiện đất nước chúng ta có quá nhiều công trình giao thông bức xúc và cộng đồng đang rất cần nguồn vốn ODA để thực hiện các dự án khác. Nếu đưa vào Cảng Lạch Huyện là phí phạm nguồn vốn ODA là có lỗi với tương lai đất nước và đắc tội với con cháu. Chúng tôi muốn nói lại lời của nguyên thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Tiến Minh tại buổi tọa đàm ngày 26/6 "... làm gì xin đừng để lại tai tiếng, thận trọng đừng để đau lòng nhân dân" là câu kết cho nội dung bức thư này.

Chúng tôi viết thư này cho Ông vào buổi sáng ngày 30/6 khi mà VTV1 vừa phát bản tin thời sự lúc 9h dựng lên một buổi tọa đàm về Cảng Lạch Huyện không có thật của Tổng hội xây dựng chiều ngày 29/6. Thật không ngờ lại có chuyện lạ như vậy?

Sự thật vừa đơn giản vừa phũ phàng. Nếu cơ quan quản lý và cơ quan thông tin thiếu tôn trọng sự thật thì hậu quả xẩy ra thật khôn lường.

Hy vọng Ông bất chợt có quyết định thiện chí gặp và trao đổi trực tiếp với chúng tôi để tìm tiếng nói chung cho dự án cảng Lạch Huyện.

Trân trọng!

Nơi nhận:

- Như trên;

- Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường;

- Văn phòng, Vụ kế hoạch đầu tư Bộ GTVT;

- Cục Hàng Hải Việt Nam (thay phúc đáp công văn số 1436/CHHVN-KHTC ngày 05/6/2012);

- Ông Dương Trung Quốc - ĐBQH (thay phúc đáp công văn ngày 21/5/2012);

- Ông Trần Du Lịch - ĐBQH (thay phúc đáp công văn ngày ...);

- Tổng công ty TVTK GTVT (TEDI);

- Công ty CP TVTK Cảng - KT biển (PortCoast);

- Lưu VP.

CÔNG TY TNHH SƠN TRƯỜNG

Phụ lục 1:

CẢNG LẠCH HUYỆN - BÀI TOÁN KHÓ TÌM LỜI GIẢI

(Gửi kèm theo thư gửi Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải ngày 02/5/2012)

Trong rất nhiều vấn đề bất cập của cảng Lạch Huyện (theo QĐ 476 ngày 15/3/2011 của Bộ GTVT) có 4 vấn đề quan trọng nhất cần phải được làm rõ:

1. Vấn đề môi trường: Phải nói rằng với khối lượng nạo vét 37 triệu m3 là một khối lượng cực kỳ lớn (40km x 1km x 1m) khi đổ ra biển thì cả một vùng sinh thái rộng lớn (từ Đồ Sơn - Cát Bà - vịnh Hạ Long) bị ô nhiễm là điều ai cũng biết được. Còn nếu bơm đổ vào Cát Hải hoặc phía Nam Đình Vũ tuy mức ô nhiễm có giảm hơn nhưng vẫn là nghiêm trọng. Mặt khác, kinh phí sẽ phát sinh từ 6-8 nghìn tỷ đồng. Nâng tổng mức đầu tư của dự án là trên 30 nghìn trong đó lại là phần vốn từ ngân sách (khoảng 24-26 nghìn tỷ đồng chiếm 86%). Ngoài ra, phương án bơm đầy vào đất liền cũng làm thời gian thực hiện của dự án tăng thêm nhiều tháng.

2. Giải pháp đê chắn sóng quá mong manh: Do đặc điểm toàn luồng 17km phải nạo vét nằm bên đồi cát, hàng năm bị sa bồi nặng, do đó người ta đưa ra giải pháp làm đê chắn sóng có tổng chiều dài (khoảng 10km) với mức kinh phí là 2.800 tỷ đồng. Theo thiết kế đê chắn sóng như trên là quá mỏng manh, hiệu quả chắn sóng thấp bởi vậy khả năng cát và đất bị đẩy vào luồng là rất lớn. Với nguồn kinh phí 6.000 tỷ đồng cho nạo vét là không thể thực hiện được và khối lượng duy tu hàng năm là rất lớn. Vì thế luồng Lạch Huyện tiêu tốn một khoản kinh phí khổng lồ nhưng không có tính bền vững, nếu lượng đất sa bồi hàng năm trên 30% thì dự án sẽ bị phá sản ngay trong quá trình thi công.

3. Bài toán kinh tế “dùng con tôm để câu con tép”: Với mục tiêu 6 triệu tấn trong giai đoạn khởi động tương đương kinh phí trên 30.000 tỷ đồng (25.200 tỷ là không đủ). Sau đó đến năm 2020 này là 30 triệu tấn tương đương với mức kinh phí gần gấp đôi giai đoạn khởi động.

Nếu lấy đơn giá xếp dỡ năm 2011 thì 6 triệu tấn có doanh thu là 580 tỷ đồng . Với những con số nêu trên thì rõ ràng chúng ta đang lấy con tôm để câu con tép. Một bài toán kinh tế thật lạ lùng.

Mặt khác, trong giai đoạn khai thác lượng tàu to không vào hoặc vào ít (khả năng này chiếm đến 70%) thì hiệu quả của Cảng Lạch Huyện sẽ không phát huy tác dụng vì kinh phí nạo vét duy tu hàng năm quá lớn. Khi đó người ta sẽ bỏ ý định nạo vét luồng cho tàu lớn vào và dự án cảng Lạch Huyện sẽ bị phá sản hoàn toàn.

4. Hệ thống cảng Hải Phòng tương lai sẽ ra sao?

Lãnh đạo Bộ GTVT luôn hướng tới cho các doanh nghiệp nước ngoài vào liên danh với Tổng Vinalines làm bến, họ đã không lường hết 2 hậu quả sau đây:

a/ Các doanh nghiệp nước ngoài nhanh chóng thôn tính Vinalines trong một thời gian ngắn. Khi đó coi như phần vốn của nhà nước góp hộ Vinalines sẽ bị mất trắng.

b/ Sau khi đã thôn tính, gạt Vinalines ra ngoài thì sự cạnh tranh với cảng Hải Phòng tất yếu sẽ xảy ra và không lâu hệ thống cảng Hải Phòng sẽ lâm vào tình hình khó khăn, nguy cơ sẽ bị phá sản. Khi đó toàn bộ khối lượng xếp dỡ cảng sẽ rơi vào tay người nước ngoài và con cháu chúng ta cõng trên vai một khoản nợ khổng lồ (hàng chục nghìn tỷ đồng vốn ODA).

Vậy nên, một câu hỏi lớn đặt ra cho lãnh đạo Bộ GTVT: Hà cớ gì mà chúng ta phải làm mọi giá cho cảng Lạch Huyện?

Nếu vì vấn đề an ninh quốc gia, vì an ninh xã hội thì khỏi bàn. Nhưng ở đây hoàn toàn là vấn đề kinh tế đơn thuần không phải bức xúc vì cho đến năm 2020 cảng Hải Phòng chưa dùng hết công suất, cuối cùng chỉ còn một lý do duy nhất là một cảng nước sâu dễ đón nhận những con tàu có tải trọng 100 nghìn tấn.

Nếu vì mục tiêu đó thì quá nhỏ bé chưa đến mức Bộ Giao Thông cần phải can thiệp vào. Vì lúc này có nhiều việc lớn hơn hàng chục, hàng trăm lần đang chờ Bộ Giao Thông phải lo.

Tuy nhiên, Hải Phòng cũng mong muốn có cảng nước sâu và Bộ Giao Thông cũng mong như vậy, thì chúng ta phải chọn cách khác thật thông minh. Vừa ít tiền vừa không ảnh hưởng môi trường, vừa có khả năng phát triển thành một cảng hiện đại. Còn cách làm như QĐ 476 là tự chúng ta chui vào bụi rậm. Có nhiều phương án tốt hơn trong đó phương án đưa cảng Lạch Huyện ra khỏi khu vực nạo vét là khả thi nhất.

Theo phương án này, giai đoạn khởi động cần 4.000 tỷ đồng hoàn toàn là vốn của doanh nghiệp trong nước, nhà nước chưa phải đầu tư bất cứ khoản tiền nào. Năng lực xếp dỡ đạt từ 12-15 triệu/năm và đón nhận những con tàu có tải trọng cao hơn 100 nghìn tấn.

Các giai đoạn tiếp theo hoàn toàn căn cứ vào nhu cầu hàng hóa có thể phát triển không có giới hạn (hàng trăm triệu tấn/năm) để hỗ trợ thành một cảng lớn hiện đại trong khu vực nếu nhà nước có chính sách đầu tư, tùy thuộc vào khả năng tài chính của nhà nước có 2 phương án:

a/ Nhà nước đầu tư hệ thống cọc chắn sóng và đường giao thông kết nối với đất liền (chiều dài 20 km x 27,4m) với tổng kinh phí dự kiến 7.900 tỷ đồng.

b/ Nhà nước chỉ hỗ trợ hệ thống chắn sóng vì đê chắn sóng không chỉ phục vụ riêng cho cảng mà còn hỗ trợ bảo vệ các con đê tuyến trong đảo Cát Hải và một phần ở đảo Cát Bà, ngoài ra nó tạo vùng tránh bão cho các tàu thuyền trong khu vực. Với mức kinh phí 2,800 tỷ (QĐ 476) còn các kinh phí khác do các doanh nghiệp trong nước xin đầu tư theo luật đầu tư.

Theo phương án này Hải Phòng sẽ có cảng nước sâu hiện đại trong tương lai (khoảng 10 năm) mà tránh được các điều bất cập như phần trên tôi đã phân tích. Kèm theo là những ưu việt như tôi đã trình bày.

Rất mong được Bộ GTVT xem xét. Trong trường hợp không có doanh nghiệp tham gia đầu tư Công ty TNHH Sơn Trường xin được lập dự án đầu tư trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Xin trân trọng cảm ơn!

Hải Phòng, ngày 02 tháng 5 năm 2012

CÔNG TY TNHH SƠN TRƯỜNG

Phụ lục 2:

NHỮNG HẠNG MỤC TRONG QĐ 476/QĐ-BGTVT CẦN ĐƯỢC LÀM RÕ KINH PHÍ

(thiếu khùng… thừa khủng…)

1. 02 danh mục thiếu:

a/ Nếu phương án đổ đất vào Nam Đình Vũ và phía sau đê chắn sóng thì phương án làm đê và nạo luồng chưa có. Kinh phí này lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

b/ Khi nạo vét 40 triệu m3 trong vòng 41 tháng sẽ ảnh hưởng đến hàng nghìn ha vùng nuôi. Kinh phí bồi thường mỗi năm với số tiền hàng trăm tỷ với thời gian 4 năm thì số này sẽ là hàng nghìn tỷ đồng.

Thật là thiếu khùng…

2. Và 03 hạng mục thừa:

a/ Bến công vụ không cần thiết vì ngay đó có bến Gót có thể thay thế cho bến công vụ. Nếu sử dụng 217 tỷ đồng cho bến công vụ với kinh phí này tại khu vực Đình Vũ có thể xây dựng được 820 m cầu cảng cho tàu 20 nghìn tấn theo đơn giá hiện nay.

b/ Khu vực hành chính tiêu tốn gần nghìn tỷ là hoàn toàn không cần thiết.

c/ Kinh phí lập kho bãi đáng lẽ phải thấp hơn Đình Vũ nhưng lại cao gấp 10 lần Đình Vũ.

Thật là thừa khủng…

Đây là sự lãng phí vô cùng lớn khoảng 2.000 tỷ đồng (đến khi con cháu chúng ta trả nợ sẽ là 20.000 tỷ đồng). Đề nghị cơ quan chức năng yêu cầu đơn vị tư vấn làm rõ những vấn đề này.

CÔNG TY TNHH SƠN TRƯỜNG

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn